Cảnh giác trước thủ đoạn xuyên tạc phiên tòa xét xử chuyến bay giải cứu

.

Những ngày qua, phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận trong và ngoài nước. Nắm bắt cơ hội này, các thế lực thù địch đang ra sức tổ chức thông tin xuyên tạc trên không gian mạng xã hội nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Điển hình, lợi dụng việc Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa sơ thẩm ngày 17-7 để luật sư, bị cáo cung cấp tài liệu chứng cứ nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án, các thế lực thù địch liền lu loa, tòa án xét xử như “mua bán” và “thu tiền chuộc tội”. Cần khẳng định, việc tạm ngừng phiên tòa là một trong những hành vi tố tụng mà chủ thể tiến hành tố tụng có quyền quyết định trong quá trình giải quyết vụ án tại tòa án nếu khi bảo đảm các điều kiện theo quy định.

Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 251 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, việc tạm ngừng phiên tòa được thực hiện khi: “Cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện được trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa”. Như vậy, có thể khẳng định việc tạm ngừng phiên tòa để các bị cáo xuất trình chứng từ nộp tiền khắc phục hậu quả nhằm thu thập thêm chứng cứ, có cơ sở xem xét các tình tiết giảm nhẹ để quyết định mức hình phạt phù hợp là đúng theo quy định pháp luật.

Với mức án được Viện Kiểm sát đề xuất tại phiên tòa ngày 21-7 được cho là thấp, các thế lực thù địch quy kết, đây kết quả của việc “thu tiền, chuộc tội”, “tiền phạm pháp nộp lại chẳng khác gì chạy án”… Dẫn chiếu theo khoản 2, Điều 5, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30-12-2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ” có quy định: Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.

Vậy nên, việc đề xuất mức án có phần giảm nhẹ hơn so với lần đầu tiên là kết quả sau quá trình tòa án xem xét các tài liệu, chứng cứ cùng lời khai tại phiên tòa và cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ. Hoàn toàn không có việc “chạy án giữa phiên tòa” như lời đơm đặt. Điều này thể hiện rõ sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước đối với các bị cáo nhận thức hành vi phạm tội và có ý thức khắc phục hậu quả.

Đáng phẫn nộ hơn, chúng cố tình đặt câu hỏi để dẫn dắt, thu hút sự sự đồng tình của dư luận: “Tiền từ dân sao tòa xử bảo nộp Nhà nước?”. Chiếu theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 47 Bộ luật Hình sự: “Việc tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội”, việc tịch thu tiền nhận hối lộ của các bị cáo là theo đúng quy định. Ngoài ra, cần thẳng thắn chỉ rõ việc các thế lực thù địch rêu rao rằng “phiên tòa đã bỏ qua quyền lợi của hàng trăm ngàn người dân” là vô căn cứ.

Bởi vì, số tiền các bị cáo đưa hối lộ là tiền của cá nhân, doanh nghiệp dùng để “lót tay”, “bôi trơn” nhằm phục vụ cho việc được phê duyệt, cấp phép các chuyến bay giải cứu sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự. Còn đối với những công dân về nước đã nộp tiền cho các đơn vị tổ chức chuyến bay, đây là quan hệ dân sự, phải được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Công dân là nạn nhân trong các chuyến bay giải cứu, nếu chứng minh được số tiền đã nộp là trái quy định, bị lừa dối, cưỡng ép mua vé… có thể khởi kiện các tổ chức, cá nhân đã thực hiện dịch vụ cho mình để được bồi hoàn số tiền chênh lệch.

Bên cạnh đó, lợi dụng hoạt động xét xử vụ án này, các thế lực thù địch quy chụp “tham nhũng là do chế độ đẻ ra” hay “sâu mọt càng bắt càng nhiều”. Rõ ràng tham nhũng, tiêu cực là “khuyết tật của quyền lực” thời nào cũng có, chế độ nào cũng có. Càng nhiều vụ việc bị phanh phui càng cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng ta trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực.

Vậy nên, cần xác định cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực sẽ kéo dài, nhưng là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược”. Điều quan trọng là chúng ta phải đoàn kết, thống nhất tạo thành sức mạnh “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” chắc chắn sẽ giành thắng lợi. Đối với vụ án này, là người dân chân chính, chúng ta cần tìm hiểu kỹ càng, đề cao cảnh giác, tuyệt đối tin vào Đảng tránh tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch chống phá.

TRƯƠNG THỊ ĐIỆP

;
;
.
.
.
.
.