Tết xưa và nay

.

Chuyện ăn, mặc, đi chơi, đón Giao thừa ngày Tết có lẽ không bao giờ cũ, nhưng theo thời gian đã thay đổi nhiều. Xưa, ông bà ta ăn, mặc, đi chơi, đón Giao thừa như thế nào, nay người trẻ đón Tết ra sao có lẽ là điều hết sức thú vị. Cùng ngẫm về Tết xưa, cùng nhìn về Tết nay, ở vô vàn khía cạnh và cảm xúc khác nhau.

Ảnh: ÁNH HỒNG
Ảnh: ÁNH HỒNG

ĂN TẾT

* Bà Đỗ Thị Thanh Vinh (65 tuổi, ở phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu):
Đầy đủ hương vị

Ở tuổi 65, tôi đã trải qua hàng chục cái Tết cổ truyền. Có lẽ vì vậy, với tôi, Tết và chuyện ăn Tết không còn quá câu nệ, nhiều lo lắng như ngày còn trẻ. Gia đình tôi cũng quan niệm Tết là dịp để gia đình cùng nghỉ ngơi, sum vầy sau một năm tất bật lo toan cho cuộc sống nên bây giờ, ăn Tết rất đơn giản, việc mua sắm thuận tiện,  chỉ mua sắm những thứ cần thiết như bánh, kẹo, dưa món, bánh chưng, bánh, tét, nem, chả… Các món ăn trong những ngày Tết của gia đình tôi không quá cầu kỳ dù vẫn đủ đầy hương vị Tết. Theo thông lệ, cứ đến đêm 30 Tết, trong thời gian chờ đón Giao thừa, tôi lại nấu một nồi thịt kho tàu và chân giò hầm măng khô, để nguội rồi cấp đông, cho vào tủ lạnh sẽ dùng được vài ngày. Nhà đông con cháu, các con dâu, rể lại còn trẻ, thường vào dịp cuối năm, cận Tết, các cháu bận bịu trăm việc, từ việc cơ quan đến lo mua sắm Tết cho gia đình, con nhỏ nên tôi thường chủ động chuẩn bị sẵn một vài món ăn như vậy để bữa cơm ngày Tết luôn gọn nhẹ, giảm tải bớt áp lực cho con cháu.

* Bà Võ Thị Thu (53 tuổi, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ):
Đủ đầy món ăn ba miền

Hằng năm, mỗi khi Tết đến xuân về, chủ đề ăn những gì trong 3 ngày Tết luôn được các thành viên trong gia đình tôi bàn luận rôm rả. Để chuẩn bị ăn Tết, ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, gia đình tôi đã hoàn tất việc mua sắm các loại thực phẩm khô như các loại mì, miến, nấm, gia vị dùng để nêm, nấu… Vài năm trở lại đây, thay vì mua nhiều bánh, kẹo, hạt dưa, gia đình tôi chuyển sang mua các loại hạt như hạt hướng dương, hạt óc chó, marca, hạnh nhân… vừa để giảm bớt lượng đường nạp vào cơ thể, vừa thưởng thức được những món mới. Gia đình tôi quan niệm, mỗi năm chỉ ăn Tết Nguyên đán một lần nên phải chuẩn bị chu đáo. Hiện nay, việc mua sắm Tết rất dễ dàng, chỉ cần đến các siêu thị, của hàng tiện lợi, siêu thị đặc sản là có đầy đủ những nguyên liệu, gia vị và các món ăn cho 3 ngày Tết. Cũng nhờ thế mà mâm cơm ngày Tết của gia đình tôi vài năm trở lại đây có thêm nhiều món ăn truyền thống từ nhiều vùng, miền khác như món thịt Khâu Nhục, lạp xưởng Lạng Sơn; giò lụa, chả ốc, xôi cúc, các món sấu ngâm chua, mứt mận, ô mai đặc sản từ thủ đô Hà Nội; chân giò rút xương, bánh lá gai, hành ngâm chua ngọt của Huế và Quảng Bình...

