Chuyện cách nay cũng đã vài chục năm. Dạo ấy, nhiều người bạn hay thích tới căn phòng nhỏ của vợ chồng tôi nơi phố cổ để tụ tập. Đơn giản là vì chúng tôi ở riêng, không phải giữ ý trước các bậc phụ huynh. Hơn nữa, vốn là người thích nấu ăn, sau mỗi chuyến công tác, tôi hay du nhập những món ăn từ nhiều vùng đất về lan truyền trong bạn bè. Cứ như thế, nhiều người trong nhóm bạn tôi lần đầu thưởng thức tôm chua xứ Huế, khô sặc Sóc Trăng, trâu gác bếp Hà Giang… ngay tại căn phòng nhỏ hơn chục mét vuông của chúng tôi ở phố Thuốc Bắc.
Quán ăn Quảng tại Hà Nội. |
Còn nhớ, một lần sau Tết Nguyên đán, tôi kiếm được cành đào muộn khá ưng ý. Vậy là phải có ly rượu mời bạn bè đến để thưởng đào. Lại nói về thú chơi đào muộn của người Hà Nội. Có lắm nhẽ để người ta chơi đào muộn. Vì nhiều lý do khác nhau, có người ngày Tết chẳng tiện cắm đào. Ra Giêng tìm cành đào đẹp chơi cho đỡ nhớ. Cũng có người kỹ tính, đi chợ hoa Tết vài ba bận mà chẳng kén được cành đào ưng ý, không thể gò ép theo kiểu chơi lấy được, để dành cái hứng, sau Tết mới chơi. Lại có người “ví mỏng”, chẳng đua nổi thiên hạ nhưng chót “có mắt”, sau Tết thấy đào rẻ lại đẹp thì chơi…
Có một nhẽ rất quan trọng tạo ra cái nhã thú này của người Hà Nội: Đào muộn, nhất là đào phai, thường phải sau Tết mới thực đẹp. Ấy là lúc đất trời Hà Nội đã thực sự vào xuân. Mưa bụi và gió ấm thúc các gốc đào bung chồi, nảy lộc. Khác với những cành bích đào dịp Tết, xum xuê, tròn đủ na ná giống nhau, đào phai nở muộn đẹp một cách tự nhiên. Cũng hoa, cũng lá, cũng nụ… mà mỗi cành một vẻ, không cành nào giống cành nào. Dù một căn phòng đơn sơ, một gác xép chật chội, có nhành đào phai là có thiên nhiên, có mùa xuân.
Trở lại bữa rượu thưởng đào hôm ấy. Như có một cái duyên giữa những phong vị xứ Quảng cùng đất trời Hà Nội. Trước Tết năm đó, tôi lần đầu vào Đà Nẵng. Và trong chuyến công tác ấy, tôi cũng lần đầu được thưởng thức ẩm thực xứ Quảng. Hương vị đặc trưng của cơm gà, mì Quảng, cao lầu và đặc biệt là món bánh tráng cuốn thịt heo Khuê Trung đã khiến tôi không thể nào quên.
Công bằng mà nói, sự cuốn hút của món ăn này không chỉ ở từ những lát thịt heo hai đầu, sắt khéo bằng những con dao chuyên dụng, mà còn, hay chủ yếu là nhờ món mắm nêm làm từ cá cơm cùng những gia vị kèm theo làm nên một tổng hòa ẩm thực tuyệt vời. Trở về từ Đà Nẵng lần ấy, bên cạnh công thức nhớ nằm lòng về món bánh tráng cuốn thịt heo học được từ bà chủ quán, hành trang của tôi còn có hũ mắm cá cơm, một nguyên liệu không thể thiếu của món ăn giàu đặc trưng đất Quảng.
Thế nên, vợ chồng tôi đã chọn món bánh tráng cuốn thịt heo làm chủ vị trong bữa rượu thưởng đào hôm ấy. Mà cũng phải nói, bữa ra mắt của món đặc sản xứ Quảng ấy trước những người bạn Hà Nội có hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ấy là bởi dịp ấy Hà Nội đang độ rét lộc, lất phất mưa bay, hợp cho các cuộc hàn huyên cùng anh em bạn bè.
