Sáng tác
Thơ: Lưu Trùng Dương
Trong những ngày cuối đời, nhà thơ Lưu Trùng Dương vẫn luôn trăn trở với thơ, ông tâm sự “Tôi chẳng hề mơ làm nên ngọc quý, mà chỉ muốn viết những bài thơ có ích cho đời”. Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, thơ Lưu Trùng Dương đi cùng hai cuộc kháng chiến của dân tộc, là hành trang của những người lính, “Thơ ông có một thời đi vào lòng người, như nước đến với cơn khát, cơm đến với cơn đói, thuốc đến với cơn đau…” (Đông Trình).
Kể từ tác phẩm đầu tay “Tập thơ của người lính” xuất bản năm 1949, ông đã có trên 65 năm sáng tác từ thơ, trường ca, đến văn xuôi. Vinh dự nhận Giải thưởng Phạm Văn Đồng lần thứ nhất (1950-1951) và Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật.
Nhân lễ tưởng niệm 49 ngày ông về cõi vĩnh hằng do Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật TP. Đà Nẵng tổ chức vào ngày 22-11-2014, Đà Nẵng Cuối tuần trân trọng giới thiệu chùm thơ của ông, như một lời tri ân với những đóng góp của nhà thơ Lưu Trùng Dương đối với nền văn học cách mạng Việt Nam.
(Nguyễn Nho Khiêm giới thiệu)
Chuyện tình chim Hải âu
Ngày xưa,
Trên một hòn cù lao xanh biếc
Có hai người trẻ tuổi yêu nhau
Người con gái có làn da trắng tuyết
Môi hồng tươi như một đóa anh đào
Và chài lưới rèn cánh tay gang thép
Hồn chàng trai tựa biển rộng trời cao.
Họ yêu nhau thề sống chết cùng nhau:
“Có biển nọ có đất này chứng giám
Dẫu muối biển một ngày kia không mặn
Hương tình ta mãi mãi vẫn đậm đà
Dù trời yên hay biển nổi phong ba
Ta vẫn bên nhau như buồm với lái”.
Như hạt móc đậu trên cành run rẩy
Thương ngày vui của họ quá mong manh!
Bão đến rồi:
Những quyền lực hôi tanh
Bắt nàng phải đem thân hầu chúa đất
- Nhưng tình yêu không cúi đầu khuất phục
Chàng trai mang mối tình hận ra đi
Và cánh buồm chàng theo bóng mây bay…
Người con gái cũng xuống thuyền vượt biển
Đi, đi mãi không tính bờ nhớ bến
Đi, đi hoài tìm chẳng thấy người thương
Lúc xuôi tay hồn nàng đọng trên buồm
Thuyền chìm xuống trong một chiều hấp hối.
Một cánh chim như cánh buồm vời vợi
Bỗng chập chờn như hiện giữa chiêm bao
Nàng đã hóa thành chim hải âu
Bay tìm ai trên sóng biển bạc đầu…
“Nàng đã hóa thành chim hải âu
Bay tìm ai trên sóng biển bạc đầu”…
Người thủy thủ trầm ngâm nghe chuyện kể
Xót thương người con gái hóa thành chim:
“Ờ, ngày xưa họ cũng giống như mình
Họ cũng yêu nhau chung tình biết mấy
Nhưng thuở ấy cuộc đời đầy ngang trái
Đè nặng tình yêu bằng trăm thứ gông xiềng”.
Một ánh mặt trời trong mắt lóe lên
Lòng thủy thủ bỗng chan hòa nắng ấm
Anh muốn nhắn ai qua làn gió mặn:
“Em ơi, bây giờ ta yêu nhau
Em sẽ không thành chim hải âu
Cánh đau khổ vật vờ trên sóng lớn.
Nếu thành chim, ta sẽ thành chim phượng
Với chim hoàng bay trọn kiếp bên nhau
Hay đôi ta sẽ chắp cánh bồ câu
Thêu chữ trắng trên nền trời mơ ước
Ca ngợi những tình yêu không trói buộc
Không đọa đày của thế hệ chúng ta...”
*
Một áng mây hồng theo cánh chim xa
Người thủy thủ thấy tình yêu mọc cánh .
Vịnh Hạ Long, hè 1960
Máu
Tôi mất máu vì vết thương phải mổ,
Người ta truyền máu cho tôi
Dù tỉnh hay mê làm sao biết rõ
Máu của những ai đã cứu sống đời tôi?
Khi tỉnh dậy, tôi ngỡ ngàng tự nhủ:
Sao máu khô không còn màu đỏ
Chảy tới tim rồi máu lại đỏ tươi?...
Người thầy thuốc bảo tôi:
“Bệnh viện chúng tôi đang thiếu máu,
Truyền máu cho anh, chỉ một tuần thôi,
chúng tôi phải dùng tới ba loại máu:
Hôm kia máu Nhật,
hôm qua máu Mỹ
và hôm nay là máu Đức…”
Thế kia ư?
Tôi vừa nhận vào cơ thể
ba dòng máu của châu Á, châu Âu, châu Mỹ,
Từ hôm nay
máu của tôi đâu phải của một người?
máu trong mình có còn của riêng tôi?
có còn riêng của một giống nòi?
