Không thật sự vượt trội so với đối thủ, Hà Lan vẫn có được chiến thắng quan trọng để lọt vào chung kết World Cup lần đầu tiên sau 32 năm. Vẫn trung thành với lối chơi thận trọng và chắc chắn, Hà Lan gặp không ít khó khăn trước Uruguay thi đấu kiên cường.
Tuyển Hà Lan trong niềm vui chiến thắng. (Ảnh tư liệu) |
Trận bán kết thứ hai giữa Đức và Tây Ban Nha là sự tái hiện trận chung kết Euro 2008. Trước tuyển Đức đang hừng hực khí thế sau khi đè bẹp Anh và Argentina, Tây Ban Nha đã chứng tỏ vì sao mọi người coi họ là đội bóng số 1.
Đẳng cấp đã được các cầu thủ Tây Ban Nha thể hiện khi họ chơi tấn công và dồn ép đội Đức ngay từ đầu trận. Với những tiền vệ nhỏ con nhưng vô cùng khéo léo như Xavi và Iniesta, trái bóng như dính chặt vào chân của các cầu thủ Tây Ban Nha. Những cơ hội liên tiếp được tạo ra từ các pha phối hợp vô cùng ăn ý.
Điều bất ngờ là bàn thắng lại đến từ pha đánh đầu của trung vệ Puyol sau một tình huống phạt góc vốn không phải là sở trường của những chú bò tót. Lối chơi khoa học của tuyển Đức đã hoàn toàn phá sản trong trận đấu này khi họ không cầm được bóng. Mặc dù vậy, Đức cũng có những tình huống phản công nguy hiểm nhưng đều không cụ thể hóa được thành bàn thắng.
Hà Lan và Tây Ban Nha lọt vào trận chung kết cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhà vô địch thứ 8 trong lịch sử bóng đá thế giới, sau Brazil, Đức, Ý, Pháp, Uruguay, Argentina và Anh. Càng đặc biệt hơn khi một trong hai đội bóng này sẽ là đội bóng châu Âu đầu tiên vô địch tại một vòng chung kết World Cup được tổ chức ngoài châu lục của mình.
Hà Lan sẽ chơi trận chung kết thứ ba trong lịch sử, còn Tây Ban Nha mới là lần đầu tiên. Đó là thành quả xứng đáng cho nền bóng đá của hai quốc gia này sau những nỗ lực mà họ đã bỏ ra để xây dựng lối chơi phù hợp.
Với Tây Ban Nha, đó là phong cách “tiqui-taqua”, dựa trên những pha phối hợp nhỏ để kiểm soát trái bóng mọi lúc mọi nơi. Còn với Hà Lan, đó là một lối chơi chặt chẽ, thực dụng nhưng vô cùng hiệu quả.
Đã có những thay đổi trong nhận thức và tiến trình cải cách về lối chơi, con người làm bóng đá của hai quốc gia này sau những thất bại cay đắng trong quá khứ nhằm đạt hiệu quả cao trong các vận hội đỉnh cao như World Cup, Euro. Bóng đá ngày càng đòi hỏi các đội tuyển phải biết điều chỉnh, thậm chí hy sinh bản sắc của mình để hòa vào xu thế chung của thời đại.
Những đội bóng vẫn giữ hoài bộ mặt già cỗi như Pháp, Ý; hay cách tân một cách nửa vời như Argentina, Brazil đều đã chuốc lấy thất bại cay đắng. Để rồi Hà Lan và Tây Ban Nha là hai cái tên xứng đáng được góp mặt vào trận đấu cuối cùng của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Sau gần một tháng ăn, ngủ và sống trong những cảm xúc dâng trào với bóng đá, bữa tiệc đã đến lúc tàn. Bao nhiêu sự khắc khoải, mong chờ và háo hức sẽ được dồn vào trận đấu cuối cùng. Kẻ thắng, người thua sẽ được phân định sau một cuộc tranh tài hứa hẹn đẹp mắt nhưng không kém phần nảy lửa trên sân vận động Soccer City.
Sẽ có một đội bóng ca khúc khải hoàn, một đội ra về trong dang dở. Nụ cười hạnh phúc, nước mắt tiếc nuối, những cảm xúc hân hoan, những nỗi buồn da diết… tất cả sẽ có trong cuộc tranh tài cuối cùng này.
Và một nhà vua mới sẽ lên ngôi...
MINH NGHĨA