"Nhân tài toàn cầu" và cơ hội cho Đà Nẵng

.

Công nghệ phát triển nhanh chóng, sự già hóa dân số và xu hướng dịch chuyển lao động toàn cầu, cạnh tranh nhân lực càng mạnh mẽ... làm cho tình trạng thiếu hụt nhân tài toàn cầu trở nên phức tạp. Nó không chỉ gây ra những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động mà còn tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia. Việt Nam và Đà Nẵng làm gì để tận dụng cơ hội này?

Hội nghị về công nghệ thông tin châu Á tổ chức tại Đà Nẵng thu hút nhiều nhân tài trẻ tham gia thảo luận, chia sẻ các vấn đề mang tính khu vực và thế giới, mang lại cơ hội quý cho Đà Nẵng. Ảnh: TRẦN VĂN NAM
Hội nghị về công nghệ thông tin châu Á tổ chức tại Đà Nẵng thu hút nhiều nhân tài trẻ tham gia thảo luận, chia sẻ các vấn đề mang tính khu vực và thế giới, mang lại cơ hội quý cho Đà Nẵng. Ảnh: TRẦN VĂN NAM

Tại sao nhân tài lại thiếu hụt?

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã triển khai các chương trình thu hút “Global Talent” nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế và công nghệ, đặc biệt là Mỹ, Úc, Nhật Bản… với những học bổng du học, cấp visa làm việc hay chương trình định cư cho những người đáp ứng các điều kiện quy định trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển như tài nguyên, công nghệ nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng, y tế, công nghệ số, công nghệ thông tin, bán dẫn, cơ sở hạ tầng, dịch vụ tài chính và giáo dục...

Tại sao nhân tài lại thiếu hụt? Một là, cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain, công nghệ số, internet vạn vật (IoT), an ninh mạng và tự động hóa… Doanh nghiệp cần nhân lực có kỹ năng số cao, trong khi hệ thống giáo dục và đào tạo không theo kịp nhu cầu này. Sự chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp như tài chính, y tế, và sản xuất cũng làm tăng áp lực về nguồn nhân lực.

Theo một nghiên cứu gần đây của Randstad, 66 triệu việc làm đã được tạo ra ở 15 quốc gia trong thập kỷ qua (Randstad là công ty đa quốc gia chuyên về nguồn nhân lực với 3.161 chi nhánh toàn cầu, 618.730 nhân viên, trụ sở chính ở Hà Lan). Trong số đó 14,6 triệu yêu cầu có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên. Do đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu nên càng tạo khoảng cách kỹ năng (skill gap), nhiều vị trí yêu cầu kỹ năng số không tìm được ứng viên phù hợp, dẫn đến thiếu hụt nhân tài. Mặt khác, người lao động cần học thêm kỹ năng mới để không bị tụt hậu, nhưng quá trình này mất nhiều thời gian và nguồn lực. Thị trường lao động bị phân hóa, làm một số ngành bùng nổ nhu cầu (công nghệ thông tin, AI, chip bán dẫn), trong khi nhiều ngành truyền thống bị thay thế hoặc giảm vai trò.

Hai là, tỷ lệ già hóa dân số ở các nước phát triển; điển hình như Nhật Bản, Đức, Ý và gần đây là Hàn Quốc, Trung Quốc có tỷ lệ sinh thấp trong nhiều thập kỷ và tuổi thọ cao, dẫn đến dân số già hóa nhanh chóng. Ví dụ, Nhật Bản có khoảng 28% dân số trên 65 tuổi (số liệu năm 2023), là tỷ lệ cao nhất thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ sinh thấp (1,3 trẻ/phụ nữ) không đủ để bù đắp lực lượng lao động đang giảm. Tổng tỷ lệ sinh hiện nay thấp hơn mức thay thế dân số - mức cần thiết để duy trì dân số ổn định.

