Neo trong gió bấc

.

Ra tù, hắn chẳng biết về đâu. Tội trộm cắp vặt chỉ tạm giam một thời gian, nhưng cũng đủ làm bợt bạc mặt người. Ba mẹ mất rồi họ hàng không coi hắn ra gì. Về, người ta lại nhìn vô mà gieo xì xầm. Tiếng xì xầm coi hư vô vậy, mà dồn lên nặng nề như cả thiên thạch rớt xuống, đủ làm người ta muốn rứt đất đi.

Thì hắn đi. Thay vì ngồi xe tới bến, lội bộ về theo con đường đã hiện quá rõ trong đầu, hắn xuống xe nửa chừng, chọn bừa một hướng để đi. Đi đến đường nhựa quẹo đại đường đất.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tới cây gòn cụt ngọn nhìn nhánh cây chỉ hướng Bắc, ờ thì đi theo hướng Bắc. Ngang cái xóm nhỏ có con chó sủa cản, hắn cười hềnh hệch, mày không cho tao đi hướng này tao càng muốn đi, làm gì nhau. Cầm cục đá tính chọi con chó cho nó la chơi, nửa chừng lại thôi quay ra liệng cái chủm xuống mương nước. Bởi nhớ con phèn ở nhà quá không nỡ. Con phèn chết hồi năm ngoái, người bạn cuối cùng của hắn…

Hắn lắc lắc đầu, để hình ảnh của quá khứ rơi rớt đi, chân mới nhẹ bước được. Hắn đi đại, theo bất cứ thứ gì thích. Lòng nhởn nhơ mong muốn làm ác một chuyện gì đó, hại một người nào đó. Chà, làm gì đây?

Tiếng chuột kêu làm hắn đứt mạch suy nghĩ. Chắc chuột đồng bị chó rượt. Nghĩ tới chuột đồng, nước miếng hắn đã ứa đầm đìa trong kẽ răng. Miếng thịt chuột béo béo, vàng ươm tuôn sóng sánh mỡ, cắn một cái phê từng chân răng. Hắn quyết định theo tiếng chuột, kiếm bắt vài con đốt rơm nướng mọi ăn chơi. Lỡ gặp ai đang bắt chuột thì càng tốt, hắn sẽ cướp, cho thỏa chí làm ác.

Tiếng chuột kéo hắn băng qua mớ cỏ dại, thẳng hướng cánh đồng. Hắn nhìn quanh quất tìm dấu chuột để lần kiếm hang, mà không thấy. Gió từ đâu thốc tới, tưởng hắn là một thân cây, tưởng tóc hắn là mớ lá nên vờn cho nó xôn xao. Cơn gió không lạnh, nhưng giữa cánh đồng không, thấm từ da vào tận trong xương như một ly rượu chia ly đắng chát. Mênh mông càng làm tầm mắt rộng ra, càng rộng càng trống trải, càng thảng thốt buồn. Hắn cố tìm chỗ để neo mắt mình, thì thấy một căn nhà nhỏ đằng xa. Khói đang bốc lên, nhìn sao ấm quá.

Hay là đi tới đó? Ờ, tới coi có gì ăn trộm cũng được. Chỉ nghĩ tới đó, chân hắn đã đi một quãng dài. Mái nhà hiện ra càng lúc càng rõ, như đang hút hắn về. Tới đủ gần, hắn nhận ra thứ cây ngạo nghễ trong sân, nhìn xa tưởng là cành khô bởi nó khẳng khiu ít lá. Nó là cây mai, đang bung nụ sớm, lẻ tẻ vài bông vàng như chống chọi lại cái lạnh đã kéo dài hơn. Vậy ra, gió hồi nãy hắn gặp trên đồng là gió bấc.