Ở Đà Nẵng, tôi thường mua các loại đặc sản như chả bò, tré bà Đệ và không thể thiếu món thịt heo ngâm mắm. Để không khí ngày Tết càng thêm đầm ấm, năm nào giao đình tôi cũng tổ chức gói bánh chưng, bánh tét. Cứ sau 20 tháng Chạp âm lịch, khi bắt đầu có người bán lá dong, lá chuối, dây lạt… là tôi chủ động mua sắm đầy đủ nguyên liệu để 28 tháng Chạp âm lịch bắt tay vào gói. Gia đình tôi thường chọn lá dong để gói vì lên màu đẹp. Mỗi lần gói khoảng 20-30 bánh chưng, 40 bánh tét. Ngoài để dùng trong gia đình, chúng tôi còn đem biếu cho họ hàng. Mỗi năm chỉ có một cái Tết cổ truyền của dân tộc nên gia đình tôi chăm chút từ trang trí, quét dọn nhà cửa đến từng món ăn trên mâm cơm. Bữa cơm Tết là lúc cả gia đình sum vầy bên nhau, cùng chào đón năm mới nên luôn được các thành viên cùng chung tay chuẩn bị. Món ăn ngon, đầy đủ hương vị của ba miền Bắc - Trung - Nam cùng với không khí ấm cúng, yêu thương nên gia đình tôi luôn háo hức mỗi khi Tết đến, xuân về.

* Ông Lê Thái Hoàng, CEO chuỗi cửa hàng Thái Market:
Tết trải nghiệm

Làm nghề kinh doanh ẩm thực nên vài năm trở lại đây, Tết - trong quan niệm của gia đình tôi là những “Tết trải nghiệm” ẩm thực khắp mọi miền của Tổ quốc cũng như một số quốc gia trên thế giới. Ở mỗi điểm đến, chúng tôi được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc thú vị, ăn những món ngon là đặc sản như: lên Sa Pa thưởng thức món thịt trâu gác bếp, cơm lam rồi vào bản uống rượu ngô với đồng bào Mông. Có năm chúng tôi lập nhóm bạn cùng đi Thái Lan ăn Tết. Chúng tôi đặt xôi gà, bánh mứt rồi cùng nhau phá cỗ đón giao thừa ngay tại khách sạn. Nhớ năm 2019 gia đình tôi đón Tết ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau tiệc đón giao thừa với bạn bè là kéo nhau ra đường hoa Nguyễn Huệ vừa dạo chơi vừa thưởng lãm. Tết xa gia đình nhưng đem lại những trải nghiệm và không kém phần ấm áp.

Năm nay gia đình tôi quyết định ăn Tết tại nhà sau nhiều cái Tết xa gia đình. Ngoài việc sẽ mua sắm các món ăn truyền thống, chuẩn vị tết cổ truyền của dân tộc, tôi sẽ thiết đãi bạn bè đến chơi Tết bằng những món Thái, nhất là các món gỏi Thái như gỏi đu đủ tôm khô, gỏi ba khía tôm sống, gỏi hải sản, gỏi miến hải sản… Với gia đình tôi, dù đón Tết tại nhà hay đi đến bất cứ vùng, miền, quốc gia nào đều là những trải nghiệm quý để làm dày thêm vốn sống. Đây cũng là dịp để các con tôi được tiếp thu những cái mới mẻ từ các nền văn hóa khác nhau thông qua trải nghiệm về ẩm thực, văn hóa, con người ở những vùng đất mà các con được đặt chân đến. Nhưng chúng tôi cũng giáo dục con rằng, dù ở đâu cũng không thể bằng không khí ấm cúng khi được ăn Tết ở nhà với gia đình và người thân.

MẶC TẾT

* Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng:
Thấy áo dài là thấy Tết

Năm ngoái, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức cuộc thi ảnh online “Áo dài ngày xuân” trong không gian “Phiên chợ ngày Tết năm 2022”. Không phải ngẫu nhiên chúng tôi chọn chủ đề này. Bởi nếu để ý sẽ thấy, những năm gần đây, mỗi khi xuất hiện chợ hoa xuân, đây đó trong lòng thành phố lại thấp thoáng những tà áo dài. Áo dài cũng là trang phục nhiều người lựa chọn đi lễ chùa ngày đầu năm. Kiểu như người ta chỉ chờ có dịp để được khoác lên người bộ trang phục truyền thống. Và Tết là một dịp rất đặc biệt để có thể làm điều đó.

