.

Đường Lê Văn Hiến: Hải âu tung cánh

.

ĐNĐT - Thật không ngoa khi nói rằng, đường Lê Văn Hiến là hiện thân cho sự phát triển về cơ sở hạ tầng ở Đà Nẵng. Đi trên con đường thoáng đãng, rộng 48m với dải phân cách phủ màu xanh non tơ của hoa lá, ai có thể hình dung trong quá khứ, Lê Văn Hiến chỉ là con đường rộng chưa đầy 10m, quanh năm bám đầy bụi đá.

f
Đường Lê Văn Hiến thênh thang, hiện đại, kết nối với nhiều tuyến đường xương cá, tạo thành trục quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung, quận Ngũ Hành Sơn nói riêng.

Đường Lê Văn Hiến dài 4.900m từ ngã ba đường Ngũ Hành Sơn - Hồ Xuân Hương đến cầu Biện, phường Hòa Hải, từng là con đường “độc đạo” đưa du khách thập phương về với Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Con đường cũng đã từng “ám ảnh” người dân bởi bụi, cát, đá dăm, mặt đường gồ ghề khiến ai ngang qua cũng nhíu mày, nhăn trán.

Thời ấy, dọc hai bên đường là những ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, cũ mốc của người dân làng biển, là hàng ngàn ngôi mộ mọc lên trên những bãi cát nóng rẫy giữa mùa khô, là những thân dương xỉ rũ bóng trước hiên nhà trong một ngày mưa nhẹ.

Câu chuyện thay đổi bắt đầu từ khi thành phố Đà Nẵng quyết định nâng cấp tuyến đường Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa dài 7,67 km, rộng 48m với tổng vốn đầu tư 482,5 tỷ đồng. Để thực hiện dự án này, đã có 1.072 hộ phải di dời, giải tỏa.

Chủ tịch UBND phường Hòa Hải Nguyễn Văn Hiền cho biết, tuyến đường Lê Văn Hiến hoàn thành đã góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng quê hương, mở mang, nâng cấp hàng loạt đường xương cá khác như Minh Mạng, Nguyễn Duy Trinh, Sư Vạnh Hạnh, Non Nước, Huyền Trân Công Chúa…, tạo thành những tuyến đường trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố.

g
Những cơ sở điêu khắc đá rất quen thuộc thường bắt gặp khi đi trên con đường Lê Văn Hiến

Không chỉ mang tầm vóc lớn lao trong sự nghiệp đô thị hóa, hiện đại hóa ở quê hương Hòa Hải, đường Lê Văn Hiến còn mở ra vận hội mới cho Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, đưa Lễ hội Quán Thế Âm trở nên gần gũi hơn với mọi người.

Nhắc đến con đường này, nhiều người còn nghĩ ngay đến nhà máy sản xuất của Công ty CP Cao su Đà Nẵng từng tọa lạc tại số 1 Lê Văn Hiến. Do xây dựng trên địa bàn dân cư ngày một đông, mùi cao su bị đốt cháy, khí thải, chất thải rắn, chất thải nước ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống các hộ dân phường Khuê Mỹ, phường Mỹ An, nên chính quyền thành phố đã quyết định đưa nhà máy ra khỏi nội thành và hỗ trợ công ty chuyển nhà máy đến Lô G, đường Tạ Quang Bửu, KCN Liên Chiểu, Đà Nẵng. Dù quyết định di dời nhà máy ra khỏi vùng dân cư đông đúc là hoàn toàn đúng đắn, nhưng với nhiều người, đặc biệt là những công nhân từng làm việc tại công ty, địa chỉ này vẫn là một hoài niệm không thể nào quên.

Trước khi tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa (xưa là Sơn Trà - Điện Ngọc) hình thành, Lê Văn Hiến được xem là con đường độc đạo đưa người lính cựu binh về với vùng căn cứ cách mạng K20. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, K20 là địa bàn chiến lược, có vị trí vô cùng quan trọng ở thành phố Đà Nẵng, được xây dựng trong vùng địch hậu nằm trên đất phường Bắc Mỹ An (nay là phường Khuê Mỹ). Cùng với K20, con đường này cũng gắn liền với Sân bay Nước Mặn - một trong những cứ điểm quân sự quan trọng của Mỹ ngụy thời chiến.

Ông Đặng Văn Khá, nguyên Trưởng ban An ninh Quận 3 (cũ) cho biết bằng sự mưu lược, dũng cảm cùng ý chí quyết tâm giải phóng quê hương, sáng ngày 29-3-1975, lực lượng vũ trang Quảng Đà cùng nhân dân K20 đồng loạt tấn công vào tất cả cơ sở Mỹ ngụy đóng trên địa bàn K20 và kết quả của lòng quả cảm đó là cờ đỏ sao vàng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cắm trên Sân bay Nước Mặn lúc 9 giờ sáng, đánh dấu thời khắc thành phố Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng. Với những người như ông Khá, đường Lê Văn Hiến nay khác xưa nhiều lắm. Con đường khang trang với bao kỷ niệm của ông về một thời cầm súng, chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng nay đã phát triển vượt bậc so với thuở gian khó của những năm đầu giải phóng.

g
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, công trình bề thế nằm ở địa chỉ 402 Lê Văn Hiến

Sự hiện diện của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng ở địa chỉ 402 Lê Văn Hiến cũng giúp con đường này trở nên thân thiết và gần gũi với những mẹ, những chị không chỉ Đà Nẵng mà ở tận những vùng lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kom Tum. Nơi đây chứng kiến hàng vạn sinh linh bé bỏng cất tiếng khóc chào đời trong niềm hân hoan của đại gia đình.

Tô điểm thêm cho không gian của đường Lê Văn Hiến là những trụ điện đường được thiết kế thanh thoát, tạo điểm nhấn đặc biệt. Để hoàn thành công trình này, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đã đầu tư 24 tỷ đồng, thay toàn bộ trụ cũ bằng trụ bê-tông ly tâm và trụ thép mạ kẽm cao 14m, chôn ngầm hệ thống cáp trung áp ở vị trí nút giao thông, lắp đặt 25 trạm biến áp với tổng dung lượng 4.035kVa…

Trong một buổi chiều lộng gió, nhìn hàng điện đường, bất giác trong tôi hiện lên từng cánh chim hải âu tung xõa, bình yên dưới bầu trời. Với những người dân Ngũ Hành Sơn, đường  Lê Văn Hiến như cánh hải âu đang vươn cánh rộng dài giữa bao la trời biển, là "xương sống", là mạch chính kết nối sự phát triển của địa phương nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.