Cái gì đó quấn thật nhanh quanh người nó, giống như cách người ta quấn bánh cuốn khi vừa tráng xong. Ngay lập tức, toàn thân nó bị đẩy lên cao, như thể có sức mạnh từ cột nước khổng lồ. Nó cảm thấy có nhiều quả bóng bay tí hon đang được gắn khắp nơi, từ đỉnh đầu xuống tận ngón chân nó, như người ta mắc bóng đèn trong những trung tâm thương mại hay sân bay Incheon - sân bay duy nhất, lần đầu tiên trong đời nó được đặt chân đến. Và rồi hệt học sinh tiểu học trong ngày khai giảng, sau hồi trống khai trường của thầy hiệu trưởng là các em đồng loạt buông tay. Từng quả bóng bay lên bồng bềnh, bồng bềnh. Nhẹ hẫng!
Nó nghe mình, thằng con trai cao 1m75 nặng 70kg, gần như không còn trọng lượng, có khi còn nhẹ hơn chiếc lá nhãn vàng úa lìa cành đã từng thấy nhiều vô kể ở quê. Điều gì đang xảy ra với nó vậy? Là gì đi chăng nữa thì sau những ngày làm việc từ 12 đến 16 tiếng ròng rã hằng tháng trời trên tàu, được nằm dài ra như nằm trên bãi cát ở quê, không phải điều thi thoảng nó muốn hay sao? Sự lạc quan và sức trẻ của một thằng trai biển mặn mòi đôi lúc cũng không bảo chứng nổi cho việc nó nghe cả sức lực tinh thần tụt xuống thê thảm, chẳng khác gì cái điện thoại cảnh bảo “yếu pin” đỏ chót! Nó dần nhận ra kiếm tiền chưa bao giờ là việc dễ dàng, nhất là đồng tiền tha hương lưu xứ. Anh Tú từng nói bâng quơ: “Mồ hôi nào không có vị mặn”, “Đồng tiền nào không in dấu vân tay”, giờ nó mới hiểu! Mới 6 tháng mà nó nghe như đã sống gần nửa đời mình!
![]() |
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
18 tuổi, nó biết không ai có thể dám chắc được điều gì, nhưng vẫn luôn cứ tự bảo ban mình như đã từng làm từ ngày bắt đầu có suy nghĩ. Rằng mình sẽ làm được! Lắm khi nó nghĩ, nếu không tự làm thế, thì có thể làm gì khác? Dũng cảm hay giỏi giang suy tận cùng không phải là năng lực tự có mà là sản phẩm của những tình thế phía sau không còn con đường nào khác.
Vài lần rảnh rỗi hiếm hoi, ngồi trên boong tàu nhìn lên bầu trời xanh trong cao, xa vời vợi với những đụn mây bàng bạc lửng lơ đủ thứ hình thù, nó nhận ra mây và bầu trời không thay đổi, giống hệt ở làng nó. Sao cho đến tận khi sang Hàn Quốc nó mới biết bầu trời nơi đâu cũng giống nhau và mây nơi nào cũng nhởn nhơ một kiểu? Sao cũng đợi khi xa nhà nó mới nhận ra hình như ai sinh ra lớn lên cũng có một chỗ dựa, kẻ ít người nhiều. Người ta dựa vào cha mẹ, anh em. Người ta dựa vào nhà cửa của cải, ông bà hoặc chút danh tiếng niềm tin tâm linh từ tổ tiên dòng dõi. Đừng ai phủ nhận hay lừa nó rằng thế gian chỉ cần dựa vào mình là đủ. Nói thì dễ đó! Chặt đầu sóng, vượt biển khơi đâu phải là thứ dành cho tất cả. Bay cao trên chín tầng mây hay nơi cuồng phong bão tố chỉ có thể là đại bàng. Lặn sâu xuống đáy đại dương phải là cá voi, cá mập. Đâu phải ai cũng sinh ra có đủ sức và điều kiện để làm đại bàng, cá mập? Những bất hạnh khó khăn trên đời, dù muốn, dù không vẫn có sức nặng nhất định. Sức mạnh ấy, đôi khi đè bẹp hủy diệt cả một đời người. Vì thế người ta luôn cần chỗ dựa. Nó không muốn bị đè bẹp! Không muốn, vì nó còn mẹ! Mẹ nó chỉ có mình nó, nó cũng có mỗi mẹ là người thân. Kiếp người này, ai cũng giống ai, nhiều yếu ớt sợ hãi, thậm chí không ít lần chán chường muốn mặc kệ. Người này sở dĩ khác người kia, mạnh mẽ hơn người kia, chịu đựng được hơn người kia chỉ ở một điều duy nhất: người ta có được yêu thương không và người ta yêu thương lại bao nhiêu! Mẹ là chỗ dựa duy nhất và tình yêu lớn nhất đời nó.
