Sáng tác
Nhớ mùa mưa Hòa Vang
Cả đêm qua cứ trằn trọc, thao thức. Có lẽ vì mưa. Những cơn mưa đầu mùa tuy chậm hơn mọi năm nhưng cuối cùng cũng đến. Từ bao giờ, trằn trọc, thao thức nghe mưa cũng đã thành thói quen. Hơn mười năm nay, những mùa mưa Hòa Vang cứ lặng lẽ đến, lặng lẽ đi để lại những lớp phù sa khắc khoải, nhớ mong.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ai đã từng đến Hòa Vang, phải trải qua những mùa mưa mới thấy thương hơn mảnh đất và con người ở đây. Người giáo viên Hòa Vang cũng vững chãi hơn như những hàng cây sau mỗi mùa giông bão, đếm tuổi mình theo những mùa mưa.
Tôi nhớ năm 2000 – năm đầu tiên tôi nhận quyết định về công tác tại trường THCS Hòa Phước, huyện Hòa Vang rồi sau này khi có dịp đi công tác tại các xã của Hòa Vang, tôi đều thấy ở đâu mưa cũng dữ dội như vậy. Mưa trắng xóa đất trời, mưa vuốt mặt không kịp, mưa như trăm ngàn mũi tên đâm buốt da thịt, lao vào mắt đỏ kè, cay bỏng… Sợ nhất là mưa đi kèm với gió.
Các tuyến quốc lộ 1A, 14B thênh thang cho gió lùa mưa tạt mặc sức tung hoành. 14 năm đi về trên con đường ấy, không biết bao lần gió mưa như hè nhau xô ngã tôi khi qua cầu Đỏ. Gió và mưa cứ vô tư rượt đuổi nhau trên vùng trời nước mênh mông ấy. Những mùa mưa đến trường, tôi phải thức dậy sớm hơn, ra đi khi trời còn mờ tối. Cúi rạp mình trên chiếc xe máy, chiếc áo mưa cứ lùng bùng những âm thanh gào thét bên tai, mắt căng ra nhìn đường mà đi và mong cho mau đến trường kịp giờ lên lớp.
Rồi những mùa mưa sau càng dữ dội hơn nhiều. Mưa, gió, bão luôn chờ chực, rình rập quét một trận xuống ngôi trường nhỏ bé nép mình bên dòng sông Quá Giáng hiền hòa. Mỗi lần nghe mưa trong đêm, thế nào tôi cũng tỉnh giấc, lo lắng cho học trò đến trường ngày mai, lo lắng cho buổi ngoại khóa tốn bao công sức chuẩn bị của thầy trò sẽ không thực hiện được vì mưa lớn. Tôi không thể nhớ rõ năm nào có bão, năm nào có lụt vì 14 năm – năm nào cũng vậy, không bão thì lụt, không lụt thì nước cũng ngập sân trường.
Bên cạnh những phương pháp, kĩ năng dạy học thì các thầy cô giáo Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Nhơn, Hòa Bắc… lại trang bị thêm phương pháp, kỹ năng phòng chống lụt, bão, lũ… Tôi nhớ những lần đứng ở phòng làm việc nhìn ra cánh đồng ở phía sau trường, bãi rau bên kia đường cái, lo lắng thấy nước đang từ từ dâng lên. Phía xa kia, dòng sông Quá Giáng đục ngầu, nước cuồn cuộn chảy. Màu xanh của cỏ, vườn rau cứ dần dần bị nước nuốt dần.
Cuối cùng chỉ còn thấy nước trắng đục hả hê băng qua vườn tược, ruộng đồng, mấp mé mặt đường quốc lộ phía trước cổng trường. Nhìn lên trời chỉ thấy mưa như trút, chẳng có dấu hiệu ngừng. Nhìn ra sân trường thấy học sinh lõm bõm lội nước, bóng các em nhỏ bé, liêu xiêu dưới màn mưa dày đặc, đất đỏ lầy lội sềnh sệch chỉ muốn
trượt ngã mà thấy nao lòng.
Sau mưa là bão đến, rồi lụt vài ngày, trường lớp có lúc bị cô lập hoàn toàn. Đến trường sau bão lụt, lòng tôi quặn thắt khi nhìn cây phượng già bật gốc nằm chơ vơ giữa sân trường cùng với những tấm tôn, kèo sắt bị gió giật thảm thương quăng khắp nơi. Cây phượng già đã chứng kiến bao nhiêu kỷ niệm thầy trò dưới mái trường này giờ đã không còn trụ lại được nữa rồi. Nước đã rút, mưa đã ngớt chỉ còn để lại lớp bùn non đỏ quạch lầy lội khắp sân trường và trong lớp học. Thầy trò lại cặm cụi khiêng bàn ghế, quét dọn trường lớp cho một ngày học mới được sớm bắt đầu. Tôi nhớ mãi hình ảnh thầy hiệu trưởng nhỏ bé liêu xiêu trong chiếc áo mưa mong manh đi lại khắp sân trường, mái tóc thầy như bạc hơn sau mỗi mùa mưa bão.
Mùa mưa năm nay, tôi không còn ở Hòa Vang, không còn lo lắng nhìn trời nhìn đất để đoán mưa đoán gió. Giữa thành phố Đà Nẵng này, mùa mưa gió như được bao bọc bằng bốn bề cửa nhà san sát, nhưng không hiểu sao vẫn nghe lòng mình nổi gió, nhớ quay quắt những mùa mưa Hòa Vang đã hóa thân thành hoài niệm.
NGUYỄN THỊ BÍCH VÂN
(Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Linh, Hòa Phước, Hòa Vang)