Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: 'Bằng mọi giá không để dịch bệnh lan rộng'

.

* Từ 0 giờ ngày 28-7, Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ

* Xuất hiện chủng virus mới

* Bảo đảm an toàn trong các bệnh viện được cách ly

* Công an Đà Nẵng huy động tối đa lực lượng phòng, chống Covid-19

Sáng 27-7, phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục đề cao cảnh giác, triển khai quyết liệt các biện pháp, bằng mọi giá không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Chính phủ cũng yêu cầu thành phố Đà Nẵng khẩn trương triển khai các biện pháp mạnh mẽ, dứt khoát và đồng bộ để xử lý mọi tình huống.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.  Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Xuất hiện chủng virus mới

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh tinh thần chủ động, không chủ quan, không mất cảnh giác nhưng cũng không được hoang mang trong công tác phòng, chống Covid-19. Theo đó, chính quyền thành phố phải tập trung cao độ, phản ứng nhanh, hiệu quả, bằng sức mạnh tổng hợp, tổng lực; phải thần tốc, truy vết, xét nghiệm diện rộng cho những đối tượng cần thiết để ngăn ngừa có hiệu quả việc lây nhiễm. Trong đó, phối hợp tốt, nhuần nhuyễn giữa lực lượng làm nhiệm vụ tại địa phương.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố Đà Nẵng theo Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24-4 về các biện pháp phòng, chống Covid-19 với mức độ cao, thời gian thực hiện từ 0 giờ ngày 28-7. Thủ tướng nhấn mạnh “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng phải xem đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, trong bối cảnh chưa tìm được F0, cần phải cơ cấu lại các lực lượng trực chiến, lực lượng phản ứng nhanh và sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị liên quan trước tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh tại Đà Nẵng”.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phát huy hiệu quả của các phương tiện truyền thông trong phòng, chống dịch; đề cao cảnh giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không được hoang mang, dao động; hỗ trợ Đà Nẵng trong việc truy vết các trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh. Bộ Công an thực hiện chủ trương đi từng ngõ, gõ từng nhà những địa bàn trọng điểm như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và 2 thành phố lớn. Bộ Công an có trách nhiệm điều tra, truy tố, xét xử những cá nhân, đơn vị vi phạm pháp luật trong vấn đề đưa người xâm nhập trái phép…

Báo cáo tại cuộc họp, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, qua giám sát, điều tra dịch tễ, 4 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng thời gian qua, trong đó có 3 ca ở Đà Nẵng có thể lây từ nhiều nguồn khác nhau và khởi phát từ ổ dịch tại cộng đồng. Đây là chủng virus mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài. “Chúng tôi nhận định dịch bắt đầu từ tháng 7 và đến nay Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa”, ông Long cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng đang diễn biến hết sức phức tạp. Sau khi xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng, chính quyền thành phố đã nhanh chóng vào cuộc với những kịch bản ở cấp độ cao, kịp thời cách ly, phong tỏa những trường hợp, những khu vực có nguy cơ phát tán virus.

Tuy nhiên, do chưa xác định được nguồn lây nhiễm nên việc điều tra, khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn, bị động. Nguy cơ xuất hiện các ca nhiễm mới rất cao. “Mặt khác, thành phố đã đẩy nhanh tốc độ, quy mô thực hiện xét nghiệm cả kháng thể lẫn kháng nguyên ở những trường hợp, những khu vực có nguy cơ cao. Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 3.000 mẫu xét nghiệm được lấy và hơn 1.000 mẫu xét nghiệm đã có kết quả.

Bảo đảm an toàn trong các bệnh viện được cách ly

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, Bệnh viện C Đà Nẵng thực hiện cách ly từ 0 giờ ngày 24-7 và Bệnh viện Đà Nẵng cách ly từ 13 giờ ngày 26-7. Ngoài công tác khoanh vùng, giám sát, điều tra dịch tễ để phát hiện các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, ngành y tế phải bảo đảm an toàn, cung ứng đủ nhu yếu phẩm và dinh dưỡng để phục vụ người bệnh trong thời gian cách ly.