Nó thương mẹ! Người đàn bà hiền lành tựa một hòn sỏi trên bãi biển. Người đàn bà chưa bao giờ lớn tiếng, chưa bao giờ giận hờn, chưa bao giờ cãi vã với bất kỳ ai, kể cả nó. Bà như một hòn sỏi xa bờ bãi, lăn lóc trong cát lặng thinh, làm bất cứ việc gì ai nhờ ai mướn để nuôi lớn nó - thứ duy nhất quý giá nhất bà có.
Người làng không ghét bỏ nhưng không hẳn hoan nghênh mẹ con nó. Nó biết ơn vì điều đó. Ai đời người ta lại vồ vập hay chào đón cái nghèo, cái cù bơ vất vưởng, cái nhỏ nhoi làm gì. Không ác cảm đuổi xua đã là từ tâm rồi. Như cái nốt ruồi trên khuôn mặt, họa hay phúc người ta không dám chắc, hên hay xui cũng đâu thể tin như tin mấy cái bói bài. Người làng chấp nhận sự có mặt của hai mẹ con như chấp nhận một phần thân thể có chút khiếm khuyết. Ai mà chẳng có khiếm khuyết! Đôi khi cái sự khiếm khuyết ấy lại có giá trị, giúp soi tỏ hơn những phần lành lặn đẹp xinh! Nhờ mẹ con nó, biết đâu người ta đâm ra vừa lòng, trân trọng những thứ mình có? Đau lòng hay không cũng phải thừa nhận, con người chỉ có thể soi vào nỗi bất hạnh của người khác để tự vỗ về mình, để tiếp thêm động lực cho mình trong cuộc sống!
Nó và mẹ chơ vơ ngơ ngác như một con còng biển giữa cơ man nào là cát là sóng là gió. Nó tự nhiên nghe nhớ ghê gớm những con vật với cặp mắt lồi như sắp rơi ra cùng bộ chân khẳng khiu lênh khênh luôn trong tư thế sẵn sàng lẩn trốn! Cũng như tự nhiên nghe bụng sôi lên một nỗi nhớ nhà cồn cào. Nếu gọi túp lều xiêu vẹo mái tranh vách đất duy nhất trong làng, lọt sâu cả mét so với mặt đường là nhà thì coi như nó có nhà vậy!
“Mẹ mi như thể nứt ra từ cát hay trồi lên từ biển sâu chi đó!”.
Vài lần nghe ngoại Tam nói như thế, ánh mắt ngoại nhìn đâu đó xa xăm vượt khỏi đỉnh đầu nó, đi đến nơi nào cũng không biết. Ừa, cũng có thể ánh mắt ngoại đi đến đây, nơi bầu trời xanh và mây trắng này không chừng! Ngoại Tam chính là người đi biển nhặt mẹ về trong một mùa giông bão kinh hoàng tang tóc. Chừng 5, 7 tuổi, ký ức về gia đình, nguồn cội của mẹ chỉ là một vùng thăm thẳm mịt mờ. Nếu ai đó cố hỏi, kể cả nó, chỉ thấy nước mắt mẹ ứa ra. Ứa ra vì điều gì nó thật tình không đoán nổi. Anh Tú hay dặn nó rằng lớn rồi thì không phải cái gì cũng đợi người ta nói toẹt vào mặt mới biết. Phải quan sát, nhất là cử chỉ, hành động của họ mà dò mà đoán. Sự thật ở đời có bao giờ từ mồm con người đâu mà đợi, mà nghe, mà tin?
