Không cần đợi mai đào chúm chím, những nôn nao Tết của người xa quê khởi lên ngay từ lúc đọc những dòng thông báo của những hãng tàu xe bắt đầu mở bán vé Tết. Người ta chỉ thật sự thở phào khi biết trên chuyến xe hay chuyến bay về quê ăn Tết đã có chỗ cho mình.
![]() |
Chuyến xe Công đoàn đưa đoàn viên, người lao động về quê đón Tết Giáp Thìn 2024 an toàn, vui vẻ. Ảnh: TRÀ VÂN |
Như một quy luật, hễ đến tháng Chạp hình ảnh những bến bãi, sân bay chật cứng người như một dấu hiệu để đánh dấu cho một khởi đầu của Tết. Những hành trình về quê ăn Tết dẫu là thời bao cấp đầy khó khăn hay thời hiện đại bây giờ thì cũng chẳng khác nhau là mấy ở những xôn xao, đông đúc nhưng rất đáng để đợi chờ.
Nhớ một thời xe hàng, tàu chợ
Với những người tóc bạc, da mồi, nhìn những chuyến xe xuôi ngược trong tháng Chạp lại rưng rưng nhớ những chuyến xe một thời gian khó. Trong ký ức của nhà văn Nguyễn Phương Dung, những lần về quê ăn Tết thời bao cấp xa lơ xa lắc chẳng thể nào phai. Ngày ấy, người ta di chuyển chủ yếu bằng xe hàng hoặc những chuyến tàu chợ. Gọi là xe hàng chứ không phải xe đò hay xe khách bởi những chuyến xe lèn chặt hàng hóa, những thúng mủng nong nia, cả những chiếc xe đạp được cột chặt trên nóc xe. Đến Tết, hàng hóa trên xe lại nhiều hơn gấp bội.
Để có được một chiếc vé xe về quê ăn Tết trong thời buổi tem phiếu đâu phải dễ dàng. Người ta phải xếp hàng từ tinh mơ, rồng rắn chờ đến lượt để được mua. Ai nhanh nhẹn thì sẽ nhờ những người có giấy thương binh được Nhà nước ưu tiên mua giúp. Học Cao đẳng sư phạm Quy Nhơn, có lần nhà văn về Quảng Nam ăn Tết trong một chiếc xe chở heo. Quá giang về quê trên một chiếc xe đầy mùi heo, tình huống dở khóc dở cười nhưng ăm ắp tình người. Kỷ niệm đáng nhớ và đầy xúc động này đã được nhà văn kể lại trong truyện ngắn “Quá giang một khúc sông đời”.
Những chuyến tàu từ ga Diêu Trì (Bình Định) về ga Tam Kỳ (Quảng Nam) ăn Tết thời gian khó cũng đầy kỷ niệm. Nhà văn Nguyễn Phương Dung kể rằng, những chuyến tàu chợ thời ấy y hệt một ngôi chợ di động. Đa dạng hàng hóa, nông sản từ miền ngược đến miền xuôi. Thậm chí muốn mua một cặp gà làm quà Tết thì trên tàu cũng có. Tàu ngày ấy chạy rất chậm vì thế cuộc về quê cũng trở nên lê thê, kéo dài.
Sau này, khi sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn Nguyễn Phương Dung thường về quê nhà Quảng Nam ăn Tết trên những chuyến xe đò. Bây giờ có xe giường nằm máy lạnh hiện đại chứ cách đây hơn mười năm vẫn là những chiếc xe ghế ngồi, nhiều xe không vào bến mà đậu “dù”. Để có vé về quê phải đặt vé trước đó rất lâu, đến ngày xe chạy thì lên thật sớm để giữ chỗ. Nhà văn đã từng đi trên những chuyến xe lèn chặt người tha hương với cửa sổ gió lùa, dưới chân ghế ngồi nhét hàng Tết chật cứng. Xe không còn chỗ ngồi nhưng tài xế vẫn bắt khách dọc đường, hành khách vẫn chấp nhận ngồi ghế “xúp’ giữa đường luồng. Nhưng thật lạ, hành khách trên những chuyến xe như thế cũng không quá phàn nàn, chê trách, họ hồ hởi kể cho nhau nghe về những cuộc tha hương, về những dự định Tết bằng chất giọng Quảng Nam - Đà Nẵng đặc sệt. Có lẽ niềm vui từ cuộc hội ngộ với quê hương, với người thân sắp diễn ra khiến họ dễ dàng bỏ qua những vất vả dọc đường.
