Mấy má con tôi lâu lâu lại nhắc về căn nhà cũ. Nó vẫn bền bỉ neo lại trong thẳm sâu tâm tưởng những người đã gắn một phần đời ở nơi ấy. Một căn nhà nhỏ bé mà hàm chứa cả vùng trời ký ức. Và đôi khi, những kỷ niệm, những cảm giác cũ lại làm tôi nhoi nhói nơi lồng ngực mỗi khi nhớ về.
“Một mai ai chớ bỏ ai. Chỉ thêu nên gấm, sắc mài nên kim”, đó là câu ca dao mà má thường hát ru tôi ngủ trong căn nhà cũ bộn bề mưa nắng. Có những khoảnh khắc sau này tôi vô tình nghe lại lời ru ấy, thể nào cũng bùi ngùi nhớ mông lung về ngôi nhà vách đất trộn rơm, mái ngói thâm trầm. Dẫu thuở đó tôi chưa hiểu ý nghĩa sâu xa câu hát ru ấy, nhưng nó đã âm thầm làm đẹp tâm hồn tôi, nhào nặn những giấc mơ êm ả giữa bốn vách nhà đơn sơ.
Nhà cũ ở cuối con đường ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp, sau lưng là rừng dương liễu xanh ngút ngàn. Giữa mảnh đất ông ngoại để lại cho má, um tùm cây lá, tre trẩy, mùa hè nắng hừng hực cháy đầu, mùa đông lạnh thấu xương. Trước nhà cũ là cây trâm thân to hơn vòng ôm con nít. Đàn kiến vàng cần mẫn bò trên cành nhánh, khéo léo kết lá cây thành nhiều cái tổ.
Một năm hai mùa trái chín, chị em tôi chuyền tay nhau những chùm trâm mọng căng, ngọt lịm. Ăn xong thè lưỡi ra thấy một màu trâm chín tím tím, xanh xanh, mấy chị em ngồi cười ngặt nghẽo. Cây trâm ấy đã đổ vào một đêm bão ngang qua xóm làng. Sáng tỉnh dậy thấy mọi thứ ngổn ngang, xơ xác, tôi đã òa khóc vì thương cây.
Trước cây trâm là đám đất bốn mùa rau trái. Trên nền đất ủ rơm khô, mùa đông má trỉa đậu phộng, mùa xuân má gieo đậu xanh, sau này má còn trồng thêm hoa lay ơn để bán vào những ngày giáp Tết. Vườn của má có giàn khổ qua trái xanh lủng lẳng, hàng mía lóng dài ngọt thanh. Có đám cây dại bên rào, thấp thoáng những bụi cỏ mực ngày nhỏ tôi hay vò chúng để cầm máu.
Ở góc vườn, bụi chuối sứ ra búp hoa đỏ thẫm, đối diện hàng khoai sọ vừa dẻo, vừa bùi, nhưng đào củ lên lại rất ngứa tay. Mảnh đất mà má nâng niu, chăm chút từng ngày, cũng là nơi má gửi gắm bao nỗi thương con. Bắt đầu từ ngày anh hai tôi rời xa má mãi mãi, rồi sau này là nỗi chênh chao nhớ ba đứa con tháng ngày đèn sách nơi phố thị.
Mùa mưa, mái nhà bị dột trên, dột dưới, nước mưa rơi long tong vào mấy cái thau cũ kỹ. Mùa bão, ba má thức trắng đêm lo cho ngôi nhà liêu xiêu, cố trụ lại giữa cơn giông gió tơi bời. Giấc ngủ của tôi cũng ẩm ướt, chập chờn trong tiếng gió thét gào, ngọn đèn dầu le lói thỉnh thoảng lại tắt phụt. Có những ngày, bữa sáng má chỉ có thể nấu cháo đậu, cháo khoai để cả nhà lót dạ. Nhiều lần má lén mấy anh em tôi vào sau buồng ngồi khóc. Má bảo, mấy chị em tôi lớn lên từ những ngày như thế, sau này mới biết quý từng giọt mồ hôi, từng đồng tiền bát gạo.
Rồi nhà mới cũng thành hình, khang trang, vững chãi trên nền đất nhà cũ. Ngoài mấy tấm hình hiếm hoi còn sót lại, có những dấu vết gắn liền với nhà cũ không thể phai mờ. Vết sẹo trên cổ tay chị tôi nhắc về lần chị làm vỡ cái chum đựng nước đặt trước nhà. Cái đòn gánh bóng lẳn, mòn dần theo năm tháng, má đã gánh không biết bao nhiêu gánh củi, gánh lá nặng trĩu chất sau nhà cũ, giờ đứng buồn hiu ở góc nhà mới. Đám đất trồng rau, trồng đậu chỉ còn xanh tươi trong ký ức.
Cánh rừng sau nhà cũng lùi xa dần theo các dự án quy hoạch. Mảnh đất quê như cô gái dậy thì vụt lớn lên, đầy đặn xinh đẹp, trút bỏ lớp áo quê mùa. Nhưng tôi biết, những niềm thương, những buồn vui dâu bể, cả những nỗi đau đã xa, vẫn vẹn nguyên khi tôi nhìn vào mắt má.
Và đôi khi, tôi thấy mình mắc nợ những giọt nước mắt của má…
Có lẽ mỗi người trong gia đình tôi đều giữ cho riêng mình những mảng màu ký ức, họa nên dáng hình căn nhà cũ. Duy chỉ có anh hai, người sinh ra ở nhà cũ, rồi rời xa cuộc sống này cũng ở nhà cũ, ký ức của anh vĩnh viễn không bị pha trộn bởi những đổi khác sau này.
Tôi lên ngọn đồi sau nhà cũ, ngồi trong chiều gió hoang vu thổi ngang trảng cát trắng, nghe lá xanh reo du dương khúc ca. Anh hai giờ ở nơi nao, anh có nghe tiếng em thầm gọi?
TRẦN VĂN THIÊN