Đứng tần ngần trước cổng hồi lâu, hắn thấy trong tầm mắt cục lông nhỏ chầm chậm di chuyển loanh quanh. Một con chuột lang mập ú, đang gặm chơi đám cỏ non bên này, chốc chốc lại quày qua mấy bụi mười giờ bên kia cắn phá. Nhìn hả hê như khẳng định đất này của ta. Nhìn nó vừa ngứa mắt vừa có vẻ ngon. Hắn quyết định đẩy rào bước vô bắt con chuột lang đó về nướng.

Sẽ có người bước ra, hắn biết chắc chắn. Người ta sẽ la inh ỏi, đánh động xóm làng. Càng làm cho hắn khoái, hắn sẽ co giò ôm con chuột chạy thiệt lẹ, để lại phía sau những nhát chửi bén ngót. Người ta sẽ đồn đại về hắn, thằng trộm mới xuất hiện giữa ban ngày ban mặt. Dù hắn lấy có một con chuột, nếu người ta thích họ sẽ đồn hắn lấy chiếc xe đạp hay năm ba chỉ vàng gì đó. Có khi người ta còn dựng chuyện hắn xô xác đánh người. Vậy lại hay, người ta càng nhớ tới hắn…

Nhưng hắn không ngờ người bước ra là một bà già tóc đã bạc. Trong lúc con chuột lang bực bội cắn vô tay hắn để đòi được thả tự do, bà cụ run run bước về phía hắn. Bà có vẻ yếu, như cả không gian này đang chống đỡ bà. Nỗi lo vô hình tấy lên trong bụng, biết đâu hắn bỏ chạy sẽ khiến không gian này đứt gẫy, làm bà già té nhào. Bà bước về phía hắn, cả giọng cũng chậm và run:

- Thằng Tâm, bây về rồi đó hả?

Hắn chắc chắn bà già bị lẫn. Chứ ai đâu tỉnh táo mà rước người lạ vô nhà. Lại nhầm hắn là đứa con đi xa lâu rồi chưa về. Mà trùng hợp thiệt, hắn cũng tên Tâm. Có điều là Tâm Luyến, tức là… Tiến Lâm. Tên gần gần vậy thì rõ ràng ông trời sắp xếp cho hắn ăn ở miễn phí ở đây rồi, hắn tự cười hớ hớ.
Kiếm xong cớ chống chế, hắn nhanh chóng vô vai đứa con tên Tâm ngọt xớt. Chạy lại ôm bà, kêu má như đúng rồi. Bà già không nghi ngờ gì, mừng rưng rưng nước mắt, đối xử với hắn như đối với con ruột. Thì hắn đang trong vai con ruột của bà mà, một đứa con đi xa mấy năm chưa chịu về, tới mức quên hết mọi thứ.

Ngay chiều đó, bà già xách giỏ đi chợ mua thêm mớ cá với mấy cái trứng vịt. Chợ hình như xa, xẩm tối mới thấy bà về. Về rồi lục đục kho cá, nấu thêm cơm hâm lại canh, bày ra một mâm nóng hôi hổi. Hắn hẫng người nhìn mâm cơm, ngoài nồi cá kho và dĩa trứng chiên mới làm, còn đâu chỉ có tô canh rau tập tàng và chén dưa rau muống.

- Bình thường bà… à má… bình thường má cũng ăn rau thôi vậy hả? - Hắn se se đầu đũa chọc miếng cá dọc lườn, đổi ý xắn đại một miếng trên mình, gắp vô chén bà già.

Bà có vẻ vui, mắt cười hấp háy. Đôi mắt ướt nước. Miệng cười xô những nếp nhăn, răng hàm trên chỉ còn vài cây móm mém. Bà lùa miếng cơm, kéo khăn quấn cổ chậm mồ hôi, hề hà:

- Già cả rồi ăn có nhiêu đâu. Mai tao qua thím Chín bắt con gà về nấu cháo cho bây ăn.

