Báo chí với cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

.

Một bước ngoặt có ý nghĩa vô cùng lớn lao của báo chí cách mạng Việt Nam là ngày 21-6-1925, Báo Thanh Niên - tờ báo chính trị đầu tiên của Đảng - do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã ra số đầu tiên, trở thành một nhân tố mới vô cùng quan trọng của “binh chủng” chính trị - tư tưởng của Đảng nhằm phục vụ đắc lực cho cuộc đấu tranh chống thực dân, phong kiến, chống các đế quốc xâm lược…để góp phần giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ảnh: ANH DUY
Ảnh: ANH DUY

Do vậy, xuyên suốt trong dòng chảy lịch sử gần 100 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng nước ta luôn luôn là công cụ đắc lực để tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và là vũ khí vô cùng sắc bén để đấu tranh chống lại mọi âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

Đặc biệt, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, báo chí còn có sứ mệnh quan trọng đã được khẳng định trong Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII): “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Những vấn đề mà Đảng và Nhà nước đặt ra cho báo chí cách mạng nước ta trên trận địa này là rất lớn, rất nặng nề. Đặc biệt là phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức mà mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo đã và đang phải thường xuyên đối diện là các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị trực tiếp tấn công vào nền báo chí cách mạng Việt Nam, với những chiêu bài như “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận” và thông qua đó dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để mua chuộc, lôi kéo các nhà báo vô tình hoặc cố ý phục vụ cho những mưu đồ thâm độc của chúng. Thậm chí, chúng còn trắng trợn vu cáo Đảng và Nhà nước ta “vi phạm quyền tự do báo chí”, “vi phạm quyền tự do ngôn luận”, âm mưu “phi chính trị hóa” báo chí nước ta, tách rời báo chí khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, từng bước làm cho báo chí mất phương hướng chính trị, mất tính chiến đấu.

Tuy vậy, nhìn lại bức tranh toàn cảnh trong thời gian qua, với lực lượng nhà báo hùng hậu và sự đa dạng, phong phú về các loại hình, báo chí cách mạng nước ta đã quán triệt, thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận của xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ; thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế…

Báo chí thể hiện rõ vai trò xung kích trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhiều loại hình báo chí thông qua các tác phẩm báo chí sinh động, và có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, đã đấu tranh kịp thời, sắc bén, vạch rõ và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Minh chứng cho điều đó là nhiều năm qua, tại các giải báo chí ở các địa phương, ở các bộ, ngành và giải Báo chí quốc gia mỗi năm, đã có hàng ngàn tác phẩm các loại hình báo chí đề cập phong phú, đa dạng và sinh động về cuộc sống, chiến đấu và sản xuất của nhân dân ta, trong đó có nhiều tác phẩm về cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, được trao nhiều phần thưởng xứng đáng. Như cuộc thi viết mới đây về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ hai, năm 2022-2023 do Báo Quân đội nhân dân phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đã thu hút gần 650 tác phẩm của các nhà báo ở Trung ương và địa phương gửi dự thi.

Ban tổ chức đã lựa chọn 30 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Không chỉ thông qua việc tổ chức để tạo ra các tác phẩm báo chí ở mỗi cơ quan báo chí, mà các báo, Hội Nhà báo còn phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm để trao đổi chuyên sâu giữa lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo để định hướng thông tin và tìm ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm làm tốt hơn trọng trách của mình  trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hay ngay trên địa bàn Đà Nẵng, các cơ quan báo chí của thành phố thường xuyên tổ chức nhiều tuyến bài sinh động, cụ thể để đấu tranh kịp thời, chống lại các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, hay tung tin thất thiệt nhằm vào các đồng chí lãnh đạo và hệ thống chính trị, được dư luận đồng tình, ủng hộ. Nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc trên lĩnh vực này đã đoạt giải báo chí của thành phố và quốc gia…trong những năm qua.

Chúng ta đều biết rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay có nhiều biến động phức tạp, khó lường; đất nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tiếp tục đẩy mạnh chống phá quyết liệt.

Đặc biệt, chúng lợi dụng sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của internet, sự đa dạng các mạng xã hội để tổ chức những hoạt động chống phá một cách tinh vi, xảo quyệt, thâm độc hơn. Điều đó càng đặt ra những yêu cầu mới cho cả hệ thống chính trị, trong đó báo chí là lực lượng tiên phong về công tác thông tin, tuyên truyền nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Có thể nói, để làm tròn trọng trách với Đảng, Nhà nước và nhân dân trên lĩnh vực này, nhiệm vụ của mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo sẽ rất nặng nề, rất đa dạng. Nhưng suy cho cùng vẫn nằm trọn vẹn trong những lời dạy đầy tâm huyết mà sinh thời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn: Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới.

Chính vì thế, “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,...) phải có lập trường chính trị vững chắc”. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Báo chí là để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu.

Trận địa bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã và đang đặt ra, và báo chí và đội ngũ những người làm báo chúng ta trở thành những chiến sĩ tiên phong để góp phần làm nên thắng lợi.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.