1.
Bóng những người đàn bà tắm trên sông Hàn bên những chiếc neo tàu, rồi giặt giũ, phơi áo sau ca làm việc nặng nhọc. Bữa trưa của các chị dưới bóng cây phượng bờ sông là những lon cơm mang theo từ nhà “một ít cá kho với nhiều rau muống luộc/mấy củ khoai của vùng đất cát”. Giấc ngủ vội giữa buổi trưa nồng của những con tàu và của những người “bốc vác dòng sông”. “Những con tàu nằm ngoan như trẻ nhỏ/ nắng dồn xuống dây phơi những chiếc áo khô rồi/ bao viền sóng mặn mồ hôi/ đã lặng tan mặt trời lấp lóa”. Tôi mường tượng buổi trưa của một ngày hè tháng 5 năm 1976 ấy, nhà thơ Thanh Thảo bước từ nhà sáng tác Quân khu 5 từ số 10 Lý Tự Trọng ra sông, bất chợt gặp những người đàn bà làm nghề bốc vác và những chiếc áo bảo hộ đang phơi nơi bến cảng Sông Hàn...
![]() |
Người dân tháo dỡ nhà chồ để lên bờ định cư. Ảnh Trần Tuấn (chụp năm 2003) |
Bài thơ Bên sông Hàn buổi trưa của Thanh Thảo in trên loại giấy đen sần ở hai trang 40 và 41 tập thơ Khối vuông Rubic (Nhà Xuất bản Tác phẩm mới, năm 1985) không hiểu sao cứ theo tôi suốt 40 năm qua. Ừ, cũng tròn 40 năm rồi tôi mua tập thơ ấy. Ngày ấy tôi đang học cấp 3 khối chuyên Văn của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ở Trường Phan Châu Trinh, nhà xa nên những buổi trưa cũng thường đạp xe ra sông mang theo lon cơm mẹ bới sẵn để ăn, chiều học tiếp. Rồi ngồi liu riu với gió dưới gốc cây phượng sần sùi đơn lẻ, nhìn theo con phà gần đó cần mẫn chở người và xe, dầu củi và gạo nước qua lại sông Hàn.
Con phà lịch sử của một thời, dịp ngày Nhà giáo Việt Nam mới đây lũ học trò cũ khối chuyên Trường Trưng Vương chúng tôi nay đứa nào đầu tóc cũng đã ngả bạc, ngồi nghe cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thu Hương kể lại chuyện, mà thấy như mới vừa hôm qua. Đó là mùa bão năm 1981, từ Trường Trưng Vương, cô dắt chiếc xe mini lên phà để sang quận Ba tập huấn môn Văn cho các thầy cô giáo trẻ bên ấy. Mưa gió nên phà cũng vắng người. Khi đang dắt xe qua tấm ván, bất ngờ một con sóng mạnh lôi chiếc phà ra xa bờ, khiến cô rơi thẳng xuống sông, cả người lẫn xe. Cô kể, sau khi uống mấy ngụm nước, mở mắt ra thì thấy xung quanh một màu rêu tối, dưới chân lổn nhổn cát và đá nhọn. Sau mấy giây định thần, theo bản năng cô nín thở rồi đạp xuống một cái thật mạnh. Cô đùa, là “tự dưng lúc ấy nhớ ra lực đẩy Acsimet nên mới phóng thẳng đứng lên như vậy”. Cũng có lẽ là nhờ đôi guốc gỗ còn bám dưới chân. Cô giáo vừa nhô đầu lên khỏi mặt nước, một anh bộ đội trẻ liền túm lấy kéo lên. Thế rồi bỏ dở công việc bên quận Ba, cô lướt thướt đạp xe về trường. Tôi còn nhớ bữa ấy cả trường cả lớp được một phen xôn xao...
2.
Tôi nhận ra rằng phần lớn những thành phố thông minh và văn minh là thành phố có dòng sông chảy ngang qua. Là những thành phố năng động, theo dòng chảy miên man không ngừng nghỉ. Như thành phố Florence nước Ý với dòng sông Arno tôi từng đặt chân từ rất lâu rồi, nơi khai sinh ra thời kỳ Phục hưng vĩ đại. Như Paris với sông Seine. Như dòng Mississippi sản sinh ra những văn hào Mark Twain, Laura Ingalls Wilder, William Faulkner... Không thể kể hết được.
Và điều quan trọng hơn cả, là dòng sông ấy phải chảy vào tâm thức, “sông chảy vào lòng” như câu thơ của Thu Bồn thì nơi chốn đôi bờ ấy mới “sâu” được. Thiền sư Nhật Bản Đạo Nguyên (Dogen) từ gần 900 năm trước từng cho rằng hiển lộ của một dòng sông cũng như là một bài kinh, bài pháp. Rằng không chỉ con người hay thần thánh nhìn thấy dòng sông, mà chính dòng sông cũng nhìn thấy dòng sông. Sông thực hành và thọ ký cho dòng sông. Như con người cũng cần vậy.