Theo một khảo sát của Manpower Group năm 2024, 75% nhà tuyển dụng toàn cần gặp khó khăn trong việc lấp đầy các vị trí tuyển dụng. Rõ ràng số người làm việc ít đi, mà lại phải gánh vác chi phí chăm sóc cho số lượng người già ngày càng tăng nên áp lực nặng nề lên hệ thống kinh tế, làm chậm quá trình tăng trưởng và đổi mới trên toàn thế giới. Các nhà tuyển dụng ngày càng khó khăn trong việc tìm kiếm ứng viên đủ tiêu chuẩn. Do thiếu hụt lao động nên các nước phát triển buộc phải phụ thuộc vào lao động từ các quốc gia đang phát triển, nhưng điều này không thể giải quyết triệt để vấn đề.

Ba là, do chênh lệch kinh tế và cơ hội tốt hơn, do chính sách thu hút nhân tài của các nước phát triển hấp dẫn và toàn cầu hóa của thị trường lao quốc tế cho phép nhân tài dễ dàng làm việc tại các quốc gia khác.

Thí sinh tham dự Olympic Tin học miền Trung - Tây Nguyên lần thứ V - 2024 do Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn tổ chức. Ảnh: NGỌC HÀ
Thí sinh tham dự Olympic Tin học miền Trung - Tây Nguyên lần thứ V - 2024 do Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn tổ chức. Ảnh: NGỌC HÀ

Cơ hội cho Đà Nẵng

Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút và phát triển Global Talent, đặc biệt khi các xu hướng toàn cầu hóa và chuyển đổi số ngày càng phát triển. Việt Nam có dân số trẻ, với hơn 50% dân số trong độ tuổi lao động. Lực lượng lao động năng động, sẵn sàng học hỏi và thích nghi nhanh với các công nghệ mới. Tỷ lệ người trẻ được tiếp cận giáo dục đại học và đào tạo nghề ngày càng cao, đặc biệt trong các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).

Chi phí lao động, sinh hoạt và vận hành tại Việt Nam thấp hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực, tạo điều kiện hấp dẫn cho các công ty và nhân tài quốc tế muốn phát triển sự nghiệp hoặc đầu tư tại đây. Việt Nam đang trở thành một trung tâm công nghệ mới nổi trong khu vực ASEAN, với sự xuất hiện của nhiều công ty khởi nghiệp (startups) và các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của các tập đoàn lớn như Samsung, Intel, LG và Google. Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đầu tư mạnh vào công nghệ, chuyển đổi số và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tạo môi trường thuận lợi cho các chuyên gia quốc tế.

Đà Nẵng nằm ở vị trí trung tâm trên trục Bắc - Nam của Việt Nam, là thành phố động lực, cửa ngõ quan trọng kết nối các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên với Biển Đông. Đà Nẵng bao gồm đồng bằng ven biển, đồi núi, sông và bán đảo như Sơn Trà, tạo điều kiện phát triển đa ngành như du lịch, logistics và công nghiệp. Đà Nẵng có giao thông thuận lợi gồm sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, đường sắt, đường bộ, đường cao tốc…

Đà Nẵng có Khu Công nghệ cao, các khu công nghiệp, Khu Công nghệ thông tin, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các ngành công nghệ cao như sản xuất phần mềm, thiết bị điện tử, và công nghệ sinh học, là trung tâm phát triển nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Đà Nẵng được mệnh danh là “thành phố công nghệ thông tin”, với các trung tâm dữ liệu lớn và hệ thống quản lý công nghệ tiên tiến. Các dự án chính phủ điện tử, thành phố thông minh (Smart City) đã triển khai thành công, trở thành hình mẫu cho các tỉnh khác. Tốc độ internet thuộc hàng nhanh nhất Việt Nam, phù hợp cho phát triển các dịch vụ công nghệ và gia công phần mềm.

Đặc biệt, Đà Nẵng vừa được Quốc hội phê duyệt thí điểm khu thương mại tự do (Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng) và Bộ Chính trị đồng ý chủ trương xây dựng trung tâm tài chính khu vực. Hệ thống giáo dục đang đầu tư mạnh mẽ với các trường cao đẳng, đại học công và tư theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.