Phun hóa chất khử trùng bên trong Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG
Phun hóa chất khử trùng bên trong Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Bệnh viện C Đà Nẵng hiện có 961 người gồm nhân viên y tế và bệnh nhân, người chăm nuôi, y bác sĩ, sinh viên thực tập… đang được cách ly từ ngày 24-7. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng, sau khi áp dụng cách ly, Bệnh viện C Đà Nẵng đã bố trí chỗ nghỉ ngơi, khẩu phần ăn hằng ngày bảo đảm. Riêng các bệnh nhân điều trị bệnh lý về tiêu hóa, hô hấp, tim mạch sẽ có một khẩu phần ăn riêng để phù hợp với tình trạng sức khỏe. Trong thời gian cách ly, Bệnh viện C Đà Nẵng không làm thủ tục xuất viện cho các bệnh nhân đang điều trị, không tiếp thêm bệnh nhân mới. “Một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian cách ly chính là bảo đảm đời sống vật chất, chế độ dinh dưỡng và tinh thần yên tâm, không lo lắng đối với những người được cách ly. Đặc biệt, bữa ăn, thành phần dinh dưỡng cho bệnh nhân được cung ứng đầy đủ, bảo đảm liên tục 3 bữa/ngày”, bác sĩ Thiện cho biết.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Đà Nẵng, các hoạt động bên trong khu vực cách ly vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch, kịch bản ban đầu. Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, sau khi áp dụng cách ly, bệnh viện đã thiết lập lại các khu vực chức năng cho phù hợp, bảo đảm thực hiện việc cách ly, không làm lây lan dịch bệnh tại bệnh viện và ra ngoài cộng đồng. Bệnh viện bố trí trạm gác, thiết lập bàn tiếp nhận đồ tiếp tế gửi vào cho người được cách ly. “Người tiếp tế đến đăng ký với người bảo vệ trực và để đồ tiếp tế tại bàn tiếp nhận, trong đó ghi rõ tên, tuổi người tiếp nhận và người tiếp tế. Ngoài ra chúng tôi cũng nghiêm cấm mang vật dụng của người cách ly ra khỏi bệnh viện khi chưa được khử khuẩn”, bác sĩ Trung cho biết.

Tại khu vực trạm gác ở cổng hoặc các lối ra vào, bệnh viện bố trí bảo vệ trực 24/24, tuyệt đối không cho phép những người không có nhiệm vụ vào vùng cách ly. Đối với những người ra, vào khu vực cách ly phải được đo thân nhiệt, bố trí điếm rửa tay với xà phòng và nước sạch…

Các yêu cầu về buồng phòng, sắp xếp giường bệnh, vệ sinh khử khuẩn, thông khí, phương tiện bảo vệ cá nhân, xử lý chất thải và các dụng cụ cần thiết khác để phòng tránh lây nhiễm Covid-19 phải được bảo đảm.

Trong thời gian cách ly, nếu có ca bệnh nhiễm Covid-19, bệnh viện sẽ chuyển bệnh nhân về Khoa Y học nhiệt đới hoặc cơ sở khám, chữa bệnh khác được phép thu dung, điều trị theo chỉ định của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố. Những bệnh nhân nội trú và người chăm sóc bênh nhân nặng bước đầu xác định không có nguy cơ mắc Covid-19 sẽ được chuyển sang các khoa, phòng khác không có nguy cơ nhiễm bệnh để tiếp tục điều trị. Đối với bệnh nhân nội trú và những người chăm sóc bệnh nhân nặng có nguy cơ mắc Covid-19, bệnh viện sẽ thực hiện cách ly tại chỗ ở các khoa, phòng đang điều trị.

Để bảo đảm không gian thực hiện cách ly tại bệnh viện trong thời gian 14 ngày, Bệnh viện Đà Nẵng đã khám, sàng lọc và chuyển những bệnh nhân nhẹ và một số nhân viên y tế sang cơ sở cách ly khác.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Đà Nẵng đang thực hiện cách ly khoảng 2.300 người, trong đó có 800 bệnh nhân và khoảng 1.500 nhân viên y tế. “Theo kế hoạch cách ly được áp dụng, Bệnh viện Đà Nẵng không tiếp nhận bệnh nhân trong thời gian này. Những bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại đây sẽ được chuyển sang khám, điều trị tại các cơ sở khác. Riêng đối với những trường hợp bệnh nhân cấp cứu nặng được chuyển đến từ các cơ sở y tế khác thì bệnh viện vẫn tiếp nhận để hỗ trợ và điều trị”, bác sĩ Trung cho biết thêm.