Hắn “dạ” nhẹ hều. Lòng chợt quặn, chắc do cơm chưa đầy, hắn lùa nhanh vô miệng thì lại nghẹn. Đói quá mà. Bà già cuống cuồng lẹ lẹ chạy ra sau múc ca nước mưa. Lo lắng, bà vừa vuốt lưng cho hắn vừa dặn:

- Ăn từ từ, con!

Cơn sặc theo nước trôi tuột khỏi cổ họng. Chắc do cơm lên tới mũi khiến mắt cũng cay xè, hắn hất tay bà ra làm bộ quạu:

- Thôi má, con lớn rồi!

Bà già ờ ờ, lại leo lên bộ vạc ăn cơm. Tiếp đó chỉ có tiếng đũa gắp đồ ăn gấp chén hắn, tiếng nhai nuốt, tiếng đám ếch nhái kêu inh ỏi ngoài kia. Tiếng con chuột lang bò dưới chân, cắn chơi đôi dép mủ. Hắn ngó xuống, buột miệng:

- Nuôi con gì có ích hổng nuôi, đi nuôi con chuột!

Bà già ngó lên nhìn hắn, ngó xuống nhìn con chuột, những nếp nhăn lại xô nhau theo hướng nụ cười:
- Tụi nhỏ bắt đâu được tính bán cho mấy ông nhậu, tao thấy thương mua về nuôi. Người ta kêu nuôi nó nhà hổng có chuột, thiệt bây, từ bữa có nó nhà sạch bóng mấy ông tí. Hủ hỉ chơi cũng đỡ buồn.
Con chuột giương mắt ngó hắn, làm như hỏi “ông là ai, vô nhà tui chi?”. Hắn làm mặt ác khè con chuột, nó sợ quá cong đuôi chạy lạch bạch đi trốn sau kẹt tủ. Bà già nhìn thấy cười khơ khơ mấy tiếng, đế thêm một câu bâng quơ:

- Mình thương thì mình nuôi thôi con, chớ đòi ích lợi gì!

Câu đó, rớt vô lòng hắn cái chủm. Phun nước miếng cái phẹt, hắn phủi đít đứng lên đòi tắm. Bà già không cho. Bà cằn nhằn, mới ăn cơm khỏi cổ tắm liền đau bao tử. Hắn khó chịu định cãi lại, nhưng lại thôi. Dù sao bà cũng yếu rồi, tiếng cằn nhằn nhẹ hều. Lâu lâu nghe chơi cũng vui, hắn nhếch môi, huýt sáo vơ vẩn.

Nhìn bà lom khom đi rút lá dừa nhóm bếp, hắn ngạc nhiên hỏi:

- Má nấu gì khuya vậy?

Bà thổi phù phù cho lửa bén củi, mắt nheo lại vì khói cây, bắc cái ấm ám đen lên bếp:

- Nấu ấm nước cho bây tắm. Tắm nước lạnh bệnh chết. Bữa nay thôi nghen, thấy đi đường xa bụi bặm mới cho tắm đó, chớ mai ăn xong không có được tắm liền à.

Hắn chưa kịp cười vì sự càm ràm kỳ cục này, đã phải trố mắt ra nhìn bà già còng lưng xách nước. Tưởng xách đi đâu, xách ra nhà tắm. Chỗ tắm dựng tre làm khung. Phía trên chồng mấy miếng tôn bể, xung quanh bọc bằng mấy vỏ bao xi-măng cũ bạc như tóc bà già. Hắn chạy ra can, giành thùng kêu để tự xách, bà giựt lại không cho.

- Lâu lâu bây mới về, để tao. Giữ sức đi mai mốt tao giao chuyện cho mần. - Bà lại xách thêm mấy thùng, hớn hở như con nít xách bánh về nhà.

Con chuột lang trốn dưới ghế ló mặt ra, hất ánh mắt lên như chọc quê “lớn đầu để bà già xách nước cho tắm”. Hắn mím môi dậm châm, con chuột sợ quá lại chui tọt xuống tủ. Hắn lẩm bẩm, tự trả lời chính mình:

- Làm như tao cần!