Ảnh: MAI ANH
Ảnh: MAI ANH

Sự trở lại đúng nghĩa của tà áo dài khiến tôi mường tượng cảnh cha mình mặc áo dài khăn đóng, mẹ trong bộ áo dài nhung ngày đầu năm. Đó là ký ức ăn sâu vào tâm trí mỗi khi tôi nghĩ về Tết. Đó cũng là khoảnh khắc mẹ dẫn anh em tôi ra chợ may quần áo mới để mặc sáng mồng Một. Lớp trẻ thời xưa có hai dịp được mặc áo quần mới, đó là ngày khai trường và đón Tết cổ truyền. Thật ra, không chỉ riêng trẻ con mà người lớn cũng chuẩn bị cho mình bộ quần áo mới. Sáng mồng Một, trẻ em mặc quần áo mới chuẩn bị nhận bao lì xì mừng tuổi, trong khi người lớn mặc áo mới xuất hành ra khỏi nhà theo hướng, giờ định sẵn, cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn. Hiện nay cách ăn mặc của người Việt trong Tết ít nhiều thay đổi, nhưng áo dài có màu sắc tươi tắn, nhẹ nhàng vẫn luôn được lựa chọn và nhiều người xem đó là cách gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của người Việt xưa.

* Chị Trần Quỳnh Trâm (32 tuổi, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn):
Mặc áo mới cầu mong điều tốt lành

Tôi không biết người xưa mặc Tết như thế nào. Riêng gia đình tôi, Tết phải mặc quần áo mới, đúng kiểu “mới từ đầu đến chân”, từ quần áo đến giày dép, mũ nón. Tôi không quan trọng bộ đồ mới đắt tiền hay không, chỉ quan niệm mặc quần áo mới để “tống cựu nghênh tân”, loại bỏ cái cũ, chào đón cái mới ngày đầu năm. Trong phong tục của người Việt, mặc đồ mới ngày đầu năm giúp xua đuổi tà ma, xua tan phiền muộn nên tôi muốn làm theo.

Là phụ nữ, thời gian cận Tết tôi dành thời gian mua sắm cho cả nhà. Tính sơ qua, gia đình bốn thành viên tôi sẽ mua 12 bộ đồ mới và giày dép, mũ nón mới đi kèm. Tôi không nghĩ điều này hoang phí bởi mỗi năm chỉ một lần Tết nên muốn vợ chồng, con cái nên mới mẻ và đẹp trong mắt nhau. Khi lựa chọn trang phục, tôi ưu tiên màu sắc tươi sáng như vàng, đỏ hoặc có họa tiết trẻ trung bởi theo quan niệm của người Á Đông đây mà tông màu mang lại sự thịnh vượng, may mắn, tài lộc. Thời trang Tết bây giờ khá đa dạng, giúp việc lựa chọn trang phục Tết dễ dàng hơn. Ngoại trừ phải sắm cho mình và con gái bộ áo dài đi lễ chùa đầu năm, chúng tôi khá thoải mái trong việc lựa chọn kiểu dáng trang phục, miễn sao mặc đẹp và thoải mái.

Ảnh: TIÊU YẾN
Ảnh: TIÊU YẾN

* Nhà thiết kế Nguyễn Thị Bảo Quyên, chủ thương hiệu Quyên Designer  (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu):
Họa tiết cổ điển lên ngôi

Từ tháng 10 âm lịch, đã có nhiều khách hàng liên hệ Quyên Designer đặt may áo dài Tết. Chất liệu được lựa chọn nhiều nhất là nhung, gấm, linen với kỹ thuật vẽ, thêu tay, họa tiết cổ điển. Dịp Tết, chúng tôi ưu tiên những bảng màu nổi bật như vàng, đỏ, cam, xanh lá… và thêu hoa hướng dương, mẫu đơn cỡ lớn. Tôi tin rằng, sự rộn ràng trong màu sắc, kiểu dáng, họa tiết vẽ, thêu tay giúp khách hàng của tôi đón một cái Tết giàu năng lượng tươi vui.

Tôi là người thích mặc áo dài trong dịp Tết bởi đó là trang phục truyền thống. Mỗi năm, ngoài phục vụ khách hàng, tôi dành thời gian may cho những người phụ nữ trong gia đình những bộ áo dài mới, thậm chí là áo dài cặp để mẹ con cùng diện du xuân. Thích sáng tạo trên áo dài và Tết là dịp để tôi thỏa sức bởi đơn hàng rất nhiều. Tôi tự tay thiết kế, may, đính hạt, thêu hoa lên mỗi sản phẩm. Nhiều phụ nữ rất yêu áo dài nhưng thường có tâm lý “chờ đến dịp” mới khoác nó lên người. Tôi thì không như vậy, tôi mặc áo dài khi mình muốn, khi đi uống cà phê, đi ăn tiệc, đi chơi, chụp ảnh cùng bạn bè. Vì thế, Tết đến tôi và những người phụ nữ trong gia đình không thể thiếu áo dài.