Đại học Đà Nẵng sẽ trở thành Đại học Quốc gia trong tương lai gần. Cơ hội phát triển nhân tài công nghệ thông qua các chương trình liên kết đã và đang triển khai rất thành công với Nhật Bản (Unitech, Shinko Technos, Takemoto Denki, NAL Solutions, NiX Ecucation), Hàn Quốc (KOICA), Đài Loan (NTUSC, NCKU, NTU, Academia Sinica…), Mỹ (UW, PSU, ASU)… và châu Âu (Grenoble, Nice, LMU, Erasmus+…) là những hình mẫu quý giá. Chính phủ và địa phương hỗ trợ khởi nghiệp, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp công nghệ cao và các dự án phát triển đô thị thông minh. Đà Nẵng có môi trường sống lành mạnh, thu hút người lao động trẻ và gia đình.

Ngoài ra là các chính sách nâng cao kỹ năng (Upskill), tái đào tạo kỹ năng (Reskill), tái triển khai (Redeploy) nguồn nhân lực hiện có được thực hiện theo cơ chế chính sách. Ví dụ Singapore cho chứng chỉ để Reskill đối với những công dân trên 40 tuổi (nhất là về kỹ thuật công nghệ, ở Việt Nam có thể là ngôn ngữ) để họ có cơ hội được tiếp cận, thay đổi hướng làm việc, giúp hỗ trợ sự thiếu hụt này. Đà Nẵng nên chọn ra 2 đến 3 hướng mũi nhọn để tập trung thu hút các công ty nước ngoài vào để thúc đẩy sự phát triển của nhân sự toàn cầu theo định hướng của Chính phủ: Công nghệ tài chính Fintech, Công nghệ bán dẫn ATP.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa được thực hành trên những thiết bị hiện đại. Ảnh: NGỌC HÀ
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa được thực hành trên những thiết bị hiện đại. Ảnh: NGỌC HÀ

Để phát triển lĩnh vực vi mạnh, bán dẫn và các lĩnh vực mang tính chiến lược theo định hướng của thành phố, Đà Nẵng cần phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao qua đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục STEM và kỹ năng số. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo và chuyển giao công nghệ. Chính sách định cư thuận lợi, môi trường làm việc đa văn hóa. Quảng bá hình ảnh Đà Nẵng như một trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Xây dựng các khu công nghệ cao, không gian làm việc sáng tạo (innovation hubs).

Theo báo cáo của tập đoàn tư vấn nhân lực Korn Ferry, đến năm 2030, thế giới sẽ thiếu hụt hơn 85 triệu nhân tài - gần bằng dân số nước Đức. Chính phủ cần đi đầu trong việc đào tạo nhân tài sẵn có, các địa phương, các tổ chức thông minh hơn đang chủ động đào tạo, nâng cao kỹ năng và phát triển nhân tài. Với tiềm năng và thành quả nổi trội, với chính sách thông thoáng, dưới sự soi đường của các Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng có tiềm năng trở thành điểm đến hấp dẫn cho học sinh, cho những người tốt nghiệp đại học cần đào tạo nâng cao tại các địa phương trong khu vực và cả nước, để vừa góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài toàn cầu, vừa thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng và Việt Nam. Sự hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan gồm chính quyền, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục để thực hiện các chiến lược trên.

GS. TRẦN VĂN NAM

------------------

[“Global Talent” tiếng Anh hay tiếng Nhật (Gurobaru jinzai), hay “Global jinzai”, tiếng Việt có thể hiểu là “Tài năng toàn cầu” hay ”Nhân tài toàn cầu” là thuật ngữ dùng để chỉ những người có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nổi trội trong các lĩnh vực chuyên môn, được công nhận trên phạm vi quốc tế. Những người này thường có vai trò quan trọng đóng góp vào sự phát triển và đổi mới trong ngành nghề của họ, đồng thời mang lại lợi ích cho các tổ chức và quốc gia mà họ làm việc]

;
;
.
.
.
.