Nâng cao hiệu quả phòng, chống Covid-19

.

Ngày 10-8, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần chủ động, kiên quyết trong việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Theo đánh giá, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã bám sát tình hình thực tế, tuy nhiên cần quyết liệt, nghiêm túc hơn trong việc thực hiện để nâng cao hiệu quả.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (trái) và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố chiều 10-8. 	      								            Ảnh: PHAN CHUNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (trái) và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố chiều 10-8. Ảnh: PHAN CHUNG

Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng ghi nhận sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các chuyên gia hàng đầu đã hỗ trợ Đà Nẵng kịp thời trong điều tra dịch tễ, xét nghiệm, truy vết và điều trị; ghi nhận UBND thành phố, các cấp ủy, đơn vị, địa phương đã kịp thời ban hành, thực hiện các kế hoạch cần thiết để góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng. “Kết quả trong công tác phòng, chống dịch đến thời điểm này xuất phát từ việc ngăn chặn, khoanh vùng, xét nghiệm và điều trị hiệu quả.

Chúng ta cần tiếp tục phát huy những thành quả thời gian qua, có đánh giá tổng thể, nêu rõ những biện pháp đã triển khai, những khó khăn, vướng mắc, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, không chỉ cho địa phương mà các tỉnh, thành khác đang có nguy cơ”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu thời gian tới cần tiếp tục duy trì các biện pháp phù hợp, nâng cao vai trò, trách nhiệm, thực hiện một cách nghiêm túc các biện pháp đã, đang triển khai. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố song song với công tác chỉ đạo cần thực hiện việc kiểm tra, giám sát các nhiệm vụ cần thiết, xác định trách nhiệm của người thực hiện và thời gian hoàn thành các nhiệm vụ được giao. “Chúng ta phải xác định rõ những việc phải làm, trong đó nhấn mạnh việc đề nghị người dân tiếp tục đồng hành với hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch. Nếu không có sự đồng thuận của người dân thì nhiệm vụ khó hoàn thành. Ngoài ra, cần lưu tâm, đánh giá tình hình ở những khu vực nhạy cảm; xem lại việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống Covid-19 tại các cơ quan Nhà nước”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

Về tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương cho biết, địa phương đã triển khai kịp thời các biện pháp cần thiết trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, hiệu quả của những kế hoạch phụ thuộc hoàn toàn vào sự quyết tâm của các đơn vị, địa phương. “Lo nhất hiện nay vẫn là những sai sót về các trường hợp F1, bởi hiện nay có nhiều F1 đã trở thành F0. Nếu chỉ một F1 bị sót thì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn thường trực. Đề nghị lãnh đạo thành phố có đánh giá toàn diện, khách quan và chính xác về chỉ số này, đồng thời nêu rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong việc truy vết, kiểm soát các trường hợp F1”, ông Dương đề nghị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận, qua phân tích dịch tễ, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng có thể kiểm soát được khi số ca nhiễm ghi nhận đã giảm dần, mặc dù số lượng mẫu xét nghiệm được lấy tăng lên rất nhiều so với trước. “Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn rất phức tạp, khó lường, Đà Nẵng cần nghiêm túc với các biện pháp đã ban hành để không đánh mất cơ hội kiểm soát dịch bệnh. Trước mắt là tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần tập trung cao độ; đẩy mạnh việc xét nghiệm, trong đó ưu tiên những ca nghi nhiễm và những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện có nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, một số khu vực có ca nhiễm tăng cao phải hết sức cân nhắc, xem xét việc áp dụng các biện pháp nghiêm khắc hơn”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Xét nghiệm nhanh, khoa học

Liên quan đến công tác xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm SARS-CoV-2, ngày 10-8, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố Huỳnh Đức Thơ đã đi thị sát quy trình kỹ thuật lấy mẫu tại cộng đồng, đặc biệt là việc lấy mẫu gộp tại phường Bình Thuận (quận Hải Châu); đồng thời, trực tiếp vào khu xét nghiệm SARS-CoV-2 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố để xem toàn bộ quy trình xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm.

Hiện nay CDC Đà Nẵng đang triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm theo nhóm. Về vấn đề này, lãnh đạo thành phố cho rằng, việc tổ chức đưa người dân trong khu vực nguy cơ đến điểm tập trung, sắp xếp và tiến hành lấy mẫu một nhanh chóng theo phương pháp lấy mẫu nhóm (5 người/nhóm gộp) đã giúp thành phố cải thiện rất tốt về tốc độ lấy mẫu. Phương pháp này góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. “Chúng ta đang thực hiện một cách ráo riết với chiến lược là xét nghiệm - truy vết - cách ly - điều trị - dập dịch.

Thành phố đang tích cực đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu và xét nghiệm, sẵn sàng trang bị máy móc, thiết bị để đáp ứng nhu cầu, kịp thời phát hiện những nguy cơ để khoanh vùng, dập dịch hiệu quả”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC thành phố, hiện đơn vị được trang bị 13 máy xét nghiệm Realtime PT-PCR, 5 máy tách chiết tự động, hệ thống máy tính, máy in và các loại máy phun hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tổng cộng có hơn 460 người đã tham gia các công tác xét nghiệm, điều tra, truy vết, theo dõi các khu điểm nóng để triển khai lấy mẫu cộng đồng... “Đến nay, CDC đã xét nghiệm khoảng 40.000 mẫu bệnh phẩm của hơn 50.000 người, đồng thời phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu và xét nghiệm tìm kháng thể cho 10.000 người.

