.
Thành phố mỗi ngày thêm mới

Lòng dân Đà Nẵng

.

Trong dịp thi bắn pháo hoa quốc tế năm 2013, một đồng nghiệp ở Hải Phòng vào Đà Nẵng công tác. Ngồi nhâm nhi ly cà-phê tại tiền sảnh tòa nhà Indochina nhìn ra dòng sông Hàn thơ mộng với những chiếc cầu, những cao ốc cao tầng hai bên dòng sông, đồng nghiệp tôi nhận xét: “Đà Nẵng bình an quá, sạch đẹp và thông thoáng quá!”.

Nghe bạn khen, tôi tự hào bảo: “Để có được như ngày hôm nay, hơn 15 năm qua thành phố đã giải tỏa hơn 100.000 hộ dân (chiếm gần 1/3 tổng số hộ dân) đấy. Điều đặc biệt là giải tỏa nhiều như vậy nhưng có rất ít những trường hợp phải cưỡng chế, những điểm nóng về khiếu kiện”. “Dân Đà Nẵng hiền quá, nơi khác thì khó “trôi” lắm nhé!”, bạn tôi bảo... Là người địa phương, tôi khẳng định người Đà Nẵng không “hiền” bởi đây là vùng đất “cãi”, “Quảng Nam hay cãi”; là “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”; là nơi đã sản sinh ra những nhà ngoại giao kiệt xuất, những nhà báo hàng đầu…

Đà Nẵng - Thành phố yên bình. Ảnh: L.V.H
Đà Nẵng - Thành phố yên bình. Ảnh: L.V.H

Có tìm hiểu về công tác giải tỏa mới thấy được những cái khó từ thực tế. Không dễ gì “bứng” dân ra khỏi mảnh đất mà nhiều thế hệ gia đình họ đã sống, bởi nơi đó có bà con, làng mạc, mồ mả ông bà, nhà thờ, tộc họ, phong tục tập quán, bản sắc địa phương... Một khoảng đất  ở làng hoa Phước Mỹ có thể giúp cho cả gia đình có “của ăn, của để”; một khu đất ở Khuê Trung, Hòa Cường có thể giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong gia đình; một mảnh ruộng ở Hòa Quý, Hòa Xuân tạo ra cái ăn, cái mặc, học hành cho con cái quanh năm. Cũng như những người dân nơi khác, người dân Đà Nẵng vẫn nặng tình, nặng nghĩa với nơi ăn, chốn ở, với cộng đồng dân cư, với bà con, tình làng, nghĩa xóm. Ấy vậy mà họ đã chấp nhận giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng cho Nhà nước để chuyển đến các khu tái định cư, các khu chung cư với công ăn việc làm hoàn toàn mới mẻ và xa lạ…

“Năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn”, nơi nào cũng có người hiền, người dữ. Đà Nẵng cũng vậy. Đừng nghĩ trong hàng trăm nghìn hộ dân ở trong diện giải tỏa, hộ nào cũng “hiền”. Không “hiền” đâu. Tại dự án nhà máy ô-tô Nissan ở phường Hòa Khánh Nam, khi giải tỏa có một hộ vẫn kiên quyết giữ nhà, giữ đất không chịu bàn giao mặt bằng. Ngày thực hiện cưỡng chế, chủ hộ (là phụ nữ) đã khư khư trong nhà và mưu tính tạo ra điểm nóng của thành phố. Tại phường Nại Hiên Đông khi thực hiện giải tỏa để hình thành các khu tái định cư,  làm đường Trần Hưng Đạo, một chủ hộ đã dán khẩu hiệu quanh nhà với lời lẽ đầy kích động không chịu bàn giao đất. Tại dự án mở rộng đường Nguyễn Tri Phương, hàng chục hộ là gia đình cán bộ, sĩ quan đã nhiều lần kiện cáo và Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc điều tra xác minh. Tại dự án sân vận động Chi Lăng, đường Nguyễn Tất Thành có hộ “đất không chịu trời” và đã khiếu kiện kéo dài, vượt cấp nhiều năm…