Rất yêu áo dài nhưng khách hàng của tôi không gò bó chúng trong khuôn mẫu nhất định. Họ yêu cầu thiết kế tà ngắn hoặc lai bầu, tay lỡ hoặc tay loe, kết hợp quần ống rộng, suông và tôi hạnh phúc khi phục vụ sở thích đó của họ. Tết năm nay, tôi thiết kế thêm những chiếc áo dài, áo đầm cách tân, đường nét mềm mại pha lẫn chút cổ điển kết hợp guốc mộc khi ra phố. Tôi nghĩ rằng, mặc đẹp trong ngày Tết là một nhu cầu chính đáng của mỗi người, dù xưa hay nay. Ở vai trò nhà thiết kế, tôi chỉ có thể giúp họ có được bộ trang phục đẹp mắt, màu sắc phù hợp với mùa xuân, mùa an vui và sum vầy.

ĐÓN GIAO THỪA

* Bà Nguyễn Thị Chung (84 tuổi, trú quận Sơn Trà):
Coi trọng lễ nghi và mâm cúng đêm Giao thừa

Lúc ông nhà tôi còn, ông ấy rất coi trọng những lễ nghi và mâm cúng đêm Giao thừa. Ông bảo, để làm cỗ Giao thừa phải chọn gà thiến ri bởi theo phong tục người Việt, cúng đêm Giao thừa là cúng 12 vị thần thời gian để kết thúc một năm và bắt đầu một năm mới nên người ta chọn gà trống thiến mào đỏ, mỏ vàng, chân vàng. Sau khi tôi và các cô con gái chuẩn bị mâm cỗ xong là ông ấy nhắc nhở mọi người mau chóng thay trang phục mới, chỉnh tề, nghiêm cẩn, để sau tuần hương trên ban thờ là cùng nhau sum vầy bên mâm cơm đầm ấm đầu năm. Nhà tôi đông con cháu nhưng vẫn giữ tục lệ từng người chúc Tết nhau, cháu chúc ông bà sức khỏe, con chúc cha mẹ bình an, ông bà chúc con cháu hanh thông, thênh thang đường đời.

Ông nhà tôi vẫn thường làm lễ khai bút cho các cháu với ước mong “Đầu năm khai bút bút khai hoa”, các cháu của ông học giỏi, thành đạt. Dẫu bao năm tháng đã trôi qua, mâm cơm ngày Tết vẫn vẹn nguyên ý nghĩa thiêng liêng. Đó là tục lệ từ ngàn đời xưa của người Việt, dù có đi muôn phương để lập nghiệp, tất tả ngược xuôi để kiếm kế sinh nhai thì cũng phải trở về quê hương, đoàn tụ trước khi Giao thừa đến.

* Bà Trần Thị Tuyết (50 tuổi, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà):
Phút giây gắn kết tình cảm gia đình

Là người phụ nữ, người mẹ của gia đình, những ngày trước Tết, tôi luôn bận rộn, hối hả và lo toan. Chỉ đến đêm Giao thừa, mọi gánh nặng trên vai mới được trút xuống, nhẹ nhõm đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà chúng ta gọi là mùa xuân, là Tết. Từ khoảng 8 giờ tối là tôi bắt đầu sửa soạn mâm cúng Giao thừa, thường được chia làm 2 mâm: một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. Trong không gian trầm hương vấn vít quanh nhà, tôi thường nhớ về ông bà, các cụ đã rời xa, lại thấy thật bồi hồi, tràn ngập cảm giác thanh thản, an yên, biết ơn vì còn được đứng đây, được chứng kiến những giá trị truyền thống và những tiện nghi hiện đại đan xen. Khi pháo hoa bắt đầu rực sáng trên bầu trời, báo hiệu năm mới đã đến thì cả gia đình quây quần bên nhau, tổng kết lại một năm đã qua, những thành công đạt được và những điều chưa hoàn thành, những mục tiêu và dự định cho năm mới.

