Cửa sổ tri thức
Nghĩa thục An Phước của phong trào Duy tân
Năm 1888, Phong trào Cần Vương tỉnh Quảng Nam tan rã, cụ Tú Lâm Hữu Mẫn, nguyên Bang tá Tỉnh vụ Nghĩa hội Cần Vương từ Tân tỉnh Quế Sơn về quê mở trường Nho học Cẩm Toại (nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) vừa dạy chữ vì việc nghĩa vừa làm trạm liên lạc bí mật của sĩ phu yêu nước trong vùng.
Chân dung ông Nghè Lâm Quang Tự tại Phòng Truyền thống Trường tiểu học An Phước, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. |
Từ chữ nho sang chữ quốc ngữ
Trong các sĩ phu qua lại trạm liên lạc có hai vị khách đặc biệt. Người thứ nhất là cụ Tú Trương Trọng Hữu, cựu nghĩa sĩ Cần Vương, người làng Châu Lâu, phủ Điện Bàn, con rể Thượng thư Phạm Phú Thứ - một quan lại sớm có đầu óc duy tân.
Cụ Tú qua lại trạm nhiều lần, chấm trò Lâm Quang Tự (con trai cụ Tú Lâm Hữu Mẫn) làm con rể. Hai cụ thông gia chung sức dạy con đi thi Hương cố vượt qua rào Cử nhân để vào thi Hội, thi Đình. Nhưng trò Lâm Quang Tự đi thi cũng chỉ đỗ Tú tài; về sau nhờ thực tài được sắc phong Hàn lâm viện nên gọi là ông Nghè.
Vị khách đặc biệt thứ hai là ông Nghè Trần Quý Cáp đến thăm trường ngay khi bộ ba Phan Châu Trinh – Trần Quý Cáp – Huỳnh Thúc Kháng vừa khởi phát phong trào Duy tân trong tỉnh. Kết quả những buổi trò chuyện tâm đầu ý hợp là cụ Tú Lâm Hữu Mẫn giao trường lại cho con làm nhiệm vụ “khai dân trí” còn mình nhận nhiệm vụ “dĩ nông hợp quần” dẫn thanh niên tổng An Phước lên vùng Đồng Xanh – Đồng Nghệ (nay thuộc xã Hòa Khương) khai hoang lập doanh điền, vừa trồng trọt vừa giáo dục lòng yêu nước.
Ở lại nhà, ông Nghè Lâm Quang Tự vừa dạy chữ nho thay cha, vừa chuẩn bị điều kiện chuyển sang dạy chữ quốc ngữ. Ông cùng cụ Tú Trương Trọng Hữu và ông Lâm Nhĩ đi khảo sát nghiên cứu trường Diên Phong (đầu đàn của phong trào Duy tân ở khu Thương mại – Giáo dục Diên Phong làng Phong Thử (Điện Bàn), gặp gỡ học hỏi các thầy giáo của trường Trần Quý Cáp, Phan Thúc Duyện, Mai Dị, Phan Thành Tài và xin các sách dạy Toán của Trần Văn Thông, Bác vật chí của Phạm Phú Thứ, Việt sử yếu của Hoàng Cao Khải, Quảng Nam địa dư chí. Cụ Trương Trọng Hữu cũng cho những bài thơ ca của cụ về địa chí Quảng Nam, tả nước Nam, tả quả địa cầu, vè trái đất…
Chuẩn bị xong, đầu xuân Bính Ngọ 1906, ông Nghè Lâm chuyển trường Nho học của cha thành Trường Tân học Cẩm Toại và là trường dạy chữ quốc ngữ đầu tiên trong tổng An Phước.
Việc vận động phụ huynh cho con học chữ quốc ngữ không dễ, nhiều người không muốn bỏ chữ nho để học thứ chữ của Tây. Có người bắt con ở nhà chờ nghe ngóng, có người cho con chuyển ngay sang lớp chữ nho của thầy khác.
Ngày đầu khai giảng, học sinh cũ của trường Nho học đi học không đông, bù lại có thêm học sinh mới, đặc biệt có hai học sinh lớn tuổi vào bậc cha chú ngồi học chung với các cháu là ông Tư Mười tức Lâm Nhĩ và Võ sư Huỳnh Thường Tu.