Trong 10.000 mẫu xét nghiệm nhanh này, chúng ta kịp thời phát hiện 18 mẫu dương tính”, bác sĩ Thạnh cho biết. Qua giám sát, điều tra thông tin dịch tễ của 269 ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2, CDC ghi nhận có 251 ca liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng hoặc có nguồn lây ban đầu liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, 11 ca bệnh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây (8 ca bệnh chưa ghi nhận các F1 dương tính)...

Theo CDC Đà Nẵng, quy trình kỹ thuật để tiến hành nhận mẫu và triển khai xét nghiệm hiện nay tổ chức khá khoa học, năng suất làm việc đáp ứng được số mẫu được gửi đến. Với tốc độ lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm như hiện nay, mỗi ngày CDC Đà Nẵng có thể lấy và xét nghiệm từ 6.000-7.000 mẫu bệnh phẩm. Với năng lực được nâng cao, ngành y tế tiếp tục mở rộng ra những điểm khác để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chặn đầu dịch lây lan. Công tác xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng dân cư cho thấy tỷ lệ người mắc Covid-19 được phát hiện rất thấp.

Chính vì thế, việc xét nghiệm theo nhóm đã cải thiện đáng kể về số lượng mẫu tập trung, giúp ngành Y tế chủ động, đón đầu trước sự lây lan của dịch trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, phần lớn các bệnh nhân nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại địa phương đều không có các biểu hiện lâm sàng. Thực tế này sẽ giảm phần nào áp lực trong điều trị nhưng công tác điều tra dịch tễ, dự phòng lại phải đẩy nhanh tốc độ. “Chính vì thế, nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát, điều tra dịch tễ, cách ly, xét nghiệm kịp thời thì dịch có nguy cơ bùng phát trở lại”, bác sĩ Yến cho biết.

Thời gian đến, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị CDC Đà Nẵng tiếp tục lấy mẫu rộng ra, lấy mẫu ở những cộng đồng khu dân cư có vấn đề nghi ngờ để tổ chức xét nghiệm. Ngoài ra, các địa phương cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định trong phòng, chống dịch, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện nhiều F1 gây áp lực, gánh nặng cho CDC. “Tiếp tục huy động nhân lực, thiết bị và phương pháp xét nghiệm theo nhóm để tăng tốc xét nghiệm. Đối với vấn đề đi lại của người dân, chính quyền địa phương phải siết chặt hơn nữa, khuyến cáo chỉ ra khỏi nhà khi cần thiết.

Chúng ta chưa tính đến việc phong tỏa cả thành phố nhưng trong những ngày tới, nếu tình hình diễn biến khác đi thì Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 sẽ tiếp tục đưa ra những biện pháp mạnh hơn nữa”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Ngày 10-8, UBND thành phố có Tờ trình số 5306/TTr-UBND gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 và Bộ Y tế về việc xin chủ trương thành lập Bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn trực thuộc Sở Y tế Đà Nẵng. Theo đó, việc thành lập bệnh viện này cần được thực hiện ngay nhằm đáp ứng yêu cầu thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn thành phố, giảm quá tải cho Bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Bệnh viện Phổi và các cơ sở y tế trên địa bàn (đáp ứng cấp độ 4 Covid-19). Bệnh viện có quy mô 500 giường bệnh. Đối tượng thu dung điều trị là các ca bệnh xác định mắc Covid-19 (ca dương tính); ca bệnh gồm người lớn (không bao gồm phụ nữ có thai), trẻ em.

B.T

Người dân đi khám bệnh có biểu hiện sốt, ho sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2

Để tăng cường công tác phòng, chống Covid-19 và giám sát kịp thời các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, Sở Y tế vừa yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm tác nhân Covid-19 đối với tất cả các trường hợp có các biểu hiện ho, sốt, khi đến đăng ký thủ tục khám, chữa bệnh thông thường. Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 của các trường hợp này sau khi lấy sẽ được chuyển đến CDC Đà Nẵng, Bệnh viện 199 (Bộ Công an), Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để xác định tác nhân. Các cơ sở y tế khám, chữa bệnh phải bố trí, phân luồng khu vực cách ly y tế tạm thời cho đến khi có kết quả xét nghiệm.

Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho xuất viện 4 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên

Sáng 10-8, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho xuất viện 4 bệnh nhân đầu tiên trong số những bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị tại đây. Các bệnh nhân sau thời gian điều trị đều có kết quả xét nghiệm từ 3-4 lần âm tính với SARS-CoV-2.

* Tính đến 19 giờ ngày 10-8, Việt Nam có tổng cộng 847 ca Covid-19, trong đó, số ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 389 người. Việt Nam đã ghi nhận 14 ca tử vong, đều là những bệnh nhân có bệnh lý nền. (Nguồn: Bộ Y tế)

0 giờ ngày 11-8, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng dỡ phong tỏa

Đúng 0 giờ ngày 11-8, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng và khu dân cư được phong tỏa gần đó được dỡ bỏ lệnh cách ly theo quyết định của UBND thành phố. Đây cũng là 2 điểm rộng lớn nhất ở khu vực trung tâm thành phố được phong tỏa, cách ly diện rộng suốt 15 ngày qua để phục vụ kiểm soát Covid-19.

* Ngày 10-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố cũng đã có văn bản về việc tiếp tục áp dụng biện pháp cách ly y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng từ 0 giờ ngày 11-8. Thời gian kết thúc cụ thể phụ thuộc vào ngày lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân cuối cùng tại Bệnh viện Đà Nẵng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 cộng thêm 14 ngày.

P.C

PHAN CHUNG
 

;
;
.
.
.
.
.