Sáng tác

TRUYỆN NGẮN

Máu

16:37, 14/11/2014 (GMT+7)

Năm lớp năm, tôi đoạt giải nhất kì thi chọn học sinh giỏi huyện. Phòng Giáo dục gọi về huyện luyện thi để tiếp tục dự kì thi chọn học sinh giỏi tỉnh.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Làng tôi nghèo. Bố mẹ tôi suốt đời loanh quanh với mấy sào ruộng khoán nên chẳng quen biết ai ở thị trấn ngoài người bác họ, mỗi năm về làng chỉ có một lần. Mẹ mượn được cái xe đạp cà tàng của cô Quỳnh, đẩy gạo và sách vở đi trước, tôi lon ton chạy theo sau. Mẹ và tôi đi mất nửa ngày đường.

Nhà ông bác hai tầng, ở ngay trung tâm thị trấn. Sau bữa cơm tối, ông cho tôi mấy ngàn bạc nói là thưởng cho đứa cháu gái đã làm vẻ vang dòng họ. Còn chuyện nhà cửa thì ông nói cuối tháng có đứa con gái về sinh nên không ở cùng được. Mẹ cùng tôi đến làng Phan Long, cách trường hai cây số. Chúng tôi đi loanh quanh mất một buổi sáng mới xin được ở nhờ một cặp vợ chồng già. Ngôi nhà tuềnh toàng chỉ có hai chiếc giường đơn, điện đóm không có. Thôi thì cứ đặt sách vở lên giường làm bàn học. Mừng quá, mẹ tôi ra chợ Đồn mua mấy thứ về làm một bữa liên hoan. Chợ huyện rộng gần hai mẫu đất chứ không hẹp như chợ làng tôi. Thấy người đàn ông bán thịt trâu đon đả chào mời như người thân lâu ngày gặp mặt, mẹ tôi mặt tươi hơn hớn mua năm lạng. Tôi nghĩ ngay đến món thịt trâu nấu khế với lá lốt mà nước miếng cứ tứa ra. Mẹ tôi cầm miếng thịt ở trên tay rồi cau mặt lại. Mẹ lại hàng thịt heo lấy cái cân để so. Mẹ nghiêm mặt: “Không đầy bốn lạng”. Gã thịt trâu mặt thuồn thuỗn cười tếu táo: “Tôi hỏi chị mua cân mười lạng hay tám lạng?”. “Cả đời tôi chưa nghe ai nói có cân tám lạng. Anh nói đây là lần đầu”. “Có đấy! Cân mười lạng có cái giá của mười lạng. Cân tám lạng có giá của tám lạng”. Rồi gã trâng tráo hất hàm: “Cân tám lạng đấy. Trả tiền đi”. Mẹ tôi cũng không vừa. Mẹ ném miếng thịt xuống bàn và bảo không mua. Gã xộc tới nắm ngay lấy cái cổ áo của mẹ: “Có trả không thì bảo. Ông đã cắt rồi thì có chạy đằng trời” - Gã nghiến hai hàm răng, mắt vằn lên từng tia máu đỏ ngầu. Gã dí con dao thái thịt lùa sát cuống họng mẹ tôi: “Lếu láo là ông xin tí tiết. Trả tiền đi con”. Tôi tái mặt nhìn mẹ.

Mẹ chỉ cần nhúc nhích là từ cái cổ đầy gân xanh ngần ấy máu sẽ vọt ra. Tôi gào lên: “Không được giết mẹ cháu!”. Mẹ tôi uất đến tận cổ nhưng chẳng còn cách nào khác, mẹ lần túi áo lấy tiền ra trả. Người trong chợ nhìn gã bất bình nhưng không ai dám đụng tới. Dân bán thịt ở chợ này ghê gớm lắm, họ ăn hiếp khách đường xa. Tôi thương mẹ quá. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy miếng thịt trâu không ngon như mình tưởng.

Lớp bồi dưỡng đa phần là các bạn ở thị trấn. Phòng Giáo dục chọn giáo viên giỏi ở các trường về dạy. Mỗi thầy, cô dạy hai buổi. Một buổi trưa tôi đang lê chân về nhà trọ thì có một chiếc xe máy dừng lại. Cô Huyền trường Phan Long dạy tôi vào chiều thứ sáu và thứ bảy. Cô ở cách tôi năm, sáu nhà. Có lẽ đây là ngôi nhà to nhất xóm. Và ác nghiệt thay, đó chính là nhà lão bán thịt trâu. Tôi tưởng tượng ra bộ mặt đểu giả của lão khi cầm con dao kề sát cổ mẹ tôi. Không kịp chào cô, tôi bỏ chạy về nhà trọ. Cô Huyền nhìn theo tôi ngơ ngác, còn gã thịt trâu thì cười gằn:

- Lại cái con bé ở trọ nhà mụ Bổn.

Kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm đó, tôi giành được giải nhất.

Lên cấp hai, gia đình tôi túng bấn hơn, vết thương cha tôi tái phát, tôi phải vào ở với ông nội nguyên là giáo viên trường sư phạm tỉnh đã về hưu trong thị xã. Năm 1997, có đoàn giáo viên vào khách sạn Phương Đông họp lớp. Năm đó tôi đang học lớp 11 chuyên toán của tỉnh. Cô Huyền bây giờ mới biết tôi là cháu nội của ông. Cô hứa sang năm lớp 12 tôi đoạt giải nhất nữa cô sẽ thưởng. Cô hẹn tôi hè xuống nhà cô chơi. Nhà cô đã chuyển về thị trấn.  Tôi chỉ trả lời ậm ừ cho qua chuyện. Nhớ lại khuôn mặt đầy huyết khí của gã thịt trâu, tôi ớn quá. Nghe nói vợ chồng cô đã mấy lần ra tòa nhưng vì thương hai đứa con nên cô chấp nhận hòa giải.

Về hè. Cuộc sống của người dân quê tôi cũng khá hơn. Làng đã có điện. Nhiều nhà có cả ti-vi đen trắng. Nhà chú Linh Chủ tịch xã đã có điện thoại bàn. Ông tôi nhắn về bảo phải chụp ảnh gửi vào gấp để xét học bổng. Hai cha con tôi đạp xe xuống thị trấn thì đã quá giờ trưa, mọi người trong chợ tìm chỗ tránh nắng. Trời oi bức, ngột ngạt báo hiệu cơn mưa chiều. Trong lúc chờ rửa ảnh, cha tôi bàn: “Tranh thủ thời gian, con lại hiệu sách mua mấy cuốn nâng cao. Ba mới nhận tiền thương binh tháng sáu”. Hai cha con đến chỗ chữa xe đạp nhìn sang đại lý sách giáo khoa đầu tiên trước cổng chợ Đồn. Gã bán sách người trắng như cục bột. Thấy cha con tôi, gã chào hàng:

 - Mua đi. Sách mới về. Tôi phải đích thân ra Hà Nội mua đấy. Tôi bán cho cha con anh đúng giá bìa!

Tôi phì cười:

 - Sách nào bán chẳng đúng giá bìa. Đầu năm học công ty thiết bị trường học của tỉnh còn giảm giá 10%.

Gã chẳng hỏi tôi học lớp mấy, cứ ôm cả chồng sách đặt lên mặt bàn. Cha tôi bảo : “Con đọc cho kỹ kẻo lại mua nhầm”. Cứ mỗi lần bán được lứa lợn con ở chợ Đồn, cha tôi lại mua cho tôi vài cuốn sách bồi dưỡng, nâng cao.

Cha tôi mượn cái ghế con ngồi trước hàng hiên ngoẹo đầu ngủ gà ngủ gật. Có lẽ đêm qua trông ông ngoại tôi ốm, thức quá khuya nên cha mất ngủ. Tôi đang đọc ngấu nghiến mấy trang đầu của cuốn sách tham khảo dùng cho học sinh giỏi trung học phổ thông thì gã hùng hổ bước ra. Gã vỗ vai cha tôi:

 - Đây không phải là phòng trọ. Trả tiền đi rồi biến! Lừa ông để lấy chỗ ngồi nghỉ trưa à. Chỉ mua một cuốn sách mà làm ông mất cả buổi!

Cha tôi bừng tỉnh, luống cuống lôi tiền ra trả. Thì ra lại là gã bán thịt trâu dạo nào. Gã đã đổi nghề mà tôi không nhận ra. Tôi chợt nghĩ đến tiếng rống của trâu bò và những tia máu đỏ lòm. Tôi nói với gã:

- Cái tạng ông chỉ hợp với cái nghề mổ trâu bò. Ông không hợp với văn chương chữ nghĩa một chút nào. Tôi không hiểu sao cô giáo Huyền của tôi lại sống với ông được.

