Kiên trì, đam mê tạo nên thành công

.

Từ những công việc tình nguyện và làm thêm trên ghế nhà trường, chị Nguyễn Thị Nhung và chị Trần Hạnh Trang đã gầy dựng được những doanh nghiệp bền vững, mang lại việc làm cho nhiều người và tạo ra các giá trị tích cực cho xã hội.

Chị Trần Hạnh Trang (thứ 5, trái sang) và chị Nguyễn Thị Nhung (thứ 6, trái sang) chụp ảnh cùng các doanh nhân và sinh viên tại tọa đàm “Giao lưu doanh nhân trẻ với thanh niên khởi nghiệp về kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp sáng tạo”. 								Ảnh: KHANG NINH
Chị Trần Hạnh Trang (thứ 5, trái sang) và chị Nguyễn Thị Nhung (thứ 6, trái sang) chụp ảnh cùng các doanh nhân và sinh viên tại tọa đàm “Giao lưu doanh nhân trẻ với thanh niên khởi nghiệp về kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp sáng tạo”. Ảnh: KHANG NINH

Một buổi sáng cuối tuần đầu tháng 7, hơn 100 sinh viên trên địa bàn thành phố đã đến trụ sở Thành Đoàn (quận Hải Châu) để tham dự tọa đàm “Giao lưu doanh nhân trẻ với thanh niên khởi nghiệp về kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp sáng tạo” do Thành Đoàn phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng tổ chức. Sự chia sẻ nhiệt tình của các doanh nhân đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, khiến không khí buổi trò chuyện rất sôi nổi.

Một trong những diễn giả tại tọa đàm hôm ấy là chị Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo và Tổ chức sự kiến Ánh Thịnh Minh (quận Sơn Trà). Sinh ra trong một xóm nghèo ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, thời niên thiếu của chị Nhung đã chứng kiến biết bao cô gái trong làng chỉ đi học phổ thông 7-10 năm rồi nghỉ. Chị kể: “Làng mình ngày ấy, con gái học đến hết bậc THPT đã được gọi là... quá giỏi, được gia đình cho vài chỉ vàng rồi nghỉ học lấy chồng, sinh con. Hầu như ai cũng có cuộc sống vất vả. Mình từ nhỏ đã không muốn như vậy. Càng lớn, mình càng muốn thay đổi, không chỉ cho mình mà còn cho cả các thế hệ sau nữa”.

Học hết bậc THPT, chị Nhung thi đại học 2 năm liền nhưng đều không đậu. Dù vậy, chị vẫn quyết định ra Đà Nẵng theo học Trường Cao đẳng Công nghệ (nay là Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng). Nhà nghèo, chị phải tự kiếm tiền trang trải cho việc học và sống xa nhà. Vốn tính năng động nên dù đang ngồi trên ghế nhà trường, chị Nhung vẫn tham gia nhiều dự án tình nguyện như điều hành câu lạc bộ sinh viên bảo vệ môi trường biển Đà Nẵng, dạy học miễn phí cho các em nhỏ bán hàng rong ở khu vực đường tàu...

Chị cũng nhận làm nhiều công việc làm thêm. Chị kể: “Không hiểu sao lúc đó mình rất nghèo nhưng đi làm chưa bao giờ hỏi chủ trả lương bao nhiêu cả. Lúc nào mình cũng chỉ hỏi mình có thể làm được việc gì và có thể giúp gì cho công ty. Nhưng có lẽ cũng chính vì vậy mà công việc nào mình cũng cống hiến, gắng sức làm tốt, được đánh giá cao, trả lương hậu hĩnh và được nâng lên nhiều vị trí cao hơn”.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ, chị Nhung tiếp tục theo học bậc cử nhân tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Vào trường, chị lớn tuổi hơn phần lớn các sinh viên cùng khóa, cũng đã có nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế. Thời gian học đại học, chị tiếp tục thử sức mình ở các lĩnh vực mới. Chị nói: “Thời đó đang nổi lên nghề PG (Promotion Girl, tạm dịch: “Nữ nhân viên tiếp thị”).

