Cửa sổ tri thức
4 người giàu nhất Sài Gòn xưa
* Trong khi bàn luận về hai người giàu nhất Quảng Nam một thời là “Nhất Cai Nghi, nhì Tú Truyện” trong bài viết “Câu đối của thân phụ nhà thơ Bùi Giáng” đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần Đặc san 30-4 và 1-5 vừa qua, có người bạn từ TP. Hồ Chí Minh về thăm nhà, nói rằng trong Sài Gòn cũng có 4 người giàu “nứt đố đổ vách” là “Nhứt Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Xin cho hỏi, 4 người này là ai?
Tượng điêu khắc ông “Nhất Sỹ” - Lê Phát Đạt tại Giáo xứ Chợ Đũi. Ảnh: Internet |
- “Nhứt Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” là câu dân gian lưu truyền nói về 4 “đại gia” ở đất Sài Gòn - Gia Định xưa. 3 “ngôi” đầu không thay đổi, duy có “ngôi” thứ tư có tài liệu cho là “tứ Hỏa”, “tứ Bưởi”, “tứ Trạch”.
Học giả Vương Hồng Sển trong cuốn “Sài Gòn năm xưa” (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016) cho rằng bốn nhà giàu gộc ở Sài Gòn xưa là: nhứt Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định.
Theo đó, nhứt Sỹ là ông Lê Phát Đạt, người Cầu Kho, thuở nhỏ tên Sỹ. Khi ông đi học, gặp thầy dạy trùng tên nên đổi lại là Đạt. Tuy vậy đời vẫn quen gọi theo tên cũ.
Ông xuất thân thông ngôn chữ La-tinh. Ông làm việc nhiều năm tại tỉnh Tân An. Tương truyền buổi đầu, Tây mới qua, dân cư tản mác, Pháp phát mãi ruộng đất vô thừa nhận, giá bán rẻ mạt mà vẫn không có người đấu giá. Thế rồi, ép nài ông, ông bất đắc dĩ phải chạy bạc mua liều, nào ngờ vận đỏ, ruộng trúng mùa liên tiếp mấy năm liền, ông trở nên giàu có. Trong nhà, ông treo câu đối dạy đời: “Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách/ Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ” (Phép trị gia tốt nhất là cần kiệm/ Phép xử thế phải nhẫn nhịn khoan hòa – ĐNCT).
Khi từ trần, ông được mai táng giữa Thánh đường Chợ Đũi, do ông xuất tiền – trên 30 muôn bạc, bạc thời ấy – và hiến đất xây nên.
Nhì Phương tên thật là Đỗ Hữu Phương ở Chợ Lớn. Sự nghiệp của ông trở nên đồ sộ nhứt nhì trong xứ, phần lớn do tay phu nhân Trần Thị gầy dựng. Bà giỏi tài đảm đang nội trợ, một tay quán xuyến trong ngoài, làm của đẻ thêm ra mãi, lại được trường thọ, mất sau chồng.
Tam Xường tục danh “Hộ Xường”, tên thật là Tường Quan, tự Phước Trai, gốc người Minh Hương. Ông cũng xuất thân nghề thông ngôn, sau ra lãnh thầu cung cấp vật dụng thức ăn cho thị xã. Nhờ khéo tay thêm gặp thời, chẳng mấy chốc trở thành cự phú.
Tứ Định là Hộ Định, làm Hộ trưởng, họ Trần (?). Ông có ngôi nhà năm căn trệt chạm trổ thật khéo, cột cẩm lai bóng ngời ngó thấy mặt; trong nhà vật dụng từ khí từ cái bàn, cái ghế, cái đôn sành đều có vẻ cũ xưa.
Theo bài viết “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa - tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa mà tài sản vua chúa chưa chắc hơn được” đăng trên afamily.vn, “ngôi” thứ tư là “tứ Hỏa”.
Tứ Hỏa tên thật là Hứa Bổn Hỏa, hay còn gọi là Chú Hỏa. Ông là người gốc Hoa và cũng theo đạo Công giáo giống “nhất Sỹ” - Lê Phát Đạt.
Chú Hỏa nổi tiếng bởi các công trình kiến trúc mà ông xây dựng. Một trong các dinh thự lớn nhất Sài Gòn thời bấy giờ chính là tòa nhà có 99 cánh cửa nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tọa lạc trên đường Phó Đức Chính, và khách sạn có vị trí đẹp bậc nhất Sài Gòn - Majestic.
Chú Hỏa và gia tộc là những người có tấm lòng bác ái, khi tự bỏ tiền xây dựng khá nhiều các công trình công cộng để phục vụ nhân dân như: Bảo sanh viện Đông Dương - Maternité Indochinoise (nay là Bệnh viện Từ Dũ), Thành Chí học hiệu (nay là Trường THCS Minh Đức - quận 1), Bệnh viện đa khoa Sài Gòn (đối diện chợ Bến Thành)...
ĐNCT