Sau khi cúng Giao thừa, gia đình tôi sẽ xuất hành đầu năm - đây là một trong những tục lệ khá quan trọng với quan niệm chính là xuất hành đi lễ chùa để cầu phúc, cầu may, cầu an... Đến chùa sẽ mua một cành lộc về nhà như mong muốn mang về những điều tốt đẹp với ý nghĩa “tống cố, nghinh tân”, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới... Dù là xưa hay hiện đại thì đêm Giao thừa ngày Tết vẫn luôn mang không khí trang trọng, là phút giây gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Nhà cửa sẽ ấm cúng hơn khi các thành viên hội tụ đủ đầy, biểu hiện tình cảm bền chặt, hạnh phúc vững bền.

* 3 chị em Ý Như, Ý Thư, Ý Thơ (25 tuổi, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; 2 em sinh đôi, 22 tuổi, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng và Trường Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí Minh):
Chúng tôi ở nhà

Đêm Giao thừa, chúng tôi thích ở nhà phụ mẹ bày mâm ngũ quả, khay mứt Tết, thắp hương, rồi cả nhà quây quần xem Táo quân, đón mừng năm mới. Chúng tôi cho rằng, đón Giao thừa mà đầy đủ mọi người trong gia đình thì cả năm mọi người trong nhà sẽ quan tâm đến nhau nhiều hơn. Khoảng 22 giờ, khi chương trình Táo quân vừa hết thì cả nhà thay quần áo mới. Ba nghiêm chỉnh trong bộ vest, mẹ duyên dáng trong chiếc áo dài, anh hai chỉnh tề quần tây, áo sơ-mi; còn 3 chị em gái chúng tôi thì mỗi năm mỗi kiểu, có năm áo dài truyền thống, có năm áo dài cách tân, năm thì đầm hoa lá mùa xuân. Mặt ai cũng tươi tắn. Đúng giờ Giao thừa, ba tôi thắp ba nén hương thì thầm khấn khứa rồi quay sang đốt trầm quanh nhà... Mẹ tôi lấy ra một xấp tiền lẻ còn mới cứng và mừng tuổi chúng tôi. Lúc lì xì mẹ luôn nhận xét về các con. Các con khi nhận tiền luôn thầm thì hứa năm nay sẽ học giỏi hơn, ngoan hơn, biết chăm sóc sức khỏe hơn...

Ngày Tết cổ truyền chúng tôi muốn ở nhà, bên ba mẹ, tình thân. Đó là sở thích của 3 chị em tôi nhiều năm nay. Còn việc các bạn trẻ thích đón Giao thừa ở ngoài nhiều hơn ở nhà cùng gia đình là do sở thích của mỗi người. Có vẻ như cuộc sống ngày càng hiện đại, việc đón Giao thừa ít nhiều mất đi nét truyền thống. Tôi nghĩ rằng, ở đâu, cách này hay cách khác, làm sao mỗi người cảm thấy vui vẻ, thoải mái và ngập tràn cảm xúc tích cực
là được.

CHƠI TẾT

* Ông Cao Tấn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Điện ảnh Đà Nẵng:
Nghỉ ngơi bên gia đình

Tết trong ký ức của những người lớn tuổi như chúng tôi đọng lại nhiều hoài niệm bởi ngày xưa nghèo khó, ai cũng mong đến Tết để cả nhà quây quần cùng nhau làm bánh tráng, bánh in, bánh kho, bánh tét. Phải lo chuyện ăn rồi mới tới chơi Tết. Ông bà có câu “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy”. Đây là những ngày quan trọng nhất trong năm. Theo đó, mồng Một  được dành để nấu cơm cúng, đi viếng mộ ông bà, tổ tiên, chúc Tết gia đình bên nội; mồng Hai đi thăm hỏi chúc gia đình bên ngoại; mồng Ba mới đi thăm họ hàng, bạn bè, thầy cô giáo. Đây là những thói quen, nét đẹp truyền thống rất ý nghĩa mà ông cha để lại. Nhưng đến nay quan niệm về Tết có nhiều thay đổi, không còn nặng nề như trước đây. Các hoạt động nấu nướng, cúng kiếng, chuẩn bị Tết được rút gọn bằng các dịch vụ có sẵn. Việc kết nối với bạn bè, người thân cũng dễ dàng hơn bằng điện thoại, mạng xã hội… Vì thế, các thủ tục ngày Tết thường được làm rút gọn, đơn giản để dành thời gian nghỉ ngơi bên gia đình.