Công an Đà Nẵng huy động tối đa lực lượng phòng, chống Covid-19

Từ chiều 24-7 đến nay, Công an thành phố đã huy động toàn lực lượng vào cuộc phòng, chống Covid-19. Ngoài việc tăng cường kiểm tra người nước ngoài, lực lượng Công an các địa phương phối hợp kiểm tra dịch tễ, tăng cường lực lượng bảo vệ tại các điểm cách ly, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân.

Để bảo đảm quá trình cách ly toàn bộ nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng diễn ra an toàn, Công an quận Hải Châu đã lập 7 chốt, khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia nhiệm vụ bảo vệ 24/24 giờ. Đại tá Trần Phước Hương, Trưởng Công an quận Hải Châu cho biết, ngoài lực lượng bảo vệ tại các địa điểm cách ly, Công an toàn quận còn tập trung kiểm tra người nước ngoài lưu trú trên địa bàn. Qua đó, đã kiểm tra hơn 100 cơ sở có hơn 1.000 người nước ngoài lưu trú, đa số đều khai báo tạm trú theo quy định.

Địa bàn quận Liên Chiểu - nơi bệnh nhân số 416 lưu trú, những ngày qua, Công an quận Liên Chiểu đã huy động toàn bộ lực lượng vào cuộc làm nhiệm vụ. Đại tá Nguyễn Văn Hoa, Trưởng Công an quận Liên Chiểu cho biết, lực lượng Công an phối hợp với ngành y tế tiến hành điều tra dịch tễ. Từ ngày 24 đến hết ngày 26-7, Công an quận Liên Chiểu phối hợp với các địa phương rà soát, lập danh sách gần 50 trường hợp F1, 11 trường hợp F2 để báo cáo thành phố. Theo Đại tá Nguyễn Văn Hoa, ký túc xá phía tây thành phố (nằm ở địa bàn quận Liên Chiểu) dự kiến sẽ tập trung lượng lớn người đến cách ly, vì vậy Công an quận đang khảo sát, lên kế hoạch để bảo vệ khu cách ly. Công an các quận: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Hòa Vang cũng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Công an thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh tiến hành điều tra người nước ngoài lưu trú trái phép trên địa bàn, lực lượng Công an quận còn tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân, cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm việc phòng, chống dịch.

Song song với đó, lực lượng cảnh sát giao thông cũng đẩy mạnh việc phòng, chống Covid-19. Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị huy động 100% quân số triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, tại 4 trạm cửa ô, Cảnh sát giao thông ngoài việc dừng kiểm tra hành chính về giao thông sẽ phát hiện các biểu hiện liên quan đến người nước ngoài, đồng thời nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang phòng, chống dịch. Đặc biệt, tổ chức lực lượng kiểm soát trên các tuyến, địa bàn nhằm phòng chống các hành vi đua xe trái phép khi có lệnh cách ly xã hội.

Lấy hơn 10.000 mẫu xét nghiệm Covid-19

Tính đến cuối ngày 27-7, với sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, ngành y tế thành phố đã thực hiện và cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với hơn 10.400 mẫu bệnh phẩm. Đây là những mẫu bệnh phẩm được lấy từ những trường hợp tiếp xúc hoặc có nguy cơ lây nhiễm do liên quan đến các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Đà Nẵng. Những mẫu bệnh phẩm được lấy và phân tích bằng kỹ thuật Elisa (kháng thể) và kỹ thuật RT-PCR (kháng nguyên). Ngành y tế thành phố đang cách ly, theo dõi tại nhà 230 trường hợp; cách ly tập trung tại các khu cách ly, bệnh viện 276 trường hợp…

Thêm 11 bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng

Chiều 27-7, Bộ Y tế công bố có 11 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, là những bệnh nhân và nhân viên y tế đang điều trị, làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng. Các bệnh nhân có độ tuổi từ 24-70, trong đó có 7 bệnh nhân đang điều trị tại các khoa (Tim mạch, Hồi sức tích cực chống độc, Y học nhiệt đới, Nội thận - Nội tiết) và 4 nhân viên y tế. Tổng số ca nhiễm cả nước đến thời điểm này lên 431 ca, trong đó 365 người đã khỏi.

PHAN CHUNG

PHAN CHUNG - NGỌC PHÚ


 

;
;
Tin liên quan
.
.
.
.
.