Vượt qua Myanmar, U19 Việt Nam sẽ lần đầu tiên đăng quang ở một giải đấu quốc tế, đó có thể coi là sự chuẩn bị tuyệt vời nhất cho hai giải đấu tầm khu vực và châu lục diễn ra sau đây 1 và 2 tháng. U19 Myanmar đang cho thấy sự tiến bộ nhưng không có gì là không thể với U19 Việt Nam.
Ngôi vô địch Cúp Hassanal Bolkiah chỉ còn cách thầy trò HLV Guillaume Graechen một bước chân. |
Tại Hassanal Bolkiah 2014, U19 Myanmar ở vào bảng A chỉ có 5 đội còn bảng B của U19 Việt Nam số lượng đội là 6. Với mật độ thi đấu từ 2 đến 3 ngày/trận, việc thi đấu ít hơn được xem là lợi thế của Myanmar, nhất là về mặt thể lực, điều này đã được HLV Guillaume Graechen của U19 Việt Nam thừa nhận ở buổi gặp gỡ, trao đổi với giới truyền thông trước trận chung kết.
Xuyên suốt từ đầu giải đến nay, U19 Myanmar cũng thể hiện phong độ thuyết phục với 5 trận toàn thắng, đáng lưu ý là trận nào các học trò của HLV Gerd Zeise cũng ghi được 3 bàn. Thế nhưng, ngược lại, tại vòng đấu bảng, U19 Myanmar cũng để thủng lưới 6 bàn sau 4 trận đấu. Đây chính là cơ sở để tin tưởng U19 Việt Nam có thể ghi được bàn thắng vào lưới thủ môn Thant Zin Nyo, chặn đứng chuỗi trận thắng liên tiếp của U19 Myanmar, vượt qua đối thủ để giành Cúp Hassanal Bolkiah 2014.
Từng thắng U19 Myanmar 3-1 tại giải vô địch U19 Đông Nam Á năm 2013 nên các cầu thủ U19 Việt Nam tự tin có thể tái lập thành tích này trên SVĐ quốc gia Hassanal Bolkiah ở Bandar Seri Begawan tối nay.
Nhưng không phải là U19 Việt Nam không có những điểm yếu và khiến người hâm mộ cảm thấy lo lắng. Đầu tiên phải kể đến yếu tố thể lực. Việc phải thi đấu nhiều hơn U19 Myanmar 1 trận, đồng thời liên tục căng sức ra khiến thể lực của các cầu thủ U19 Việt Nam bị bào mòn. Ngoài ra, lối đá rát của các đối thủ Malaysia, Indonesia hay Thái Lan cũng khiến đội hình U19 Việt Nam liên tục bị xáo trộn do ảnh hưởng của chấn thương.
Trong trận chung kết, trung vệ Đông Triều được trở lại thi đấu sau khi phải nghỉ đá bán kết vì thẻ phạt nhưng chấn thương khiến Quang Hải, Xuân Trường, Công Phượng không có trạng thái thể lực tốt nhất. Trong số này, chỉ Công Phượng và Xuân Trường là có thể kịp bình phục để ra sân từ đầu, HLV Guillaume Graechen tính đến phương án sử dụng Thanh Tùng thay thế Quang Hải và tin tưởng vào khả năng hoàn thành nhiệm vụ của cầu thủ này.
Bất lợi về thể lực, đối thủ tiến bộ không ngừng nhưng tâm lý của các cầu thủ U19 Việt Nam sau khi được trui rèn tại Cúp Nutifood hồi đầu năm và chuyến tập huấn ở Anh, Bỉ rồi Nhật Bản là cơ sở để BHL tin tưởng. Mặc dù là đội bóng có độ tuổi trung bình trẻ nhất tại Hassanal Boliah 2014 nhưng U19 Việt Nam không có lý do gì để e ngại đối thủ. Chắc chắn, U19 Việt Nam vẫn sẽ nhập cuộc với lối chơi tấn công nhanh, sở trường thi đấu cống hiến để đáp ứng lòng mong mỏi của người hâm mộ đồng thời sớm ghi bàn để tạo lợi thế.
Nhìn lại diễn biến của trận bán kết có thể thấy, khi thể lực còn sung mãn, U19 Việt Nam đã chơi tốt, liên tục dồn ép đối phương và tạo ra hàng tá cơ hội ghi bàn. Nhưng sang hiệp 2, thời điểm thể lực suy giảm, sức ép tấn công của U19 Việt Nam cũng giảm đi. Chính vì thế, tấn công và ghi bàn sớm là mục tiêu mà BHL đặt ra cho các cầu thủ thực hiện.
Dự kiến đội hình xuất phát
U19 Việt Nam: Văn Trường, Văn Sơn, Đông Triều, Tiến Dũng, Hồng Duy, Tuấn Anh, Xuân Trường, Thanh Tùng, Văn Long, Công Phượng, Tuấn Tài.
U19 Myanmar: Thant Zin Nyo, Nan Wai Min, Htike Htike Aung, Maung Maung Soe, Than Paing, Nanda Kyaw, Myo Ko Tun, Yan Naing Oo, Nyein Chan Aung, Swan Htet Aung, Aung Thu.
TT&VH