Giáo sư Trần Văn Thọ - Tấm lòng sâu nặng với quê hương

.

Nhiều người thống nhất với nhận xét rằng: GS Trần Văn Thọ là người giàu có kiến thức và rất dễ gần, ở ông bao giờ cũng nhiều ấm áp, chân tình. Rất nghiêm túc với công việc, với bản thân nhưng cũng rất tài hoa, ông là một pianist nghiệp dư đắm say, bao giờ ở ông cũng đằm thắm một cái gì đó rất hoài cảm. Quê hương tự hào có ông, GS Trần Văn Thọ.

Chân dung Giáo sư Trần Văn Thọ. Ảnh: T.Đ
Chân dung Giáo sư Trần Văn Thọ. Ảnh: T.Đ

Trong lịch sử thời nào đất Quảng đều có nhiều người tài giỏi, họ là những nhân vật kiệt xuất trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học…, họ góp phần làm nên truyền thống hiếu học với “ngũ phụng tề phi”, họ biết xuất xử để giúp đời chăm lo việc nước, việc dân… được đời sau ghi nhớ với lòng ngưỡng mộ và biết ơn.

Thời hiện tại trong lĩnh vực học thuật và văn chương thì GS Hoàng Tụy, nhà văn Nguyên Ngọc và GS Trần Văn Thọ là những nhân vật nổi bật. GS Trần Văn Thọ là một giáo sư uyên bác nghiên cứu và giảng dạy về kinh tế tại một trong những đại học nổi tiếng nhất thế giới, là người truyền cảm hứng sâu sắc cho chúng ta về một lĩnh vực rất gần nhưng cũng rất xa: Kinh tế học.

Sự tự vấn tâm can

Chuyên môn của GS Trần Văn Thọ thuộc lĩnh vực nghiên cứu kinh tế chính sách, ông là chuyên gia hàng đầu về kinh tế phát triển. Trong hàng chục năm qua, ông là người kiên trì giới thiệu những vấn đề có tính quy luật trong phát triển cũng như kinh nghiệm tăng trưởng của các nước trong khu vực. Ông trăn trở với những câu hỏi mà càng về sau càng bức thiết: Vì sao nước Nhật từ chỗ bại trận và bị chiếm đóng lại nhanh chóng khôi phục và làm nên hiện tượng thần kỳ trong phát triển chỉ mất chưa tới ba mươi năm? Vì sao các nền kinh tế trong khu vực (NIEs) phát triển nhanh và trở thành hiện tượng kinh tế như Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc)? Việc Trung Quốc từ chỗ thuộc nhóm kém phát triển trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong khoảng thời gian tương đối ngắn từ thập niên 1980 là do đâu? Những câu hỏi trên không chỉ là những vấn đề học thuật mà còn là sự day dứt khôn nguôi. Thấy nước Nhật, sau đó là Hàn Quốc rồi tới Trung Quốc tổ chức thành công thế vận hội, khiến cả thế giới ngưỡng mộ lòng ông như có lửa.

Người dân các nước trên hạnh phúc, xã hội của họ ngăn nắp, thanh niên họ tự tin, khoa học của họ đạt đỉnh cao, văn chương (và cả ngành khác) của họ có những tác giả đoạt giải Nobel khiến ông như người thiếu nợ. Mấy chục năm xa nước nhưng không lúc nào không lo nghĩ về quê hương. Vì sao Việt Nam mình dân số vào loại đông, có khát vọng làm giàu, có tài nguyên phong phú, có một nền văn hóa rực rỡ và thống nhất, quan hệ quốc tế thuận lợi… vậy mà sau năm mươi năm hòa bình, thống nhất vẫn còn hàng chục ngàn cô gái mỗi năm phải ra nước ngoài lấy chồng vì lý do kinh tế, vì sao hàng chục ngàn người Hàn Quốc đến Việt Nam phần lớn làm chủ, quản lý, còn ở Hàn Quốc cũng có tới vài trăm ngàn người Việt Nam nhưng với thân phận làm thuê? Đó không còn là những câu hỏi mà là sự tự vấn tâm can. Ông dành rất nhiều tâm huyết và thời gian để trả lời, để như một sự “hữu trách” ở mức độ sâu sắc nhất, những trăn trở đó được thể hiện cụ thể và hệ thống trong cuốn “Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam” (NXB Tri thức, 2016).

