Những niệm lành vọng về quê xứ

.

1. ThS. Lê Hoài Việt (Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) hẹn cà phê cuối năm như lệ thường để chúc Tết tôi, trước khi em về Đà Nẵng đón xuân sum vầy bên gia đình. Ngoài ba mươi tuổi, Việt còn là thành viên Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía Nam. Giữa những bận rộn đó, Việt luôn giữ nếp về quê ăn Tết vào những ngày cuối Chạp. Trong câu chuyện của anh chàng gần 20 năm gá thân vào mảnh đất nắng ấm phương Nam này là sự nôn nao mỗi khi tiếng nhạc xuân rộn ràng vang lên, ký ức về cái Tết Đà Nẵng vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí của chàng thạc sĩ này.

Giảng viên Lê Hoài Việt trong bộ ảnh Tết chụp ở Đà Nẵng. Ảnh: PHƯỚC BẢO
Giảng viên Lê Hoài Việt trong bộ ảnh Tết chụp ở Đà Nẵng. Ảnh: PHƯỚC BẢO

Những ngày đầu tháng chạp, mẹ đã giục Việt canh mua vé tàu xe để không lỡ chuyến về sum vầy trong năm mới với gia đình. Mẹ cũng chuẩn bị nhiều món ăn từ thời xưa mà cậu con trai ưa thích. Thời điểm giao thừa, cả nhà lại quây quần bên nhau, cùng chúc những điều lành trong một năm mới đang đến. Sau đó lại kéo nhau đi chùa xuất hành đầu năm để hái lộc. Ngày đầu năm cũng háo hức chờ người hợp tuổi xông đất. Nhưng có lẽ với Việt, trong niềm nhớ rưng rức của cái Tết Đà Nẵng là những ngày đầu năm theo mẹ lên nghĩa trang Gò Cà thắp hương cho ông bà tổ tiên. Mùi Tết trầm ấm nhắc nhớ về một niềm thương tưởng với những người mình kính yêu.

Nếu Thành phố Hồ Chí Minh có chợ hoa Bến Thành, đường hoa Nguyễn Huệ thì Đà Nẵng của Việt cũng có chợ hoa ngay Tượng đài 2-9. Những ngày nhỏ với Việt, Tết là phải đi chợ hoa chỗ ấy. Không khí Tết nô nức một cách lạ thường. Công viên 23-9 vẫn nằm trong tâm khảm Việt bởi các hội chợ Xuân gần như là điểm vui chơi duy nhất của những năm tháng Đà Nẵng còn đang trở mình trên đà phát triển.

Bây giờ đã có cho riêng mình những thành công nhất định trên mảnh đất phồn hoa Sài thành, nhưng Việt vẫn chọn cho mình cách về quê ăn Tết chứ không ở lại Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đã sắp xếp mọi công việc ổn thỏa. Việt dọn dẹp nhà cửa, trang trí và bày mâm cúng kiếng đủ đầy, xong sẽ khóa cửa nhà bắt đầu tự mình chạy xe về Đà Nẵng.

2. Cũng như Việt, tôi chơi với Hùng, một người con của Đà Nẵng xa quê hơn hai mươi năm. Chàng biên tập viên kiêm người dẫn chương trình Trần Thanh Hùng vốn là Thạc sĩ văn hóa học, nhưng lại bén duyên cùng nghề phát thanh bằng Giải bạc Liên hoan phát thanh toàn quốc năm 2016. Bốn mươi tuổi, Hùng là gương mặt đinh trong các chương trình trực tiếp của Đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Quãng đường ngỡ chỉ quá giang một lần, đâu dè gá luôn phận mình với mảnh đất hối hả phát triển bậc nhất nước này. Công việc ổn định, Hùng cũng tạo dựng một tổ ấm cho riêng mình ở đây. Ấy vậy mà trong những ngày sắp Tết, trên khắp mọi nẻo đường, nhìn dòng người hăm hở mua sắm chuẩn bị cho những ngày xuân tròn đầy vui vẻ, anh chàng luôn đau đáu nỗi nhớ quê. Có lẽ trong những người bạn Đà Nẵng mà tôi có duyên may quen biết, Hùng là anh chàng mang nhiều nỗi hoài vọng về quê hương nhất.

Những ngày cuối năm, chúng tôi hay ngồi lại, như một kiểu chia sẻ những vui buồn một năm đã qua. Đâu đó trong câu chuyện của Hùng vẫn là một Đà Nẵng đang vươn mình phát triển, một nơi đáng sống nhất, Hùng cũng đang chuẩn bị cho mình chuyến về Đà Nẵng sau này, khi quãng đời đã thong dong với tuổi heo may.

