.
Ký sự Pháp đình

Cơm sôi nhỏ lửa...

.

“Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”. Câu tục ngữ xưa luôn là bài học quý giá về việc gìn giữ hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, không ít cặp vợ chồng không kìm nén được cơn giận, để những điều đáng tiếc xảy ra…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ghen bóng gió

Đều sinh trưởng trong gia đình khó khăn, phải tha hương lập nghiệp, P.V.L (SN 1985, quê Quảng Ngãi) và V.T.T (SN 1984, quê Thanh Hóa) dễ dàng đồng cảm với nhau trong những ngày làm thuê ở Đà Nẵng. Từ những câu chuyện vu vơ chia sẻ về niềm nhớ nhà, nỗi cơ cực trên đất khách, cả hai dần nảy sinh tình cảm. Sau hơn một năm tìm hiểu, họ tiến đến hôn nhân. Tổ ấm của đôi vợ chồng ngày càng hạnh phúc khi có thêm tiếng cười rộn rã của hai đứa trẻ. Khao khát con thơ có cuộc sống đủ đầy hơn, cả hai quyết định nghỉ làm thuê, thuê phòng trọ ở quận Thanh Khê và cùng nhau mở quán bán hủ tiếu. Mặc dù không dư dả tiền bạc nhưng cuộc sống của họ luôn đầm ấm tình yêu thương. Ngờ đâu, niềm vui sớm vụt tắt khi biến cố bất ngờ ập đến, làm vỡ tan một mái nhà. Bi kịch khởi nguồn từ một mâu thuẫn rất nhỏ...

Hôm đó, như thường lệ, chị chở hai con đến trường. Trước khi đi, chị có nói với chồng: “Em đi rửa xe nên về hơi trễ”. Đến trưa, anh thấy chiếc xe của vợ vẫn bẩn như lúc sáng thì bực bội hỏi: “Đi đâu giờ mới về?”. Chị thành thật: “Em chở con đến trường xong thì ghé quán uống cà-phê”. Cơn ghen tuông nhen nhóm, anh chất vấn: “Cà-phê với ai?”. Chị nhẹ nhàng: “Em uống một mình”. Anh truy hỏi hồi lâu vẫn chỉ nhận được câu trả lời duy nhất nên khó chịu trong lòng.

Buổi tối, anh uống vài chai bia cho khuây khỏa. Khoảng 1 giờ sáng ngày 18-10-2016, hai vợ chồng dọn quán về nhà. Vẫn còn ấm ức, anh tiếp tục gặng hỏi vợ về việc đi uống cà-phê. Chị dằn dỗi: “Em đã nói là em đi một mình. Anh ngủ đi, mai còn dậy sớm đưa hai con đi học rồi làm việc nữa”. Nhưng anh vẫn trằn trọc, không ngủ được. Lúc này, chị nhắc chồng đi ngủ sớm thêm lần nữa và hù dọa: “Anh không ngủ thì tôi đi khỏi đây”. Anh xẵng giọng: “Thích đi đâu thì đi”. Giận dỗi, chị gom áo quần bỏ vào túi xách. Hoảng hốt, anh đe dọa: “Nếu cô đi, tôi sẽ giết cả hai”. Thấy vợ bỏ mặc lời nói của mình, anh lấy dao cứa cổ vợ rồi cắt 2 nhát vào cổ mình. May mắn, hai vợ chồng được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng.

“Tôi có lỗi...”

Hôm tòa xử, anh chị thi nhau nhận lỗi về mình. Anh rưng rưng: “Là lỗi của tôi, do tôi có chút men bia, không kiềm chế được bản thân nên mới hành xử nông nổi”. Rồi, anh nhẹ giọng: “Anh xin lỗi em, vì anh mà gia đình mình tan tác. Anh hứa, sau khi trở về, anh sẽ cố gắng trở thành người chồng, người cha tốt để em và các con luôn yên vui, hạnh phúc”. Nghe chồng nói, giọt nước mắt vỡ òa trên gương mặt thấp thỏm lo âu của chị. Tòa hỏi, chị vừa nói vừa sụt sùi: “Toàn bộ lỗi sai là tôi, vì tôi xúc phạm anh, có những lời lẽ không hay nên anh mới tức giận. Bình thường, anh hiền lành lắm, chưa bao giờ đánh mắng tôi lần nào. Chồng tôi rất chí thú làm ăn, luôn quan tâm đến vợ con. Là lỗi của tôi, tôi sai rồi. Tôi xin tòa xử mức án nhẹ nhất để chồng tôi về phụ nuôi 2 con nhỏ”.

Hội đồng xét xử tuyên phạt anh 8 năm tù về tội “Giết người”. Chị quệt vội nước mắt tất tả chạy theo chồng đang được dẫn ra xe để về trại giam. Anh vội vã dặn chị: “Em ở nhà ráng cố gắng lo cho mình và chăm sóc hai con nhen”. Chị với theo nhắn nhủ: “Anh ơi, anh nhớ giữ gìn sức khỏe...”. Chiếc xe khuất bóng, chị ôm mặt khóc nức nở. Cạnh bên, cha của chị và cha của anh cũng nước mắt lưng tròng. Hồi lâu, cha của anh đến bên an ủi chị: “Thôi, chuyện đâu còn có đó, con cố gắng lên”.

“Mẹ ơi, sao ba không về với mẹ?”

Vì con của anh chị chưa đủ tuổi, lực lượng hỗ trợ tư pháp yêu cầu người thân đưa các em rời phòng xử. Hai đứa trẻ, một đứa 11 tuổi, một đứa 8 tuổi, nấn ná nhìn cha hồi lâu rồi ùa ra trước cổng tòa, vô tư chơi đùa cùng người nhà. Phiên xử kết thúc, vừa thấy bóng dáng mẹ, con trai đầu của anh chị chạy đến ôm chầm lấy mẹ: “Mẹ ơi, sao ba không về với mẹ? Mẹ ơi, ba ở trong đó hả mẹ? Mẹ ơi, ba đang đi làm hả mẹ? Mẹ ơi, con nhớ ba lắm, ba không rảnh chút xíu nào để gặp tụi con hả mẹ?...”. Trong khi đó, đứa nhỏ ngơ ngác nhìn mẹ rồi nhìn anh, mếu máo đòi ba. Chị ôm hai con vào lòng, lặng lẽ lau vội dòng nước mắt, mỉm cười động viên con.

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.