Đà Nẵng cuối tuần
Chiều mưa bên mẹ
Chiều nay, mưa bất chợt về trên xóm nhỏ. Mẹ đội cái nón, hớt hải chạy ra sau vườn ôm củi khô vào nhà, che lại vách chái bếp. Bao nhiêu năm rồi, mẹ vẫn lặng lẽ với những cơn mưa về vội vã.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Hồi nhỏ, mỗi lần trời mưa, bạn thường nhảy cẫng lên, canh sơ hở của mẹ mà chạy ùa vào cơn mưa, tắm mát. Mẹ sợ bạn cảm lạnh nhưng rồi cũng để mặc bạn tắm mưa cùng đám trẻ con trong xóm. Một chiều, nhìn dáng mẹ gầy hao đội mưa tất tả, bạn cùng mẹ chạy đua với mưa, gom nhặt bằng được đám củi khô, mớ lá dừa nhóm lửa, với mẹt cá khô còn phảng phất mùi thum thủm. Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, để rồi giờ đây, cứ nhìn mưa thì bạn lại nhớ thời tuổi thơ trong lành và ngọt ngào đến thế!
Khoảng sân trước nhà lầy lội bước chân qua, mẹ vẫn tất bật, lúc bấu chân lấy ván lót đường, lúc đóng lại cây đinh ở mặt cầu mục ruỗng. Bạn thường dầm mưa theo mẹ qua những con đường như thế. Nhưng tuyệt nhiên mẹ chẳng bao giờ để bạn đụng tay vào bất cứ thứ gì. Bạn nhớ có lần vào một ngày mưa như trút nước, mẹ cõng bạn đi về, chẳng may trượt chân ngã nhào. Điều đầu tiên mẹ quan tâm chính là bạn. Lật hết khắp người xem đứa con nhỏ có bị trầy xước ở đâu, vội vàng xin lỗi vì lỡ làm bạn ngã nhưng lúc đó mẹ đâu hay chân mình rớm máu. Bạn òa khóc cùng mưa vì thương mẹ.
Từng bước chân đi khập khiễng mà mẹ vẫn cõng bạn về nhà. Trên đôi vai gầy gò cõng bạn đi qua những ngày mưa lạnh buốt đó, bạn từng vẽ ước mơ, nhìn ngắm những chân trời phía trước. Bỗng một ngày, bạn nhận ra mẹ đã già đi theo thời gian, bàn chân chi chít những vết sẹo chưa kịp liền da. Đôi chân ấy đã băng qua biết bao giông bão của cuộc đời, cùng bạn đi qua những mùa mưa gió.
Bao nhiêu năm rồi mẹ vẫn mang dép cũ. Những đôi dép mòn đế, bong tróc nhưng mẹ không chịu bỏ.
Hồi đó, có lần mẹ bị đám trẻ con cười, vì mang dép không giống ai (hai chiếc dép khác nhau). Bạn định xông vào đánh nhau với đám trẻ. Nhưng mẹ chỉ mỉm cười, kéo bạn vào lòng nhìn từng dòng nắng nhẹ nhàng trôi trên sông. Mẹ nói: “Dép nào cũng được, miễn mang không đau chân là được”. Lần nào mua dép mới, mẹ cũng đều cất vào trong tủ không dám mang. Chỉ có lúc đám tiệc hay bận đi xa, mẹ mới đem ra dùng. Cả đời mẹ lam lũ, chắt chiu, tất cả chỉ để dành cho các con, để bạn được học hành, đi lại giữa lòng thành phố thênh thang mà không chút sình lầy, phèn chua đồng bãi.
Hồi nhỏ, bạn từng náo nức trước buổi đi xa, trước những con đường rộng mở mà quên dáng mẹ tất tả, hao gầy bên sông. Để giờ đây, khi trưởng thành rồi, mỗi lúc rời quê là bước chân bạn nặng trĩu. Bạn mang theo cả nỗi lòng của mẹ và cả những giấc mơ mà mẹ chưa bao giờ chạm đến. Mỗi lần đứng trước một vùng đất mới, bạn đều hình dung đến mẹ. Giá như mẹ cũng được một lần đến đây, ngắm nhìn những con đường thênh thang lộng gió.
Lần đầu tiên đưa mẹ đi chơi xa, mẹ có dịp mang đôi dép cất trong góc tủ từ lâu. Mẹ dè dặt trước quán cơm sang trọng, nghi ngại trước căn phòng đầy đủ tiện nghi hay nhất quyết không chịu mua vé vào cổng tham quan. Tất cả những thứ đó, mẹ đều quy đổi ra thóc. Câu nói “con lo được” đâu có ngăn mẹ lại trước những đong đếm trước sau. Bạn nắm tay mẹ qua đường, len qua vòng xe vội vã. Nét nhà quê như lạc loài giữa phố. Bạn nhìn mẹ cười và nhớ về những ngày xưa bé nhỏ đi trên con đường quê lầy lội.
Sau cơn mưa, thành phố như trong lành hơn. Nhìn mẹ bước lên xe trở về quê, vẫn dáng người nhỏ nhỏ giữa dòng người xuôi ngược. Tự dưng lúc đó, bạn chỉ muốn từ bỏ mọi thứ để được về cùng mẹ. Trở về mái nhà quê chập chờn ngọn khói, được tắm gội dưới cơn mưa quê nhà, được đi trên con đường làng sỏi đá. Chiếc xe đò chầm chậm rời đi, bạn thẫn thờ nhìn theo mãi. Chợt thấy dưới chân mình những đồng ruộng mênh mông…
TRẦN THƯƠNG TÍNH