Những món quà đong đầy yêu thương

.

Trong những chuyến du lịch, bất kỳ ai cũng muốn lưu giữ cho mình những kỷ niệm đẹp và tươi mới. Và món quà lưu niệm thật sự có ý nghĩa, gói gém trọn vẹn cảm xúc khi chúng được làm từ bàn tay và khối óc của con những người đặc biệt, đầy tâm huyết của vùng đất mà du khách đi qua.

Sự diệu kỳ từ những đôi tay tài hoa

Trở lại Đà Nẵng vào những ngày cuối năm, chị Fuuka Mori (Nhật Bản) đến thăm một trung tâm khuyết tật nằm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Điều ấn tượng và mang lại nhiều cảm xúc nhất cho chị là được chứng kiến những đôi bàn tay khéo léo của các em khuyết tật nơi đây đang thực hiện những cây thông Noel bằng len. “Tôi không nghĩ, những đôi tay bé xíu, không lành lặn ấy lại có thể làm ra được những sản phẩm đầy tính nghệ thuật đến vậy. Chắc mẹ tôi sẽ rất vui khi nhận được món quà ý nghĩa này với những câu chuyện thú vị về các em nhỏ rất dễ thương ở Đà Nẵng”, chị Fuuka Mori xúc động nói. 

Những món quà lưu niệm làm từ các mô hình về những công trình tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng được chị Trần Mỹ Quyên giới thiệu tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng).                 Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG.
Những món quà lưu niệm làm từ các mô hình về những công trình tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng được chị Trần Mỹ Quyên giới thiệu tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG.

Hiện Trung tâm chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật (Hội Chữ thập Đỏ thành phố) có 52 em khuyết tật 14-32 tuổi. Các em được các thầy cô dạy làm các sản phẩm lưu niệm như túi thổ cẩm, ví, xách tay, túi, tranh thêu, thiệp…Sức khỏe của trẻ khuyết tật thường yếu hơn người bình thường, nên thời gian làm có khi kéo dài nhưng lại kỹ lưỡng hơn trong việc chăm chút từng chi tiết để tạo ra sản phẩm. Chính sự tỉ mỉ và tính kiên nhẫn này lại tạo ra những sản phẩm rất đẹp và tinh xảo.

Khi chúng tôi ghé thăm, các em đang gấp rút làm 300 cây thông Noel bằng len cho khách. Cô Lê Thị Tuyết, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật vui mừng cho biết, khách du lịch đến tham quan trung tâm thường hay mua sản phẩm lưu niệm về làm quà. Ngoài ra, nhiều trường học, trung tâm ngôn ngữ khi dẫn khách đoàn đến tham quan, trải nghiệm kỹ năng sống cũng mua quà lưu niệm về cho người thân. Bên cạnh đó, các sinh viên tình nguyện đến tham gia sinh hoạt tại trung tâm cũng tích cực giới thiệu nguồn khách.

“Các loại ví được làm bằng nguyên liệu thổ cẩm từ Tây Bắc nên khách nước ngoài rất ưa thích. Hiện trung tâm tự thu tự chi nên các sản phẩm bán được từ các em là nguồn thu nhập chính. Những em khuyết tật nặng thì chỉ làm được những mẫu đơn giản, còn những sản phẩm mang tính đặc thù thì khó khăn hơn. Dù sao thì những sản phẩm lưu niệm này cũng do chính tay của các em làm ra nên du khách rất thích mua vì cảm phục nghị lực của các em”, cô Tuyết chia sẻ.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều trường, trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật làm quà lưu niệm. Điển hình như Trường Chuyên biệt tư thục Thanh Tâm có khoảng 300 em khuyết tật về khiếm thính, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ 3 đến 18 tuổi. Sau khi học văn hóa xong, các em được các sơ định hướng học nghề làm bánh, vẽ tranh, làm hàng thủ công mỹ nghệ… Nhiều em học xong có thể ra làm nghề vẽ tranh, vẽ áo dài. “Tình trạng sức khỏe của các em ở mức độ nặng nhẹ khác nhau nên các sơ phải quan sát kỹ từng li từng tí thì mới phát hiện năng khiếu đặc biệt của mỗi em để khuyến khích phát triển. Đối với những em thiểu năng trí tuệ, chúng tôi phải lặp đi lặp lại nhiều lần khi dạy để các em dễ nhớ”, sơ Nguyễn Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt tư thục Thanh Tâm cho biết.

Gửi tình yêu vào những sản phẩm lưu niệm

Với tình yêu Đà Nẵng, chị Phan Ngọc Xuân Thảo (người sáng lập thương hiệu thời trang Miuk Style) ngoài may áo dài cho khách du lịch, còn đầu tư công sức làm quà lưu niệm handmade trong đó ưu tiên tính tiện dụng cao như ví, túi xách, ví tiền, túi đựng đồ trang điểm, túi đựng cọ, thú bông, móc khóa, hoa len móc tay, mũ vải, băng đô, dây cột tóc… Đặc biệt, những khi có nguồn khách lớn, chị Thảo phối hợp Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng (CORMIS) để thực hiện những sản phẩm tinh tế.

Chị Thảo chia sẻ: “Những sản phẩm này được du khách ưa thích vì do chính tự tay người Đà Nẵng làm ra. Để tạo nên những sản phẩm độc đáo, tôi không chỉ chú trọng chọn chất liệu vải, mà còn làm những sản phẩm theo combo cùng màu với nhau, 5 dòng màu được ưa chuộng hiện nay như xanh dương, xanh lá cây, đỏ, cam, trắng. Các phụ kiện cũng sử dụng chất liệu mềm mại, thân thiện, bền và tinh tế như nút làm bằng gỗ, hoa văn. Chính điều này làm cho du khách thích thú, nhất là ví đựng hộ chiếu”.

Nhiều du khách đến Đà Nẵng còn ấn tượng về các mô hình cầu Rồng, cầu sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, Trung tâm Hành chính thành phố… bằng tăm tre do người đàn ông khuyết tật Hứa Văn Minh (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) làm. Đặc biệt những tác phẩm của anh Minh càng được lan tỏa rộng và đến tay nhiều du khách quốc tế khi có sự hợp tác đặt hàng của chị Trần Mỹ Quyên, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Minh An và được giới thiệu tại nhiều cuộc triển lãm du lịch trong và ngoài thành phố.

Để những chuyến đi của du khách thực sự ý nghĩa, chị Quyên phối hợp anh Minh làm những sản phẩm lưu niệm về di tích lịch sử như các mô hình nhà trưng bày Hoàng Sa, Tượng đài 2-9, đình làng Hải Châu và Hải Vân quan. “Chúng ta phải quan tâm đến nhu cầu của du khách cả về phần nhìn, phần trải nghiệm và quà lưu niệm. Chính điều đó mà dù có nhiều sản phẩm bán chạy như cầu Rồng, cầu Sông Hàn, Trung tâm Hành chính thành phố... nhưng chúng tôi vẫn nghiên cứu làm thêm các mô hình về di tích lịch sử. Bởi thông qua những mô hình này, tôi muốn giới thiệu cho du khách rằng, Đà Nẵng không chỉ nổi tiếng với những cây cầu bắc qua sông Hàn mà còn có những di tích lịch sử, những địa chỉ đỏ với những chiến tích hào hùng”, chị Quyên nói.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.