.
Tạm biệt World Cup 2010

Thắp sáng ngọn lửa đam mê

.

World Cup, hẳn nhiên là một ngày hội thể thao được người dân trên khắp hành tinh đón chờ và khát khao nhất. Ở đó, không có bất kỳ sự phân biệt nào về dân tộc, màu da, tuổi tác, địa vị, tất cả cùng hòa chung trong niềm say mê cuồng nhiệt với trái bóng tròn. World Cup 2010, kỳ World Cup đầu tiên của Lục địa đen, vì thế lại càng trở nên đặc biệt và lôi cuốn hơn. Điều này đã được minh chứng cụ thể bằng những tình cảm mà người hâm mộ trên toàn thế giới gửi đến Nam Phi trong suốt hơn tháng qua.

Kỳ World Cup lịch sử

Có một điều ít ai biết đến, đó là ngay từ chuyến thăm Ethiopia vào năm 1976, ông Sepp Blatter (Chủ tịch FIFA hiện tại) đã nói về một kỳ World Cup sẽ được tổ chức tại châu Phi. Vào thời điểm đó, lục địa đen vẫn còn là một vùng đất nghèo đói, hoang dã, nên đối với nhiều người, ý tưởng ấy thật xa vời và thiếu thực tế. Nhưng 34 năm sau, điều đó đã trở thành sự thật, bằng chính những quyết tâm và nỗ lực của người “thai nghén” nên nó.

Còn nhớ, năm 2000, Nam Phi thua “đau” trong cuộc chạy đua với Đức giành quyền đăng cai World Cup 2006. Sau sự kiện này, Blatter đẩy cao khát vọng đưa World Cup đến châu Phi hơn bằng một quy định mới: Các kỳ World Cup sẽ được tổ chức luân phiên trên các lục địa và bắt đầu từ châu Phi. Và năm 2004, Nam Phi đã được chọn sau khi đánh bại các ứng viên cùng châu lục như Nigeria, Ma-rốc. Chính vì vậy mà ông Walter Gagg, một quan chức của FIFA cho rằng “Đây là kỳ World Cup của Blatter, ông ấy chăm chút nó như một bà mẹ chăm chút một đứa con mới chào đời vậy. Với Blatter, đây là di sản của cả cuộc đời ông ấy”.

Có thể vì vậy mà Blatter đã “thở phào” nhẹ nhõm khi đưa ra các số liệu thống kê về giải đấu năm nay. Ông cho rằng vòng chung kết World Cup 2010 đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện. Thành công trước hết phải kể đến là lượng khách du lịch đổ về Nam Phi trong thời gian diễn ra World Cup, với 450.000 lượt khách đến từ khắp các châu lục và khoảng 10.000 khách đến từ các nước thuộc châu Phi, một con số nằm ngoài cả mong đợi của Ban tổ chức giải.

Tình hình an ninh giải đấu cũng được lực lượng cảnh sát địa phương bảo vệ nghiêm ngặt. Theo số liệu từ các sở cảnh sát khắp Nam Phi, đã có hơn 300 vụ bắt giữ liên quan tới World Cup 2010, khoảng 1/3 trong số họ là người nước ngoài và hầu hết liên quan đến nạn trộm cắp, rất ít các vụ bạo lực và xung đột giữa các nhóm cổ động viên xảy ra. Tổng chi phí cho sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh lần này khoảng hơn 6 tỷ USD tiền từ FIFA và các quỹ công của Nam Phi, góp phần cải thiện rõ rệt cơ sở hạ tầng của nước chủ nhà. Ngành du lịch Nam Phi nói riêng và cả châu Phi nói chung cũng đã thu được một khoản lợi nhuận ngắn hạn nhờ việc quảng bá hình ảnh châu lục đến khắp thế giới. Ban tổ chức tại Nam Phi ước tính, World Cup mang đến một khoản lợi nhuận khoảng 5 tỷ USD cho nền kinh tế của nước này và tạo ra khoảng 400.000 việc làm cho những người thất nghiệp.

Ấn tượng châu Phi

Trong tất cả những cái được tại World Cup lần này, có lẽ cái được lớn nhất là góp phần “cải thiện” hình ảnh châu lục đen trong cái nhìn của thế giới. Gary Mabbutt, một cựu hậu vệ của Spurs, người đã di cư vào Nam Phi cho rằng World Cup 2010 là cơ hội để thế giới nhìn Nam Phi và cả lục địa đen này với đôi mắt khác. Còn Oshebeng Alphie Koonyaditse, một nhà bình luận bóng đá nổi tiếng của Nam Phi cho biết: “Bóng đá ở đây cũng giống như tôn giáo thứ hai. Có vẻ như một sự so sánh khá khắc nghiệt nhưng người dân ở đây yêu thích trò chơi đồng đội này một cách cuồng tín”. Chính bởi niềm đam mê cuồng nhiệt và máu lửa ấy, mà sức nóng từ World Cup 2010 trên sân cỏ Nam Phi đã lan tỏa mạnh mẽ khắp hành tinh trong suốt một tháng qua.

6 năm trước, khi Nam Phi giành quyền đăng cai World Cup 2010, nước mắt đã tràn xuống khuôn mặt của những người dân đang sống ở vùng Cực Nam của trái đất này. Nhưng trong buổi lễ bế mạc vừa diễn ra sáng qua, chúng ta đã được nhìn thấy thật nhiều những nụ cười. “World Cup đầu tiên của châu Phi đã giới thiệu đầy đủ màu sắc và tinh thần ấm nóng của lục địa này đến với người dân trên khắp hành tinh”, ông Derek Carstens, một phát ngôn viên của giải đấu đã nói như vậy trước thềm bế mạc, như một lời nhắn nhủ và tạm biệt của World Cup 2010, của châu lục đen đến với tất cả. Tạm biệt World Cup 2010 với bao ký ức đẹp và đầy cảm hứng sâu sắc, tạm biệt nước chủ nhà Nam Phi. Hẹn gặp World Cup 2014 lần sau, hẹn gặp Brazil!

NGUYỄN BÁ

;
.
.
.
.
.