.

Các sân vận động tại VCK Euro 2008

.

Ngày 7-6, Vòng chung kết Euro 2008 sẽ chính thức khởi tranh trên 8 sân vận động tại Áo và Thụy Sỹ. Đến lúc này, Ủy ban kiểm tra cơ sở vật chất của UEFA hoàn toàn hài lòng với chất lượng của 8 SVĐ tổ chức các trận đấu, bao gồm: Ernst Happel, Worthersee, EM Stadion Wals Siezenheim, Tivoli Neu (ở Áo) và Stade de Geneve, Letzigrund, Stade de Suisse, St. Jakob Park (ở Thụy Sĩ).

Euro 2008 thực sự sôi động từ khi nó còn chưa bắt đầu. Cả Áo lẫn Thụy Sĩ dự tính trong thời điểm diễn ra Euro sẽ có trên 2 triệu khách du lịch tới xem và có thể mang về cho họ nguồn lợi nhuận lên tới hàng trăm triệu euro. Vì thế, để phục vụ những người hâm mộ không có vé, bên ngoài sân vận động ở tám thành phố của hai nước, như: Basel, Bern, Geneva và Zurich (Thụy Sĩ), Innsbruck, Klagenfurt, Salzburg và Vienna (Áo) ban tổ chức sẽ lắp đặt các màn hình cỡ lớn ở những nơi công cộng, truyền hình trực tiếp các trận đấu.

1. Sân St. Jakob-Park, Basel  


Sân St. Jakob-Park được xây dựng lại năm 2001 với kinh phí 250 triệu euro, thay thế cho sân cũ từng diễn ra trận chung kết World Cup 1954 giữa CHLB Đức và Hungary. St. Jakob-Park là một trong những SVĐ hàng đầu của Thụy Sỹ và đạt tiêu chuẩn "4 sao" theo chuẩn của UEFA. Sức chứa tối đa là 42.500 chỗ. Đây là SVĐ được thiết kế rất đặc biệt, có mái che kiểu cách, có hệ thống thu năng lượng mặt trời cùng những trang thiết bị tối tân khác có thể làm hài lòng cổ động viên và các phóng viên khi tác nghiệp.

St. Jakob-Park cũng chính là nơi diễn ra 3 trận bảng A, trong đó có trận khai mạc giữa chủ nhà Thụy Sỹ và CH Séc ở bảng A, 2 trận tứ kết và 1 trận bán kết tại Euro 2008.

2. Sân Stade de Suisse Wankdorf, Berne


Được dỡ bỏ và xây mới cách đây 7 năm, kinh phí 350 triệu euro, Stade de Suisse hay còn gọi là Wankdorf hiện là sân bóng hiện đại, trẻ trung. Dù sức chứa khá khiêm tốn khoảng trên 30.000 người, nhưng đây là SVĐ lớn thứ 2 tại Thụy Sĩ.

Sân tổ chức 3 trận đấu khuôn khổ bảng C, bảng đấu Tử thần của VCK EURO 2008.

3. Sân Stade de Geneve, Geneve


Giống như các sân bóng khác ở Thụy Sỹ, Stade de Geneve có sức chứa khiêm tốn khoảng 30.000 chỗ ngồi, tọa lạc ở khu La Praille, gần biên giới với Pháp. Stade de Geneve được thiết kế rất hiện đại và khoa học. Các tuyến đường tới Stade de Geneve kết nối trực tiếp với hệ thống tàu điện ngầm và xa lộ của thành phố Geneva, đưa du khách và các CĐV dễ dàng tới sân bóng. Chi phí xây mới 230 triệu euro. Đây là sân tổ chức 3 trận đấu bảng A.

4. Sân Leztigrund Stadion, Zurich


Là sân vận động được xây dựng nhanh nhất của Thụy Sỹ (1 năm) nhằm chuẩn bị cho ngày hội của bóng đá châu Âu. Với chi phí xây dựng lên tới 120 triệu euro, có sức chứa 30.000 người. Sân Leztigrund có 2 màn hình cực lớn với dàn âm thanh hiện đại bậc nhất hiện nay, đem lại cho khán giả trên sân hình ảnh và âm thanh trung thực và sống động nhất. Đây là sân đấu đa năng khi thường xuyên tổ chức các giải điền kinh.

Ba trận đấu còn lại của bảng Tử thần được tổ chức tại đây, trong đó có trận siêu kinh điển Pháp - Ý vào ngày 17-6.

5. Sân Ernst-Happel-Stadion, Vienna


Đây là SVĐ có sức chứa lớn nhất VCK EURO 2008 với 53.000 chỗ ngồi. Được UEFA xếp hàng 5 sao, sân Ernst-Happel-Stadion luôn là địa điểm được đội tuyển Áo lựa chọn để thi đấu mỗi khi đón tiếp các đội bóng khác. Sau khi sửa chữa với kinh phí 37 triệu euro, đây là nơi vinh dự được tổ chức trận chung kết Euro 2008 vào ngày 29-6.
Cũng như sân St. Jakob-Park ở Thụy Sĩ, Ernst-Happel-Stadion tổ chức 3 trận ở bảng B nơi có chủ nhà Áo gặp Croatia, Ba Lan và người láng giềng Đức, 2 trận tứ kết và 1 trận bán kết.

6. Sân Worthersee, Klagenfurt


Sân Worthersee được xây dựng phỏng theo cấu trúc của sân St. Jakob-Park ở Basel, Thụy Sỹ với sức chứa 30.000 người. Khác với các sân bóng khác, sân Worthersee được xây dựng ở khu vực đồng quê Worthersee nhưng kinh phí sửa chữa lên tới 66,5 triệu euro, SVĐ vẫn đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất để phục vụ cho Euro 2008 với một trung tâm mua sắm, khách sạn, khu kinh doanh.

Sân tổ chức 3 trận đấu ở bảng B, và được coi là sân nhà của đội tuyển Đức khi họ gặp Croatia, Ba Lan.

7. Sân Wals-Siezenheim, Salzburg


Sân được đặt tại thành phố Wals-Siezenheim, ngay gần sân bay Salzburg, khánh thành vào tháng 3-2003. Đây là sân nhà của FC Salzburg, một trong những đội bóng lớn nhất của Áo. Đây cũng là SVĐ duy nhất ở Áo sử dụng mặt cỏ nhân tạo.

Sân Wals-Siezenheim còn có khu vui chơi, nhà hàng, sân tập và tiện lợi cho việc di chuyển khi nối trực tiếp với các tuyến đường cao tốc. SVĐ Wals-Siezenheim được coi là đại bản doanh của Hy lạp với 3 trận đấu gặp Thụy Điển, Nga và Tây Ban Nha.

8. Sân Tivoli-Neu


Nằm ngay giữa trung tâm rặng núi Tirol, sân Tivoli-Neu cũng chỉ có 15.000 chỗ ngồi. Sau đó, chính quyền thành phố buộc phải nâng cấp chỗ ngồi lên gấp đôi để phục vụ hàng chục nghìn CĐV sẽ tới đây trong tháng 6 này. Sân Tivoli-Neu cũng có những khu vui chơi như quán bar, khu thể thao. Tivoli-Neu có thể coi là sân vận động đa năng khi có thể phục vụ cho các buổi hòa nhạc và những sự kiện lớn.

KHÁNH LÊ

;
.
.
.
.
.