Tuy vậy, hầu như lúc đó vẫn chưa có công ty nào làm đầu mối tập hợp các PG và phân phối công việc. Mình quyết định thử “nhảy” vào lĩnh vực đó xem sao. Không chỉ quy tụ các PG, mình còn đến các trường đại học, cao đẳng để tìm gặp và quy tụ các nhóm nhảy sinh viên, đứng ra làm đầu mối ký hợp đồng giữa các nhóm nhảy và các doanh nghiệp, sự kiện. Đồ án tốt nghiệp đại học năm 2009 của mình cũng chính là về “startup” tổ chức sự kiện đó”. Ra trường, chị Nhung chính thức xây dựng công ty đầu tiên của mình trong lĩnh vực tổ chức sự kiện.

Những ngày đầu vốn liếng ít ỏi, chị chỉ có thể sắm sửa những vật tối cần thiết trước, rồi từ từ vừa làm vừa học hỏi, vừa mua sắm thêm. Chia sẻ với các sinh viên, chị Nhung cho biết, 3 từ khóa giúp chị trụ vững là “dám nghĩ, dám nói và dám làm”. Hiện Công ty Ánh Thịnh Minh đã hoạt động được hơn 10 năm, với lợi nhuận mỗi năm gần 10 tỷ đồng. Xuất phát từ một dự án khởi nghiệp, sau 10 năm, Ánh Thịnh Minh chuẩn bị bước vào giao đoạn tái khởi nghiệp.

Chị Nhung chia sẻ, có lẽ vì xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn nên chị rất... cảnh giác với thất bại. Chị nói: “Đối với nhiều người, khởi nghiệp nghĩa là thất bại rồi đứng lên, nhưng khi mình không có tài sản, cũng không có gia đình hậu thuẫn thì khi ngã xuống sẽ khó đứng lên hơn người khác. Vì vậy, mình phải luôn chuẩn bị kỹ, phải tính toán sao cho công ty không ngã, mình không ngã”. Khi khởi nghiệp, nên đặt mục tiêu hợp lý cho từng giai đoạn. Ví dụ như lúc mở doanh nghiệp khi mới ra trường, chị chỉ đặt mục tiêu xây dựng kinh nghiệm, các mối quan hệ, rồi sau đó mới “dám” nghĩ tới lợi nhuận...

Cũng giống chị Nhung, trước khi khởi nghiệp chị Trần Hạnh Trang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghệ thông tin Enouvo (quận Sơn Trà) đã từng “tung hoành” tại rất nhiều câu lạc bộ sinh viên tình nguyện, các công việc làm thêm cho sinh viên thời đi học. Theo học Trường Đại học Monash (Úc) từ năm 18 tuổi, ngoài việc học, chị còn xin làm thêm ở các nông trại, bán bánh mỳ cho cửa hàng đồ ăn nhanh, bán rau củ ở chợ... Chị nói: “Chính những công việc này giúp mình có được những kỹ năng mềm mà nhà trường không dạy.

Ví dụ như công việc bán bánh mỳ giúp mình hình thành khái niệm đầu tiên về xử lý tình huống khách hàng phàn nàn, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Mình cũng học được kỹ năng bán hàng, nắm được quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và phục vụ khách ở các chuỗi thức ăn nhanh tại Úc. Nhờ vậy mà sau này mình biết cách tối ưu hóa quy trình doanh nghiệp, tạo dựng quan hệ với các đối tác và khách hàng của doanh nghiệp mình”. Chị Trang chia sẻ, có thể công việc làm thêm của các bạn sinh viên không thật sự liên quan đến chuyên ngành học, nhưng hãy cố gắng học những kỹ năng mà công việc đó dạy cho bạn. Những kỹ năng đó có thể áp dụng cho nhiều công việc khác.

Trước câu hỏi “làm thế nào để tìm được đam mê của bản thân” của các sinh viên, chị Trang cho biết nên tự phân tích bản thân và tự trải nghiệm. Phân tích bản thân là tìm hiểu những thế mạnh, điểm yếu, sở thích của mình một cách thành thật nhất.

Thời đại công nghệ 4.0, các sinh viên hoàn toàn có thể lên mạng Internet để tìm hiểu về những ngành nghề trong xã hội, từ đó hình dung tính chất công việc, yêu cầu đối với người lao động. Bên cạnh đó, các sinh viên nên tích cực tham gia các câu lạc bộ, tìm việc làm thêm để thử nghiệm. Chị Trang chia sẻ: “Muốn có đam mê, phải trải nghiệm nhiều. Khi làm việc gì, hãy làm hết mình vì nó. Đừng quan tâm đến dư luận mà hãy quan tâm đến kết quả. Thời sinh viên là thời gian đẹp nhất để tìm hiểu và thử nghiệm bản thân”.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.