Nó chợt muốn cất tiếng dạ rân như mấy lần anh lườm nó. Nhưng sao miệng mấp máy mà tiếng nói không phát ra? Bỗng dưng nó không nói được tiếng con người vậy anh Tú ơi, anh Tú đâu, Anh Tú ơi…!
Anh Tú đâu có bao giờ bỏ nó. Chưa bao giờ anh thôi cưu mang nó, từ ngày còn là thằng bé đen nhẻm cái đầu chờ vờ chân đất chạy khắp làng. Suốt những mùa đông dài, cái rét cào vào thịt da ê buốt nó toàn mặc áo ấm của anh cho. Những cái áo dài phếch đít như không có mặc quần, vì anh lớn hơn lại cao to. Suốt những mùa chạp Tết, nó cứ nhấp nhổm bên ngoài hàng rào nhà anh, vờ bắt dế đá lon, chỉ cốt đợi tiếng kêu: “Nhỏ!”! Nhanh như một cái lò xo, nó bật dậy, ào tới như một cơn sóng biển, chộp lấy túi xôi, ram, gà ù té chạy.
Giờ nó muốn gọi anh. Nhưng sao chỉ có một vùng bềnh bồng trắng xanh hư ảo bao quanh. Nó đang ở đâu mà tay chân yếu ớt như thể một con cua hay con tôm vừa lột lớp vỏ cứng cáp trở nên mềm oặt như thế này? Nhiều lần bắt được những sinh vật trong trạng thái không có cái gì chống đỡ đó, nó hay khẽ khàng thả chúng xuống biển. Nó không biết mình có thật sự cảm thấy động lòng thương hay vì thích cuộc chiến phải cân sức. Đánh người lúc không có một chút sức lực kháng cự nào, nó nghe lấn cấn. Chơi vậy ai chơi! Thôi, mày cứ trở về biển, mạnh khỏe đi rồi chiến với tao, ít ra trước khi thua cuộc - hẳn nhiên - thì mày cũng đã chống trả chiến đấu đến cùng. Vậy mới chơi chứ!
Nó nghe tiếng sóng biển đang ầm ào ngay bên cạnh. Lực đẩy mạnh lúc nãy dường như đã không còn, thân thể nó như đang trôi. Thật chậm, nhưng vẫn đang trôi đi. Nó mừng ríu tay chân khi nghe thấy tiếng anh Tú:
Nhỏ! Mày nghe tiếng tau không? Nhỏ!
Anh Tú ơi! Là thằng Nhỏ đây! Em hứa không rời mắt khỏi anh. Sao ai đưa em đi đâu vậy? Tay chân em như có ai phù phép không ngọ nguậy được. Tiếng nói sao không phát ra được? Em đang trôi đi đâu vậy anh Tú? Em đây, anh Tú, anh Sang giúp em nói được không? Sao không có ai nghe em nói?
Tay nó còn ấm mà Sang?
Tim nó ngừng đập rồi Tú ơi!
Tránh ra! Còn… còn… đập… tim thằng Nhỏ còn đập...
Vác nó lên, vác nó lên…
Nhỏ ơi, Nhỏ ơi, anh Tú đây, mày nghe không. Nhỏ ơi!
Bao nhiêu sức lực không bật ra được thành tiếng nói, nó cố đẩy hai mí mắt ra tìm mấy anh của nó…
Đêm nay hình như gió mùa về! Chị nghe loáng thoáng các bà ngồi ở tiệm tóc cô Nga nói với nhau, lúc quét chợ chiều. Họ có thật nhiều chuyện từ trong điện thoại. Bao giờ chị cũng chỉ đứng lắng nghe rồi một cách bản năng như người ta nghe nhắc đến trái me, trái sấu là ứa nước miếng, chị cúi mặt nhìn xuống chân, cuộn lại trong lòng một thứ vừa trỗi lên, chỉ sợ nó trào ra trên từng khoảnh thịt da! Là cảm giác đó, cảm giác đeo đuổi cả một đời chị: thế giới của mọi người không có chị!
