Từ Manila cho tới Singapore, chính quyền nhiều thành phố lớn ở châu Á nhận ra cần phải xây dựng lại theo hướng sạch hơn, xanh hơn, an toàn hơn để đối phó với nguy cơ dịch bệnh hiện tại và trong tương lai.
Philippines khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp trong lúc xảy ra Covid-19. Ảnh: Tân Hoa xã |
Liên Hợp Quốc ước tính, 55% dân số thế giới hiện sống ở thành thị và con số này sẽ tăng lên 68% vào năm 2050. Các nước đang phát triển ở châu Á là điểm nóng về đô thị hóa kéo dài suốt 50 năm qua. Những thành phố quá chật chội, hệ thống giao thông công cộng kém hiệu quả, quá ít mảng xanh… khiến việc phòng, chống Covid-19 rất khó khăn. Song, cũng không ít thành phố xem Covid-19 là dịp để xây dựng lại tốt hơn, bền vững hơn.
Chuộng xe đạp
Janica Solis thực sự ức chế với chuyện đi lại ở thủ đô Manila của Philippines. Để tới được công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục, cô gái 28 tuổi phải trải qua tuyến metro nóng và chật chội. Cô mất nửa giờ đi bộ khi tan sở để tới trạm xe lửa rồi chuyển qua xe buýt mới về tới nhà. Solis mất từ 1,5 giờ tới 2 giờ cho mỗi lần đi làm hay về với quãng đường dài chỉ 7km.
Manila là một trong những thành phố tắc nghẽn giao thông hàng đầu thế giới. Hệ thống giao thông công cộng không hiệu quả nên người dân có xu hướng chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân, dẫn tới tình trạng kẹt xe kéo dài. Khi chính quyền nới lỏng giãn cách xã hội, người dân đổ xô mua xe đạp, có những cửa hàng ở Manila bán được 100 chiếc mỗi ngày.
Chính quyền thủ đô Manila thực hiện việc giãn cách xã hội vì Covid-19, xây dựng các tuyến phố thân thiện với người đi bộ, làn dành cho xe đạp và xe buýt nên người dân sử dụng xe đạp nhiều hơn. Những điều tương tự cũng diễn ra ở nơi khác như Singapore và nhiều thành phố ở Ấn Độ. Guillermo Luz, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Liveable Cities Philippines nhận định, đây là cơ hội tốt để xây dựng lại cơ sở hạ tầng, lập kế hoạch vận hành giao thông một cách khoa học hơn.
Căng thẳng nhà ở
Covid-19 càng làm lộ rõ hơn sự bất bình đẳng về kinh tế ở các đô thị, nhất là nhà ở. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á ở 211 thành phố châu Á - Thái Bình Dương, có tới 93% số người được hỏi cho biết, họ không có khả năng mua nhà. Quá nhiều người phải sống trong các căn hộ chật chội và đông đúc, ở khu ổ chuột. Họ tiếp cận hạn chế với nước và các dịch vụ y tế, vệ sinh. Hàng chục triệu người phải chọn cách sống ở những khu định cư bất hợp pháp bởi đơn giản là giá nhà ở quá đắt đỏ, nhưng đây là khu vực dễ lây lan dịch bệnh nhất.
Nhà nghiên cứu Jordana Ramalho về phát triển đô thị tại Đại học London (Anh) nhận định, chúng ta cần phải nghĩ tới hình thức nhà ở xã hội bền vững vì sức khỏe và an toàn cho người dân. Nhà thiết kế Jeffrey Chan của Đại học Công nghệ và thiết kế Singapore cho rằng, những yếu tố đang được chú trọng là thẩm mỹ và năng lượng sẽ thay đổi bằng yếu tố vệ sinh và sức khỏe. Trước đại dịch, nhiều cư dân thành thị dành phần lớn thời gian trong ngày ở trong các tòa nhà kín hoặc chỉ di chuyển trong môi trường kín và thông gió cơ học giữa các tòa nhà. Trong tương lai, các kiến trúc sư sẽ thiết kế những tòa nhà “lành mạnh hơn”, có khả năng thông gió tốt hơn, ít bề mặt tiếp xúc hơn.
Khu vực xung quanh các khu nhà cũng được xem xét lại. Mọi người bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của không gian xanh. Trước đây, họ thường tới siêu thị để thư giãn, trò chuyện với bạn bè thì nay nghĩ tới những khu vực thiên nhiên. Rất nhiều người dân thành phố trở về nông thôn để tìm không gian mở, giúp thể chất và tinh thần thoát khỏi sự căng thẳng vì Covid-19. Đó là lý do mà kiến trúc sư nghĩ tới mảng xanh nhiều hơn trong thiết kế nhà đô thị, thậm chí là rừng đô thị. Không ít người nghĩ tới trồng trọt ở đô thị để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gia đình. Chính phủ nhiều nước đã hỗ trợ bằng cách gửi hạt giống và hỗ trợ các trang trại đô thị.
ANH THƯ (theo Nikkei Asian Review)