Mượn câu thơ của thi sĩ Thanh Tùng, tác giả phần lời ca khúc nổi tiếng Thời hoa đỏ (nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng) để nói về cảm giác của tôi sau những ngày lưu luyến với thành phố cảng sầm suất này: Tôi có thể lại yêu thêm lần nữa/Với trái tim nặng trĩu nhọc nhằn/Bao nhiêu xanh tôi để lại cho màu liễu bên bờ hồ Tam Bạc/Máu đã bừng thêm mỗi sớm nơi đây… (Hải Phòng lúc ra đi). Nhưng không phải lúc chia tay mà đúng vào buổi sáng đầu tiên đến Hải Phòng tôi đã lang thang bên bờ hồ Tam Bạc. Anh Nguyễn Văn Khánh, một cư dân ở khu phố gần chợ Sắt đến hóng mát bắt chuyện với tôi. Biết tôi là người dân thành phố Đà Nẵng, anh vui vẻ: Ô, Đà Nẵng với Hải Phòng kết nghĩa mà. Tôi cũng nhiều lần du lịch vào đó. Thành phố Đà Nẵng có đường Hải Phòng to đẹp, cũng như ở đây có phố Đà Nẵng ngày xưa rộng rãi nhất đấy.
![]() |
Thành phố Hải Phòng không ngừng phát triển với diện mạo đô thị hiện đại. Ảnh: XUÂN HÙNG |
Những ngày ở Hải Phòng, bất cứ người nào tôi gặp đều biết đến Đà Nẵng. Đó không hẳn vì lý do hai thành phố kết nghĩa mà còn bởi sự tương đồng kỳ lạ giữa hai nơi. Đà Nẵng và Hải Phòng đều hướng mặt ra biển, đều có sông chảy giữa lòng thành phố, có biển với rừng, cảng và sân bay. Biết tôi là khách du lịch, anh Khánh bảo: Hải Phòng nhiều chỗ để anh ghé thăm, mà ở đây lạ lắm, địa danh nào cũng hấp dẫn.
Dù chưa đến nhiều lần nhưng Hải Phòng neo vào trí nhớ tôi những ăm ắp nghĩa tình. Nhất là thời chiến tranh chống Mỹ. Không chỉ kết nghĩa với thành phố Đà Nẵng mà với cả miền Nam, Hải Phòng đã chở che, nuôi dưỡng học sinh nhiều tỉnh, thành phố phía Nam tập kết ra Bắc. Tài liệu còn chép lại, cách đây 70 năm, sau ngày ký kết Hiệp định Geneve, hai miền Nam Bắc phân định ranh giới tại vĩ tuyến 17, Hải Phòng cùng một số địa phương khác được chọn làm nơi tiếp đón đồng bào miền Nam tập kết. Riêng Hải Phòng còn được chọn làm nơi tiếp đón học sinh nội trú là con em miền Nam.
Từ cuối năm 1954 đến đầu năm 1955, có khoảng 32.000 học sinh là con em miền Nam ra Bắc thì Hải Phòng đã tiếp nhận gần phân nửa, hơn 15.000 học sinh. Để tiếp đón số lượng lớn học sinh miền Nam, trong một thời gian ngắn, thành phố Hải Phòng đã bố trí gần 20 điểm trường cùng cơ sở vật chất, được xem là chiếc nôi lớn nuôi dưỡng hạt giống đỏ sau này.
Nhiều người đã biết, bên cạnh đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh trên bộ còn có đường Hồ Chí Minh trên biển, cả hai là huyết mạch vận tải vũ khí, đạn dược, xăng dầu… chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhưng ít ai biết điểm xuất phát của đường Hồ Chí Minh trên biển nằm ở Hải Phòng, đó chính là Bến K15.
Trước khi có mật danh Bến K15, người dân địa phương gọi nơi đây là Bến Nghiêng. Bến thuyền này tựa lưng vào núi Nghinh Phong nhìn ra biển, thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Năm 1961, bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ khốc liệt, với khẩu hiệu Tất cả cho tiền tuyến, Tất cả cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Bến Nghiêng được lực lượng Hải quân Việt Nam chọn làm Km 0, nơi khởi đầu cho đường Hồ Chí Minh trên biển, là con đường chiến lược vận tải trên biển nối liền hai miền Bắc-Nam. Để giữ bí mật quân sự, Bến Nghiêng được đổi tên thành Bến tàu không số hay là Bến K15 trong các kế hoạch tác chiến, với chữ cái K là chỉ dấu của cảng quân sự, con số 15 để ngầm chỉ nội dung Nghị quyết của Trung ương Đảng về đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam tại hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15.
Bến K15 có vị trí thuận lợi, ba mặt là núi, mặt còn lại thông ra biển bằng vịnh nhỏ mà ngư dân gọi là vịnh Sét, kín đáo và khuất gió. Sau khi có quyết định thành lập, tháng 10 năm 1962, chuyến tàu chở hàng đầu tiên xuất phát, thẳng tiến vào miền Nam. Sau chuyến hải hành kéo dài 5 ngày, tàu cập bến ở căn cứ Vàm Lũng thuộc tỉnh Cà Mau, trên tàu chở hơn 30 tấn vũ khí. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng bởi nó khẳng định đường Hồ Chí Minh trên biển hoàn toàn khả thi, góp phần to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Sau chuyến tàu đầu niên, những con tàu không số tiếp tục nối nhau rời bến, mang theo hàng trăm ngàn tấn hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, những nơi mà đường bộ chưa mở tới hoặc khó khăn khi vận chuyển.
