.

"Expect Emotions" - Đón chờ những cảm xúc!

.

Ngày hội bóng đá châu Âu sắp tưng bừng khai mạc ở Basel (Thụy Sĩ) và 7 sân cỏ khác của đất nước với những nhà băng, các hãng đồng hồ danh tiếng thế giới cùng người láng giềng Áo.

Bốn năm trước, chàng David Hy Lạp bất ngờ xưng Đế ở châu lục, viết nên trang sử mới của môn túc cầu ở xứ sở chuyện thần thoại. Và nay, tất cả đã sẵn sàng cho sự kiện thể thao được đánh giá chỉ đứng sau World Cup và Olympic, để tìm chủ nhân mới của chiếc Cúp châu Âu danh giá.

Thụy Sỹ và Áo đã sẵn sàng cho ngày hội bóng đá của châu Âu.

Trong 3 tuần lễ (từ 7-6 đến 29-6), 14 cái tên xuất sắc nhất sau vòng loại sẽ cùng 2 đội chủ nhà Thụy Sĩ và Áo tranh tài. Sự vắng mặt đáng tiếc của đội tuyển Anh có thể coi là một nét khác biệt của giải đấu. Không có đội bóng “Tam sư”, thiếu vắng những ngôi sao xứ sở sương mù vốn được cả thế giới và người hâm mộ Việt Nam ái mộ hàng tuần, vì thế cũng không có đội ngũ vợ và bạn gái các cầu thủ (WAGs), nhưng VCK Euro 2008 vẫn hứa hẹn đầy hấp dẫn cho dù trái bóng EUROPASS vẫn đang chờ tiếng còi khai cuộc. Băng rôn với dòng chữ "Expect Emotions” - Đón chờ những cảm xúc, khẩu hiệu chính thức của Euro 2008 đã trải dài trên các tuyến phố ở Thụy Sĩ và Áo.

Không hấp dẫn sao được khi ngay từ vòng bảng, giải đã có những cuộc đụng độ nảy lửa không khoan nhượng giữa các tên tuổi hoành tráng. Khá lâu rồi, EURO mới có một bảng “tử thần” khốc liệt như vậy khi Pháp, Ý, Hà Lan và Romania hội tụ ở bảng C. Mối duyên nợ giữa Pháp và Ý khi họ chạm trán ở trận chung kết World Cup 2006, nay tiếp tục rơi vào cùng bảng đấu ở EURO năm nay. Hà Lan và Romania cũng hữu duyên chung bảng trên đường đến Áo và Thụy Sĩ. Cái tên “Cơn lốc màu Da Cam” lừng lẫy hơn nhưng điều thú vị là chính Romania còn đứng trên Hà Lan ở vòng loại.

Các bảng đấu khác cũng nảy lửa không kém. Được coi là dễ chịu nhất như bảng B với Đức, Croatia, Ba Lan và Áo lại ẩn chứa sự căng thẳng về lịch sử giữa các cái tên nhiều ân oán với nhau này.

Độ tuyển Bồ Đào Nha.

Hai bảng còn lại, các đội không quá nặng nợ song lại được đánh giá là có trình độ tương đương nhau, rất khó nhận định ai phải ra đi, ai giành quyền đi tiếp. Ở bảng A, Thụy Sĩ bị đánh giá yếu nhất so với CH Czech, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng bù lại, họ có sức mạnh sân nhà, thứ vũ khí đầy hiệu quả đã được thể hiện rõ rệt ở những giải đấu lớn vài năm gần đây như World Cup 2002, Euro 2004, World Cup 2006. Trong khi đó, ở bảng D, ĐKVĐ Hy Lạp cùng Nga, Tây Ban Nha và Thụy Điển thực sự là “tám lạng, nửa cân”. Cái tên nào đi tiếp cũng xứng đáng, cái tên nào bị loại cũng đáng tiếc!

Với những cầu thủ đã, đang và sắp có mặt ở Áo và Thụy Sĩ, dù phải sớm rời cuộc chơi, họ vẫn còn hạnh phúc hơn rất nhiều đồng nghiệp đang đối mặt với mùa hè buồn. Vắng mặt kiểu như các tuyển thủ Anh thì đã đành. Nhiều ngôi sao một thời giờ cay đắng bị gạt ra ngoài cuộc chơi.

Người ta đang xôn xao khi đội tuyển Pháp loại David Trezeguet, đội tuyển Ý không còn cần siêu Pipo Inzaghi, còn đội tuyển Tây Ban Nha lắc đầu với Raul. Cả 3 chân sút này đều nhiều năm gắn bó với đội tuyển quốc gia (tổng số bàn thắng ở cấp độ ĐTQG của họ là 103 bàn). Rồi, “cơn lốc màu da cam” cũng không có sự phục vụ của Babel, Gấu Nga trông mong từng giờ sự trở lại sau chấn thương của chân sút Pogrebnyak...

Tuy nhiên, các HLV biết mình đang làm gì. Họ mạo hiểm nhưng hợp lý. Có thể các cựu binh trên vẫn còn chơi tốt như trường hợp Raul, ghi được 18 bàn ở La Liga, song nếu muốn theo đuổi giấc mơ lớn, người ta cần sức trẻ hơn là một đội hình toàn “ông già chống gậy”. Raul bị ông thầy Luis Aragones loại vì một lẽ đơn giản, ông đang có trong tay những chân sút trẻ trung hơn nhiều như Fernando Torres và David Villa, mà hiệu suất chẳng hề kém cạnh. Euro 2008 đang được chờ đợi sẽ là giải đấu của họ, của Cristiano Ronaldo, của các ngôi sao trẻ. Hai năm trước, người ta nói rằng cùng với lời chia tay sân cỏ của Zinedine Zidane, World Cup 2006 là giải đấu của thế hệ cũ. Giờ là lúc bóng đá châu Âu hy vọng vào một thế hệ mới. Thời điểm tung hoành của họ sắp đến rồi.

Giờ G sắp điểm! "Expect Emotions" - Hãy đón chờ những cảm xúc!

HẢI SƠN

;
.
.
.
.
.