Hắn nghĩ nếu thịt người bổ dưỡng, chắc bà già cũng lóc mình đem nấu cho hắn ăn. Ngày nào bà cũng đi mua thịt cá ê hề. Hắn ngủ dậy đã thấy khi gói xôi, khi khoai luộc để sẵn, còn bà đi đâu mất. Trưa bà mới về, lụi hụi nấu cơm nước, ăn xong lại đi. Một bữa hắn thức sớm đi theo coi bà đi đâu, thấy bà rẽ ra đồng. Có khi ra vườn. Bà đi bắt ốc, tát cá, hái rau mọc dại, chặt chuối hái trái cây. Coi mớ nào ngon chừa cho hắn, còn lại đem ra chợ bán. Dáng bà nhỏ xíu, đi giữa nắng sớm đổ ngược nhìn như con cá đang lách dòng nắng mà bươn. Nhưng dáng vui vẻ, bước nhẹ tênh, chắc vì nghĩ tới đứa con trai giả ở nhà. Bán hết, bà đứng dậy, qua quầy thịt cá trả tiền những thứ đã đặt trước. Có bữa, không có gì bán bà đi làm mướn. Ai mướn gì làm đó, kiếm đủ tiền đi chợ thì nghỉ.

Không muốn mắc nợ nhiều quá, hắn dọa bỏ cơm. Bà già ờ ờ nghe theo, thôi mua đồ ăn ứ hự. Ờ, phải tiết kiệm vậy chớ, hắn còn ở chơi lâu mà.

Chợt hắn ngớ người ra, thảng thốt tự thấy bản thân vừa xa lạ. Tiền đâu phải của hắn, mắc gì hắn xót? Bà già chỉ là người dưng, mắc chi hắn lo? Đời thiếu gì mấy người đạo đức giả. Có khi bà già lo cho hắn vì hồi xưa bà làm điều lầm lỗi với con mình. Bỏ rơi con chẳng hạn, chớ khi không mắc gì nó đi chẳng chịu về.

Hắn sực nhớ những bộ mặt họ hàng giả tạo. Hồi ba má hắn còn sống, họ cũng đối xử với hắn ngọt ngào. Khi qua cho mớ bánh, khi níu lại vá giùm chỗ áo trèo cây gai cào rách vai. Hắn hay ngủ quên bên nhà họ, thân thuộc như nhà mình. Cho tới ngày ba má mất, sự thật mới lộ ra. Họ kiếm cớ làm thân chỉ để dòm ngó miếng đất và căn nhà. Chỉ còn thằng con trai chưa hiểu chuyện, quá dễ để xâu vào chia chác. Để thuận tiện cho kế hoạch, hắn bị họ gài vào bẫy, vu cho tội ăn cắp. Hắn biết chớ, lờ mờ biết, nhưng cũng có làm gì được. Hắn chỉ có thể thuận vai lấy những thứ quý giá nhất của họ, đem vứt bỏ, thiêu đốt, để có nhận tội danh nặng hơn cũng được. Miễn là khiến họ mất mát.

Cơn ác mộng trở về ám ảnh hắn. Ngày ba má mất, hắn chỉ còn có một mình. Những yêu thương hiện ra dưới hình dạng nhiều đám mây hồng, mềm mại vây quanh. Những đám mây thoắt cái đổi màu, phun ra khói đen mù mịt. Không gian thăm thẳm, từ giữa đậm đen mọc ra vô số cánh tay túm lấy hắn. Nắm tóc, giữ chân, cào cấu, cắn xé. Hắn cảm thấy người đang rách ra từ mảng, như người ta xé giấy báo để chụm lò. Hắn - mềm oặt mỏng dờn như tờ giấy báo thật sự, bị thả vào một cái bếp lò khổng lồ. Và họ bắt đầu mồi lửa, trước tiên châm lên con chó - người bạn duy nhất của hắn…

Hắn bật dậy, mồ hôi đổ ra như tắm. Ơn trời, đó chỉ là mơ. Hắn sợ hãi ôm mặt, cảm thấy cô độc vờn quanh đang muốn nuốt chửng mình. Hắn chợt nhận ra bên cạnh có người. Bà già nằm kế bên, ngủ say sưa, gương mặt giãn ra dễ chịu. Chắc vì mệt quá.