Giáo sư Trần Văn Thọ cùng Ban Biên tập Báo Đà Nẵng, năm 2023. Ảnh: Tư liệu
Giáo sư Trần Văn Thọ cùng Ban Biên tập Báo Đà Nẵng, năm 2023. Ảnh: Tư liệu

Điểm chung của các nước trong khu vực là gì? Trừ Nhật, còn lại là những quốc gia nghèo, tiềm lực công nghệ, vốn hạn chế… Lý thuyết “mô hình đàn nhạn bay” có từ những năm 30 của thế kỷ trước, theo đó việc một nước đã phát triển giống như hình ảnh con nhạn bay trước dẫn dắt đàn nhạn, các con nhạn bay sau nếu nỗ lực sẽ vươn lên và có thể hoán chuyển vị trí trong đàn. Điều kiện bên ngoài là sự hỗ trợ và chuyển giao công nghệ, vốn, kinh nghiệm quản lý, năng lực thị trường của nước phát triển…, nhưng nhân tố có tính quyết định là nỗ lực của chính bản thân nước phát triển sau.
Ba mươi năm qua, GS Trần Văn Thọ có thể với tư cách một học giả, hoặc một thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của các Thủ tướng Việt Nam… là người không ngừng đề xuất các kiến nghị nhằm đưa Việt Nam phát triển nhanh hơn, kiên trì phân tích một cách có hệ thống vai trò của chính sách trong việc hoạch định đường lối tăng trưởng. Từ việc xác định mục tiêu trung, dài hạn đến ý kiến về tỷ lệ vốn nước ngoài hợp lý, từ những vấn đề vĩ mô đến những biện pháp trong những lĩnh vực cụ thể… trong đó có ý nghĩa quyết định là việc xác định nội dung chiến lược phát triển quốc gia phù hợp với đặc điểm và xu hướng phát triển chung của thế giới. Việc tạo và sử dụng hiệu quả năng lực xã hội; về đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp; về đức thanh liêm của quan chức…

Tấm lòng người con xứ Quảng

Có thể thấy tấm lòng của người con xứ Quảng này ở rất nhiều bài viết hay phát biểu ở nhiều diễn đàn, một cách thống thiết và kiên trì, trong đó đặc biệt về đổi mới nền giáo dục quốc gia. Sẽ có rất nhiều việc phải làm lại, cải cách thật sự trong dạy và học, trong đó cần phải thay đổi ngay việc đào tạo và cấp bằng tiến sĩ. Ông là người đầu tiên cảnh báo về việc đào tạo không nghiêm túc, thiếu khoa học về văn bằng tiến sĩ bằng bài viết trên Báo Nhân Dân 27 năm trước. Vấn đề không phải số lượng mà chính là giá trị thật của bằng cấp trong học thuật của Việt Nam. Nếu không nghiêm túc sửa đổi việc hướng dẫn, quy trình đào tạo, chất lượng nghiên cứu, ngoại ngữ… thì bằng cấp của nước ta sẽ không tạo ra một nền học thuật đúng nghĩa.

GS Thọ nhiều lần kiến nghị về việc nâng cao chất lượng đội ngũ quan chức thông qua các kỳ thi nghiêm túc để chọn người thực tài ra làm việc nước, điều này quan trọng trong việc xây dựng một xã hội lành mạnh, trong đó sự thanh liêm của quan chức là tố chất hàng đầu. Kỷ nguyên mới được bắt đầu từ nhiều nhân tố, trong đó đội ngũ quan chức có năng lực, tâm huyết và yêu nước thương dân luôn là điều kiện tiên quyết.

