Đà Nẵng cuối tuần

Truyền thuyết miếu Bà Hỏa

19:51, 30/09/2023 (GMT+7)

Vùng đất Tam Quang hiện có rất nhiều miếu thờ. Trong đó, đặc biệt ở thôn An Tây có một ngôi miếu cổ, người dân trong vùng gọi đó là miếu Bà Hỏa - ngôi miếu gắn liền với cái chết cháy bi thảm của một người phụ nữ nghèo trong một vụ hỏa hoạn ngày xưa...

Miếu Bà Hỏa tạo sự an tâm cho ngư dân Tam Quang mỗi khi ra khơi xa đánh bắt hải sản. Ảnh: A.T
Miếu Bà Hỏa tạo sự an tâm cho ngư dân Tam Quang mỗi khi ra khơi xa đánh bắt hải sản. Ảnh: A.T

Xã Tam Quang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) được thành lập vào thời vua Gia Long, khoảng đầu thế kỷ XIX, gắn liền với công lao của hai vị tiền hiền chung của xã là Cao Tiền hiền và Nguyễn Tiền hiền quê ở Nghệ An, Thanh Hóa theo chúa Nguyễn vào khai canh để sinh cơ lập nghiệp, lập nên làng xã. Trong đó Cao Tiền hiền là người khai khẩn còn Nguyễn Tiền hiền là người khai cơ. Khi đến vùng đất Tam Quang, thấy địa thế đẹp, vừa có biển mênh mông trước mặt, lại có rừng che chở phía sau, đất đai rộng rãi, phì nhiêu, hai vị đã dừng chân tại nơi đây xây dựng cơ nghiệp.

Từ khi làng được lập, người dân Tam Quang sống bằng nghề chài lưới, quanh năm suốt tháng lênh đênh ngoài khơi xa, cho rằng cơm gạo nuôi sống mình là con nước, là ngọn sóng ở ngoài biển. Bà con luôn tin vào một thế giới tâm linh phù hộ cho mình được thuận buồm xuôi gió. Do vậy trước khi ra khơi, họ thường làm lễ cúng thuyền, cúng thần linh, cúng cô bác cầu mong mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều tôm cá. Chính vì vậy, ở vùng đất Tam Quang hiện có nhiều miếu thờ, có thôn có một miếu nhưng cũng có thôn có đến 2 hoặc 3 miếu. Trong đó, đặc biệt ở thôn An Tây có một ngôi miếu cổ, người dân trong vùng gọi đó là miếu Bà Hỏa - ngôi miếu gắn liền với cái chết cháy bi thảm của một người phụ nữ nghèo trong một vụ hỏa hoạn ngày xưa...

Các vị cao niên trong thôn An Tây đều biết rõ về truyền thuyết liên quan đến ngôi miếu này. Chuyện là, ngày trước, trong làng có một người đàn bà nghèo họ Võ, do bệnh tình chuyển nặng đến mức không thể đi lại nên bà phải nằm nguyên một chỗ trên giường. Được dân làng hết sức giúp đỡ, gia đình cố gắng chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình của bà vẫn không thuyên giảm. Do vậy ngày ngày bà phải làm bạn với chiếc giường tre, mọi sinh hoạt, cơm nước đều phải nhờ gia đình, hàng xóm.

Chẳng may, trong một lần do bất cẩn, ngôi nhà tranh tre vách lá của người đàn bà bất hạnh đó bị bốc cháy. Bà không thể tự thân thoát ra ngoài nên bị ngọn lửa thiêu chết đau đớn trong căn nhà của mình. Không những thế, ngọn lửa từ căn nhà còn lan rộng ra những nhà hàng xóm xung quanh và thiêu rụi chúng. Sau đó dân làng một mặt tổ chức ma chay cho bà chu đáo, một mặt sửa sang, dựng lại nhà cửa của những người hàng xóm bị cháy sau đợt hỏa hoạn. Nhưng kỳ lạ thay, vào các năm tiếp theo, các vụ cháy vẫn thường xuyên xảy ra mà không rõ nguyên nhân,người dân hết sức lo lắng, hoang mang và đều liên tưởng đến cái chết cháy bi thảm của người đàn bà họ Võ. Họ cho rằng do chết đột ngột nên mỗi lần tức giận bà lại hiện về gây nên những đám cháy trong làng...

Để hạn chế những vụ cháy không rõ nguyên nhân, dân làng bàn nhau cho mời một ông thầy đồng về làm lễ cầu siêu, cúng bái để đem lại sự bình yên. Sau khi được dân làng kể lại những điều lạ về những đám cháy bất thường, ông thầy đồng đã làm phép gọi linh hồn của người đàn bà bị chết thiêu về và khấn rằng: “Nếu bà linh thiêng thì hãy lấy hòn đá ném ngay trước mặt ta”. Bất đồ, khi ông thầy đồng vừa dứt lời thì một hòn đá không biết từ đâu bay tới rơi ngay trước mặt ông.

Dân làng chứng kiến toàn bộ sự việc diễn ra trước mắt nên hết sức kinh hãi. Họ cho rằng người đàn bà họ Võ quá linh thiêng mới tạo nên một chuyện quá đỗi lạ thường như thế. Mọi người cùng nhau kẻ góp công, người góp của xây dựng một ngôi miếu để làm nơi thờ phụng bà và mong bà không nổi giận phóng hỏa thiêu cháy nhà cửa trong làng nữa. Miếu được xây xong, dân làng chọn ngày lành tháng tốt làm lễ tạ ơn và xin bà được cho dân làng đặt tên là miếu Bà Hỏa. Lạ lùng thay, từ đó hỏa hoạn không còn xảy ra với dân làng như trước và ngư dân cũng yên tâm đánh bắt hải sản, không còn nỗi lo đi biển mà trong đất liền bị cháy nhà...

Như nhiều câu chuyện dân gian khác ở mọi miền đất nước, chuyện miếu Bà Hỏa không rõ hư thực thế nào. Có điều, từ truyền thuyết đó, ngày nay miếu Bà Hỏa ở thôn An Tây, xã Tam Quang vẫn còn tồn tại đến ngày nay và thường được dân làng đến cúng bái mỗi dịp rằm, mồng một, lễ lạt, Tết nhứt. Trong đó, lễ cúng lớn nhất hằng năm ở miếu Bà Hỏa là ngày 10 tháng Ba âm lịch.

AN TRƯỜNG

.