Nhưng giờ, hắn chỉ thấy đó là một bộ mặt dối trá. Biết đâu đây là sự thanh thản khi người ta nghĩ hướng thiện sẽ xóa được điều ác? Hắn rùng mình, ghê tởm chính bản thân. Bấu chặt vào vai, hắn để cơn đau vực dậy sự bốc đồng. Đi, phải đi khỏi đây.

Đi, trước khi con trai thật của bà già quay về.

Hắn lặng lẽ kéo mền đắp cho bà già, nhẹ nhàng kéo màn, xỏ dép. Con chuột lang nằm dưới chân đã quen mùi hắn, ngẩng dậy như hỏi “đi đâu đó?”, rồi cuộn người tiếp tục giấc ngủ. Hắn nhón những bước nhẹ, gói đồ đạc bước đi. Ra khỏi sân, hắn dùng hết sức mà chạy. Chạy, như bị những cơn gió bấc đẫm sương đêm đang dày dần xô đẩy.

Hắn bị người ta bắt về vì nghi là trộm. Ừ, hắn gom luôn mớ đồ đạc của bà già theo, vật chứng rành rành. Vậy mà bà già ra nhận hắn về, giải thích với người ta nhà kẹt tiền kêu hắn đem đi bán. Mà bán trong đêm, để hàng xóm biết người ta cười chết.

Đợi người ta kéo đi hết. Vẫn khuôn mặt cười cười như cũ, bà nói nhẹ, thôi ở ăn cái Tết rồi muốn đi thì đi. Tiếng nói đều đều quấn tiếng bước chân, bà lững thững đi lại bàn thờ kéo màn, lau khung hình giấu phía sau. Ngó nghiêng người con trai trong đó rồi lại cất vào, thắp một nén nhang vô ly hương mấy bữa rày nguội lạnh.

- Lâu quá rồi, bà già này chưa ăn lại cái Tết nào với người thân!
Hắn thẫn thờ, vậy là bà đã biết từ lâu.

Mồng sáu Tết hắn lại đi, nửa chừng lại quày về. Vì con chuột. Bữa đó trên đường bỏ đi, hắn thấy con cú quắp con chuột lang bay ngang. Hắn rút dép phang con cú, nhờ vậy con chuột được thả xuống. Hắn đón chụp, thầm trách giống loài gì yếu đuối, có đi loanh quanh cũng bị cú mèo tha. Hắn chợt nhớ tới bà già, bà cũng đâu có khỏe mạnh gì.

Hắn ẵm con chuột đem về định trả rồi đi tiếp. Trong đầu lẩn thẩn nghĩ, hay ở lại ăn luôn Tết Nguyên tiêu rồi hãy đi. Bà già khoe nấu chè trôi nước ngon dữ lắm. Lâu rồi không ăn, nhắc cái thèm chảy nước miếng.

Hắn cũng là kẻ biết điều, sẽ không ăn chực hoài đâu. Hắn bắt đường ống nước ra nhà tắm, cho bà khỏi mắc công xách đi xa, coi như trả công bà lặn lội. Coi lợp lại mấy chỗ dột, quây lại chuồng gà, dựng lại tấm vách, này là để trả công đồ ăn. Bữa Tết bà mua cho hắn cái áo, chà, hắn đâu có tiền mua gì trả lại. Chắc hắn sẽ ra chợ xin việc gì đó, đặng có tiền mà mua gì đó coi được chút chút. Nhất định trả xong hết hắn sẽ đi, chắc chắn vậy!

Truyện ngắn của Phát Dương



 

;
;
.
.
.
.
.