Hỗ trợ ngư dân ứng dụng công nghệ đánh bắt, bảo quản thủy sản

.

Thời gian qua, thành phố đã hỗ trợ cho ngư dân trang bị, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào đánh bắt, bảo quản thủy sản, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo đảm an toàn cho người, tàu cá cũng như giảm sức lao động của ngư dân trên biển.

Chuyên viên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đo độ tươi của cá để hướng dẫn ngư dân thực hiện các biện pháp bảo quản hợp lý, gia tăng giá trị thủy sản. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chuyên viên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đo độ tươi của cá để hướng dẫn ngư dân thực hiện các biện pháp bảo quản hợp lý, gia tăng giá trị thủy sản. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tiến hành hỗ trợ máy dò cá, định vị hải đồ, tích hợp nhận dạng tàu, phao tín hiệu, trang thiết bị đèn led, pin năng lượng mặt trời... cho các ngư dân để lắp đặt trên các tàu cá; trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 50%, còn lại do ngư dân đóng góp. Những trang thiết bị này được Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm phối hợp với các đơn vị cung cấp bảo đảm chất lượng và tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn cho ngư dân sử dụng.

Ngư dân Lê Xuân Cả (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho hay: “Tôi được hỗ trợ trang bị 1 máy dò cá, định vị hải đồ, tích hợp nhận dạng HD-1000CFA và 1 phao tín hiệu giúp chủ động tránh va chạm với các tàu đang hoạt động trên biển và hạn chế mất mát ngư lưới cụ, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế. Ngoài ra, máy có chức năng dò tìm đàn cá nên nhanh chóng phát hiện đối tượng đánh bắt, biết được sản lượng nhiều hay ít mà quyết định thả lưới, tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu và công sức lao động của các bạn thuyền”.

Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm Đặng Văn Hồng cho rằng, thông qua các chương trình hỗ trợ trang thiết bị do đơn vị triển khai, nhiều chủ tàu trên địa bàn thành phố đã tích cực tham gia áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, hiệu quả đánh bắt hải sản và mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị trên tàu cá như: máy định vị, máy dò cá... Cạnh đó, nhiều ngư dân đã ứng dụng đèn trong khai thác thủy sản giúp giảm chi phí đầu tư ngư cụ, giảm chi phí nhiên liệu dò tìm và thu hút đàn cá, tăng lợi nhuận chuyến biển. Nhiều chủ tàu cũng tham gia ứng dụng công nghệ bảo quản mới, đầu tư hệ thống lạnh giúp tăng thời gian bảo quản và nâng cao giá trị các sản phẩm đánh bắt.

Thời gian qua, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chính phủ và thành phố, các ngư dân đã được hỗ trợ trang bị hàng trăm máy thông tin liên lạc tầm xa (ICOM 710, ICOM 718, VX-170), thiết bị giám sát hành trình và hầm bảo quản, hệ thống lạnh. Hiện nay, toàn bộ tàu cá đánh bắt xa bờ của thành phố Đà Nẵng đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Nhiều ngư dân đóng mới hoặc nâng cấp tàu cá đăng ký xin hỗ trợ lắp đặt hầm bảo quản, thiết bị lạnh để bảo quản sản phẩm, giúp gia tăng giá trị thủy sản... Theo ngư dân Nguyễn Đình Bê (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), vào năm 2019, tàu cá của ông bị chìm ở vùng biển Hoàng Sa nên ông được UBND thành phố hỗ trợ đóng mới tàu cá. Trong quá trình đóng mới tàu cá, ông đã đăng ký và được UBND thành phố hỗ trợ lắp đặt một hầm bảo quản để giữ cá tươi được lâu hơn, tăng hiệu quả knh tế của chuyến biển.

Phó phòng Kinh tế quận Sơn Trà Trần Văn Thành cho biết: “Quận đã động viên nhiều ngư dân tích cực đăng ký thụ hưởng các chính sách về hỗ trợ phát triển thủy sản của HĐND và UBND thành phố. Cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm và UBND quận Sơn Trà cũng có những hỗ trợ về trang thiết bị cho ngư dân như: hệ thống pin năng lượng mặt trời, máy định vị hải đồ màu tích hợp nhận dạng tàu, cải tạo hầm bảo quản... Chính những hỗ trợ này cùng với sự đầu tư về các trang thiết bị hiện đại của ngư dân đã giúp cho mỗi chuyến tàu ra khơi an toàn hơn và hiệu quả kinh tế cao hơn trước đây”.

Theo Sở NN&PTNT, bên cạnh đầu tư tàu cá có công suất lớn, trang thiết bị hàng hải và hệ thống phục vụ khai thác thủy sản hiện đại, nhiều ngư dân đã chú trọng đầu tư công nghệ bảo quản sản phẩm để giữ cá tươi lâu, giúp gia tăng giá trị sản phẩm. Sở cũng đã có nghiên cứu về chỉ số độ tươi một số loài cá bằng thiết bị Torry Meter và đánh giá sự biến đổi của thủy sản trên tàu khai thác xa bờ nhằm xây dựng hướng dẫn sử dụng thiết bị đo độ tươi. Từ đó, đưa ra giải pháp, hướng dẫn ngư dân thực hiện phương pháp để giảm thiểu tổn thất, ảnh hưởng đến chất lượng của thủy sản và sửa chữa, cải tiến hầm bảo quản tại tàu cá khai thác xa bờ...

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Phú Ban thông tin thêm, từ năm 2010 đến nay, cùng với sự hỗ trợ của đơn vị, UBND các quận, huyện và chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ và thành phố, ngư dân Đà Nẵng đã tích cực trang bị, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Thời gian đến, sở tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để ngư dân thấy rõ những lợi ích của việc áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong sản xuất để mạnh dạn đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Cùng với đó, động viên ngư dân tham gia thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, khuyến ngư và xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ thủy sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích