Làng muối Nại Hiên

.

Với cảnh quan đô thị của thành phố Đà Nẵng ngày nay, ít ai nghĩ rằng ngay ở khu vực trung tâm thành phố lại từng có một làng chuyên sản xuất muối: làng Nại Hiên.

Tên gọi làng Nại Hiên 耐軒 xuất hiện trên một văn bia chữ Hán, lập vào năm 1657, ghi lại việc lập ngôi chùa làng bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng. Về sau, làng Nại Hiên chia tách thành các làng nhỏ, cho đến nay còn lưu dấu trong các tên gọi, như phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà); đình Nại Hiên, chợ Nại Hiên (phường Bình Hiên, quận Hải Châu); đình Nại Nam (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu).

“Nại Hiên là làng í e/ Lấy nước làm muối, lấy tre làm nồi”

Có dịp đọc địa bạ làng Nại Hiên Đông Tây, lập vào năm 1815 (niên hiệu vua Gia Long năm thứ 14), chúng tôi nhận ra phần lớn diện tích kê khai của làng Nại Hiên Đông Tây lúc bấy giờ đều là ruộng muối. Địa phận của làng được miêu tả bốn phía giáp ranh cơ bản như sau: đông giáp sông và làng Cổ Mân, tây giáp Hóa Khuê Trung Tây, nam giáp Hóa Khuê Đông, bắc giáp Thạc Giản. Đất canh tác chỉ có dưới 10 mẫu, còn lại là đất gò hoang, cát trắng. Đặc biệt, địa bạ có kê khai họ tên 65 người, mỗi người khai canh “một nại ruộng muối” (塩田壹耐: diêm điền nhất nại).

Thoạt nhìn, có người nghĩ rằng địa hình như làng Nại Hiên thì không thể sản xuất muối, do không có những khoảng ruộng bằng phẳng và đặc biệt là nước tại đây không đủ mặn. Thật ra nghề làm muối ở ta ngày xưa có nhiều cách, hoặc là lấy nước biển trực tiếp vào các ruộng để lắng dần độ mặn đến khi bốc hơi thành muối (thường ở vùng nước biển có độ mặn cao như Sa Huỳnh, Quảng Ngãi), hoặc phơi cát biển và tưới thêm nhiều lần nước biển lên cát đã phơi để tăng độ mặn thẩm thấu qua cát rồi phơi lại lần cuối cùng để lấy được muối (thường ở vùng nước biển có độ mặn thấp như Quỳnh Lưu, Nghệ An) và còn có kỹ thuật nấu nước biển để lấy muối.

Việc nấu muối được miêu tả như sau: “Nghề nấu muối của bà con diêm dân Quỳnh Lưu rất thô sơ, đơn giản, chỉ cho nước mặn vào nồi đất chưng nấu đến một thời gian nhất định, nước ngọt bay hơi hết, còn lại nước mặn kết tinh thành muối. Dùng nồi nấu làm bằng cốt tre, bên ngoài trát bằng đất sét dày. Cách làm muối như vậy ở Quỳnh Lưu kéo dài trong nhiều thế kỷ” (Hồng Diện, Độc đáo nghề sản xuất muối phơi cát truyền thống ở Quỳnh Lưu, Cổng Thông tin điện tử huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, 30-6-2023).

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển tỉnh Thanh Hóa, ở mục Thổ Sản, có chép: “Muối: sản ở huyện Ngọc Sơn, dân ven biển phần nhiều nấu muối”; quyển tỉnh Nghệ An, mục Thổ sản, cũng chép: “Muối: sản ở huyện Can Lộc và Yên Thành, có thuế hằng năm mỗi người nộp 50 bồ. Muối có 2 hạng: một hạng phơi nắng thành muối, một hạng nấu thành muối, muối phơi nắng vị hơi đắng.”

Trong kho tàng ca dao địa phương còn lưu truyền câu hát: “Nại Hiên là làng í e/ Lấy nước làm muối, lấy tre làm nồi”; phản ánh một phương thức nấu muối cổ truyền như miêu tả ở trên. Và ghi chép trong địa bạ cho thấy người dân làng Nại Hiên thực tế đã có khai thác ruộng muối. Danh sách kê khai trong địa bạ năm Gia Long thứ 14 (1815) gồm 65 người, trong đó, tộc Bùi 29 người, tộc Nguyễn 18 người, tộc Trần 8 người, tộc Lê 5 người, tộc Võ 3 người và tộc Phạm 2 người; mỗi người đứng tên một “nại”, không ghi diện tích từng nại theo đơn vị mẫu, sào, thước, tấc như đối với các loại ruộng đất khác.

Có ý kiến nghi vấn rằng độ mặn của nước sông vùng Nại Hiên không phù hợp với việc sản xuất muối. Theo nhận định của chúng tôi, vào thời kỳ đầu thế kỷ XIX về trước, nước ở khu vực vùng Nại Hiên có độ mặn cao hơn ngày nay do lúc bấy giờ lưu lượng nước ngọt từ đầu nguồn đổ về cửa sông Hàn không lớn.

Theo lời kể của người cao tuổi và thực tế địa hình, có thể nhận biết nhánh sông Yên, sông Cầu Đỏ, sông Cẩm Lệ trước đây có lòng sông hẹp hơn bây giờ. Về phía sông Thu Bồn thì lúc đó chưa có sông đào Vĩnh Điện. Cho dến năm 1822, vua Minh Mạng mới cho đào khơi thông dòng chảy của sông Vĩnh Điện, nối dòng sông Thu Bồn từ Câu Nhí chảy về nhập với sông Cẩm Lệ ở Hóa Quê.