Địa lợi thì đã sẵn, như đã nói ở trên, căn gác nhỏ của tôi nằm ngay giữa lòng phố cổ, mà ở đấy, mùa xuân như vẫn muốn dùng dằng chưa rời bước. Còn nhân hòa, thì dù lúc đó cũng chưa dư dả gì nhưng sau mấy ngày Tết với những thịt mỡ, bánh chưng, chỉ riêng các loại rau ăn kèm trong món bánh tráng cuốn thịt heo đã hấp dẫn thực khách. Khỏi phải nói bữa rượu thưởng đào hôm ấy thành công thế nào và cho đến nay, ít nhất là trong nhóm bạn, tôi vẫn được ghi danh là người có công đưa món bánh tráng cuốn thịt heo từ Đà Nẵng ra Hà Nội.
Giờ thì người Hà Nội đã khá quen, thậm chí nghiện các món ẩm thực Đà Nẵng. Và để thỏa mãn cái thú ẩm thực đó, trên nhiều con phố Hà Nội đã hiện diện những nhà hàng, quán ăn với những món đặc sản miền Trung. Nổi tiếng và lâu năm nhất có nhẽ là chuỗi nhà hàng Vị Quảng. Đến quán Vị Quảng ở 35 Trần Hưng Đạo, 2B ngõ Tràng Tiền hay 109 Nguyễn Chí Thanh khách có thể thưởng thức đủ các món đặc trưng của ẩm thực Đà Nẵng, hay rộng hơn là đất Quảng, từ nem lụi, bò nướng đến mì Quảng, cao lầu… nhưng hầu như không thể thiếu món bánh tráng cuốn thịt heo.
Không chỉ ở các nhà hàng. Ẩm thực xứ Quảng đã thâm nhập vào mỗi gia đình Hà Nội. Người xứ Bắc, người Hà Nội khá tinh tế trong ẩm thực. Ví như đã nói ở trên, sau Tết, nhất là những cái tết thời nay đã quá tải về các loại đồ ăn có độ đạm cao, người ta thường thèm ăn rau. Những năm trước, các bà nội trợ hay đãi cả nhà bữa nem rán, mà trong Nam gọi là chả giò. Những bữa ăn ấy, nhiều khi chỉ vài người đánh bay cả một rổ rau sống với đủ sà lách, mùi, thơm, tía tô, kinh giới. Giờ thì cùng với món nem rán, món ăn bánh tráng cuốn thịt heo cũng là thực đơn được lựa chọn, ưa thích trong những bữa ăn “giải ngán” sau Tết.
Và cũng chính vì vậy, người Hà Nội đi du lịch Đà Nẵng, nhiều người trước khi rời thành phố biển, thể nào cũng phải ghé chợ Hàn, mua ít hũ mắm cá cơm Dì Cẩn, một thương hiệu đã khá quen thuộc với cư dân Thủ đô. Mà nhiều khi cũng không cần vào Đà Nẵng. Ngay ở Hà Nội cũng đã có nhiều cửa hàng phục vụ món mắm đặc sản này, cùng đủ loại thực phẩm, gia vị để đáp ứng nhu cầu thực khách ưa các món ăn miền Trung.
Ẩm thực xứ Quảng đã quen thuộc với khẩu vị người Hà Nội đến mức các bà nội trợ còn thạo cả những biến tấu của món bánh tráng cuốn thịt heo như thay thịt heo luộc bằng thịt heo quay hay cá nục kho nhạt… Người cầu kỳ còn không bao giờ thiếu chén gia vị với mấy nhánh tỏi tươi, trái ớt thóc cùng chùm tiêu xanh đúng kiểu miền Trung, những thứ thường góp mặt trong giỏ hàng Tết của nhiều bà nội trợ Hà Nội bây giờ.
Sự giao thoa văn hóa và ẩm thực đã đưa hương vị xứ Quảng về bàn ăn người Hà Nội một cách giản dị, tự nhiên như vậy đấy. Cũng cần phải nói thêm, riêng tôi, môn đệ trung thành của ẩm thực xứ Quảng, vẫn cứ đinh ninh: Hạnh phúc nhất vẫn là thưởng thức một tô mì Quảng, một đĩa cơm gà hay miếng bánh tráng cuốn thịt heo đẫm mắm nêm… ngay tại Đà Nẵng, thành phố biển đáng sống, trong nắng gió mặn mòi, trong lao xao tiếng cười nói với âm sắc bản địa nghe riết thành thân quen. Và quan trọng nhất, là bên những người bạn dễ thương, chân tình, thân thiết.
TẠ VIỆT ANH