Khát vọng kết nối giao thông vùng Nam Trung Bộ

.

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ -Tây Nguyên, bao gồm 13 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng với đủ 5 phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không.

Một đoạn tuyến giao thông qua Tây Nguyên. Ảnh: HẢI SƠN
Một đoạn tuyến giao thông qua Tây Nguyên. Ảnh: HẢI SƠN

Hiện trạng và kết nối mạng giao thông

Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống giao thông khu vực được đầu tư, cải thiện đáng kể, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân… Nếu như 20 năm trước, muốn qua miền Trung thì chỉ có duy nhất quốc lộ 1A với muôn vàn khó khăn về hạ tầng giao thông. Song, những năm gần đây, với hàng loạt công trình giao thông trọng điểm như cao tốc phía đông, đường ven biển trải dài từ Bắc vào Nam, đường Hồ Chí Minh… khu vực này được kỳ vọng bứt tốc mạnh mẽ về diện mạo phát triển kinh tế - xã hội ở tầm cao mới. Trong đó, vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên sẽ là “đường băng” để con tàu miền Trung thẳng tiến.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hồng Trung cho biết, theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021 toàn khu vực có 10 tuyến đường bộ cao tốc (trong đó có 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông và Bắc - Nam phía tây; 8 tuyến còn lại là các tuyến kết nối liên vùng) và Bộ Giao thông vận tải đang trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch đối với tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum.

Cùng với đó, giao thông trong vùng bước đầu đã được tăng cường kết nối như kết nối quốc tế qua các cửa khẩu đường bộ, thông qua hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối với các nước bạn Lào và Campuchia, qua hệ thống 6 cửa khẩu, trong đó 3 cửa khẩu quốc tế là Cửa khẩu Bờ Y/Phu Cưa (Kon Tum/Attapu) và Lệ Thanh/O Za Dao (Gia Lai/Ratanaki); Cửa khẩu Nam Giang/Đắk Tà Oóc (Quảng Nam/Xekong). 3 cửa khẩu quốc gia là Đắk Ruê/Chỉ Miết (Đắk Lắk/Mondonkiry); Đắk Peur/Busara (Đắk Nông/Mondonkiry); Bu Prăng/Đắc Đam (Đắk Nông/Mondonkiry). Kết nối liên vùng, liên tỉnh thông qua hệ thống các trục dọc và các trục ngang. Thông qua các trục xương sống quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, quốc lộ 14C, quốc lộ 14B và đường Đông Trường Sơn...

Cảng Tiên Sa. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Cảng Tiên Sa. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Ngoài đường bộ, hệ thống giao thông trong vùng còn có đường sắt. Tuy nhiên, hiện trạng kết cấu hạ tầng đường sắt Bắc - Nam đoạn qua khu vực miền Trung còn hạn chế, quy mô công nghệ lạc hậu, tải trọng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều hầm bị xuống cấp, ảnh hưởng đến khả năng khai thác và bảo đảm an toàn chạy tàu. Về đường thủy nội địa, vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên có các sông tương đối lớn và một số kênh có khả năng khai thác vận tải như sông Hàn (Đà Nẵng), sông Thu Bồn (Quảng Nam), sông Sê San, sông Sêrêpốc chảy sang Campuchia và chảy vào sông Mêkông; sông Ba từ Gia Lai chảy về sông Đà Rằng (Phú Yên) và sông Đồng Nai từ Lâm Đồng chảy về Đồng Nai…

Về đường biển, toàn vùng có 8 cảng biển, gồm 5 cảng biển loại I và 3 cảng biển loại II.  Đáng chú ý, trong khu vực hiện có 8 cảng hàng không, trong đó 3 cảng hàng không quốc tế là Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương và 5 cảng hàng không nội địa Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột. Hiện tại, trừ cảng hàng không Buôn Ma Thuột, các cảng hàng không còn lại đều có số lượng hành khách và hàng hóa không qua vượt công suất thiết kế. Các cảng hàng không khu vực này chưa có trung tâm logistics phục vụ xử lý hàng hóa hàng không...

Kết nối sẽ giúp vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên cất cánh

Gần 10 năm trở lại đây, khu vực này được đẩy mạnh kết nối thông qua những công trình giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không, các công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng bắt đầu được xây dựng đã rút ngắn khoảng cách, mở rộng không gian, tăng khả năng giao thương, hội nhập, “kéo” các địa phương xích lại gần nhau, cộng hưởng, sẻ chia và liên kết ở nhiều lĩnh vực… Trong đó, nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn được đầu tư xây dựng như: hầm đường bộ đèo Hải Vân 2, Đèo Cả, hầm đường bộ đèo Cù Mông, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, La Sơn - Túy Loan, Cam Lâm -Vĩnh Hảo, tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, tuyến đường Hồ Chí Minh; đồng thời đang triển khai các dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 qua khu vực gồm các đoạn: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang …

Đến nay, đã có khoảng hơn 400km đường cao tốc được đầu tư đưa vào sử dụng: Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Liên Khương - Đà Lạt; La Sơn - Hòa Liên; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Nha Trang - Cam Lâm. Về quốc lộ, có 30 tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ đi qua có đầy đủ cấp hạng kỹ thuật, từ cấp VI đến cấp I, một số đoạn qua thành phố, thị xã và một số thị trấn được mở rộng theo cấp đường đô thị... Từ đó mở ra cho miền Trung - Tây Nguyên nhiều cơ hội liên kết, giao thương và gắn kết kinh tế được thuận lợi hơn rất nhiều, qua đó thu hút nhiều nhà đầu tư tìm đến với mảnh đất gian khó nhưng rất tiềm năng này.

Cầu vượt khác mức ngã ba Huế. Ảnh: THÀNH LÂN
Cầu vượt khác mức ngã ba Huế. Ảnh: THÀNH LÂN

Bộ Giao thông vận tải luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối vùng, trong đó có sự đổi thay nhanh chóng của hạ tầng giao thông khu vực, trên hành trình cùng đất nước phát triển và hội nhập. Quan điểm là lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm động lực, tạo dư địa cho phát triển vùng, đồng thời phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế là mục tiêu để vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung phát triển nhanh và bền vững.

Ngành giao thông đã thống nhất phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trong đó hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức bao gồm các trục giao thông đường bộ bắc - nam, đông - tây; cảng biển, các cảng hàng không, sân bay, một số tuyến đường sắt đô thị để kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia; phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn vùng có khoảng trên 1.554km đường bộ cao tốc; kết nối hiệu quả các cảng biển, khu kinh tế, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị ven biển, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng...

Hiện trạng giao thông quốc lộ 14B, đoạn qua Đà Nẵng. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Hiện trạng giao thông quốc lộ 14B, đoạn qua Đà Nẵng. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

THÀNH LÂN

 

;
;
.
.
.
.