.
BẢNG C (Ý, Pháp, Hà Lan, Romania)

"Cái duyên tử thần"

.

Họ chẳng hề lạ mặt nhau bởi mới vừa gặp nhau ở vòng loại khu vực nay lại dắt nhau chen vào bảng C, bảng được đánh giá là tử thần. Chính vì thế, để chọn hai đội đi tiếp là một cuộc chiến cực kỳ khó khăn mà ai bị văng ra cũng đều đáng tiếc.

Pháp và Ý có một quá khứ chạm trán nhau rất đáng nhớ. Trên đất Hà Lan năm 2000, Ý để thua tức tưởi Pháp trong trận chung kết mà họ đã nắm chắc phần thắng cho đến phút bù giờ của hai hiệp đấu chính, nhưng cuối cùng đã bị Pháp lội ngược dòng và thắng sau loạt đá luân lưu 11m.

Trong bảng tử thần đầy duyên nợ này, Romania...

6 năm sau đó trên đất Đức, Ý trả lại món nợ bằng chức vô địch World Cup cũng với một trận chung kết đầy kịch tính và cũng thắng sau loạt đá luân lưu 11m. Chưa nguội chuyện Zidane húc vào ngực Materazzi, Pháp và Ý lại nằm chung một bảng B ở vòng đấu loại khu vực cho Euro 2008. Kết thúc vòng đấu loại, cả hai dắt tay nhau vào VCK với thứ tự Ý trước, Pháp theo sau.

Duyên nợ chưa hết, cả hai lại gặp nhau ở bảng tử thần của Euro lần này, bên cạnh “sát thủ” Hà Lan và đội bóng đang lên Romania. Hà Lan và Romania cũng chẳng xa lạ gì bởi cả hai vừa gặp nhau ở vòng đấu loại và cũng giống như Ý và Pháp, họ cùng dắt nhau đi tiếp. Romania đứng đầu bảng còn Hà Lan về nhì.

Nằm ở bảng tử thần, bốn đội bóng đều tỏ ra hết sức thận trọng trong quá trình chuẩn bị, dè dặt với các cầu thủ trẻ và ưu tiên cho sự dày dạn trận mạc. Ở đội tuyển Pháp, ông Domenech dù rất thích Arfa nhưng vì thiếu kinh nghiệm đã gạt ra phút chót để giành suất cho những cựu binh từng chinh chiến hơn 10 năm qua trong màu áo đội tuyển quốc gia như Vieira, Makelele, Henry…

Những cầu thủ trẻ đầy tiềm năng như Benzema hay Narsi khó có cơ hội ra sân cho dù cái giá chuyển nhượng của họ là khá cao. Đơn giản cả hai cầu thủ này là phần để giành cho tương lai. Trước đây người ta hay nói nhiều về sự vắng mặt của Zidane như thể làm hỏng hết lối chơi của đội nhưng Ribery đã âm thầm chứng tỏ tài nghệ của mình đủ sức khỏa lấp vị trí của tiền vệ tài hoa này để lại. Lối đá một tiền đạo của ông Domenech đã nhận không ít lời chỉ trích, trong đó có Trezeguet, tiền đạo đã bị ông gạt ra ngoài. Sự chỉ trích nhắm vào sự hoang phí các tiền đạo đẳng cấp thế giới như Anelka cũng phải ngồi ngoài nhìn một mình Henry vùng vẫy. Sức mạnh của đội tuyển Pháp dồn vào hàng tiền vệ, nhất là ở hai cánh của Ribery và Malouda.

... hay Ý đi tiếp cũng đều xứng đáng.

Trong khi đó, chiếc ghế của Donadoni đã có lúc lung lay dữ dội. Đơn giản là sự khởi đầu chậm chạp của ông lập tức bị đem ra soi xét dưới ánh hào quang của Lippi ở World Cup 2006. Thái độ thinh lặng và kiên định của ông trong việc xây dựng đội hình đã dần dần mang lại hiệu quả một cách vững chắc. Ý thăng tiến không ngừng và giành lấy vị trí số một ở bảng B. Bộ khung của Ý vẫn là những cái tên quen thuộc như đội trưởng Canavaro, Materazzi, Gattuso, Pirlo…

Những nhân tố chính của Donadoni là thủ môn Buffon, người giữ được phong độ cao trong thời gian rất dài và chính Buffon là nền tảng để thực hiện triết lý phòng ngự tới cùng của Ý. Nhân tố thứ hai là tiền đạo vừa giành danh hiệu Vua phá lưới Bundesliga, Luca Toni. Tốc độ và khả năng không chiến là hai điểm mạnh nhất của Toni nên hàng tiền vệ 5 người sẽ thuận lợi trong nhiệm vụ cung cấp bóng, bởi có thể chuyền dài để Toni bắt tốc độ, có thể rót bổng để Toni bật nhảy.

Bóng đá Hà Lan nổi tiếng về sản sinh ra những tiền đạo có chất lượng tuyệt vời. HLV Van Basten đang có trong tay một loạt các tiền đạo giỏi như Persie, Huntelaar, Kuyt, Babel nhưng Nistelrooy vẫn được trọng dụng dù mối quan hệ giữa tiền đạo 32 tuổi này với ông Basten là không êm ấm. Cách đây vài ngày, Nistelrooy cho rằng cả anh và ông Basten có mặt ở đội tuyển Hà Lan là vì màu cờ sắc áo chứ chẳng có tình cảm gì với nhau. Bên cạnh một suất chắc chắn giành cho Nistelrooy, vị trí thủ môn của Van der Sar cũng là bất khả xâm phạm. Thủ môn đã 38 tuổi này chơi còn rất chắc chắn mà điển hình là trận chung kết Champions League vừa qua.

Ông Basten đã tiến hành đổi mới lối chơi khi thay sơ đồ truyền thống 4-3-3 từ thập niên 70 của thế kỷ trước sang 4-2-3-1 nhằm khai thác hết tiềm năng tấn công của lực lượng mình đang có trong tay.

Romania như thể lột xác ở vòng loại. Romania làm mọi người bất ngờ với chiếc vé đầu tiên, trên cả một Hà Lan mang danh đại gia. Đang có phong độ cao nhưng vẫn bị đánh giá thấp nhất bảng tử thần lại là lợi thế cho Romania. Có một chi tiết đáng chú ý là đội tuyển Romania vừa lên tiếng từ chối một mạnh thường quân hứa sẽ thưởng lớn nếu Romania thể hiện được phong độ như ở vòng loại. Thủ quân Chivu nói rằng họ đá vì màu cờ sắc áo chứ không phải vì tiền.

Ở “bảng tử thần” này, các nhà bình luận bóng đá châu Âu nhận định hai tấm vé đi tiếp vào vòng tứ kết sẽ thuộc về Ý và Pháp.

HẠC NGUYỄN

;
.
.
.
.
.