.

Đà Nẵng dưới những cánh bay

.

Hơn 120 khách VIP là những chính khách nổi tiếng như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell và hàng chục tỷ phú đến từ Ả Rập, Hồng Kông, Singapore, Philipines, Thái Lan... đã đến Đà Nẵng bằng chuyên cơ riêng để tham dự hội nghị tài chính thế giới thường niên mang tên “Creative connection” (Kết nối sáng tạo) vào  trung tuần tháng 11-2013 do Ngân hàng Standard Chartered (SCB) tổ chức.

Số khách VIP này chọn khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (bán đảo Sơn Trà) để nhóm họp mà không phải là Bali hay Phukhet.

Các chuyên cơ của các tỷ phú đáp xuống sân bay Đà Nẵng vào tháng 11-2013. Ảnh: KIM EM
Các chuyên cơ của các tỷ phú đáp xuống sân bay Đà Nẵng vào tháng 11-2013. Ảnh: KIM EM

Trước đó, cuối tháng 12-2012, tỷ phú George Soros (người Mỹ gốc Do Thái) cũng đến Đà Nẵng bằng máy bay riêng và chọn nơi đây làm nơi nghỉ dưỡng mừng năm mới 2013. Rồi đến ông hoàng xứ Ả Rập, các ngôi sao trong giới showbiz thế giới cũng đã chọn Đà Nẵng để đến. Các sự kiện này đã cho thấy Đà Nẵng đã được đóng một dấu son về chất lượng dịch vụ cao cấp và điểm đến an toàn, thân thiện.

Mở rộng vùng trời

Con số hơn 3,1 triệu lượt khách đến Đà Nẵng trong năm 2013, tăng 17,2% so với năm ngoái, trong đó khách quốc tế gần 750.000 lượt, tăng gần 18%, trong đó khách quốc tế đến bằng đường hàng không tăng 80% cho thấy chủ trương mở rộng vùng trời, kết nối các điểm đến trong nước và thế giới của lãnh đạo thành phố và ngành hàng không đã đem lại quả ngọt.

Bình quân mỗi ngày, tại sân bay quốc tế Đà Nẵng có gần 50 máy bay cất và hạ cánh của các hãng hàng không nội địa và 6 chuyến bay đi và đến của các hãng hàng không quốc tế. Đến thời điểm này, đã có 16 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, trong đó có 4 đường bay trực tiếp thường kỳ và 12 đường bay trực tiếp thuê chuyến, tăng gấp đôi năm 2012. Trong đó, riêng Vietnam Airlines khai trương 2 đường bay mới Đà Nẵng - Seoul (Hàn Quốc) và Đà Nẵng - Siêm Riệp (Campuchia) từ đầu tháng 7-2013 đã tạo thêm nguồn khách quốc tế đến Đà Nẵng ngày một thêm đông. Có thể nói sân bay Đà Nẵng mỗi lúc mỗi nhộn nhịp khi tần suất cất cánh và hạ cánh của các chuyến bay đi và đến Đà Nẵng tăng dần đều, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, mùa nghỉ đông của du khách Âu - Mỹ và nghỉ hè của khách trong nước.

Ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý lữ hành của Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, cho biết chỉ trong dịp Noel đến năm mới 2014, lượng khách quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng bằng đường hàng không với 74 chuyến bay đạt khoảng 8.330 lượt khách, tăng 42,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu khởi đầu đáng mừng cho Đà Nẵng trong năm mới này. Ông Trung cũng cho hay, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng đông và tăng nhanh phải kể đến Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong năm 2013 đã có gần 55.600 lượt khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng, tăng 82% và 41.148 lượt khách Nhật, tăng 53%. Trong đó, rất nhiều người trong số họ chọn Đà Nẵng làm nơi cư trú lâu dài.

Giám đốc Vietnam Airlines Chi nhánh Đà Nẵng Lê Hoàng Dũng cho biết, việc mở các đường bay trực tiếp đến Seoul, Siêm Riệp trong năm 2013 và sắp tới sẽ mở thêm đường bay trực tiếp đến Tokyo (Nhật Bản) của Vietnam Airlines trong năm 2014 nhằm khai thác tốt hơn nguồn khách quốc tế đến du lịch và làm ăn tại Đà Nẵng. Theo ông Dũng, lượng khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng tăng gấp đôi sau khi mở đường bay Đà Nẵng - Seoul cho thấy tiềm năng rất lớn của du lịch Đà Nẵng. Nếu mở rộng và khai thác tốt các đường bay đến Đà Nẵng thì chắc chắn lượng du khách đến Đà Nẵng sẽ còn tăng hơn nhiều. Đây là cơ hội không chỉ cho ngành hàng không.

