Đà Nẵng cuối tuần
Hỗ trợ bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP
Qua hai mùa hè tình nguyện, sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã hỗ trợ người nông dân huyện Hòa Vang thiết kế gần 20 bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương như bưởi da xanh, rượu cần Phú Túc, chả lụa thảo mộc Peco Food, rượu nếp Ái Lâm hay rượu đông trùng hạ thảo Quỳnh Tâm…
Bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm rượu cần Phú Túc được Đoàn Trường Đại học Kinh tế trao tặng cho hộ gia đình ông Lê Văn Nghĩa. Ảnh: H.L |
Cầm trên tay bộ nhận diện thương hiệu rượu cần Phú Túc gồm logo, tem nhãn, vỏ hộp, card visit, tờ gấp, tờ rơi giới thiệu sản phẩm… do Đoàn Trường Đại học Kinh tế trao tặng, ông Lê Văn Nghĩa, chủ cơ sở rượu cần Phú Túc (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) cho biết hơn 10 năm sản xuất rượu cần nhưng gia đình chưa “để ý nhiều” đến việc thay đổi mẫu mã chum sành lẫn bao bì, tờ rơi giới thiệu sản phẩm. Mỗi năm, cơ sở rượu cần của ông Nghĩa sản xuất khoảng 4.000 ché rượu, cung cấp cho những địa chỉ du lịch trải nghiệm trên địa bàn xã Hòa Phú, Hòa Bắc cũng như bày bán tại các sự kiện văn hóa, du lịch, hội chợ giới thiệu mặt hàng nông sản…
Ông Nghĩa đánh giá, so với mẫu bao bì và hình dáng chum sành lâu nay, bộ nhận diện thương hiệu rượu cần Phú Túc giống “chiếc áo mới”, sang trọng và cuốn hút hơn. Tất cả logo, tem nhãn, vỏ hộp, card visit, tờ gấp, tờ rơi được thiết kế gam màu đỏ kèm những họa tiết đặc trưng của đồng bào Cơ tu. “Với mẫu mã này, tôi tự tin hơn khi đưa sản phẩm đi tham dự các sự kiện quảng bá, giới thiệu đặc sản quê hương Hòa Phú nói riêng và huyện Hòa Vang nói chung”, ông Nghĩa khẳng định.
Tương tự, sau 1 năm sử dụng bộ nhận diện thương hiệu dành cho sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo Quỳnh Tâm, việc kinh doanh của cơ sở Nấm đông trùng hạ thảo Quỳnh Tâm (thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong) khởi sắc hơn. Ông Phan Văn Hùng, chủ cơ sở, cho biết từ khi được sinh viên Khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế hỗ trợ thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, sản phẩm rượu tạo được dấu ấn rõ nét trên thị trường. Sự thay đổi này không những giúp sản phẩm nổi bật hơn mà còn góp phần xây dựng lòng tin của khách hàng. “Trước đây, dù sản phẩm của chúng tôi chất lượng tốt nhưng không có sự khác biệt trong mẫu mã bao bì, nên khách hàng không dễ nhận ra. Khi có bộ nhận diện thương hiệu mới, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm của khách gia tăng, việc buôn bán vì thế cũng ổn định hơn trước”, ông Hùng chia sẻ.
Chương trình hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh huyện Hòa Vang xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm được Đoàn Trường Đại học Kinh tế triển khai từ mùa hè năm 2023. Ths. Chu Mỹ Giang, giảng viên Khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế, người trực tiếp theo dõi hoạt động này cho biết để đưa ra thiết kế phù hợp, đẹp mắt, các tình nguyện viên đã tiếp cận, trao đổi với đại diện hộ dân, cơ sở sản xuất để nắm rõ thông tin, chất lượng sản phẩm. “Chúng tôi làm việc, thảo luận với chủ cơ sở để hiểu rõ hơn nhu cầu và mong muốn của họ. Mỗi thiết kế được điều chỉnh liên tục dựa trên phản hồi từ người dân, nhằm bảo đảm bộ nhận diện không chỉ đẹp mắt mà thực sự phù hợp với đặc điểm và yêu cầu của sản phẩm”, Ths. Chu Mỹ Giang nói.
Hoạt động hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP được Đoàn Trường Đại học Kinh tế tiếp tục triển khai trong những năm tới nhằm giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của cộng đồng nông dân địa phương. Anh Trần Xuân Quỳnh, Bí thư Đoàn Trường Đại học Kinh tế khẳng định những kết quả đạt được từ dự án này không chỉ giúp người nông dân nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm, mà còn minh chứng cho thành công từ chương trình tình nguyện của sinh viên ngành kinh tế theo hướng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương.
HUỲNH LÊ