Dòng máu ấy phải chăng còn thuần khiết?
Hay đã có phần hỗn hợp?
Và ở đâu trên quả đất này
Một dòng máu hoàn toàn thuần nhất?...
Tôi chợt nghe dòng máu chảy trong tôi
nói một điều giản dị
mà con người đã vô tình
hay cố ý
lãng quên:
Máu của mọi giống nòi vẫn có thể hòa chung,
Chỉ xung khắc khi không cùng nhóm máu…
Bệnh viện Việt Xô, tháng 4-1974
Hành quân trong mưa bão
Xuyên mùa mưa Trường Sơn
Ta đi trong bão táp
Nước trên trời, dưới đất,
Nước ào ào suối khe
Nước vây phủ bốn bề
Nước đầm đìa vai áo
Nước thấm vào bao gạo
Nước chảy dài xuống lưng
Tưởng như cả dãy rừng
Bỗng hóa thành gió, nước.
Dìu nhau qua suối lũ
Ta ghì siết tay nhau
Thân cây ngã làm cầu
Mây dài làm tay vịn
- Em cứ đi bình tĩnh
Dù cầu treo đung đưa
Dù sóng nước xô lùa
Dưới chân ta cuồn cuộn
Em hãy nhìn thẳng hướng
Hãy đặt vững bàn chân
Trên nhịp cầu yêu thương
Của anh em đồng đội.
Ta trèo lên dốc núi
Nước xói mòn dưới chân
Nghe thác đổ ầm ầm
Biết dốc dài sắp hết,
Máu chảy ra từng vệt
Hòa tan trong nước mưa
Vết màu này chưa khô
Vết máu kia đã ứa
Vì móc vào tre nứa?
Hay vắt cắn, gai cào?
Đang vượt lũ rừng sâu
Bỗng nghe tin bão lụt
Vùng đồng bằng ngập nước
Chạnh nghĩ tới đồng bào
Dưới ấy giờ ra sao
Ơi mẹ già, em nhỏ?
Ước gì con suối lũ
Chỉ cản đường ta thôi
Không tràn xuống vùng xuôi
Để bà con đỡ khổ!...
Mưa tuôn trào thác lũ
Hay lòng ai dâng tràn?
Đi trong mưa Trường Sơn
Nghe đời bao tiếng gọi…
Trường Sơn, tháng 11-1973
Điệp khúc sông Hàn
Cửa sổ nhà em soi bóng sông Hàn
Tiếng sóng vỗ dạt dào như nỗi nhớ.
Trường anh học dẫu không cùng một phố
Vẫn chung màu phượng đỏ với trường em…
*
Ngỡ phải xa nhau trong tiếng súng rền,
Ta lại gặp nhau trên đường kháng chiến.
Thành phố nhớ thương trong ta hiển hiện
Là nấm mồ của mẹ trong ánh lửa sông Hàn
Và cô nữ sinh mới gặp gỡ đôi lần
Sao đã thấy thương thầm anh bộ đội?
Hai tiếng quê hương khiến chúng mình gần gũi
Như điệp khúc sông Hàn hát mãi với hồn ta…
*
Khi đến với sông Hồng ta bỗng nhận ra nhau.
Ơi sóng biếc sông Hàn trong mắt em buổi đó!
Anh nắm tay em: nắm cả mùa hè rực rỡ
Bên Hồ Tây, - màu phượng đỏ bỗng rưng rưng…
*
Ta có nhau rồi: đời bỗng đẹp hơn!
Trời lồng lộng một màu xanh hy vọng!
Anh náo nức đi xa, làm thơ và cầm súng,
Như bức tranh em vẽ màu sắc rất hồn nhiên
Thơ anh ngân trong gió núi mưa ngàn
Nghìn dặm hành quân những năm đánh Mỹ
Giữa rừng Lào được tin em sắp đẻ,
Viết cho em trong ánh lửa chiến trường
*
Con ba tháng, anh lại vào đường Chín,
Em sơ tán về đâu, - tay dắt tay bồng?
Trong chiến thắng có lòng em trọn vẹn
Rừng Khe Sanh thương nhớ hóa mênh mông!...
*
Khi Hà Nội thành Điện Biên rực lửa
Ta lại cùng chia sẻ mọi gian nan
Đêm đứng ngắm pháo đài bay bốc cháy
Thấy tình yêu ta góp ánh hào quang…
Nhớ những ngày đói cơm, thiếu muối giữa Trường Sơn
Mùa đông lạnh băng mình qua suối lũ…
Vẫn nghĩ thương em bội phần gian khổ:
Em một mình nuôi dạy cả hai con!
*
Nhớ những ngày xa Tổ quốc vời vợi chờ mong!
Nhớ những lúc anh đau, em ngồi canh giấc ngủ
Anh như sống trong mơ, anh tưởng mình đang thở
Bằng hơi thở của em, lồng ngực của em…
*
Xa cách mấy mươi năm, ta về với sông Hàn
Trời quê hương vẫn xanh như thuở nhỏ
Ta lại sánh vai nhau trên bến Bạch Đằng
Và phượng đỏ, như trái tim ta, mỗi mùa thêm thắm đỏ…
Bờ sông Hàn, ngày 9-1-1986
LƯU TRÙNG DƯƠNG