Sông Hàn không chỉ là một người thầy mà còn là một bảo tàng bí mật cất giữ trong nó bao vưu vật vượt thời gian. Giờ đây mỗi lần dọc ngang sông Hàn, tôi vẫn như nghe từ dòng nước đang xuôi ra cửa biển vọng lên những giai điệu quen thuộc của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Người nhạc sĩ tài hoa một trăm năm trước đã chôn nhau cắt rốn tại thành phố này, và tròn 10 năm trước đã ký thác tro bụi đời mình vào từng giọt nước sông Hàn. Những “âm thanh rung vầng trăng vàng” trên sông khiến không gian chợt ảo mờ sâu lắng, dòng đời xô bồ cũng lặng đi. “Dù mai em về đâu/ qua sông Hàn vẫn nhớ/ đêm đêm thành phố thở/ gió mặn mòi biển khơi /Lời của gió qua rồi/ lời trái tim còn mãi” như cảm xúc một ngày ông về thăm phố.
Tôi thấy sông Hàn mang theo hình bóng cô giáo dạy Văn thương yêu của tôi thời hoa niên. Cô Vũ Thị Giang, người mang tên sông và suốt một đời hiền như sông. Hình bóng của người anh Lê Công Đỉnh, của người thầy Sử học Nguyễn Văn Đoàn... Trên những chiếc thuyền trôi trên sông Hàn buổi chia tay cô và các anh về nằm lại với sông, bỗng nghe tiếng thì thầm của từng giọt nước “Hãy yêu thương dòng sông này, hãy ở lại bên nó và học từ nó” đã đọc của Hermann Hesse từ thuở nào.
3.
Trong căn phòng dành cho bảo vệ của ông Trần Thanh Hổ ở tòa nhà 1B chung cư Làng cá phường Nại Hiên Đông phía trên cao có trưng mô hình một chiếc thuyền gỗ, bên cạnh là tấm poster lớn dán tường in ảnh cái nhà chồ cùng một số dòng giới thiệu song ngữ Việt-Anh. “Trong những năm 2000 đến 2005, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã di dời những hộ dân sống trong khu nhà chồ - nhà sàn ven bờ đông sông Hàn - đến những khu nhà ở hiện đại ở vùng Nại Hiên Đông, vùng ven đô thuộc quận Sơn Trà. Điều này đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của thành phố, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố phát triển nhanh nhất châu Á hiện nay”. Hai chữ “nhà chồ” trong phần tiếng Anh để nguyên không dịch.
Tấm poster ấy là một phần của triển lãm “Câu chuyện bên bờ sông” do Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với Giáo sư Graeme Were - Trưởng khoa Nhân học, Đại học Bristol (Vương quốc Anh) tổ chức hồi cuối năm 2019. Triển lãm là câu chuyện người thật, việc thật, những dụng cụ thật về cái thời cộng đồng cư dân này còn cơ hàn sống ở khu nhà chồ lắt lay trên những chiếc cọc đóng xuống bờ sông Hàn. Trên 300 cái nhà chồ như vậy cắm xuống lòng sông, như những cái tổ chim xơ xác chắp vá đậy điệm tôn, ván, vải mưa, bạt rách... Tổ trưởng Tổ dân phố 99, phường Nại Hiên Đông Trần Thanh Hổ kiêm bảo vệ, giữ xe chung cư mà bà con quen gọi là “ông Thu” này là một trong những cư dân nhà chồ lâu năm, cũng là nhân vật được mời tham gia vào câu chuyện bên sông này.
Ông Hổ bồi hồi nhớ về những năm hun hút xa nơi sông Hàn đổ ra biển. Năm 1986 lấy vợ, rồi từ 1987 chàng thanh niên 21 tuổi bắt đầu ngày lọc cọc gò lưng đạp xe thồ chở khách trên con đường đất đá lô nhô nắng bụi mưa lầy dọc bờ sông. Còn đêm đêm thì làm anh lái đò. Chở những bà những chị buôn thúng bán bưng ở chợ Hàn đi đi về về qua sông, những khi con phà hết giờ hoạt động. Những chuyến đò trôi đi trong bóng tối. Thời ấy chỉ có duy nhất một cây cầu từ xưa còn lại là cầu Nguyễn Văn Trỗi bắc qua sông, xa ngái với những bước chân gánh gồng đi bộ nơi làng chài này.
