Tiếng còi tàu cuối năm

.

Ngày ấy, nhà tôi ở tại một thị xã nhỏ, ở gần ga. Bọn trẻ con chúng tôi hay đến ga chơi để nhìn những chuyến tàu lăn bánh. Không khí rộn ràng đưa tiễn, hàng hóa lên xuống tàu dưới con mắt trẻ thơ luôn gợi lên trong lòng niềm khao khát được đi đến những nơi chốn xa xôi mà đoàn tàu sẽ đến trong trí tưởng là những thành phố phồn hoa, những miền đất kỳ thú hấp dẫn, cảnh vật lạ lùng huyền ảo… Nhất là những ngày cuối năm, dù chỉ là một ga nhỏ trên đường thiên lý nhưng không khí cũng rộn ràng nhộn nhịp hơn ngày thường, bọn trẻ vẫn cảm thấy nôn nao, lòng dạ lại bứt rứt một cách khó tả. Dù đang chơi nhởi mô đó, chỉ cần nghe tiếng còi tàu rúc từng hồi là không hẹn cả bọn trẻ bỏ hết mọi việc đều có mặt ở sân ga dù chẳng phải đưa tiễn đón đưa một ai cả. Chỉ cần ngửi cái mùi của khói tàu xả lại trên sân ga, mùi khói của than đen ngòm, với bọn trẻ ngày ấy chao ơi là quyến rũ, mê đắm. Đơn giản thôi, vì trong mùi khói đen ấy của con tàu và tiếng còi tàu thúc hối giục giã vẫn là mơ ước của bọn trẻ con tội nghiệp nơi thị xã nghèo quê kiểng – giấc mơ được lên đường đi đây, đi đó, đi khắp thế gian. Tàu thời ấy chạy đã chậm rồi “những con tàu không đủ sức đi mau” mà khi rời sân ga càng chậm hơn. Bọn tôi chạy theo vẫy tay đưa tiễn con tàu.

Chuyến tàu qua Lăng Cô-Huế. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC THÀNH
Chuyến tàu qua Lăng Cô-Huế. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC THÀNH

Những ngày cuối năm, mưa xuân rắc như bụi nước. Tôi còn nhớ dọc bên đường ray là cả một hàng hoa dại nhỏ li ti trắng nuốt đong đưa trong gió. Sắc xuân cũng đã ngời ngợi bén theo đoàn tàu ra đi trong cái nhìn ngơ ngác của bọn trẻ chúng tôi.

Rồi, chiến tranh đã về đến thị xã, bom đạn đã cày nát cái thị xã nhỏ bé như bàn tay con gái ấy. Cái ga xép ấy cũng không còn. Tôi cũng rời xa lưu lạc phương xa nhiều năm. Những ngày cuối năm vẫn hay nhớ về cái ga nhỏ bé ấy và tiếng còi tàu thỉnh thoảng đến trong những giấc mơ về sáng bằng nỗi u hoài xa vắng. Hồi bao cấp còn đi học ở Huế, đôi khi nhớ đến tiếng còi tàu và sân ga, nhiều đêm không ngủ được cứ mò lên ga Huế ngồi uống trà Bắc suốt đêm ngồi chờ nghe tiếng còi tàu đợi sáng.

Chẳng ai ngờ được trên bước đường lưu linh lạc địa của thời tuổi trẻ, sau đó về ở thành phố bên sông Hàn, nhà lại ở gần ga. Tôi vốn thuộc về thế giới của chuyển dịch, ngồi một chỗ người mình như cuồng lên không chịu nổi. Những khi tiếng còi tàu rúc từng hồi trong đêm dồn dập như thúc giục thì đôi chân như ngọ ngoậy bứt rứt lòng dạ xao xuyến bồi hồi. Vũ Hữu Định có một bài thơ ngắn rất hay về cái tâm trạng khi nghe tiếng còi tàu: Nhà anh ở gần ga/ đêm thao thức nghe còi tàu giục giã/ giữa đêm vắng chợt thấy lòng xa lạ/ mấy năm không đi trời đất nhỏ dần/ ôi tiếng còi tàu như một nhát gươm/ rướm máu lòng khao khát... Trong những đêm khuya khi mà bóng tối phủ trùm lên cả không gian, cảnh vật im ắng đến lạnh người, bỗng tiếng còi tàu rúc lên từng hồi, từ xa vọng lại nhức buốt cả tâm can đau đớn như “nhát gươm rướm máu lòng khao khát” cho những ai hồn còn nặng nợ giang hồ phong trần lữ thứ.

Tết đến, làm gì thì làm mọi người đều cùng nhau trở về quê ăn Tết. Mười mấy năm đầu về ở Đà Nẵng, không có Tết nào về quê cả vì có những ràng buộc công việc quan hệ này nọ, ngoài quê lại không còn ai, nhà cửa cũng không có… Những chiều, những đêm cuối năm trong tâm tưởng hồn quê gờn gợn vời con nước trong cảm thức quy hồi cố hương, nỗi nhớ lại bùng cháy dữ dội. Những lúc ấy, tiếng còi tàu da diết như xé ruột xé gan, thúc hối giấc mơ trở về quê nhà. Đêm không ngủ được vẫn là những tiếng còi tàu nổi lên như xé toạc cả bóng tối làm mình nhức nhối. Tôi lại lên sân ga. Dù đêm khuya nhưng vì cuối năm sân ga vẫn nhộn nhịp, lao xao tiếng người, từng đoàn người bồng bế, mang vác cho chuyến tàu về quê. Ai cũng rạo rực, hồi hộp đến và đi, người đưa tiễn, kẻ đón người về, tôi lặng người đi với những tiếng còi tàu vô tư đâm vào tôi nỗi niềm cô lữ. Chẳng biết ai đã viết thế này: Ta quê hương lại thiếu một quê nhà/ Chiều cuối năm nhìn những chuyến xe qua/ Mấy mươi năm một chiều rất cũ/ Vắng tự trong lòng vắng thổi ra. Vâng, cái thời khắc cuối năm, Tết đến người ta chợt nhận ra một cách sâu thẳm nỗi cô đơn vô bờ bến, rằng Ta quê hương thiếu một quê nhà.

Và rồi, phải gần nhiều năm sau khi đã bén duyên sâu nặng với Đà Nẵng khi trái tim không còn xao động như thời tuổi trẻ, những chiều cuối năm tiếng còi tàu vẫn gợi nhớ một mối phân vân cảm hoài nhưng không xé buốt và thúc giục như ngày trước.

HỒ SĨ BÌNH

;
.
.
.
.
.