Đà Nẵng cuối tuần

ĐÔ THỊ HƯỚNG BIỂN

Quy hoạch tích hợp gắn phát triển du lịch bền vững

16:25, 31/08/2024 (GMT+7)

Quy hoạch và phát triển đô thị hướng biển không còn là vấn đề mới nhưng vẫn luôn mang tính thời sự, nhất là đối với đô thị có đường bờ biển dài khoảng 74km như thành phố Đà Nẵng. Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng khẳng định, thời gian qua, công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng khách sạn, dịch vụ ven biển được triển khai mạnh mẽ, gắn với mục tiêu thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế địa phương.

Quy hoạch hạ tầng, dịch vụ ven biển đã cơ bản định hình, tạo diện mạo hiện đại cho Đà Nẵng.  Ảnh: TUẤN LÊ
Quy hoạch hạ tầng, dịch vụ ven biển đã cơ bản định hình, tạo diện mạo hiện đại cho Đà Nẵng. Ảnh: TUẤN LÊ

* Việc xây dựng quy hoạch tích hợp gắn phát triển du lịch bền vững, cụ thể là quy hoạch và phát triển hạ tầng khách sạn, dịch vụ ven biển tại thành phố Đà Nẵng thời gian qua thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Đà Nẵng có bờ biển dài khoảng 74km, với nhiều bãi tắm, cảnh quan phù hợp để phát triển dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng. Chưa kể, với địa hình có độ dốc cao về phía tây, hạ tầng đô thị từ lâu tập trung phát triển dọc theo bờ biển. Sự hình thành và phát triển đô thị Đà Nẵng phụ thuộc rất lớn vào biển nên yếu tố này luôn được xem xét, cân nhắc cẩn trọng trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị. Thời gian qua, việc quy hoạch và phát triển hạ tầng khách sạn, dịch vụ ven biển được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ, với mục tiêu thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế địa phương. Gắn với đó là công tác sử dụng đất, chuyển đổi đất ở tại các khu vực đô thị hiện trạng, đặc biệt là khu bờ đông thành đất ở kết hợp thương mại, dịch vụ và đất sử dụng hỗn hợp. Điều này cho phép Đà Nẵng hình thành khu vực ven biển sôi động, nơi có thể thu hút mọi người đến làm việc, sinh sống và vui chơi.

Đến nay, thành phố đã định hình hướng phát triển gắn với các đặc trưng hiện có và tăng cường đặc trưng mặt nước (sông, biển) thông qua những không gian công cộng được kết nối. Một số khu vực ven biển tiêu biểu được quy hoạch và phát triển mạnh mẽ với sự tập trung vào hạ tầng khách sạn và dịch vụ, khu nghỉ dưỡng cao cấp, đẳng cấp quốc tế như bãi biển Mỹ Khê, khu vực Ngũ Hành Sơn, khu vực Sơn Trà. Các dịch vụ và hoạt động giải trí ven biển như spa, thể thao nước và các hoạt động ngoài trời được mở rộng, mang đến nhiều lựa chọn cho du khách. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông kết nối các khu du lịch ven biển với khu vực khác trong thành phố được đầu tư nâng cấp và mở rộng. Mới đây nhất, thành phố triển khai xây dựng cảng biển Liên Chiểu, trọng tâm là phát triển cảng Liên Chiểu, cụm logistics và khu đô thị cảng biển, với mục tiêu tăng cường vị thế của Đà Nẵng như một trung tâm logistics quốc tế.

* Trong bối cảnh đó, việc phát triển kinh tế, bảo đảm nhu cầu thụ hưởng của người dân trong khi vẫn bảo tồn cảnh quan và thiên nhiên vùng biển được thực hiện như thế nào?

- Phát triển kinh tế, bảo đảm nhu cầu thụ hưởng của người dân trong khi vẫn bảo tồn cảnh quan và thiên nhiên vùng biển là thách thức không nhỏ. Thực tế, nhiều năm qua, ngành du lịch và dịch vụ ven biển đã đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế địa phương, tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ.

Đà Nẵng đã và đang phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, dịch vụ công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách. Nhìn chung, thành phố khá thành công trong việc quy hoạch và phát triển hạ tầng khách sạn, dịch vụ ven biển, thông qua các phương pháp tiếp cận bền vững và tích hợp. Quy hoạch khu vực ven biển được thực hiện một cách hài hòa, cân nhắc đến yếu tố phát triển bền vững, bao gồm các khu vực bảo tồn, công viên và các không gian xanh để duy trì cảnh quan tự nhiên.

Việc phát triển du lịch và cơ sở hạ tầng không chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế mà còn quan tâm đến nhu cầu, lợi ích của cộng đồng địa phương, gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Đơn cử, các khách sạn và resort ven biển được thiết kế theo quy hoạch với kiến trúc mang phong cách truyền thống phù hợp văn hóa địa phương. Bảo đảm không làm thay đổi quá nhiều cảnh quan hiện trạng, trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử và tôn vinh văn hóa bản địa.

* Để cân bằng giữa lợi ích của người dân và nhu cầu phát triển đô thị ven biển Đà Nẵng thì giải pháp nào là quan trọng nhất, thưa ông?

- Đó là bảo đảm sự tham gia của cộng đồng địa phương trong các quyết định quy hoạch và phát triển. Trên tinh thần đối thoại và hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức bảo vệ môi trường và cộng đồng địa phương để tìm ra các giải pháp phát triển hợp lý và bền vững. Những yếu tố này giúp bảo đảm rằng việc phát triển hạ tầng khách sạn và dịch vụ ven biển tại Đà Nẵng không chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế mà còn cân nhắc đến việc bảo vệ, duy trì cảnh quan tự nhiên, tạo ra một môi trường bền vững, hấp dẫn cho cả du khách và cư dân địa phương.

Thời gian qua, thành phố quan tâm tạo dựng không gian công cộng theo hướng tích hợp công viên, bãi biển và khu vui chơi giải trí, giúp du khách và cư dân có không gian xanh để thư giãn, tận hưởng không khí biển. Thiết kế các lối xuống biển, lối đi bộ với chất liệu bề mặt thân thiện với môi trường như gỗ hoặc đá tự nhiên. Lối đi này được thiết kế có độ dốc nhẹ, không gây cản trở cho việc di chuyển và không làm hỏng cảnh quan tự nhiên. Chưa kể, chính quyền các cấp tích cực trong việc mở lối đi tự nhiên dẫn ra biển và tạo điểm dừng chân, nghỉ ngơi như quầy thông tin, quầy đồ ăn nhẹ, nhà vệ sinh công cộng để phục vụ nhu cầu của du khách.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và cách thực hành phát triển bền vững. Khuyến khích người dân và du khách tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, dọn dẹp bãi biển, giảm thiểu rác thải nhựa và tuân thủ các quy định bảo vệ động thực vật biển. Khuyến khích du lịch sinh thái và du lịch bền vững, nơi du khách có thể tận hưởng cảnh quan và thiên nhiên mà không làm tổn hại đến môi trường. Cùng với đó, ngành du lịch thành phố quản lý số lượng du khách, bảo đảm phát triển du lịch, dịch vụ không vượt quá khả năng chịu đựng của hệ sinh thái địa phương.

KHÁNH HÒA

.