.
BẢNG D (Tây Ban Nha, Hy Lạp, Nga, Thụy Điển)

Ngang cơ nhau

.

Nếu xét về cán cân lực lượng thì bảng D xác đáng được gọi là “tử thần” hơn bảng C. Các đội bóng có trình độ có vẻ ngang tầm nhau nhưng có lẽ họ chưa phải là đại gia của bóng đá châu Âu nên chịu phần lép vế so với bảng C.

Trong sự cân bằng ấy, Tây Ban Nha được đánh giá nhỉnh hơn một chút nhờ…La Liga. Hy Lạp trở lại sau cú ngã đau ở vòng loại World Cup 2006. “Chú gấu” Nga đã được HLV Hiddink đánh thức. Và một Thụy Điển lạnh lùng xưa nay.

Tây Ban Nha được đánh giá nhỉnh nhất trong bảng D.

Ở Hy Lạp, người hâm mộ gọi ông thầy người Đức Otto Rehhagel là “Vua” bởi ông đã làm cả châu Âu bất ngờ với đấu pháp phòng ngự phản công hết sức tích cực để mang về chiếc cúp vô địch Euro 4 năm trước. Dù Hy Lạp không thể đến quê hương của ông để dự World Cup 2 năm trước nhưng lòng tin vào ông vẫn tràn đầy. Áp lực lớn như thế nhưng Vua Otto vẫn giúp Hy Lạp vượt qua vòng loại để đến Áo và Thụy Sỹ trên cương vị nhà vô địch.

Hy Lạp đứng đầu bảng C là nhờ vào chiến thuật 4-3-3 phát huy tác dụng nhưng bước vào cuộc chơi khốc liệt như Euro, Vua Otto đã cẩn thận chuyển về 4-4-2. Dè dặt là thế nhưng Otto nói cứng rằng Hy Lạp sẽ tạo tiếp một cú sét đánh nữa, ý ông muốn nói Hy Lạp sẽ lại vô địch hay ít nhất là nhắc nhở đối thủ thầy trò ông đã trở lại mạnh mẽ. Hy Lạp sẽ chẳng đủ tiềm lực để xông lên chơi đôi công, họ sẽ phòng ngự và rình rập trong sự nôn nóng của đối phương. Niềm tin ông tiếp tục gửi trọn ở những cựu binh như Nikopolidis, Dellas, Kyrgiakos, Samaras…

HLV Luis Aragones nhận ra rằng Raul Gonzalez là mẫu đội trưởng có tầm ảnh hưởng lớn đến toàn đội, nhưng khác hẳn với dáng vẻ tích cực ở Real Madrid, ở đội tuyển quốc gia tầm ảnh hưởng đó làm cho Tây Ban Nha không thể bứt lên được dù đội hình toàn những ngôi sao thượng thặng. Ông quyết định loại Raul từ sau trận thua Ireland hồi năm 2006. Ban đầu, có rất nhiều lời chỉ trích về quyết định này nhưng ông Luis đã chứng tỏ mình đúng khi lối chơi của Tây Ban Nha thanh thoát hơn và vững chãi hơn để giành lấy vị trí số một ở bảng F.

Ở đội tuyển Tây Ban Nha không còn sự đố kỵ lẫn nhau mà thay vào đó là một tinh thần tập thể có sức chiến đấu cao. Những ngôi sao như tiền đạo David Villa, thủ môn Reina đều tuyên bố rất vui vẻ cho vai trò dự bị của mình, chỉ mong sao Tây Ban Nha vô địch là được.