Học trò không khom lưng xuống chiếu đọc to “thiên là trời, địa là đất” mà ngồi ở bàn im lặng viết và đọc thầm “a – b – c”, lúc đầu viết bằng bút chì sau mới dùng bút sắt. Thầy có bảng đen viết bằng đất sét trắng. Xen kẽ giữa giờ học chữ là tiết học thuộc lòng truyền khẩu bài “Khuyến học” của Huỳnh Thúc Kháng, thầy đọc một câu trò cứ thế đọc theo cho thuộc.
Thầy Lâm Quang Tự mời thêm nghệ nhân Lâm Hữu Tuân tức ông Chỉnh, tuy ông này không biết chữ nhưng giỏi tay nghề, phụ trách dạy môn Thủ công, bắt đầu dạy đan rổ rá nong nia to bằng thật, chấm điểm xong được mang về nhà dùng. Nhiều bậc phụ huynh phấn khởi, đến giờ xin được ngồi học với con để biết nghề.
Trò hiểu nhanh, thầy dạy giỏi
Lớp học đông dần, trước ngồi hai em một bàn sau tăng lên ba em, trước chỉ có hai học sinh lớn nay có thêm các chú xin vào học chung với cháu. Thầy bắt đầu có hoạt động khuyến học: học sinh nghèo được cho không giấy bút, học giỏi được phần thưởng khuyến học, trò nào vận động được người khác đi học cũng được thưởng…
Trường học theo lối “thả học thả canh” (vừa học vừa làm ruộng), vào ngày mùa bận rộn trường nghỉ học để học sinh ở nhà giúp đỡ cha mẹ. Đến vụ gặt tháng tám năm ấy lớp học sinh đầu tiên đã biết đọc biết viết, vừa ra đồng phụ việc cha mẹ vừa đem sách ra đọc.
Mọi người mới thấy lợi ích trước mắt của chữ quốc ngữ học nhanh, biết đọc biết viết nhanh, nói thế nào viết và đọc đúng thế ấy không như chữ nho. Các ông bố trước đây cho con đi học chữ nho nơi khác đã rút con về xin vào học chữ quốc ngữ.
Đã có nhà bắt đầu cho con gái đi học, thầy khuyến khích cho không giấy bút và xếp ngồi bàn đầu. Lớp học đông dần, thầy động viên con gái ngồi chung với con trai, đến giờ ra chơi không chơi riêng mà chơi chung, xóa bỏ phong tục xấu “nam nữ thụ thụ bất thân”. Tiếng lành đồn xa, học sinh các làng La Châu, Hương Lam vượt cầu Muồng sang xin học. Ai xin học thầy cũng nhận, người lớn cũng như trẻ em, người trong làng hay làng khác.
Nghỉ mùa xong, thầy xếp học sinh thành hai lớp: lớp dưới học vần, lớp trên đã biết đọc biết viết bắt đầu học toán. Nhưng đến giờ học các môn Địa dư, Cách trí (khoa học thường thức) hay Thể dục, Thủ công cả lớp cùng học chung.
Ông Lâm Nhĩ dạy môn Địa dư tỉnh Quảng Nam rất hấp dẫn, dựa vào sách Quảng Nam địa dư chí và nhất là các hiểu biết cá nhân do đi nhiều tiếp xúc nhiều lại thêm cách giảng giải lưu loát hùng biện lôi cuốn người nghe. Đến giờ dạy của ông nhiều bậc phụ huynh đến xin vào dự thính, bản thân thầy Lâm Quang Tự cũng ngồi dự giờ.
Gần hai chục năm cho đến khi trường chuyển thành công lập, thầy Lâm Quang Tự vừa dạy học vừa tiếp tục hoạt động Duy tân: cổ vũ nếp sống mới; bài trừ mê tín; cải cách hương thôn; lập tộc thương (hội buôn của tộc), tổng thương (hội buôn của tổng); hoạt động khuyến học…
Các làng trong tổng đều lần lượt xây dựng hương ước, trích công điền lập học điền cấp cho thầy trò. Nhiều làng bắt đầu có trường lớp dạy chữ quốc ngữ như Hương trường Khương Mỹ của ông Cửu Trần Hữu Diệm, Trường Ấu học Túy Loan của ông Nghè Đặng Bá Mai…
Nội dung “khai dân trí” của Phong trào Duy tân đến thời hậu phong trào vẫn tiếp tục phát huy, thúc đẩy đất An Phước trở thành đất học và Nghĩa thục An Phước không ngừng phát triển trong suốt 110 năm qua, nay là Trường tiểu học An Phước (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).
LÂM QUANG THIỆP