Đà Nẵng cuối tuần

Chợ Đầm Nha Trang

10:16, 24/12/2023 (GMT+7)

* Chợ Đầm Nha Trang có phải mang tên theo cách gọi phụ nữ phương Tây theo tiếng Pháp (bà đầm)? Ngôi chợ này nổi tiếng vì những đặc điểm nào? (Trần Ngọc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Chợ Đầm là chợ trung tâm của thành phố biển Nha Trang, là một công trình kiến trúc đẹp, độc đáo. Đây là chợ lớn nhất, là biểu tượng thương mại của thành phố biển và cũng là điểm tham quan du lịch.

Chợ Đầm không phải xuất phát từ tên gọi bà Đầm theo tiếng Pháp (madame), mặc dù chợ được xây dựng từ năm 1908 dưới thời Pháp thuộc. Từ điển Tiếng Việt giảng “bà đầm” là “Danh từ thông tục để gọi người đàn bà Tây phương. Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt (Trần Tế Xương)”.

Chợ Đầm Nha Trang được xây dựng trên một cái đầm cũ ăn thông ra cửa sông Cái Nha Trang. Ảnh: V.T.L
Chợ Đầm Nha Trang được xây dựng trên một cái đầm cũ ăn thông ra cửa sông Cái Nha Trang. Ảnh: V.T.L

Theo giới thiệu của trang thodianhatrang.vn (Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Du lịch Alpha Travels), sở dĩ có tên chợ Đầm là vì chợ nằm trên một cái đầm cũ ăn thông ra cửa sông Cái Nha Trang dưới chân cầu Hà Ra. Đầm rộng khoảng hơn 7ha, hai bên bờ là nhà ở của nhân dân. Phía cuối đầm, giáp đầu đường Phan Bội Châu bây giờ là một ngôi chợ cũ được xây cất vào khoảng năm 1908, thường gọi là chợ Đầm hay chợ Cửa (chỉ nơi cửa sông).

Dần dà dân cư mỗi lúc một đông, nhà cửa san sát nhau mọc lên khiến cho tình trạng ô nhiễm và chợ bùng phát cảnh nhếch nhác. Năm 1961, Ty Kiến thiết Khánh Hòa lập một dự án đại cương về quy hoạch lại khu vực chợ này, xây một ngôi chợ mới hình tròn thay thế cho chợ cũ. 3 năm sau, Tổng nha Kiến thiết lập một đồ án khác do Kiến trúc sư Lê Quý Phong đề xuất, phần chính của đồ án là xây cất một ngôi chợ tròn có mái xếp và một nhánh hình cánh cung. Chính đồ án này được coi là cốt lõi cho việc xây cất ngôi chợ sau này. Việc chưa đến đâu thì đêm 16-9-1968 xảy ra vụ hỏa hoạn lớn chưa từng có: 126 ngôi nhà bị cháy rụi.

Tình thế cấp bách đã đẩy nhanh việc phải xây dựng lại một ngôi chợ mới. Ngày 12-4-1969, chiếc xáng Bassa của Nha Thủy vận Sài Gòn bắt đầu thổi cát lấp đầm. Sau 6 tháng, đầm đã bị lấp hoàn toàn với khối lượng cát đã thổi là 350.000m3. Tiếp theo là việc tạo móng, dựng nền và xây cất công trình, hàng nghìn cọc bê tông cốt sắt dài 20m đã được đóng xuống qua lớp sình lầy.

Dựa theo đồ án của kiến trúc sư Lê Quý Phong được thiết kế từ hơn 4 năm trước, các kiến trúc sư đã cải tiến và bổ sung thêm một số chi tiết. Ngôi chợ xây dựng theo hình hoa sen có đường kính 66,5m, có một tầng lầu hình vành khăn, lệch tâm. Diện tích cả tầng trệt và tầng lầu rộng tới 5.270m2, có thể cùng lúc chứa được trên 3.000 khách ra vào mua bán. Các tòa nhà của cả hai tầng: tầng 1 và tầng 2 được xây dựng khang trang.

Không phải là di sản văn hóa, cũng chưa bao giờ được xếp hạng di tích lịch sử, nhưng chợ Đầm từ lúc hình thành đã trở thành niềm tự hào của xứ Trầm Hương. Nếu như Hà Nội có chợ Đồng Xuân, Sài Gòn có chợ Bến Thành và Huế có chợ Đông Ba thì Nha Trang có chợ Đầm.

Theo trang nhatrangsensetravel.com (Công ty CP Du lịch Vietsense), chợ Đầm quy tụ những món đặc sản ngon nhất của Nha Trang: Yến sào Khánh Hòa, nem Ninh Hòa, mực ghẹ khô rim, chả cá Nha Trang, bong bóng biển cá Nha Trang, muối chanh ớt… Theo thống kê hằng năm, vào mùa du lịch cao điểm, trung bình mỗi ngày trung tâm thương mại dịch vụ chợ Đầm đón tiếp trên dưới 1.000 lượt du khách tới tham quan mua sắm. Chợ Đầm được khách du lịch bầu chọn là Top 10 điểm đến mua sắm được hài lòng nhất.

ĐNCT

.