Từ thời điểm đó đến nay, với dòng sông đào Vĩnh Điện và sự mở rộng tự nhiên của lòng sông Cầu Đỏ, Cẩm Lệ, một lượng nước lớn từ nguồn sông Thu Bồn và Vu Gia đổ về cửa Hàn, làm cho việc xâm nhập mặn giảm đi và độ mặn của nước tại vùng Nại Hiên (gần cửa Hàn) không còn phù hợp để sản xuất muối. Đó là một lý do có tính chất quyết định khiến nghề muối ở Nại Hiên dừng hẳn và trở thành chuyện “cổ tích” đối với thế hệ trẻ ngày nay.

Gạch nối đến ngàn năm trước

Mặc dù không còn thấy những ruộng muối, nhưng lớp trầm tích nghề nghiệp xưa của tiền nhân vẫn còn âm vang trong câu ca dao và cả trong tên gọi các đơn vị phường, xã hôm nay: Nại Hiên. “Nại” là một từ Việt cổ, có nghĩa là ruộng muối, do phạm vi sử dụng hạn chế, dần dần đã bị thay thế bằng một từ ghép mang tính giải nghĩa, đó là “ruộng muối”. Hiên 軒 là một từ gốc Hán, có nghĩa là mái che phía trước nhà; như trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng có cụm từ “kết tam gian lâm thủy chi hiên” (結三間臨水之軒), nghĩa là “dựng mái hiên ba gian bên dòng nước”.

Các bậc tiền nhân có kiến thức Nho học đã kết hợp một từ Việt cổ với một từ gốc Hán để đặt tên cho làng, xem mảnh đất cư trú của mình như một phần hiên nhà phía trước, gắn với những ruộng muối hằng ngày phơi mình trong nắng, gọi đó là Nại Hiên, 耐軒. Trong cuốn Tự điển An Nam - Latinh của Linh mục Taberd, xuất bản năm 1838, đã có ghi nhận từ Nại với tự dạng 奈, và đưa ra tổ hợp chữ Nôm 奈, ghi âm “nại muối”. Trong địa bạ triều Nguyễn và văn bia lập năm 1657, yếu tố “Nại” được ghi với tự dạng 耐. Hai tự dạng này có nghĩa khác nhau trong chữ Hán, nhưng đồng âm, và đều đã được dùng để ghi từ “Nại” của tiếng Việt cổ.

Đi xa hơn nữa về từ nguyên của “Nại”, có thể nhận ra một khả năng có liên quan đến một từ Việt cổ là “nại/nạy/nậy”, có nghĩa là “rộng/lớn”. Một cánh đồng rộng lớn được gọi là “Đồng Nạy”, địa danh nay vẫn còn ở xã Hà Lâm, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, hoặc “Đồng Nậy”, như tên gọi còn lưu dấu ở khu tái định cư Đồng Nậy, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Những cánh đồng muối theo phương thức phơi cát thời xưa thường rộng lớn, không phân chia thành bờ thửa như ruộng lúa, có thể đã được gọi là những “đồng nại”, và dần dần rơi rụng yếu tố đồng, chỉ còn lại yếu tố “nại” với nét nghĩa chuyên biệt là “ruộng muối”.

Đến lúc này, Nại trở thành một danh từ hẹp nghĩa, đi vào các từ ghép địa danh có liên quan đến nghề muối. Đọc địa bạ đầu thế kỷ XIX của các làng gần biển của các tỉnh phía bắc, còn thấy một số địa danh có yếu tố Nại; như thôn Nại ở huyện Hưng Yên (Nghệ An), hoặc tổng Nại Xuyên ở huyện Kim Thành (Hải Dương). Và đặc biệt trong địa bạ vùng Quảng Nam, từ “Nại” không chỉ là một phần của cụm danh từ riêng “làng Nại Hiên”, mà còn được dùng như một danh từ chỉ số lượng, “một nại ruộng muối”.

Trên đồng muối Nại Hiên ngày xưa, phố xá nay mọc lên san sát, khu vui chơi ẩm thực, nhà hàng tiệc cưới tấp nập ngày đêm. Dòng chảy mạnh mẽ của lịch sử đã cuốn trôi đi nhiều thứ, nhưng như vị mặn của muối thấm vào lòng đất, trong ngóc ngách của mảnh đất, trong tên gọi của đình, của chợ, và trong tâm hồn con người, vẫn còn lưu giữ một gạch nối đến hàng ngàn năm trước.

“Trên đồng muối Nại Hiên ngày xưa, phố xá nay mọc lên san sát, khu vui chơi ẩm thực, nhà hàng tiệc cưới tấp nập ngày đêm. Dòng chảy mạnh mẽ của lịch sử đã cuốn trôi đi nhiều thứ, nhưng như vị mặn của muối thấm vào lòng đất, trong ngóc ngách của mảnh đất, trong tên gọi của đình, của chợ, và trong tâm hồn con người, vẫn còn lưu giữ một gạch nối đến hàng ngàn năm trước”.

“Trên đồng muối Nại Hiên ngày xưa, phố xá nay mọc lên san sát, khu vui chơi ẩm thực, nhà hàng tiệc cưới tấp nập ngày đêm. Dòng chảy mạnh mẽ của lịch sử đã cuốn trôi đi nhiều thứ, nhưng như vị mặn của muối thấm vào lòng đất, trong ngóc ngách của mảnh đất, trong tên gọi của đình, của chợ, và trong tâm hồn con người, vẫn còn lưu giữ một gạch nối đến hàng ngàn năm trước”.

VÕ VĂN THẮNG
 
;
;
.
.
.
.