Thủ tướng Murayama bổ nhiệm ủy viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế 20-9-1994.
Thủ tướng Murayama bổ nhiệm ủy viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế 20-9-1994.

Sẽ không thấy hết nét tài hoa ở con người uyên bác và yêu nước tha thiết này nếu không đề cập khía cạnh văn chương, văn nghệ. Hơn năm mươi năm làm việc ở một nước phát triển, giảng dạy ở một trường đại học danh tiếng, từng là thành viên Ban tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nhật, nhưng GS Thọ vẫn tự hào giữ quốc tịch Việt Nam. GS Thọ am hiểu những vấn đề lịch sử, văn chương Việt Nam sâu sắc, và ông viết về những vấn đề đó như một chuyên gia hàng đầu. Người đọc kính phục khi ông trình bày những vấn đề học thuật một cách rõ ràng, thuyết phục, và nhất là dễ hiểu. Ông cẩn thận trong từng ý, từng lời, nhiều bài đọc xong ta càng thấm thía về sự nghiêm túc.

Ở Nhật, Đại học Waseda được xem như Harvard của Mỹ, là nơi đào tạo tầng lớp tinh hoa, nhiều chính khách và doanh nhân nổi tiếng của Nhật theo học, anh Thọ được chọn làm giáo sư kinh tế của ngôi trường lừng lẫy ấy. Ngoài việc lên lớp và hướng dẫn sau đại học anh là người viết nhiều, đến nay anh đã công bố hàng trăm bài báo, hàng chục cuốn sách (tiếng Việt, Nhật, Anh). Chữ Nhật vốn không dễ học, trở thành một học giả khẳng định được tên tuổi tại đất nước mặt trời mọc là điều hiếm người nước ngoài làm được, viết sách và nhận giải thưởng danh giá lại càng ít, cuốn “Phát triển công nghiệp trong tương quan với các công ty đa quốc gia: Kiểm chứng tính năng động của vùng Á châu Thái Bình dương” của Trần Văn Thọ được trao giải thưởng Châu Á Thái Bình dương năm 1993 là sự khẳng định tầm vóc nghiên cứu kinh tế hiện đại của một người Việt Nam ở nước ngoài.

Những kỷ niệm sâu sắc

GS Trần Văn Thọ sinh năm 1949 trong một gia đình nghèo tại một làng quê nghèo của xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn. Hồi nhỏ quê tôi những đứa trẻ lười học thường được người lớn nhắc “bắt chước anh hai Thọ mà học”. Hầu như từ tiểu học đến đại học Trần Văn Thọ đều học rất giỏi, rất đều cả tự nhiên và xã hội. Thi vào trường Nguyễn Duy Hiệu (1964) anh đỗ hạng Ưu, lấy tú tài toàn phần ban văn chương năm 1967. Ngày ấy, đỗ tú tài toàn là một chuyện ít có của cả xã, là niềm tự hào cho gia phong dòng tộc.

Sống tạo ra kỷ niệm vẫn tốt hơn sống với kỷ niệm, thế nhưng cuộc sống có những chuyện mình không nghĩ tới nhưng đó lại là những kỷ niệm sâu sắc. Xong lớp Nhất (lớp 5 bây giờ), trò Thọ thi đỗ vào trường trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở) Nguyễn Duy Hiệu (Vĩnh Điện - Điện Bàn). Trường cách nhà hơn 5km, mỗi ngày hai vòng đi bộ, mưa hay nắng thì 6 giờ sáng đã ra khỏi nhà. Ngoài cặp vở còn mang theo cơm trưa, trong lớp cũng có mấy bạn xa nhà cùng ở lại. Buổi trưa hẹn với một bạn thay nhau mỗi người đem hai phần, hôm nay mình đem thì ngày mai phiên bạn. Được hơn tuần vì thấy phần cơm của bạn thường có nhiều món ngon hơn, còn phần của trò Thọ thì thường muối đậu và chút cá kho mặn. Thấy bất tiện nên sau vài tuần trò Thọ đề nghị thôi việc mang cơm chung như vậy. Tự trọng của người nghèo thường bắt đầu từ những cảm nhận rất cụ thể.