Rồi ký ức của người đàn ông như thước phim cũ cứ tua lại mấy lần về cảnh đứa con đầu lòng khi ấy mới mấy tháng tuổi bò trên sàn nhà chồ bị rớt xuống sông lúc nào không hay. Ông đang cơn đau dạ dày nằm thiếp đi, vợ cũng ốm nằm bẹp. “Ủa thằng Tú mô rồi!!!”. Hốt hoảng chạy quanh, ra phía sau thấy con đã chìm nghỉm, ông vội lao mình xuống mặc cho đáy sông đầy mẻ chai, kẽm gai, đá nhọn đau điếng, trầy xước đổ máu. Thời ấy người lớn vất vả mưu sinh, trẻ con rớt sông suốt, có những đứa không kịp cứu. Rồi những khi mưa bão ập về, mỗi nhà chồ “cắm” một người đàn ông ở lại, còn đàn bà con nít chạy tứ tán lên bờ, người vào nhà bà con trú tạm, người chạy tới tận đình làng An Hải phía trên cầu quay Sông Hàn bây giờ để núp...
Khu chung cư Làng cá này gồm 6 tòa nhà 7 tầng, ngư dân từ lâu đều đi thang máy. Nhưng vẫn phảng phất không khí của một làng chài. Mấy bữa nay trời trở, không đi biển được, những ngư dân trẻ chỗ này xúm nhau bên ly rượu suông, chỗ kia ồn ào với trò đánh đáo bằng những đồng xu. Tôi ghé lại mấy thanh niên đang ngồi đưa võng cạnh vài xác tàu cá cũ. Tự hỏi, không biết trong những gương mặt này có ai là những thằng cu nơi nhà chồ mà hơn 20 năm trước tôi đã lặn lội chụp ảnh? Nghe tôi thắc mắc, cậu thanh niên tên Trần Văn Đức bật cười “Là cháu đây. Hồi nớ cháu 6 tuổi, gặp chú rồi mà”. Tất cả cùng cười. Câu chuyện của Đức nhắc lại nỗi niềm về những đứa trẻ làng chồ hồi đó học hành dở dang. Đứa nào ráng học thì lóc cóc đi bộ đến trường, tay cứ vẫy vẫy người đi đường xin quá giang...
Giờ thật khó tưởng tượng về cảnh sắc hai bên bờ dòng sông này mới chỉ hơn đôi chục năm về trước, nói gì trăm năm. Nhớ có lần ngồi bên gốc đa cổ thụ đình Nam Vinh trên đường Triệu Nữ Vương nhìn ra ngã tư Nguyễn Trãi (phường Hải Châu 2), nghe các lão niên kể, rằng xưa đường này Pháp gọi là đường là Lắp-Bê (Labbé). Thời còn nhỏ, các cụ ngồi đây mà nhìn thấu sang bên kia sông Hàn, còn nghe được tiếng máy thuyền chạy trên sông. Mới thấy bước tiến của thành phố, của thời đại nhanh mạnh tới cỡ nào!
... Còn lúc này, tôi cũng đang ngồi dưới một gốc đa bên sông Hàn. Gốc đa cổ thụ có tuổi đời hơn 500 năm làng An Thị xưa, gần bằng thời cha ông mở cõi. Cũng chính nơi này mới vài chục năm trước là bến phà phía bờ đông một thời tấp nập gánh gồng lam lũ. Giờ không còn dấu vết. Tôi hỏi tìm nhà ông Mai Văn Ba xưa làm nghề xay nước đá cho các thuyền đi biển, cũng là một “mạnh thường quân” nghèo của nhóm anh em văn nghệ “bông tê sên” (bên tê sông) nghèo khó một thời. Căn nhà có cái gác xép mà tối Nguyên tiêu năm 1981 thi sĩ Vũ Hữu Định tác giả “Còn chút gì để nhớ để quên” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, đã sẩy chân vĩnh viễn rời bỏ bạn bè... Nhưng những người mới định cư nơi đây đều không ai biết.
Tôi nhớ danh họa Leonardo da Vinci nơi thành cổ Florence bên dòng Arno xưa từng nói, đại ý rằng “nước của một dòng sông khi bạn chạm vào, chính là dòng nước cuối cùng của những gì đã qua, và là dòng nước đầu tiên của những gì sắp đến. Cuộc sống này cũng vậy, nếu biết cách, bạn sẽ ở lâu dài với nó”. Cũng vậy, tôi nghĩ rằng ký ức luôn là tài sản của ngày mai.
Quán cà phê xinh xắn có vẻ chỉ dành cho giới trẻ trên đường Nguyễn Công Trứ dưới gốc đa An Thị tôi ngồi hôm ấy, nhớ mãi cái mật khẩu wifi, là “Luôn Mỉm Cười”...
TRẦN TUÂN