Từng dự nhiều cuộc họp giải quyết của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành liên quan với những hộ khiếu nại, khiếu kiện, chúng tôi rút ra một điều, dân Đà Nẵng không “hiền” như lời của đồng nghiệp nhận xét... Dân không “hiền” mà sao Đà Nẵng đã giải tỏa hơn  trăm nghìn hộ dân? Thực tế rút ra một điều, người dân sẽ không “hiền” khi mà quyền lợi của họ bị thiệt thòi, chính sách đền bù không thỏa đáng, không minh bạch. Để giải quyết vấn đề mấu chốt này, đòi hỏi phải có tiếng nói chung về chính sách đền bù. Mà để tìm ra tiếng nói chung không gì khác hơn là phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người dân vùng giải tỏa và lãnh đạo thành phố để nghe dân nói, nói dân nghe. Qua nhiều lần đối thoại giữa người dân và lãnh đạo thành phố đã tìm ra tiếng nói chung về khung giá đền bù hợp lý, phù hợp với nguyện vọng của người dân và hàng chục hộ ở khu tập thể này đã tự giác thực hiện di dời, bàn giao mặt bằng cho Nhà nước.

Lãnh đạo thành phố tổ chức nhiều dạng đối thoại với nhiều thành phần, nhiều địa điểm. Ban ngày lãnh đạo thành phố bận việc, nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với dân phải tổ chức về đêm, có đêm rất khuya. Có khi cuộc đối thoại ở trong một hội trường nhỏ, đôi khi là khoảng đất rộng trước sân ủy ban, trường học. Các cuộc đối thoại tổ chức giản đơn, giữa người nói và người nghe, người đối thoại và người được đối thoại rất gần gũi, không có khoảng cách... Tại các buổi đối thoại, người dân đã nói hết những tâm tư, nguyện vọng của mình với lãnh đạo thành phố. Từ chuyện đền bù, tái định cư, công ăn, việc làm, học hành, chữa bệnh...

Từ chuyện cỏn con của gia đình đến việc lớn của dòng tộc, của làng quê, khu phố. Cuối buổi đối thoại, lãnh đạo thành phố khi ra về dân vẫn vây quanh để phản ánh tâm tư, nguyện vọng. Lời lẽ đối thoại gần gũi, mộc mạc, chân thành và dễ hiểu. Tại cuộc đối thoại ở phường Bắc Mỹ An (cũ), một hộ dân phản ánh: “Tôi ở tỉnh ngoài vào đây chiếm đất làm nhà trái phép, thành phố muốn giải tỏa thì phải bố trí đất ở cho tôi”. “Sẽ nghiên cứu trường hợp của chú, nhưng theo tôi, trước hết phải ưu tiên cho người địa phương tại chỗ, hết trong nhà mới ra ngoài ngõ mà!”. Câu trả lời ngắn gọn của vị lãnh đạo cao nhất thành phố thật “mát” tai dân và ai cũng đồng tình. Thế nhưng, có những cuộc đối thoại không kém phần gay cấn và phức tạp. Tại cuộc đối thoại với một số hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng để mở rộng quốc lộ 1A ở phường An Khê, một người dân đã lớn tiếng, trịch thượng và xúc phạm, thế nhưng lãnh đạo thành phố vẫn bình tĩnh, ôn hòa để tìm ra sự đồng thuận.

Có nghe dân nói, cách giải thích rõ ràng, giải quyết hợp tình, hợp lý và cụ thể trong từng trường hợp, từng hoàn cảnh của lãnh đạo thành phố mới hiểu được chiều sâu, hiệu quả của mỗi cuộc đối thoại. Tại cuộc đối thoại với dân ở dự án đường Nguyễn Tất Thành, thay vì chỉ có hơn 10 hộ dân nằm trong diện đối thoại và thời gian chỉ vài giờ trong buổi sáng, thế nhưng nghe tin, người dân kéo đến rất đông, Ban Quản lý quốc lộ 14B - đường Liên Chiểu - Thuận Phước phải tổ chức tiếp hơn 100 hộ dân (không mời) tại các phường Thuận Phước, Thanh Bình, Tam Thuận... đến xin đối thoại và đồng chí Bí thư Thành ủy phải ăn trưa tại chỗ và cuộc đối thoại với dân kéo dài sang cả buổi chiều.