Những ngày học trung học ở Hội An là khoảng thời gian không thể nào quên. Do nhà xa nên phải ở trọ, và để trang trải chi phí anh Thọ phải đi dạy kèm. Bận rộn nhưng vẫn đủ thời gian để học đàn và… đi chơi. Thường là cuối tuần nhóm của anh Thọ tới nhà một người bạn cùng lớp ở ngoại ô và đó là những chuyến đi khó quên. Có một việc mà không phải học trò nào cũng có được: Tháng 5-1997, trong một lần về nước, anh Thọ tới thăm lại thầy giáo dạy Văn hồi năm lớp 11.

Thầy trò gặp lại nhau bồi hồi xúc động, trước khi chia tay, thầy giáo cũ nói: “Gặp lại em thầy có chút quà”. Món quà ấy quả thật ngoài sức tưởng tượng của người nhận, đó là cuốn vở Quốc văn của trò Thọ ghi lại bài giảng của thầy trên lớp, sau ba mươi mốt năm, vẫn còn y như cũ, vẫn nét chữ tháu nhưng dễ đọc, nhất là ghi đủ ý lời thầy giảng. Thầy dùng cuốn vở đó như một tập bài ghi mẫu, giúp thầy trong công việc giảng bài. Thầy kể rằng, cuốn vở ấy theo thầy suốt những năm dạy học ở Hội An, Huế, Sài Gòn… Cần biết rằng, ba mươi mốt năm ấy là giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất, mới thấy rõ hơn tình nghĩa  thầy trò. Chắc ít có món quà nào sâu sắc và độc đáo như món quà của người thầy năm xưa ấy. 

Cuộc đời có những khúc rẽ mà hình như là sự sắp đặt của số phận. Tôi hỏi anh Thọ vì sao gọi buổi chiều ngang qua Bộ Quốc gia Giáo dục (Sài Gòn, cuối năm 1967) anh gọi là “định mệnh”? Có nhiều lý do nhưng ám ảnh là những điều trăn trở: Nếu ở một thời điểm khác mà nhà nghèo liệu có thể học tới tú tài? Liệu thân cô thế cô, ngoài kết quả học tập liệu có thể thi đỗ học bổng? Liệu không có việc tình cờ ngang qua sứ quán... Cho nên, việc xuất dương sang Nhật là một sự thay đổi có tính định mệnh. Sau đỗ đầu khóa dự bị hai năm, vào học ở một trong những trường đại học quốc lập nổi tiếng, tốt nghiệp cử nhân anh chọn con đường nghiên cứu nên tiếp tục làm nghiên cứu sinh… Học xong chương trình tiến sĩ anh làm việc vài năm ở một viện nghiên cứu kinh tế, sau đó anh chọn công việc mà anh yêu thích suốt đời: dạy học.

Những năm gần đây, sách của GS Trần Văn Thọ nhiều lần đoạt giải thưởng “Sách hay” toàn quốc, ông là người mở đầu cho hình thức tổ chức xuất bản những cuốn nhằm kỷ niệm những trí thức tiêu biểu, đó không chỉ là sự biết ơn mà hơn thế là sự đánh giá đóng góp của người được tặng sách. Được dự nhiều buổi thuyết trình của GS Thọ, nhìn những cử tọa ngồi kín các hội trường, trong đó có rất nhiều bạn trẻ lắng nghe ông diễn thuyết, người viết bài này cảm thấy rất xúc động, ông là nguồn thôi thúc cho một hy vọng về tương lai tươi sáng.

MAI ĐỨC LỘC

;
;
.
.
.
.