Thế giới của những người có cha có mẹ, ông bà. Thế giới của những người sáng sáng réo nhau đến trường. Thế giới của những người chải tóc, xúng xính đồ đẹp, hẹn hò, có người yêu, có chồng, chải chuốt móng tay, da mặt, lông mày, đôi môi để đi chơi, chụp ảnh… Thế giới ấy không có chị. Chị cũng không biết có lần nào trong đời mình ham muốn bước vào đó không? Mọi người, giàu có, xấu tốt, sống như thế nào, làm cái gì, trong mắt chị cũng như mặt biển mênh mông với cuồng phong vô tận, nhìn thấy vậy thôi, chứ không lý giải, không thắc mắc càng không soi chiếu để oán trách. Chị chỉ biết làm việc của mình. Cố gắng hết sức đừng phiền ai nhiều nhất có thể. Cố gắng dặn mình rằng được còn thấy ánh mặt trời sớm mai là biết ơn lắm cuộc đời này. Chẳng phải cuộc đời đã rất rộng rãi khi cho chị sống sót một lần và mang đến cho chị cu Nhỏ đó sao?
Chị không biết được nhiều chữ. Nhất là chữ bé xíu như bầy cua cát loi nhoi trên màn hình điện thoại. Cái điện thoại trong chiếc túi thổ cẩm rẻ tiền có sợi dây cáu bẩn chị đeo bên người thường im ỉm cả ngày. Không có nhiều người gọi cho chị, ngoài cô Nga nhờ lau dọn tiệm, bà Thu nhờ vun đất tưới tắm đám rau mùi, ông Tứ kêu phụ lựa cá những lần đi biển về. Điện thoại này cậu Tú cho, chị để dành gặp cu Nhỏ mà thôi!
Gió lộc cộc gõ vào tấm cửa gỗ cũ xiêu vẹo như một vị khách lịch sự rồi đột nhiên im ắng. Chị rón rén giống con Mướp rình mồi, chầm chậm bước về phía cửa cẩn thận cài chặt, đặt thêm hai cái ghế chắn ngang. Rồi với tay lấy chiếc áo khoác của Nhỏ treo ngay gần cửa, lên giường ôm vào lòng. Thi thoảng những ngày mưa gió, hay đêm khuya nghe chờn chợn sống lưng như có bàn tay ai đó lạnh ngắt lướt qua, chị ôm chặt chiếc áo màu xanh có mũ trùm đầu của con.
Giờ, ngồi thu lu chờ gió mùa đông chị nhớ mỗi lần bố Tam đi núi lấy củi về reo lên: “Bông lau nở rồi!”, những vết nhăn tựa những con sóng biển trên trán ông xô lại, miệng kéo lên như một nét cười, là chị biết quê mình qua được một mùa bão lụt. Mấy ngày sau mẹ Tam sẽ sai chị đem những chiếc áo ấm cũ, sờn rách ra giặt rồi đơm nút vá lại cho các em. Bố mẹ Tam và chị, chưa ai có đủ áo ấm mùa đông. Những mùa đông dài lạnh ngăn ngắt thịt da, chị ôm con mèo Mướp - bà ngoại của con Mướp đang nằm giương đôi mắt xanh lè trong ánh điện tờ mờ kia của chị - ngủ ngon lành dưới căn bếp đỏ lửa, tưởng như đang ôm một góc chăn ấm!
Sau này là ôm Nhỏ. Chắc cũng gần 10 năm hai mẹ con ôm nhau ngủ trong bếp, mùi tro than quấn quýt. Rồi nó lớn, cứ tuột dần ra khỏi chị như nắm cát nằm trong lòng bàn tay. Tuột sang tận cái xứ Hàn Quốc xa xôi là chọn lựa của nó. Chị cũng chỉ biết đứng đó nhìn con, như gốc rạ cuối mùa không biết trốn đi đâu làm gì, đứng phơi nắng phơi sương, ngấm dần rồi khi nào tan ra lẫn vào bùn đất? Chí nguyện của con không có gì là xấu. Lòng người đàn bà có thể yêu con nhưng nhất định không thể cản bước chân nó, khi đó lại là một đứa con trai!
“Anh Tú vay tiền ông bà cho con đi! Con sẽ trả dần. Mẹ không phải lo. Ở nhà khó lắm! Con muốn kiếm tiền làm cái nhà cho mẹ. Những mùa bão, những mùa đông…”.
