Chống ngập úng mùa mưa bão

.

Thời gian qua, các đơn vị chức năng đã tích cực thi công các công trình thoát nước, chống ngập úng, tuy nhiên, vẫn còn nhiều công trình chưa hoàn thành hoặc chưa thi công. Các đơn vị liên quan đã và đang triển khai thực hiện các giải pháp khơi thông, thoát nước tạm... để chủ động ứng phó với mưa lớn.

Công trình tuyến cống thu gom nước thải dọc kênh Hồng Thái - Tân Trào đang được khơi thông, thoát nước tạm để chống ngập úng.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công trình tuyến cống thu gom nước thải dọc kênh Hồng Thái - Tân Trào đang được khơi thông, thoát nước tạm để chống ngập úng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Sở Xây dựng, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn 6 điểm ngập úng (ngoại trừ khu vực Chơn Tâm 2, phía sau Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) phải chờ chủ trương thực hiện dự án Di dời ga đường sắt). Tuy nhiên, chỉ có công trình xử lý ngập úng ở khu vực tổ 13 và 14, phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) là đã cơ bản hoàn thành hạng mục thoát nước, bảo đảm thoát nước. Còn các hạng mục, công trình xử lý ngập úng ở 5 điểm ngập úng còn lại đều chưa hoàn thành, gồm: tuyến cống hạ lưu Khe Cạn (thuộc phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê); tuyến cống thượng lưu Khe Cạn xử lý ngập úng và thoát nước cho khu vực tổ 29, 30, 32, 34, 35, 36 và 37, phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ); tuyến đường Trục 1 - Tây Bắc, đoạn từ tuyến đường Hồ Tùng Mậu đến nút giao thông quốc lộ 1A - đường Nguyễn An Ninh (đoạn từ đường sắt đến quốc lộ 1A); công trình chống ngập úng ở khu vực Thanh Vinh và Hồng Phước thuộc tổ 61, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu); công trình xử lý thoát nước ở khu vực nút giao đường ĐT 602 và đường tránh nam Hải Vân (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang). Nguyên nhân chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Trong khi đó, một số công trình thoát nước, chống ngập úng cho các khu vực ở trung tâm thành phố cũng chưa thi công hoặc đang thi công dang dở. Đặc biệt, dù đã chọn được nhà thầu, nhưng vẫn chưa hoàn thành các thủ tục để thi công trạm bơm chống ngập cuối tuyến cống đường Ông Ích Khiêm để chống ngập úng cho khu vực các tuyến đường: Lê Duẩn, Hùng Vương, Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh... của quận Hải Châu, do liên quan đến việc thu hồi đất tại dự án Khu đô thị Đa Phước.

Theo Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (đơn vị điều hành dự án một số công trình chống ngập úng, thoát nước), đơn vị đã thi công hoàn thành công trình tuyến cống dọc tuyến đường Hải Hồ để chống ngập úng cho khu vực các tuyến đường Lý Tự Trọng, Đống Đa, Hải Hồ... thuộc quận Hải Châu. Cùng với đó, đã hoàn thành thi công công trình chống ngập úng, xử lý thoát nước khu vực tổ 13 và 14, phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) và tiến hành đấu nối thoát nước toàn công trình. Các công trình khác đã và đang thi công, đã thực hiện giải pháp thoát nước tạm, như: khơi thông dòng chảy, đấu nối vào cửa cống đã thi công xong thuộc công trình tuyến cống thượng lưu Khe Cạn; tiến hành nạo vét ở công trình tuyến cống hạ lưu Khe Cạn; khơi thông mương đất ở hạ lưu cống qua đường ĐT 602 thuộc công trình xử lý thoát nước khu vực nút thông thông tuyến đường ĐT 602 và tuyến đường tránh nam Hải Vân... Cạnh đó, tháo dỡ đập tạm ngăn dòng phục vụ thi công công trình thu gom nước thải dọc kênh Tân Trào - Hồng Thái; hoàn thành thi công phần hạng mục dưới lòng kênh Hòa Mỹ, Đa Cô, Hòa Minh... của quận Liên Chiểu, không ảnh hưởng việc thoát nước.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà cho rằng, dự báo tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều và kéo dài trong mùa mưa bão năm nay, từ giữa tháng 7-2020, Sở Xây dựng đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị rà soát, triển khai thực hiện phương án thoát nước tạm thời tại các dự án, công trình. Cùng với đó, Sở Xây dựng cũng kiểm tra thực tế việc thực hiện phương án xử lý thoát nước tạm thời tại các dự án, công trình. Đồng thời, vào ngày 28-8, Sở Xây dựng cũng đã có Công văn số 6197/SXD-HTKT yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm xử lý thoát nước hiệu quả trong mùa mưa bão, hạn chế để xảy ra tình trạng ngập úng. Theo đó, tiếp tục duy trì phương án thoát nước tạm đã thực hiện, thường xuyên khơi thông dòng chảy, phát quang cây cỏ, nạo vét bùn đất, gia cố mái taluy mương đất, bố trí máy bơm kịp thời khi có mưa…; bố trí phương tiện, nhân lực trực tại công trình kịp thời xử lý các trường hợp phát sinh, khẩn cấp bảo đảm thoát nước, chống ngập úng; phối hợp với chính quyền địa phương trong việc di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực ngập úng, đặc biệt là các khu vực còn vướng giải tỏa có cao trình thấp trũng cục bộ tại các dự án...

Theo Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng Hà Văn Thành, trước mùa mưa bão, công ty đã hoàn thành nạo vét, khơi thông thoát nước nhiều tuyến đường, kênh, mương để chống ngập úng, đặc biệt là các tuyến đường: Trường Sơn, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Hữu Dật, Âu Dương Lân, Trần Tử Bình, Mai An Tiêm, tuyến kênh Phong Bắc... Đơn vị cũng đã phân chia công việc cụ thể cho các đơn vị và cá nhân trực khơi thông cống rãnh, mương thoát nước, vận hành các cửa phai và trạm bơm chống ngập... Khi có xảy ra mưa lớn, toàn bộ cán bộ, công nhân viên của công ty nhanh chóng tập trung đến các vị trí quy định, địa bàn phân công để trực khơi thông thoát nước, đặc biệt là các vị trí, lưu vực trọng yếu như: khu vực các tuyến đường: Lê Duẩn, Núi Thành, 2 Tháng 9, Hà Huy Tập, cổng Khu Công nghiệp Hòa Khánh, xung quanh hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung... Các đơn vị được phân công vận hành cửa phai và trạm bơm chống nhập phân công trực theo dõi dự báo thời tiết, theo dõi các mực nước để vận hành bảo đảm chống ngập úng, nhất là cửa phai các hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, hồ Công viên 29 Tháng 3, các cửa xả ven biển và trạm bơm Thuận Phước, trạm bơm Đảo Xanh...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.