Cửa sổ tri thức
Về tên gọi Việt Nam
* Quốc hiệu Việt Nam lần đầu xuất hiện là vào năm 1804 thời vua Gia Long. Thế nhưng, một số tài liệu cho rằng tên gọi Việt Nam đã xuất hiện rất lâu trước đó. Xin quý báo nói rõ về vấn đề này. (Hoàng Anh, Sơn Trà, Đà Nẵng)
- Về quốc hiệu Việt Nam, trong bài viết “Ai đặt quốc hiệu Việt Nam đầu tiên?” đăng ngày 3-14-2003 trên website của Đại sứ quán Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ (http://viet.vietnamembassy.us), nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải kể rằng, ông có lần tình cờ đọc được một ý kiến đăng trên báo hỏi về quốc hiệu Việt Nam có từ bao giờ. Câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản nhưng ông dám chắc rằng phần lớn học sinh trung học, thậm chí đại học không trả lời được, vì đại đa số các sách giáo khoa của chúng ta không đề cập vấn đề này.
Ngay cuốn Lịch sử Việt Nam do Ủy ban Khoa học xã hội xuất bản năm 1976 cũng không hề nói tới điều này, ông Hải cho biết. Còn cuốn Bách khoa toàn thư Anh (1992) thì cho nhận định, hai tiếng Việt Nam bắt đầu từ thời Nguyễn do việc nhà Thanh bên Trung Hoa năm 1804 đã đảo ngược hai chữ Nam Việt mà Gia Long đề nghị sắc phong năm 1802. Trong cuốn chính sử nhà Nguyễn Đại Nam thực lục chính biên - Đệ nhất kỷ có ghi lại sự kiện này.
Đó là nói về quốc hiệu Việt Nam. Nhưng tên gọi Việt Nam thì có thể đã xuất hiện sớm hơn.
Theo bài đã dẫn, năm 1974, khi công tác ở Viện Khoa học Việt Nam, ông Hải được đọc tập sách dự báo Sấm Trạng Trình, được coi là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585). Khi nghiên cứu tập sấm này, đến bản AB 444 trong kho sách của Viện Hán Nôm, ông bất đồ tìm thấy hai chữ Việt Nam ngay trong những dòng đầu tiên: Việt Nam khởi tổ xây nền.
Quốc hiệu Việt Nam chính thức xuất hiện năm 1804, và hai chữ Việt Nam xuất hiện trước đó trên 200 năm trong một tác phẩm của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Sau khi đọc được bản gốc Sấm Trạng Trình, ông Hải đã khẳng định hai tiếng Việt Nam đã được sử dụng từ thế kỷ XV. Song bản sấm này được truyền lại qua những bản chép tay, cũng không ai dám chắc tác giả là cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông tra cứu thơ văn của cụ để so sánh. Thật bất ngờ, hai tiếng Việt Nam được cụ nhắc tới bốn lần trong tập thơ Sơn hà hải động thường vịnh (Vịnh về núi non sông biển). Rõ hơn, trong các bài thơ gửi trạng nguyên Giáp Hải (1515 - 1585), cụ có viết: “Tuệ tinh cộng ngưỡng quang mang tại/ Tiền hậu quang huy chiếu Việt Nam”; và trong bài gửi trạng Nguyễn Thuyến: “Tiền đồ vĩ đại quân tu ký/ Thùy thị công danh trọng Việt Nam”.
Để rõ hơn, nhờ một số nhà khoa học Viện Hán Nôm, ông Hải tìm thêm cứ liệu trong bi ký (bài ký trên bia đá). Trong bia trùng tu chùa Phúc Thánh (Quế Võ, Bắc Ninh) năm 1664, phần bài Minh có câu “Việt Nam cảnh giới, Kinh Bắc thừa tuyên”. Bia trùng tu chùa Bảo Lâm (Chí Linh, Hải Dương) năm 1558: “Việt Nam đại danh lam bất tri kỳ cơ”. Bia chùa Cam Lộ (Hà Tây), năm 1590: “Chân Việt Nam chi đệ nhất”.
Tuy nhiên, phát hiện quan trọng nhất là tấm bia Thủy Môn Đình ở biên giới Lạng Sơn do trấn thủ Lạng Sơn Nguyễn Đình Lộc soạn năm Cảnh Trị thứ tám (1670), có câu: “Việt Nam hầu thiệt trấn bắc ải quan” (Cửa ải phía Bắc Việt Nam). Đây là tấm bia có niên đại muộn hơn song lại có danh tính người soạn, hơn nữa đây là một mệnh quan triều đình, là phát ngôn chính thức.
Tóm lại, tên gọi Việt Nam đã xuất hiện khá lâu trước quốc hiệu Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, có thể coi Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đầu tiên sử dụng Việt Nam như là quốc hiệu. Bởi lẽ, thế kỷ XV, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê ở nước ta, nhà Minh bên Trung Quốc lấy cớ đem quân can thiệp. Nhà Mạc đầu hàng, Đại Việt lúc đó bị biến thành một quận của Trung Quốc, không còn quốc hiệu. Mạc Đăng Dung được nhà Minh phong làm An Nam đô sứ ty. Trên thực tế Mạc Đăng Dung vẫn là vua một nước, để vừa đối phó với triều đình phương Bắc, vừa an dân, tên nước được gọi là Việt Nam. Lúc ấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm là học giả đứng đầu cả nước, nên nhiều khả năng ông đặt ra cách gọi này.
ĐNCT