Cuối buổi sáng, có một người đàn ông và một người đàn bà thập thò trước cửa phòng trực ban. Nhìn thấy tôi, người phụ nữ tháo kính cận, dụi mắt mấy cái vào vạt áo. Đúng là cô Huyền rồi. Thói quen ấy khó mà lẫn vào đâu được. Cô Huyền cũng đã nhận ra tôi. Cô mừng rỡ:

- Đọc tên em trên bảng thông báo lịch mổ, cô cứ ngờ ngợ. Mấy năm trước cô có nghe nói em học xong Cao học, được giữ lại trường. Còn đây là ông Hàm, chồng cô. May quá. Có em, cô yên tâm hơn. Hồi mổ bò, ông ấy bị bò đá trúng bụng, không hiểu sao bây giờ nó mới phát.

Cô quay lại nói với ông chồng:

 - Giới thiệu với ông. Đây là con bé Hà ngày xưa trọ nhà bà cụ Bổn ở làng Phan Long. Hồi đó Hà đoạt giải nhất học sinh giỏi Quốc gia. Tổ bồi dưỡng của huyện ta được cái bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh là nhờ lứa học trò xuất sắc năm đó. Hồi cả nhà ta chuyển về thị trấn thì Hà cũng vào học trường Chuyên ở trong thị xã.  

- Chú là Quách Xuân Hàm. Cháu còn nhớ chú về bán sách dưới chợ Đồn. Có lần cha con cháu … Tôi bỏ dở câu nói quay lại nhìn ông Hàm mỉm cười.

Người đàn ông giật thót. Mặt ông ta tím tái lại, mi mắt như muốn ập hẳn xuống. Không giấu được vẻ lúng túng, ông ta trả lời lí nhí nơi cổ họng.

Sáng hôm sau, ông Hàm nằng nặc đòi chuyển sang bệnh viện Trung ương. Tôi giải thích mổ dịch vụ ở bệnh viện Trung ương hay bệnh viện Đa khoa của trường Đại học Y dược cũng giống nhau thôi. Hơn nữa việc mổ thoát vị bẹn rất đơn giản. Nếu ông chần chừ để lâu thì khúc ruột ấy sẽ bị hoại tử.

Cô Huyền nói nhỏ: “Ông ấy ngại phụ nữ mổ”. À ra thế. Tôi biết ông Hàm sợ cái gì rồi. Ông đã nhận ra cái con bé ngày xưa mà có lần ông dọa “xin tí tiết” của mẹ nó. Ông ấy đòi lấy máu từ cái cổ xanh ngần của một người đàn bà thôn quê khốn khổ lần đầu tiên mới bước chân đến chợ huyện. Tôi nói với cô Huyền: “Cô bảo với chú ấy yên tâm. Em sẽ đề xuất với bác sĩ trưởng khoa”.  

Tôi thay tên tôi bằng tên của giáo sư, tiến sĩ - trưởng khoa. Một giờ sau ông Hàm lại nhìn bảng phân công rồi thở phào.

Biết được nỗi lo sợ của ông Hàm, tôi cho gây mê. Quả thực ruột của ông Hàm sa xuống bìu to bằng quả bưởi, chẳng khác gì của con trâu. Tôi mổ cho ông Hàm theo phương pháp shoudiel. Phương pháp này tôi mổ cả trăm ca nhưng không hiểu sao hôm nay máu phun ra dữ thế. Những tia máu lọt qua găng tay phun thẳng vào mặt tôi. Xong mũi khâu cuối cùng, tôi thấy ông ta bị mất nhiều máu quá. Y sĩ Trang bảo nhóm máu O đã hết. Tôi vén tay áo lên. Trang tròn xoe mắt. Tôi nói: “Cho ông ấy mấy xê xê. Ông ấy là người nhà”.

Mười hai giờ trưa. Ông Hàm đã tỉnh. Người nhà được phép vào phòng hồi sức thăm bệnh nhân. Câu đầu tiên ông Hàm hỏi:

- Ai đã mổ cho tôi?

-Bác sĩ Hoàng Thanh Hà

Nghe đến đó mặt ông Hàm trắng bệch muốn xỉu.

- May cho ông đấy. Không có cô học trò của tôi cho máu, còn lâu ông mới tỉnh. Cô Huyền nghiêm mặt nói.

Miệng ông Hàm méo mó lại trông đến buồn cười. Ông muốn nói một lời gì đó mà không sao nói được. Hai vệt nước rỉ ra từ hai hố mắt tối om…

HOÀNG MINH ĐỨC

.