Đà Nẵng xử lý khẩn cấp các vị trí bờ biển bị sạt lở

.

ĐNO - Sáng 2-1, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng làm chủ đầu tư dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển dọc đường Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa từ nguồn vốn của Quỹ Phòng chống thiên tai thành phố, hoàn thành trong quý 1-2025.

Các đơn vị huy động 200 người tham gia xử lý khẩn cấp các vị trí bờ biển bị sạt lở. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các đơn vị huy động 200 người và phương tiện cơ giới tham gia xử lý khẩn cấp các vị trí bờ biển bị sạt lở. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tham mưu đề nghị Chủ tịch UBND thành phố công bố tình huống khẩn cấp thiên tai tại các vị trí bờ biển bị sạt lở để Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng triển khai, thực hiện dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển dọc đường Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa.

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Du lịch chỉ đạo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp với UBND quận Sơn Trà và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tại các vị trí bờ biển bị sạt lở.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng phối hợp với Sở Du lịch, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã và đang huy động hơn 200 người cùng các phương tiện cơ giới khẩn trương thực hiện giải pháp tạm thời để hạn chế sóng biển xâm thực sâu vào bờ.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng đã huy động khẩn cấp các tấm lưới thép phục vụ thi công kè chống sạt lở bờ sông để làm các rọ bao cát kết hợp đóng cọc để neo giữ rọ, nhằm tạo bờ tường chắn sóng trước các vị trí bờ biển bị xói lở.

Các phương tiện cơ giới được huy động để xúc cát sát mép nước tại các vị trí ít xảy ra tình trạng sóng biển xâm thực và vận chuyển về đổ vào bên trong bờ tường bao cát, rọ bao cát...

Các đơn vị đang phối hợp theo dõi tình trạng sóng biển xâm thực, sạt lở bờ biển và triển khai xử lý khẩn cấp 3 vị trí bị xói lở sâu với tổng chiều dài khoảng 500m.

Rọ bao cát vừa để chắn sóng tạm thời là một sáng kiến từ thực tiễn làm rọ đá phục vụ thi công kè chống sạt lở bờ sông. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Rọ bao cát để chắn sóng biển tạm thời và ngắn hạn là một sáng kiến từ thực tiễn làm rọ đá phục vụ thi công kè chống sạt lở bờ sông. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Những người lao động dầm mình trong giá rét và ướt át để thi công các rọ bao cát để xử lý khẩn cấp các vị trị bờ biển bị sạt lở. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Tranh thủ lúc thủy triều thấp, các lực lượng dầm mình trong giá rét và ướt át để thi công các rọ bao cát nhằm xử lý khẩn cấp các vị trị bờ biển bị sạt lở. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phương tiện cơ giới được huy động để gia cố các vị trí bị xói lở. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phương tiện cơ giới được huy động để gia cố các vị trí bị xói lở. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Bên trong bờ bao cát được đổ cát để bảo vệ đường ống dẫn xăng dầu và hạ tầng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Bên trong bờ bao cát được đổ cát để bảo vệ đường ống dẫn xăng dầu và hạ tầng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phương tiện cơ giới được huy động để múc và vận chuyển cát từ các vị trí ít xảy ra tình trạng sóng biển xâm thực phục vụ xử lý khẩn cấp các vị trí bị sạt lở. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phương tiện cơ giới được huy động để múc và vận chuyển cát từ các vị trí ít xảy ra tình trạng sóng biển xâm thực phục vụ xử lý khẩn cấp các vị trí bị sạt lở. Ảnh: HOÀNG HIỆP

HOÀNG HIỆP

 

;
;
.
.
.
.
.
.