Những chuyến biển "chở mùa xuân"

.

Cả cuộc đời gắn với biển cả, người ngư dân không đếm nổi số lần vươn khơi mưu sinh nhưng trong tâm khảm họ, những chuyến biển ngày cuối năm, đong đầy muôn vàn hy vọng về một mùa xuân mới luôn nằm lòng ký ức khó quên xen lẫn chút háo hức, lưu luyến và lòng biết ơn vô bờ...

Những chuyến biển cuối năm, người ngư dân chất chứa nhiều nỗi niềm khó tả, đồng thời, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp họ có thêm động lực vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.    Ảnh: HUỲNH TƯỜNG VY
Những chuyến biển cuối năm, người ngư dân chất chứa nhiều nỗi niềm khó tả, đồng thời, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp họ có thêm động lực vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ảnh: HUỲNH TƯỜNG VY

Với người ngư dân, theo quan niệm dân gian, phiên biển ngày cuối năm và đầu năm được xem là điểm khởi đầu và kết thúc mang ý nghĩa quan trọng. Bởi vậy, vươn khơi hai phiên biển tất niên và tân niên này, họ dành niềm kỳ vọng lớn, mong cá nặng, lưới đầy, cũng như cầu nguyện sóng yên, biển lặng đôi nhịp trên từng hải trình.

1. Những ngày cuối năm, đất trời như giao hòa, cái nắng, cái gió nơi biển cả dường như cũng êm dịu hơn, tôi gặp ngư dân Đặng Văn Nhựt (SN 1965, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), Tổ trưởng tổ sản xuất Thành Đạt để chuyện trò về những lần bám biển, nhất là các chuyến biển ngày cận kề Tết Nguyên đán. Lúc này, ông đang chuẩn bị nhiên liệu và ngư cụ cần thiết để tiếp tục dong thuyền ở ngư trường Hoàng Sa vào giữa tháng 12. Năm nào cũng vậy, ông sẽ vươn khơi đến khoảng 23 âm lịch rồi cập bờ nghỉ Tết. Nếu đi dài ngày, chi phí cao và việc tìm bạn thuyền khan hiếm bởi không đủ số lượng, một mình ông không thể khai thác. Ông chia sẻ, đi biển ngày cuối năm, ông và thuyền viên dốc hết sức để đánh bắt bởi đây là lúc thời tiết thuận lợi, con nước ấm, luồng cá nhiều.

“Theo lịch trình, sắp đến, tôi đi khoảng 15 ngày. Kết thúc chuyến này, đầu tháng 1, tôi tiếp tục đi chuyến cuối trước khi nghỉ Tết. Chi phí bỏ ra cho chuyến đi biển cuối năm và đầu năm cao hơn so với những chuyến đi trong năm nên chúng tôi khá áp lực. Nếu trúng thì niềm vui nhân đôi, chẳng may gặp bất trắc thì không đủ hoàn vốn. Tuy nhiên, bù lại, cận Tết nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao nên tôi rất hy vọng “bội thu”, ông Nhựt vui vẻ nói.

Nhìn về phía biển xa xa, từng con sóng miệt mài vỗ bạc đầu, nơi đất liền hàng dương liễu rì rào theo ngọn gió, nhấp vội điếu thuốc đang cháy dở, ông Nhựt tâm sự, gia đình có ba đời làm nghề biển, đến nay, ông cũng “ngót ngét” gần 40 năm theo nghiệp biển. Với con tàu công suất 740CV đánh bắt vùng khơi, làm nghề lưới vây, sản lượng mỗi chuyến đi đạt 8-10 tấn các loại cá thu, cá ngừ, cá bò… Một năm ra khơi gần 13 chuyến. Vì vậy, ông cảm nhận, con nước, con cá như vận vào thân, không thể bỏ nghề dù không ít lần gặp nguy nan nơi biển khơi lộng gió. Ông kể, cuộc đời ngư dân, biển như ngôi nhà thứ hai. Tính ra, thời gian ở biển nhiều hơn ở nhà. Chỉ đến ngày Tết, ngư dân mới buông tay lái, dành thời gian mươi ngày quây quần bên mâm cơm gia đình.

Với ông, những chuyến biển Tết luôn chất chứa cảm xúc khó tả bởi vừa lưu luyến khi sắp xa biển nhưng cũng vừa háo hức để sớm trở về cùng gia đình. Lão ngư tâm sự: “Khác với chuyến biển trong năm, những chuyến biển cận kề mùa xuân về, tôi luôn trong tâm thế phấn chấn, hào hứng. Như chuyến biển cuối năm hồi năm ngoái, tàu đạt sản lượng lớn, ngoài trả các chi phí nhiên liệu, tiền công thuyền viên, tôi lãi vài trăm triệu đồng. Vì vậy, ngoài niềm mong mỏi biển lặng, cá đầy khoang, để đón Tết tươm tất, đủ đầy, tôi còn biết ơn biển từ tận đáy lòng bởi cái nghề đã giúp vợ và các con có cuộc sống đầy đủ hơn”.