Tính ra, trong khoảng thời gian 14 năm, từ năm 1961 đến ngày toàn thắng 30-4-1975, các Đoàn tàu không số xuất phát từ Bến tàu không số lên đến 1.879 chuyến tàu/lượt vận tải theo hải trình Bắc - Nam và ngược lại. Tính ra, tổng khối lượng hàng hóa, vũ khí từ miền Bắc đưa vào miền Nam lên đến 153.000 tấn, ngoài ra còn chuyên chở 80.000 lượt người vào ra giữa hai miền. Tổng chiều dài của các hải trình xấp xỉ 3,8 triệu hải lý giữa muôn trùng sóng gió Biển Đông.
Nhằm ghi lại dấu tích lịch sử, ngay tại Bến K15, thành phố Hải Phòng đã xây dựng Đài tưởng niệm Đường Hồ Chí Minh trên biển. Tượng đài không lớn nhưng có kiến trúc đẹp, giàu ý nghĩa. Từ tượng đài nhìn ra là Bến K15 với những dấu tích còn lại của chân cầu cảng, nơi tập kết kho hàng, bể chứa nước ngọt ngày xưa. Năm 2008, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xếp hạng di tích lịch sử Bến K15 là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Và mới đây, ngày 26 tháng 11, Thủ tướng Chính phủ đã ký Bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt cho đường Hồ Chí Minh trên biển ở 4 tỉnh, thành phố gồm thành phố Hải Phòng, tỉnh Phú Yên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Cà Mau.
Những ngày lang thang ở thành phố cảng tôi nhận ra nét đẹp gần gũi giữa Hải Phòng và Đà Nẵng là sự hiển hiện những chiếc cầu. Trước nay cứ nghĩ thành phố Đà Nẵng sở hữu nhiều cây cầu đẹp nhưng hóa ra vẫn còn rất ít so với Hải Phòng. Vẫn anh Khánh khoe với tôi: Em vào Đà Nẵng rồi, cầu bắc qua sông Hàn đẹp, như cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý… Nhưng anh ra đây sẽ thấy, Hải Phòng được gọi là thành phố một trăm cây cầu. Quả thật, con số một trăm vẫn là phiếm chỉ. Tài liệu ngành giao thông ghi nhận đến nay, thành phố Hải Phòng có đến 145 chiếc cầu gồm các loại cầu bắc qua sông, cầu nối đất liền ra đảo, cầu vượt đường bộ…
Những năm đầu đổi mới, Hải Phòng chỉ có 3 cây cầu lớn là cầu Rào, cầu Niệm và cầu An Dương, bây giờ thì nhớ tên những cây cầu thôi cũng đã không xuể. Du khách đến đây rất ấn tượng với những cây cầu mới xây như cầu Tân Vũ - Lạch Huyện dài 5,4km nối bán đảo Đình Vũ sang đảo Cát Hải, là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Ngay giữa trung tâm thành phố là cầu Hoàng Văn Thụ, thiết kế vòm và nhịp lớn nhất Việt Nam, hoàn toàn do kỹ sư, công nhân trong nước thi công. Hay như cầu Bính được xây dựng từ nguồn vốn ưu đãi của chính phủ Nhật Bản, là cầu dây văng đẹp và hiện đại bậc nhất. Chỉ tính riêng giai đoạn 5 năm từ năm 2015 đến 2020, thành phố Hải Phòng đã đầu tư hơn 44.000 tỷ đồng để xây dựng gần 50 cây cầu mới. Một con số như thế đủ cho thấy thành phố Hải Phòng thay đổi không phải tính bằng năm mà bằng tháng, thậm chí bằng ngày.
Tôi đến Hải Phòng vào dịp Quốc khánh. Cả thành phố rực trong màu cờ đỏ. Mùa sắp chuyển sang thu nhưng hạ vẫn còn sót lại trên những cành phượng vĩ. Tôi cũng nhận ra, không có đô thị nào ở Việt Nam trồng nhiều phượng như ở Hải Phòng. Phượng có mặt khắp nơi, như đường từ trung tâm thành phố về Đồ Sơn, dài hàng chục km mà hai bên chỉ toàn phượng. Nhiều người nói với tôi, mùa hè đến là cả thành phố rực một màu đỏ tươi phượng vĩ, réo rắt tiếng ve đồng ca.
Tạm biệt thành phố Hải Phòng tôi vẫn còn những tiếc nuối bởi không đủ thời gian ghé thăm những nơi gắn liền với tên tuổi các văn nghệ sĩ mà tôi yêu mến. Những Văn Cao lừng lững Quốc ca, Nguyên Hồng vạm vỡ với Bỉ Vỏ, Cửa Biển, Bùi Ngọc Tấn xa xăm của Rừng xưa xanh lá, Đồng Đức Bốn thi sĩ dân gian của dòng thơ lục bát say đắm trong Trở về với mẹ ta thôi, Chăn trâu đốt lửa… Thôi đành mượn lại thơ của thi sĩ Thanh Tùng, người không sinh ra ở Hải Phòng nhưng phần lớn cuộc đời mưu sinh, gắn bó với thành phố Hoa phượng đỏ. Cũng như tôi, không sinh ra ở Hải Phòng, nhưng đã trót yêu và yêu thêm nhiều lần nữa thành phố nhìn ra đại dương, nơi những ngọn gió biển mang theo vị muối của đời, để bước chân người ra đi sẽ còn lại: Tôi để lại Hải Phòng giàu có của tôi/Bước ra cửa là rơi vào trái tim bè bạn/... Hải Phòng ơi tôi đã tan vào Người/Trong ngổn ngang mãnh liệt/Để hôm nay dù ở nơi nào/Cũng không nhạt nhẽo/Vì Người là muối của đời tôi (Hải Phòng, muối của đời tôi -Thanh Tùng).
PHẠM XUÂN HÙNG