Trong số những người con miền Nam tạm xa quê hương sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp chung của đất nước năm ấy, có hàng ngàn người, đủ mọi lứa tuổi ra đi từ các thôn xóm, phố phường Quảng Nam - Đà Nẵng. Nỗi khao khát tình cảm, tin tức của gia đình, nỗi nhớ quê da diết trong mỗi trái tim.
Để phần nào đáp ứng sự khát khao đó, những ngày thứ Bảy, Chủ nhật tại CLB Thống Nhất ven bờ hồ Hoàn Kiếm, những học sinh nhỏ được tiếp xúc cùng các anh, chị, cô, bác lớn tuổi để thỏa niềm mong nhớ, để nghe cái chất giọng xứ Quảng yêu thương. Đó cũng là tiền đề để Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Hà Nội ra đời, đến năm 2024 này cũng tròn 70 năm.
Đến nay, dù đã có Hội Đồng hương Quảng Nam và Hội Đồng hương Đà Nẵng, nhưng với người Hà Nội, khó có sự phân định rạch ròi. Người Đà Nẵng hay người Quảng Nam vẫn cùng một cộng đồng cư dân trên đất Thăng Long - Hà Nội. Với những tên tuổi đáng kính trọng trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn học nghệ thuật… người xứ Quảng, người Đà Nẵng luôn là một trong những cộng đồng có tầm ảnh hưởng rõ nét trên đất Thủ đô.
Và như một điều tất yếu, những điều hay, nét đẹp trong đời sống thường nhật của xứ Quảng cũng được gạn lọc, hòa nhập làm phong phú thêm truyền thống văn hóa của Hà Nội ngàn năm văn hiến, thanh lịch, hào hoa..
![]() |
Không khí Tết truyền thống với hương sắc và hương vị đặc trưng của miền Trung, mang đậm nét văn hóa quê hương giữa lòng Hà Nội. |
Từ những năm cấp III của hệ Phổ thông 10 năm, quãng năm 1969- 1972, tôi học chung lớp với một anh bạn con một vị cán bộ quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Cũng nhờ mối thâm giao ấy, ngay khi đó tôi đã biết đến một món ăn xứ Quảng. Đó là dịp hai chúng tôi cùng hàng ngàn thanh niên Hà Nội chuẩn bị lên đường nhập ngũ, quãng đầu năm 1972, khi chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nhâm Tý.
Năm ấy, nhiều gia đình Hà Nội ăn Tết sớm, cũng là để tiễn các chàng lính trẻ lên đường. Là khách của anh bạn người gốc Điện Bàn trong lần ăn Tết sớm ấy, lần đầu tiên tôi được thưởng thức món gà xé phay.
Trong mâm cỗ Hà Nội và các vùng miền Bắc, món gà luộc được chặt miếng, bày khéo trong đĩa khoe lớp da vàng ngậy, rắc lá chanh xanh đậm thái nhỏ. Còn món gà trong mâm cơm hôm đó, lại được xé tay, gỡ xương, trộn với hành tây thái lát, rau răm sắt nhỏ, cùng các loại gia vị. Dịp ấy, cũng coi như tôi đã có chút trải nghiệm về phong vị một cái Tết của người xứ Quảng ngay giữa Hà Nội.
Sau năm 1975, nhiều người con Quảng Nam - Đà Nẵng cùng gia đình trở lại quê hương sau bao năm xa cách, nhớ thương, nhưng cũng không ít gia đình ở lại, gắn bó với Thủ đô, nơi họ đã coi là quê hương thứ hai của mình. 70 năm đã trôi qua, từ những người đầu tiên, nay các gia đình người Hà Nội gốc Quảng Nam - Đà Nẵng (có thể gọi như thế) tính ra đã đến thế hệ thứ 4, thứ 5, trở thành một bộ phận máu thịt của cư dân Hà Nội, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô.