Ngoài những buổi đối thoại tập thể, lãnh đạo thành phố còn “đối thoại’ tại nhà riêng dẫu biết rằng đó là “phá rào”. Cổng nhà của lãnh đạo thành phố không có “lính canh”, luôn mở rộng để người dân đến đó bày tỏ tâm tư và nguyện vọng và đôi khi chỉ nhận được một lời khuyên, một câu giải thích chân thành. Thành công của những buổi đối thoại này là lãnh đạo thành phố đã phát huy dân chủ, tạo cơ hội để mọi người dân trình bày nguyện vọng, kiến nghị; từ đó tập trung giải quyết một cách tích cực, kịp thời những kiến nghị, bức xúc của nhân dân và căn cứ vào thực tế đã có những hỗ trợ đối với những hộ khó khăn; đồng thời bố trí thêm đất tái định cư đối với những hộ có nhiều hộ gia đình cùng sinh sống hoặc gia đình có nhiều nhân khẩu có nhu cầu thực sự về nhà ở.

Cách làm này đã củng cố lòng tin của dân vùng dự án và từ đó dân đồng tình chấp hành chủ trương di dời; giải tỏa được những bức xúc của dân, tránh hiện tượng tích tụ làm nảy sinh phản ứng, bất bình của dân, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án... Người dân Đà Nẵng hiểu rằng, muốn cho cộng đồng được hạnh phúc, một bộ phận gia đình phải gánh chịu thiệt thòi; muốn cho xã hội giàu có, văn minh và hiện đại đòi hỏi từng tộc họ, làng quê, thôn xóm phải có những hy sinh về quyền lợi riêng...

Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhất là thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị, mà trong đó công tác giải tỏa đền bù phải đi trước một bước, Đà Nẵng cũng gặp không ít những khó khăn, phức tạp thế nhưng thành phố đã vượt qua, đạt được những thành tựu đáng tự hào và đã rút ra những bài học quý về lòng dân, về sức dân… Đã có nhiều địa phương, đơn vị về Đà Nẵng để học tập cách làm của Đà Nẵng, thế nhưng không phải ở đâu và lúc nào cũng gặt hái được những thành công như ở thành phố đầy năng động và sáng tạo này.

Có thể nói, thành quả quy hoạch chỉnh trang đô thị của Đà Nẵng là kết quả của nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là sự đồng thuận của nhân dân đối với các chủ trương xây dựng và phát triển thành phố. Và chính lòng dân đồng thuận là nguyên nhân của mọi nguyên nhân tạo nên thắng lợi để xây dựng một Đà Nẵng như ngày hôm nay. Một trong bốn bài học kinh nghiệm được nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX đó là:“Bài học phải dựa vào dân, có trách nhiệm với dân; phát huy sức mạnh đồng thuận của nhân dân để thực hiện các chủ trương, chính sách của thành phố, tất cả vì lợi ích của các tầng lớp nhân dân.

Đó là bài học đầu tiên và muôn thuở, là bài học của mọi lúc và mọi nơi, là bài học lớn và sâu sắc nhất của Đảng bộ chúng ta trong suốt chặng đường vừa qua”. Phải chăng bài học kinh nghiệm của Đà Nẵng không gì khác hơn là: Đảng nói, dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; chính quyền làm, dân ủng hộ.

Diện mạo của Đà Nẵng ngày càng hiện đại, văn minh, sạch đẹp và thu hút khách du lịch của muôn nơi về với thành phố này đó là đáp án, là sự trả lời sinh động về sự gần dân và hiểu dân, là sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo thành phố về chính sách an dân, về lòng dân mà như lời phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng thành phố: “Cái được lớn nhất của Đà Nẵng trong thời gian qua là được lòng dân”. Còn chúng tôi, chúng tôi muốn nói rằng, Đà Nẵng được như ngày hôm nay là nhờ lòng dân. Vâng, lòng dân Đà Nẵng!

Đà Nẵng, tháng 12-2013

Ghi chép của LÊ VĂN HOA

;
.
.
.
.
.