Những chuyến bay thời hiện đại
Bây giờ những cuộc trở về trong thời buổi công nghệ không còn quá khó khi chỉ cần lên mạng đặt là có ngay tấm vé về quê. Phương tiện là xe ghế ngồi, xe giường nằm, tàu hỏa, máy bay… Khoảng cách ngàn cây số được rút gọn bằng một chuyến bay vài tiếng. Những ngày giáp Tết, sân bay Đà Nẵng chật kín người chờ đợi. Chờ đợi để được bay và chờ đợi người thân của mình sinh sống ở một phương trời xa lắc trở về. Ra ga Quốc tế những ngày này, sẽ dễ dàng bắt gặp những cái ôm siết chặt, những giọt nước mắt rơi trong những giây phút vỡ òa hội ngộ.
Với nhà văn Trương Anh Quốc, những cuộc trở về vào dịp Tết lúc nào cũng khiến anh xúc động. Khi máy bay sắp đáp sân bay Đà Nẵng, qua khung cửa máy bay nhìn thấy sông, thấy biển, thấy những tòa nhà nhỏ xíu, biết mình sắp về tới quê hương lòng anh dâng lên thứ cảm xúc rất lạ. Công việc chính của nhà văn Trương Anh Quốc là kỹ sư tàu biển. Cuộc sống của anh gắn liền với những chuyến lênh đênh trên tàu đi khắp thế giới. Điều này đã được anh kể trong những tác phẩm từng đoạt được những giải thưởng văn chương như Biển, Sóng biển rì rào, tiểu thuyết du ký Sóng...
Do đặc thù công việc, nhà văn Trương Anh Quốc thường xuyên ăn Tết trên biển. Từ khoảnh khắc đón Giao thừa, giữa muôn trùng sóng nước, nhìn ra bốn bề chỉ có trời và biển dễ khiến con người ta thấy bé nhỏ, cô đơn. Anh từng đến nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng quê hương lúc nào cũng nằm sẵn trong tim. Bởi vậy, anh rất trân trọng những cuộc trở về, nhất là vào dịp Tết. Được về nhà thắp lên bàn thờ tổ tiên một nén nhang, được dạo quanh xóm làng hít hà mùi đồng quê, được hội ngộ họ hàng, bạn bè... như thế đã là niềm hạnh phúc của một người thường xuyên phải đi xa.
Trên những chuyến bay từ phương Nam về Đà Nẵng những năm gần đây người ta rất hay mang theo những chậu mai be bé làm quà. Mai ở quê là mai 4 cánh, thường được trồng trong sân nhà với cành nhánh to lớn. Mai phương Nam 6 cánh, được trồng rất khéo trong những chiếc chậu bé để chưng trên bàn. Trên những chuyến bay về quê, hình ảnh chậu mai vàng rung rinh khiến ai nhìn thấy cũng dâng lên niềm nôn nao lạ kỳ với Tết.
Bất luận rằng những chuyến bay dịp Tết sẽ thường “delay” và những ga tàu, bến bãi lúc nào cũng đông đúc khó chịu, thế nhưng không ai xa quê lại không muốn được trở về. Trong tâm thức của người Việt Nam, sự sum vầy, hội ngộ của gia đình là cội rễ bền chặt làm nên giá trị của Tết.
Với người xa quê, Tết chính là dịp những nhớ nhung, xa cách của một năm trời được vỗ về bằng những quây quần tụ họp. Dẫu là thời bao cấp đầy khó khăn, hay ngồi trên một chuyến bay hiện đại thì những cuộc trở về quê ăn Tết là một hành trình của sự hạnh phúc. Đó là sự quay về với những điều quý giá và đáng trân trọng nhất của đời người!
NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN