Đà Nẵng cuối tuần

Từ 'Núi Non Nước' đến 'Ngũ Hành Sơn'

19:49, 30/09/2023 (GMT+7)

* Nội tôi bao giờ cũng nói “Núi Non Nước” mỗi khi nhắc đến núi Ngũ Hành Sơn. Xin cho biết, tên gọi Ngũ Hành Sơn có từ bao giờ và do ai đặt? (Trần Ngọc Quang, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Một góc danh thắng Ngũ Hành Sơn nhìn từ ngọn Thủy Sơn. Ảnh: V.T.L
Một góc danh thắng Ngũ Hành Sơn nhìn từ ngọn Thủy Sơn. Ảnh: V.T.L

- Núi Non Nước là tên gọi dân gian từ lâu đời để gọi năm ngọn núi (thực tế có 6 ngọn, Hỏa Sơn có hai ngọn Âm Hỏa Sơn và Dương Hỏa Sơn) ngày nay có tên là Ngũ Hành Sơn, như câu ca xưa: “Ai về Non Nước thì về/ Trước sông sau biển, núi kề một bên”. Nghệ nhân Lê Bền ở Làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước lúc sinh thời từng cho biết rằng, các hòn núi này có tên gọi rất dân dã: hòn phía bắc là núi Chùa, hòn phía đông là núi Mồng Gà, hòn phía tây bắc là núi Đá Chồng, hòn phía tây là núi Đùng và hòn phía nam là núi Ông Chài.

Tên gọi “Núi Non Nước” hay “Hòn Non Nước”, có thể xuất hiện vào cuối thế kỷ XVI và tồn tại đến ngày nay. Trong “Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư” do Đỗ Bá Công Đạo tự Đạo Phủ quê ở Nghệ An lập vào cuối thế kỷ XVII khi vẽ đường đi từ Thăng Long đến Chiêm Thành có ghi “Non Nước Sơn” hoặc “Non Nước Sơn tam đỉnh” bằng chữ Nôm. Hai tiếng “Non Nước” có nghĩa sông nước và núi non, thường dùng để chỉ đất nước, Tổ quốc, nhắc nhở mọi người nhớ đến non sông đất nước: “nước non”, “non nước”, “non non nước nước”, “nước nước non non”...

“Quảng Nam có núi Ngũ Hành/ Có sông chợ Củi, có thành Đồng Dương”. Câu ca cho thấy từ xa xưa Ngũ Hành Sơn đã nức tiếng xa gần với năm ngọn núi đầy huyền thoại. Bài viết “Ngũ Hành Sơn - Vùng đất của những truyền thuyết” đăng trong cuốn “Đà Nẵng - Dấu ấn văn hóa” (NXB Đà Nẵng, 2016) ở các trang 149 - 154, cho biết thêm, vùng đất có cả non lẫn nước này đã trở thành địa danh “Non Nước Sơn” (nằm trên đường đi từ Chiêm Thành đến biên giới Chân Lạp) được ghi trong Giáp Ngọ bình Nam đồ do Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng cho lập vào năm 1594, sau khi ông được vua Lê Thế Tông cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Tên gọi núi Non Nước cũng đã đi vào câu ca xưa: Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa.

Mãi đến năm 1806, tên gọi Ngũ Hành Sơn (thay cho tên dân gian Non Nước) lần đầu xuất hiện trong sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định: “Phía đông bến đò xã Hoàn Ký Đông có núi Ngũ Hành Sơn, năm tòa núi chia làm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ gọi là núi Non Nước”. Nhưng cũng phải đợi đến năm Minh Mạng thứ mười tám (1837), trong lần ngự du thứ ba và cuối cùng của vua Minh Mạng đến Non Nước, theo sách Đại Nam dư địa chí ước biên, nhà vua mới chính thức ghi tên Ngũ Hành Sơn vào bản đồ địa chính của Đại Nam (quốc hiệu nước ta thời Minh Mạng) bằng một sắc chỉ.
Danh xưng “Núi Non nước”, “Hòn Non Nước” đã tồn tại từ 500 năm, trong khi đó danh xưng “Ngũ Hành Sơn” (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) đã tồn tại 200 năm, các danh xưng này hiện vẫn được dùng phổ biến trong nhân dân.

Tuy nhiên, trong các sách hướng dẫn du lịch của nước ngoài và có cả một số sách của Việt Nam và các hướng dẫn viên du lịch Việt Nam hiện giới thiệu thắng cảnh này với khách du lịch bằng danh xưng “Les Montagnes de Marbre” (Những Ngọn núi Cẩm thạch). Thiển nghĩ, khi giới thiệu một danh thắng của Việt Nam, nên dùng hẳn danh xưng Việt Nam; nhất là khi các thắng cảnh đó đã có một bề dày lịch sử và một nội dung hết sức phong phú như Ngũ Hành Sơn - Danh thắng đã được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, nơi mà Unesco vừa công nhận Ma Nhai là di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

 ĐNCT

.