Sức mạnh của Tây Ban Nha trải đều ở cả 3 tuyến. Thủ môn Casillas xứng đáng với băng đội trưởng không chỉ vì “sống lâu lên lão làng” mà phong độ của anh giữ ổn định từ năm này qua năm khác. Phía trước mặt anh là người đồng đội ở Real Madrid Sergio Ramos phối hợp Puyol tạo thành bức tường thành vững chắc. Sức mạnh tấn công không hề dựa vào một cá nhân đơn lẻ nào như thời còn Raul mà hướng triển khai tấn công diễn ra rộng khắp để tận dụng tối đa những phẩm chất tốt của cầu thủ nên nhiệm vụ ghi bàn không chỉ giao cho Villa, Torres mà cả những tiền vệ như Iniesta, Alonso, Fabregas đều đóng góp đều đặn. Tây Ban Nha có một chút nhỉnh hơn các đối thủ còn lại ở trong bảng.

HLV Guss Hiddink rất mát tay trong vai trò thuyền trưởng các đội tuyển quốc gia. Sau thất bại cay đắng của HLV nội địa Semin ở vòng loại World Cup 2006, LĐBĐ nước này đã quyết định mời vị HLV người Hà Lan này về dẫn dắt đội tuyển Nga với mục tiêu góp mặt ở Euro 2008. Cho đến lúc này có thể thấy đó là một quyết định đúng bởi không chỉ đã đạt được mục tiêu đi Áo và Thụy Sỹ mà ông còn truyền đạt phương pháp huấn luyện hiện đại, khả năng sư phạm và ăn nói thuyết phục đã giúp các cầu thủ Nga vào trận với tinh thần chiến đấu rất cao.

Quan sát đội tuyển Nga tập luyện trước thềm Euro, không khó khi nhìn thầy ông Hiddink đặt nặng sức mạnh của đội bóng ở hàng tiền vệ. Tuyến giữa của Nga được bố trí đến với 6 cầu thủ vừa làm nhiệm vụ phòng ngự vừa đảm bảo tham gia hỗ trợ tấn công với số đông để hỗ trợ cho mũi nhọn duy nhất. Mất mát của Nga là trung phong số một Arshavin bị cấm thi đấu hai trận đầu tiên của giải.

Do đó, ông Hiddink chọn Pavel Pogrebnyak là người thay thế nhưng đáng tiếc là trong trận giao hữu gặp Serbia, Pogrebnyak bị chấn thương nặng ở đầu gối trái và khó có cơ hội bình phục. Nhiều khả năng tiền đạo của Zenit này phải về nước để nhường chỗ cho một tiền đạo khác, hoặc là Kerzhakov hoặc là Bulykin. Hai tiền đạo còn lại là Sychev và Pavlyuchenko. Thay đổi lớn nhất của đội tuyển Nga dưới thời của Hiddink là chấp nhận bỏ lối chơi truyền thống phối hợp nhỏ đẹp mắt nhưng không hiệu quả bằng những miếng tấn công biên dựa vào những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Chính vì thế, Nga được ví như chú gấu Nga thức dậy sau kỳ ngủ Đông.

Thụy Điển lạnh lùng trở thành một ẩn số khó chịu ở bảng D. Đối thủ hiểu Thụy Điển nhất ở bảng này là Tây Ban Nha bởi cả hai đã giáp mặt nhau ở vòng loại. Thầy trò ông Lars Lagerback đến với Euro bằng vị trí thứ hai sau Tây Ban Nha. Ông Lagerback dựa nhiều vào kinh nghiệm của các lão tướng như Ljungberg, Wihelmsson, Linderoth, Mellberg, Majstorovic… Thậm chí, thủ môn số một là Isaksson, người mài mòn đũng quần trên băng ghế dự bị ở Manchester City. Nên nhớ HLV của M.City là ông Ekrisson, người Thụy Điển chính gốc nhưng vì Isaksson thể hiện phong độ kém quá nên phải đành ngồi ngoài.

Cầu thủ sáng giá nhất của Thụy Điển, tiền đạo Ibrahimovic, vẫn chưa hồi phục chấn thương nên ngồi ngoài ở những trận giao hữu gần đây. Thụy Điển già nua và mỏng lực lượng sẽ khó khăn trong việc tranh đấu tìm một tấm vé đi tiếp.

HẠC NGUYỄN

;
.
.
.
.
.