Và để đón đầu cơ hội này, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng hiện đang ráo riết xúc tiến việc mở đường bay trực tiếp nối với các thị trường Thái Lan, Nhật Bản và Nga với sự nỗ lực mở thị trường mới của các công ty lữ hành.

Kết nối mặt đất

Chủ trương làm mới hạ tầng để đón đầu cơ hội làm ăn của thành phố từ khi chia tách tỉnh đến nay đã phát huy được lợi thế. Ngoài hệ thống đường giao thông nội thành nối với các khu đô thị mới, hệ thống cầu bắc qua sông Hàn được xây dựng liên hoàn và con đường phẳng phiu, đẹp đẽ dài 25km nối bán đảo Sơn Trà với tuyến đường du lịch Sơn Trà - Điện Ngọc - Hội An và cầu Thuận Phước với hầm đường bộ Hải Vân đã tạo thế cho du lịch biển Đà Nẵng phát triển khi hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp có tên tuổi được mở ra như khu nghỉ mát InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Hyatt Regency Danang Resort & Spa, Vinpearl Luxury, Pullman...

Con đường phẳng phiu, đẹp đẽ dài 25km nối bán đảo Sơn Trà với tuyến đường du lịch Sơn Trà - Điện Ngọc - Hội An và cầu Thuận Phước với hầm đường bộ Hải Vân đã tạo thế cho du lịch biển Đà Nẵng phát triển khi hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp có tên tuổi được mở ra. Trong ảnh: Khu nghỉ mát InterContinental Danang Sun Peninsula Resort. Ảnh: NGỌC HỢI
Con đường phẳng phiu, đẹp đẽ dài 25km nối bán đảo Sơn Trà với tuyến đường du lịch Sơn Trà - Điện Ngọc - Hội An và cầu Thuận Phước với hầm đường bộ Hải Vân đã tạo thế cho du lịch biển Đà Nẵng phát triển khi hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp có tên tuổi được mở ra. Trong ảnh: Khu nghỉ mát InterContinental Danang Sun Peninsula Resort. Ảnh: NGỌC HỢI

Đã có gần 4 tỷ USD được các nhà đầu tư  đổ vào để xây dựng các khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng sao cấp ven biển để đón làn sóng khách du lịch có tiền đến với thành phố ven biển được đánh giá là điểm đến mới lý tưởng và an toàn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương với bãi biển được xem là quyến rũ nhất hành tinh này. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khá hoàn chỉnh tạo thiện cảm cho khách đến với Đà Nẵng. Đã có 390 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đưa vào hoạt động đón khách, với 13.634 phòng nghỉ, căn hộ, trong đó hơn 2.000 phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao. Chỉ riêng trong năm 2013 có 12 khách sạn, khu nghỉ dưỡng 3-5 sao được đưa vào hoạt động, với công suất buồng phòng đạt từ 70-80%. Với kinh doanh du lịch, con số này nói được nhiều điều, đó là cơ sở vật chất của Đà Nẵng đã đáp ứng được yêu cầu của du khách khó tính trong chi tiêu và ăn ở.

Ông Zulki Othman, Tổng Giám đốc Hyatt Regency Danang Resort & Spa, nhận xét Đà Nẵng sẽ trở thành điểm nóng về du lịch. Bởi vùng đất này hội tụ quá nhiều tiềm năng với bãi biển đẹp; bao quanh bởi 3 di sản thế giới là Hội An, Mỹ Sơn và Huế; có những sân golf tầm cỡ quốc tế và có sân bay quốc tế có thể dễ dàng kết nối đến các trung tâm du lịch khu vực châu Á như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur và Hồng Kông.

Sự hấp dẫn và độ tin cậy càng tăng sau khi  hội nghị năng lượng Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 44 tổ chức tại Washington công nhận Đà Nẵng là thành phố nằm trong top 20 thành phố trên thế giới được công nhận và vinh danh là thành phố có không khí sạch bởi lượng carbon thấp nhất…

Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến khẳng định, Đà Nẵng sẽ làm hết sức mình vì một thành phố xanh, sạch, đẹp, một thành phố đúng chuẩn thân thiện với môi trường. Làm được điều này, sẽ tạo cơ hội cho Đà Nẵng phát triển ngành du lịch - dịch vụ, một ngành được coi là mũi nhọn kinh tế của Đà Nẵng trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

KIM EM

;
.
.
.
.
.