Không biết bao lần trong 6 tháng qua, câu nói ấy của con cứ quay đi quay lại chà xát vào tâm trí chị. Đôi lúc, tay vẫn thoăn thoắt rửa chùi lau dọn cho người ta, nước mắt vẫn cứ ứa ra. Có người đàn bà nào để con rời khỏi tầm mắt mình, trái tim còn có thể lành lặn cho được?
Nhiều lần, trước ngày nó chuẩn bị đi, chị định nói, nhất là lần đứng xớ rớ ở bến xe tiễn nó ra Hà Nội để sang Hàn, rằng nhà như thế nào với chị cũng được, miễn trong đó có mẹ, có con! Ăn của rừng nhiều khi rưng rưng nước mắt chứ đâu có dễ. Biển cả mênh mông, cho và lấy, được và mất, cứu rỗi và hủy diệt, muôn đời nay có ai biết được mà lần? Biển cho con người nhiều thứ, nhưng đổi lại cũng đâu có ít? Biển chẳng phải lấy đi tất cả, xóa nhòa tất cả mọi liên hệ ruột rà nguồn gốc của chị hay sao? Con đi, được thì mừng không được cũng không sao, chỉ cần bình an về với mẹ là đủ! Nhưng, nói ra suy nghĩ tình cảm của mình với chị là thứ gì đó thật xa xỉ. Trong rất ít những nguyện ước của đời mình, chị từng mong sao có thể nói ra hết những suy nghĩ, tình cảm trong trái tim bộ não với con như con sông này luôn thông với sông kia, chứ không ứ đọng, kẹt lại tựa một vũng nước ao tù rồi khô héo qua tháng năm.
Nó đi, cũng hệt như chị, chỉ dòm dòm mẹ rồi vừa quay lưng bước chân lên xe vừa bỏ rơi hai tiếng nhỏ xíu: “Con đi!”. Có cái gì lướt qua mặt nó như một nỗi đau, rất nhanh rồi khuất sau cánh cửa.
Gió bắt đầu lùa qua khe cửa, tiếng bản lề tiếng những miếng gỗ va vào nhau lạo xạo. Cái lạnh này ngoài khơi xa, trên boong tàu con chị chịu nổi không?
Alo, mẹ ơi!
Đứa mô đó? Nhỏ hả con?
Con đây mẹ nghe rõ không?
Mẹ nghe đây, gió mùa về con ơi! Vì răng mấy nay không gọi về cho mẹ?
Dạ, dạ! mẹ ơi…!
Mấy bữa nữa con về nhà ăn Tết. Con sắp về nhà!...
Gió ngoài kia hù hụ thổi, bên trong, cuộc điện thoại đã xáo tung nhận thức của chị. Hai tay đã đi quá giới hạn của một sự run rẩy, chị bấu chặt lấy cái áo khoác màu xanh có mũ. Nỗi thương nhớ lo lắng bấy lâu chị thu vén gói ghém cất ở một nơi sâu kín nhất. Thi thoảng chạm đến thôi mà tưởng mình là một ly nước, ai đó cắm cái ống hút khổng lồ vào hít một cái, cạn khô sức lực. Giờ bỗng vỡ tan tành thành những mảnh vụn rơi tung tóe vào không khí. Lăn lóc cựa quậy khắp nơi.
Con chị nó sẽ về nhà! Nhỏ của chị Tết này sẽ về nhà!
Nó sẽ đi ôm bó củi về để bên bếp, không quên đá nhẹ một cái cho con Mướp rên lên “meo meo” lăn trốn vào mớ tro đen ngòm, giương hai con mắt như hai viên bi giận dỗi. Chỗ cái sào kia không chỉ có mỗi cái áo màu xanh có mũ này, sẽ có thêm vài cái áo cái quần. Nó sẽ giành phần đốt hương lên bàn thờ vọng có di ảnh ngoại Tam mỗi ngày. Nó sẽ ngồi kia, chỗ cái bàn gỗ có cái mặt đã nứt sứt sẹo, lặng lẽ ăn cơm với chị trong mùi hương trầm phảng phất.
Chị ôm chặt cái áo của con trước ngực. Con chị bình an khỏe mạnh. Nó sẽ về nhà Tết này! Nước mắt vui mừng hạnh phúc ở đâu không ngăn được, cứ nối nhau thành dòng trên má chị! Con chị nó sẽ về nhà!...
TRIỆU VẼ