MC Thanh Hùng vẫn giữ được những tấm hình đón Tết cùng gia đình ở Đà Nẵng. Ảnh: PHƯỚC BẢO
MC Thanh Hùng vẫn giữ được những tấm hình đón Tết cùng gia đình ở Đà Nẵng. Ảnh: PHƯỚC BẢO

Hùng thường lên tàu về quê đón Tết vào ngày 28, hoặc 29 âm lịch. Cũng có khi trễ hơn, đêm giao thừa sau khi hoàn tất công việc cuối cùng, Hùng tất bật vội vàng xách va li lên xe để kịp giờ máy bay cất cánh đêm 30 Tết. Dù xa hay gần, ai cũng muốn về quê trong thời khắc thiêng liêng này. Cũng có năm phải trực Tết, chẳng thể về hưởng không khí sum vầy bên gia đình ấm áp của mình, Hùng luôn xao xác một nỗi niềm lữ thứ. Với Hùng, đó là cái Tết chưa trọn vẹn của một đứa con xa quê. Có lần tác nghiệp tại đường hoa Nguyễn Huệ để phản ánh không khí đêm giao thừa, khi đồng hồ điểm 0 giờ, bầu trời rực sáng những chùm pháo hoa lung linh, tiếng pháo xẹt lên bầu trời, tiếng reo hò vỡ òa của công chúng đang chen chúc nhau dọc theo hai bên bờ sông. Bất giác nhìn mọi người đầm ấm bên nhau xem pháo hoa, tươi cười rạng ngời hạnh phúc, Hùng thấy chạnh lòng khi nhìn lại mình lẻ loi đi giữa đám đông.

Hùng kể tôi nghe về những cái Tết hồi thập niên 80, 90, ở Đà Nẵng còn giữ phong tục gói bánh tét và làm bánh in, bánh da, bánh thuẫn. Khi ấy không khí xôn xao trong từng khu xóm, nhà nhà rủ nhau làm bột, làm bánh, mượn khuôn, mượn lò, giúp nhau gói bánh tét, phơi bánh in, đó là những hình ảnh đặc sắc không dễ phai mờ với những ai đã trải qua

Đi xa nhiều năm, mỗi khi trở về Đà Nẵng ăn Tết, trong Hùng luôn có những cảm xúc rất đặc biệt. Thương nhất là được gặp lại họ hàng và những người hàng xóm thân thuộc thời thơ ấu, nay ai nấy đã già đi, gặp nhau, nhắc nhớ nhau về thời thơ ấu, càng làm nhớ thương quá đỗi. Ngày Tết vì vậy mà trở nên ấm cúng lạ thường. Tuy vậy, trong những năm gần đây, ngày Tết khi được về quê, Hùng nhìn sự thay đổi và phát triển không ngừng của Đà Nẵng lòng anh chàng lại thôi thúc cho chuyến về lại cố hương hơn bao giờ hết.

3. Tôi vẫn có một người bạn đặc biệt ở Đà Nẵng, đó là Lãng (tên thật là Hoàng Trọng Nghĩa). Anh chàng mang cái tên ngộ nghĩnh mà tôi quen biết trong những ngày Lãng còn là sinh viên ở Thành phố Hồ Chí Minh, đó là quãng đầu những năm 2000. Nhưng Lãng sau khi học xong thì chọn về Đà Nẵng, với tấm bằng công nghệ thông tin, Lãng sống khỏe với thời kỳ bắt đầu phát triển của thành phố bên sông Hàn. Với Lãng, quyết định về lại quê để tạo dựng của mình ngày đó là một quyết định sáng suốt và đúng đắn. Với Lãng, thứ mà con người ta luôn đau đáu nhất sau khi đã thanh thản, bằng an với cuộc đời chính là nỗi thèm quê. Lãng lập cho mình một công ty công nghệ N&L Teck.Co, đến giờ là gần hai mươi năm đứng vững ở thành phố biển này.

Mãi sau này, những lần tôi ra Đà Nẵng gặp Lãng, vẫn nụ cười và niềm tin ngày trẻ đó, Lãng chỉ cho tôi nhiều tòa nhà hiện đại đang mọc lên khắp nơi ở thành phố biển này. Lãng chở tôi đi qua những cây cầu đã trở thành biểu tượng khi nhắc về Đà Nẵng. Lãng tự hào bởi trong suy nghĩ của mình, chỉ vài năm nữa, Đà Nẵng sẽ vươn mình, bứt thoát một cách mạnh mẽ trong thời đại số hóa. Tôi nhớ, lần gần nhất khi tiễn tôi ra sân bay, Lãng đã kể về một Đà Nẵng là nơi hội tụ của ngành vi mạch và bán dẫn lớn nhất nước. Nụ cười của chàng trai vừa tròn bốn mươi tuổi như nở một nụ hoa với quê hương mình.

Tôi tin những người Đà Nẵng trẻ hôm nay, dù có bôn ba tận đâu cũng sẽ giữ trọn lòng mình với những niệm lành vọng về quê xứ mỗi mùa xuân sang.

TỐNG PHƯỚC BẢO

;
;
.
.
.
.