Những phiên biển cuối năm, trước khi xa biển dài ngày, ông Nhựt nói rằng, ông luôn dành thời gian trong ngày ngắm biển. Bởi biển lúc này đẹp vô cùng, trời cao vời vợi, mặt nước trong xanh như chiếc gương khổng lồ, phản chiếu cả người lẫn thuyền trên không gian rộng lớn. Chắc có lẽ, ngày bình thường, ông chưa cảm nhận hết cái đẹp, cái lộng lẫy của biển. Chỉ khi mùa xuân về, trên những chuyến biển ra khơi cùng niềm hy vọng năm mới khởi sắc, rực rỡ nên biển trong ông bỗng trở nên đẹp mờ ảo, lung linh tỏa sắc hơn bao giờ.

Mùa xuân trên chuyến biển ra khơi

Những phiên biển cuối năm, trước khi xa biển dài ngày, ngư dân Đặng Văn Nhựt (quận Sơn Trà) nói rằng, ông luôn dành thời gian trong ngày ngắm biển. Bởi biển lúc này đẹp vô cùng, trời cao vời vợi, mặt nước trong xanh như chiếc gương khổng lồ, phản chiếu cả người lẫn thuyền trên không gian rộng lớn. Chắc có lẽ, ngày bình thường, ông chưa cảm nhận hết cái đẹp, cái lộng lẫy của biển. Chỉ khi mùa xuân về, trên những chuyến biển ra khơi cùng niềm hy vọng năm mới khởi sắc, rực rỡ nên biển trong ông bỗng trở nên đẹp mờ ảo, lung linh tỏa sắc hơn bao giờ.

 

Trao cờ Tổ quốc cho ngư dân.       Ảnh: HUỲNH TƯỜNG VY
Trao cờ Tổ quốc cho ngư dân. Ảnh: HUỲNH TƯỜNG VY

2. Giống ông Nhựt, sau nhiều ngày buông neo vì biển động, ngư dân Võ Tấn Thu (SN 1970, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) lại tiếp tục chuẩn bị hành trang rẽ sóng ngày cuối năm. Dự kiến chuyến đi 15 ngày, nếu thời tiết thuận lợi, ông Thu dự đoán sẽ trúng “đậm”, được nhiều mẻ cá để có cái Tết no đủ, sung túc. Ông Thu bộc bạch, cả đời ra khơi bám biển nhưng với ông, những chuyến biển cuối năm luôn đong đầy cảm xúc đặc biệt. Bởi trên chuyến tàu này, ngoài nhiên liệu cần thiết, ông còn dặn lưng thêm hạt dưa, kẹo, bánh, mứt để sum vầy niềm vui mùa xuân mới với người bạn lớn, đó chính là biển.

Ông Thu cho biết, hơn 30 năm đi biển, đối mặt không ít rủi ro và đôi lần cái sống, cái chết cách nhau chừng gang tay. Nhưng ông luôn coi biển là bạn, là nhà, là quê hương, là một phần của cuộc đời nên không thể bỏ nghề. Cứ như thế, năm dài tháng rộng trôi qua, ông dần quên đi khó khăn, lấy tôm cá làm niềm vui nơi biển xa và chỉ biết rằng, phải dốc lòng với nghề, với biển và tin rằng, “lộc trời” không phụ lòng người. Quan trọng hơn, trong tâm thức mỗi ngư dân, đi biển không chỉ phát triển kinh tế gia đình, xã hội mà còn góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. “Những chuyến biển Tết không chỉ hy vọng thắng lợi mà nó giúp chúng tôi có khoảng thời gian ngẫm lại một năm trôi qua. Với biển, với cá, lòng biết ơn vô tận không thể nào tỏ bày, chỉ thầm cầu mong, biển luôn chở che, bao bọc, giúp ngư dân bình an trên từng dặm biển”, ông Thu xúc động nói. 

Để ngư dân vững tay lái giữa biển xa, có thể nói, những năm qua, thành phố luôn đi đầu trong thực hiện, triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân. Theo Đại tá Hồ Sỹ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa  đã kịp thời tiếp sức, hỗ trợ một số chi phí nhiên liệu, trang thiết bị, bảo hiểm cho ngư dân. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng thành phố thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho ngư dân không khai thác thủy sản trái phép và lồng ghép trao tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, áo phao, phao tròn, tờ rơi pháp luật, thuốc men…

Đồng thời, những con tàu có chiều dài  15m trở lên được thành phố lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, giúp lực lượng chức năng đánh dấu vị trí, hỗ trợ khi tàu gặp sự cố. Những điều kiện trên phần nào tiếp thêm động lực, để ngư dân yên tâm vươn khơi. Như lời chia sẻ của ngư dân Nguyễn Xấu, Tổ trưởng Tổ đoàn kết Thắng Lợi (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), thời trước, đi biển khá hiểm nguy bởi dựa vào may rủi. Bây giờ, ngư dân vui mừng bởi có máy móc, thiết bị hiện đại nên việc dự báo luôn chính xác và nhờ đó bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa mất mát. Vì vậy, sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước vừa giúp ngư dân bớt nỗi lo chi phí vừa có niềm tin bám biển và ở khơi xa đó, để mỗi ngư dân là một “cột mốc sống”, gìn giữ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc thiêng liêng.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.