Giữ lửa yêu thương

.

Ngày càng có nhiều phụ nữ sinh con một bề vượt qua định kiến gia đình, dòng họ, kiên quyết không sinh con thứ ba để nuôi con tốt, dạy con ngoan, chăm lo giữ hạnh phúc gia đình.

CLB Phụ nữ không sinh con thứ 3 chia sẻ kinh nghiệm nuôi con tốt, dạy con ngoan tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu. (Ảnh chụp tháng 10-2020)Ảnh: THANH TÌNH
CLB Phụ nữ không sinh con thứ 3 chia sẻ kinh nghiệm nuôi con tốt, dạy con ngoan tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu. (Ảnh chụp tháng 10-2020). Ảnh: THANH TÌNH

Chị Lê Thị Thanh Bình (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) là một trong những phụ nữ như thế. Sinh hai cô con gái nhưng do lớn tuổi, sức khỏe không bảo đảm, kinh tế gia đình khó khăn, chị Bình muốn dừng lại không sinh thêm con nữa. Nhưng vì muốn có con trai nối dõi nên gia đình chồng và ngay cả chồng đã từng không ít lần gây áp lực cho chị. “Nói thì dễ nhưng thuyết phục là cả một quá trình khi trong suy nghĩ của các thành viên trong gia đình chồng đã có tư tưởng và mong muốn sinh con trai.

Nhưng rồi mình bằng nhiều cách thuyết phục, chuyên tâm chăm con cái, cuối cùng chồng và gia đình chồng mới hiểu và yêu thương vợ con nhiều hơn. Bây giờ, niềm vui và mãn nguyện nhất đối với mình là đã sinh được 2 con gái. Nhìn thấy con lớn lên từng ngày, học giỏi chăm ngoan, cả 2 con hiện đã ra trường, có công việc ổn định và lập gia đình, mình rất hãnh diện dù rằng so với các gia đình khác mình không có con trai”, chị Bình chia sẻ.

Cũng là phụ nữ sinh con một bề song chị Trần Thị Bé (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) có phần “may mắn” hơn chị Bình là gia đình bên chồng đã có 4 người con trai nên họ không quá đặt nặng việc con dâu có sinh được con trai hay không. Không bị áp lực sinh con trai, chị Bé nỗ lực làm tốt vai trò của một hậu phương vững chắc. Hằng ngày, ngoài công việc, chị Bé luôn sắp xếp thời gian để chăm sóc con cái chu toàn, hiếu thuận hết mực với gia đình chồng. “Phụ nữ bây giờ không như ngày xưa, họ ra ngoài tiếp cận với xã hội nhiều hơn, được giao tiếp với nhiều người, có công việc và chỗ đứng nhất định trong xã hội vậy nên việc sinh 2 con gái không còn là nỗi lo lắng hay gánh nặng với họ mà ngược lại họ càng yêu thương con gái mình, cố gắng cho con một cuộc sống đủ đầy nhất”, chị Bé nói.

Có thể thấy, dù sinh con một bề là gái nhưng nhiều phụ nữ hiện nay vẫn không có ý định sinh thêm con thứ 3 mà tập trung nuôi dạy các con trở thành con ngoan, trò giỏi, đạt thành tích cao trong học tập. Họ là các minh chứng, tấm gương để truyền đi thông điệp dân số “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” và “dừng lại ở 2 con để nuôi dạy con cho tốt” đến cộng đồng.

Theo bà Phùng Thị Hương Hạnh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố, ở nước ta hiện nay, khoảng 115 bé trai chào đời thì chỉ có 100 bé gái ra đời trong cùng thời gian, nếu tất cả chúng ta không cùng nhau can thiệp, kiểm soát thì trong vòng 10-15 năm nữa, cả nước sẽ thừa ra khoảng 4,5 triệu đàn ông, mất cân đối tỷ lệ dân số.

Bà Hương Hạnh cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh sâu xa là do tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Tư tưởng này không chỉ thể hiện ở nam giới mà cả nữ giới, ở chỗ ví dụ trong gia đình có 2 người con, 1 trai 1 gái thì người con gái sẽ đảm nhận các việc nội trợ, quét nhà, lau nhà… nhiều hơn, thậm chí con trai không phải đụng chân đụng tay bất cứ việc gì. Một trong những nguyên nhân phải kể đến nữa là tâm lý muốn sinh con trai “nối dõi tông đường” và phụng dưỡng bố mẹ khi về già của các gia đình.

Nếu gia đình nào cũng muốn sinh con trai thì đến một lúc nào đó nam giới đến tuổi kết hôn sẽ khó tìm bạn đời, dễ dẫn đến các hệ lụy như bắt cóc phụ nữ và trẻ em gái, buôn bán phụ nữ qua biên giới, tệ nan mại dâm… Vì vậy, việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giờ không còn là nhiệm vụ riêng của ngành dân số mà các cấp, các ngành cần vào cuộc, tuyên truyền, vận động, chung tay kiểm soát mạnh mẽ.

“Không chỉ có gia đình có trai, có gái mới hạnh phúc mà nếu gia đình có 2 con gái nhưng con gái ngoan ngoãn, lễ phép, sống hiếu thuận, giỏi giang thì đó đã là hạnh phúc. Hạnh phúc không ở đâu xa mà chính là sự góp nhặt những điều giản đơn nhất, hạnh phúc là sự cảm nhận, là cách thức xây dựng của mỗi người chứ không đến từ những đánh giá từ bên ngoài”, chị Hương Hạnh nhìn nhận

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.