Với những người đã lớn tuổi như chúng tôi, ngày đầu năm có thể cùng gia đình đi lễ chùa, đi đến các điểm vui chơi trong thành phố chụp hình lưu niệm cùng nhau, ngồi lại trò chuyện, ôn những kỷ niệm xưa cũ... Còn với các bạn trẻ ngày nay có nhiều thú vui, nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút họ nên các bạn trẻ thường thích những chỗ đông người, nhộn nhịp, thưởng thức không khí “hội” nhiều hơn “lễ”.

Ảnh: XUÂN SƠN
Ảnh: XUÂN SƠN

* Bùi Minh Trung (Trung Buii, 31 tuổi, Food Blogger) - Người chia sẻ những trải nghiệm ẩm thực, đánh giá về món ăn trên các trang mạng xã hội:
Đồng hành du xuân

Những năm gần đây nhiều người thường hay than phiền Tết nay không còn mang không khí giống Tết xưa. Theo tôi, có thể việc này xuất phát từ chuyện mưu sinh, ai cũng mong muốn một cái Tết thật sự đủ đầy, tươm tất khiến Tết trở thành áp lực vô hình với nhiều người, làm cho họ dần dần không còn thích Tết. Nhưng với một người sống và làm việc xa gia đình như tôi, Tết vẫn rất thiêng liêng, đây không đơn thuần là kỳ nghỉ lễ mà còn là dịp được trở về nhà sum họp cùng gia đình sau một năm xa nhà, lao động vất vả.

Tết cũng là khoảng thời gian mà mọi người trong gia đình gác lại công việc, sum vầy bên nhau. Những gia đình có con cái ở xa như em (quê Khánh Hòa) thì Tết là dịp bên nhau, cùng nhau dọn nhà, nấu ăn, thưởng thức Tết và vui chơi. Có thể vì xa nhau cả năm nên khi được sum vầy trong dịp Tết, mọi thành viên trong gia đình đều muốn quây quần, cùng nhau du xuân đi lễ chùa, dạo phố hay đơn giản là uống cà phê, hàn huyên tâm sự. Ngày nay, với nhiều gia đình có điều kiện hơn một chút, Tết là cơ hội tốt để cả nhà lên kế hoạch đi chơi xa, nhất là những gia đình trẻ. Theo tôi, đây cũng là xu hướng mới, phù hợp cuộc sống hiện đại. Cả nhà trải nghiệm không khí Tết ở một nơi xa, cùng nhau khám phá những vùng đất mới, những món ăn mới vào dịp Tết cổ truyền, qua đó gắn kết tình thân giữa các thành viên. Em nghĩ rằng, không quan trọng việc bạn ăn Tết hay chơi Tết ra sao, quan trọng là bạn chọn ai là người đồng hành cùng mình thì Tết vẫn thế, vẫn trọn vẹn và đong đầy trong tâm trí mỗi người.

Ảnh: TIÊU YẾN
Ảnh: TIÊU YẾN

* Anh Lê Thiên Tư (40 tuổi), hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh:
Trải nghiệm không khí Tết xa nhà

Tết xưa trong tôi có nhiều hoài niệm, đó là được về quê, sum họp cùng gia đình, chăm lo hương hỏa tổ tiên. Những ngày Tết, ngoài thời gian chúc Tết, tôi cùng gia đình đi lễ chùa đầu năm, thăm bạn bè, bà con xa gần. Tuy nhiên những năm gần đây, nhu cầu vui chơi, hưởng thụ Tết của người dân cũng có nhiều thay đổi. Tết thường được nghỉ dài ngày nên nhiều người chọn đi chơi xa. Là một hướng dẫn viên, vào dịp Tết, nhiều khách lựa chọn khởi hành du xuân, vì thế tôi thường dành mồng Một bên gia đình sau đó dẫn tour cho khách từ mồng Hai.

Những năm gần đây xu hướng trải nghiệm, đón Tết ở nước ngoài cũng rất được ưa chuộng. Giá các tour đi nước ngoài dịp Tết cũng phải chăng nên nhiều người, nhất là các bạn trẻ thường thích đến những quốc gia lân cận như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… để trải nghiệm không khí ngày đầu năm mới xa nhà cũng như khám phá ẩm thực dịp Tết ở các quốc gia bạn. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi khi cuộc sống đầy đủ, khá giả thì sau khi đã cúng tổ tiên ông bà, chúc Tết người thân thì nhiều gia đình dùng những ngày còn lại của kỳ nghỉ Tết để nghỉ ngơi, vui chơi, tái tạo năng lượng sau một năm làm việc vất vả.

TIỂU YẾN - QUỲNH TRANG - NHẬT HẠ - KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.