Đó cũng là sự lựa chọn của bạn tôi cùng gia đình nhỏ của mình. Trong một lần đưa tôi về thắp hương trước mộ song thân anh, hiện đặt ở Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn, ngay gần phần mộ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ, anh đã tâm sự: Có một tâm trạng rất lạ. Lâu lâu không về quê thì vô cùng nhớ. Nhớ từ cái nắng, cái gió, đến cọng rau thơm, trái ớt. Nhớ đến cả giọng nói nằng nặng, cử chỉ thô tháp mà mộc mạc chân tình. Nhớ đến mức muốn bay ngay về quê để mà hít hà cái không khí thân quen. Nhưng về quê được ít ngày, lại thấy nhớ Hà Nội đến nao lòng, nhớ cơn gió lạnh đầu mùa, sắc hoa đào cùng mùi hương trầm thoang thoảng ngày Xuân.
Vậy nên cũng dễ hiểu khi trong căn hộ của gia đình anh mỗi độ Tết đến, xuân về bên cành đào chậu quất, không thể thiếu gốc mai vàng, bình cúc vạn thọ. Mâm cơm cúng ông bà ngày đầu năm mới, bên bát canh bóng thả, khoanh giò thủ, đĩa dưa hành bao giờ cũng là món gỏi gà xé phay, khoanh bánh tét. Bạn tôi vô cùng gắn bó với quê hương, một năm dăm bận đi về. Còn Hà Nội là nơi anh được học tập, trưởng thành, tạo lập cuộc sống và cùng bạn bè, đồng đội chiến đấu hy sinh để bảo vệ, dựng xây. Văn hóa người Hà Nội, trong đó có sự góp phần văn hóa xứ Quảng mà anh vô cùng trân trọng đã là máu thịt trong con người anh, ngấm vào suy nghĩ, tình cảm đường ăn nết ở của anh.
Theo bạn tôi, ngày Tết trong các gia đình gốc Quảng Nam - Đà Nẵng ở Hà Nội thường có bình cúc vạn thọ và đĩa mứt gừng, những sản vật giản dị, nhưng không thể thiếu trong cái Tết của người xứ Quảng xa quê, như một mối liên hệ với quê hương. Một lần cùng nhau thưởng thức tách trà xuân, nhấm nháp lát mứt gừng nhà làm, anh giải thích cho tôi ý nghĩa của bình cúc vạn thọ trong tâm thức người xứ Quảng. Loài hoa giản dị mộc mạc ấy biểu tượng cho sự trường tồn và bất diệt. Chưng một bình vạn thọ trên ban thờ ngày Tết là thể hiện mong ước bình an cũng như tấm lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ. Còn món mứt gừng, bạn tôi bảo ở Quảng Nam xưa 10 nhà thì có 9 nhà ngày Tết tự làm mứt gừng.
Chuyện vui là khi vợ anh, một cô gái từng du học ở Nga về làm dâu, một trong những bài học nội trợ đầu tiên là cách làm mứt gừng. Để làm ra được mẻ mứt gừng đúng vị xứ Quảng cũng lắm công phu, từ việc lựa gừng ngon, vừa độ đến cạo vỏ, ngâm nước, ngâm muối chanh, luộc, chần, sên mứt đều phải rất kỹ càng. Nói như bạn tôi, một người làm kỹ thuật nhưng lại có tâm hồn nghệ sĩ, làm sao để khi thưởng thức lát mứt gừng, như thấy cả được sự tần tảo, vén khéo cùng tấm lòng của người nội trợ. Có lẽ cũng vì vậy mà trong những món đãi khách ngày xuân anh tỏ ra tự hào về móng gỏi gà cùng những lát mứt gừng mà vợ anh - một nàng dâu Đà Nẵng - là tác giả, dù đó là thứ có thể mua ngay trên các mạng online.
Qua lời kể của bạn, tôi như cảm nhận thấy đó cũng là cách bạn tôi, cùng những người con xứ Quảng xa quê gìn giữ đặng góp thêm một nét đẹp quê hương mình trên đất Hà Nội những ngày xuân…
TẠ VIỆT ANH